Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Tìm hiểu về lễ cầu thần chăn nuôi của dân tộc Mông ở Sapa


Lễ cúng thần chăn nuôi (Đá trồng) của người Mông nói chung và người Mông ở Nậm Cang (Sa Pa) nói riêng là một nét đặc sắc tồn tại và được duy trì ở hầu hết các gia đình, qua các thế hệ.
Đối với dân tộc Mông, cuộc sống của họ luôn gắn liền với sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chính vì vậy, dân tộc Mông cũng như các dân tộc khác, có rất nhiều các loại lễ, như lễ cúng thần chăn nuôi, lễ cúng thần lúa, lễ cúng cơm mới... Đặc biệt, trong đó có lễ cúng thần chăn nuôi (Đá trồng) của người Mông nói chung và người Mông ở Nậm Cang (Sa Pa) nói riêng là một nét đặc sắc tồn tại và được duy trì ở hầu hết các thế hệ, các gia đình.

le hoi chan nuoi250
Lễ được tổ chức khi một cặp vợ - chồng đã có con, nhằm khẩn cầu "Vị thần chăn nuôi" phù hộ cho chăn nuôi được nhiều gia súc, gia cầm... Lễ vật được trang bị là một con lợn cắp nách khoảng 10 đến 20 kg hoặc to hơn nữa tuỳ vào điều kiện gia đình. Lễ được tổ chức vào buổi tối, một ngày bất kỳ trong năm. Khi có ý định làm lễ cầu thần chăn nuôi thì cặp vợ - chồng đó chuẩn bị mọi thứ đồ vật cần thiết, như lợn, rượu... đầy đủ xong bàn với gia đình, anh em, họ hàng, chọn ngày đẹp nhất tiến hành làm lễ.

Lễ được tiến hành trong buồng của cặp vợ - chồng sau khi đã mổ lợn, luộc chín thịt, chuẩn bị một cành lá cây dẻ và lá cây lau, 6 cái âu hoặc rổ to, 6 cái chén đặt song song dọc theo lề giường (từ đầu giường đến cuối giường), một bát canh thịt nguội pha mật lợn và một quả bầu nhỏ dùng để múc nước canh. Con lợn được chặt ra thành 6 phần, phần đầu để rổ đầu tiên sát đầu giường, 4 cái chân để 4 rổ giữa theo đúng hình con lợn đang đứng và rổ cuối cùng để cái đuôi lợn.

Tiếp theo là tất cả lục phụ ngũ tạng của con lợn mỗi thứ cắt lấy 6 miếng nhỏ kèm với một quả trứng luộc chín và một bát cơm chia làm 6 phần, để lần lượt vào rổ. Sau đó, người chồng tay trái cầm cành cây dẻ, tay phải cầm quả bầu múc lấy một bầu nước canh thịt đã chuẩn bị sẵn và nói một hồi với những lời như: "Hôm nay ngày lành, tháng tốt, 2 vợ - chồng con mổ con lợn làm thịt, chuẩn bị cơm, rượu dâng lên thần, mời thần đến ăn và phù hộ cho hai vợ - chồng chúng con làm ăn phát đạt, ăn nên, làm ra, đàn gia súc, gia cầm ngày một sinh sôi, nảy nở, không bệnh tật, phát triển ngày một nhanh hơn... cầu mong thần phù hộ". Sau đó, đổ nước canh trong quả bầu vào chén lần lượt từ trên xuống dưới rồi nhờ người khác uống hết. Lại múc nước canh, khấn vái rồi đổ nước vào chén nhờ người uống tiếp... cứ làm như vậy đến khi đủ 5 lượt thì thôi.

 Lạ lùng lễ cầu thần chăn nuôi của dân tộc Mông Sapa
Kết thúc lễ, thái thịt lợn ra, bày mâm cơm rượu mời anh em, họ hàng đến ăn cùng chúc mừng và cầu mong cho đôi vợ - chồng sau khi làm lễ cầu thần chăn nuôi phù hộ thì gia đình sẽ làm ăn phát đạt, trâu, bò, lợn, gà... sẽ ngày càng đông đúc, nuôi con gì được con đấy, cùng chúc gia đình ngày một khá giả.

Lễ cầu thần chăn nuôi của dân tộc Mông là một nét đặc trưng mang bản sắc văn hoá dân tộc và ý nghĩa rất sâu sắc trong đời sống tâm linh của họ, người Mông luôn tin rằng, sau khi làm lễ cầu thần chăn nuôi thì cuộc sống của họ sẽ gặp nhiều may mắn, chăn nuôi được thuận lợi hơn và như vậy cuộc sống của mỗi gia đình sẽ ngày một khá giả lên. Điều đặc biệt sau khi lễ, họ thường chăm chỉ làm ăn, chăm sóc tốt những con vật nuôi trong gia đình với hi vọng chúng hay ăn, chóng lớn để phục vụ đời sống gia đình và tiếp tục cúng thần vào những năm sau được đàng hoàng hơn./.
Nguồn từ trithucsong.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét