Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Lễ Cầu an dân tộc Sán Chay, Yên Bái


Cầu an là một trong những nghi lễ quan trọng của người Sán Chay (Yên Bái). Đó là hình thức sinh hoạt tâm linh, gửi gắm những ước mong để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, mọi nhà ấm no hạnh phúc

Người Sán Chay, xã Hoà Cuông (huyện Trấn Yên, Yên Bái) có những phong tục, tập quán riêng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa dân gian, thông qua việc tổ chức các lễ hội. Nghi lễ Cầu an là một trong những nghi lễ quan trọng của dân tộc Sán Chay, nằm trong lễ hội hàng năm. Nghi lễ mang đậm dấu ấn văn hóa tín ngưỡng và giàu giá trị nhân văn.
Nghi lễ này thường được tổ chức vào tháng 6 Âm lịch hàng năm tại đình làng, nơi thờ tự Thành hoàng làng, cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng chung của người dân trong làng. Nghi lễ gồm hai phần: phần lễ và phần hội.
Phần lễ là phần cúng với nghi thức lễ trang trọng, thể hiện lòng biết ơn của dân làng đối với Thành hoàng làng, cầu cho dân làng được ấm no, bình yên, hạnh phúc, mùa màng bội thu. Thầy mo chịu trách nhiệm thực hiện lễ cúng. Lễ vật cúng gồm: xôi, thủ lợn, gà, hương, đèn nến, hoa quả, rượu, gạo, trầu cau, bánh kẹo, khom lúa và các biểu tượng được cắt bằng giấy màu xanh và đỏ tượng trưng cho các đuôi lúa còn xanh và khi lúa đã chín đỏ cùng một vài vật dụng khác.
Tất cả đều được dân làng chuẩn bị từ hôm trước, riêng lợn và gà được mổ từ sớm hôm sau để được tươi ngon. Mâm lễ được chuẩn bị tươm tất gồm thủ lợn đã luộc chín, hai con gà luộc buộc cánh tiên, xôi ngũ sắc gói bằng lá chuối, rượu, trầu cau, bánh kẹo… 3 cụm lúa được cắt ở dưới ruộng từ hôm trước, các lá vàng giấy được gấp thành hình chiếc thuyền, tượng trưng cho chứa đựng mùa màng bội thu.
Khi giờ tốt đã đến, thầy cúng bắt đầu ngồi vào làm lễ. Nội dung bài lễ cúng nêu thời gian, địa điểm, tên người làm lễ cúng thay mặt dân làng có lễ vật, phẩm vật… với lòng thành kính, kính mời 4 vị thần: núi, sông, Thành hoàng làng và tổ tiên, tổ tông 3 đời về uống rượu xơi trầu, ăn xôi, ăn thịt, phù hộ cho dân làng, cầu cho dân làng được ấm no, bình yên, hạnh phúc, mùa màng bội thu… Sau đó, thầy mo mời 3 cụ cao niên trong thôn lên rót rượu kính 3 vái thần núi, thần sông, Thành hoàng làng và tổ tiên. Sau khi đã làm xong phần lễ, thầy cúng xin âm dương và làm thủ tục hóa vàng. Tất cả vật phẩm bằng giấy như tiền vàng, biểu tượng con vật và bông lúa được thầy cúng hóa trong một chiếc chậu và khấn gửi thần núi, thần sông, Thành hoàng làng và tổ tiên chứng giám.
Phần hội trong nghi lễ Cầu an của dân tộc Sán Chay thu hút đông đảo người dân tham gia với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: đu quay, kéo co, đẩy gậy… đặc biệt là phần hát đối đáp, gọi là hát Xình ca. Các điệu múa trong ngày này cũng được các nghệ nhân, nam, nữ thanh niên mang ra trình diễn như: múa chim gâu, múa xúc tép, múa phát đường, múa chày, múa cơm mới… Các động tác múa mô phỏng động tác lao động, sản xuất trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào, mong muốn một cuộc sống bình yên, no đủ… Phần hội có thể kéo dài một hoặc hai ngày là do quy mô tổ chức của địa phương.
Nghi lễ Cầu an của dân tộc Sán Chay (Yên Bái) là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm yếu tố phản ánh về cội nguồn, diện mạo văn hóa tinh thần của người Sán Chay, là môi trường lưu giữ một cách sống động các giá trị văn hóa dân tộc, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam
Nguồn từ dulichvn.org.vn

Lễ hội cầu mùa của đồng bào Sán Chay

Lễ hội cầu mùa là một trong những lễ hội lớn với nhiều nét văn hóa đặc trưng, độc đáo và truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Chay (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên).

Nghệ nhân La Như Ý, thầy cúng thực hiện nghi lễ trong lễ hội cầu mùa cho biết, đồng bào dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên thường tổ chức Lễ hội cầu mùa vào trước hoặc sau Tết Nguyên Đán hàng năm. Vào ngày tổ chức lễ hội cầu mùa, bà con trong làng chuẩn bị đầy đủ các lễ vật như thịt gà, thịt lợn, chuẩn bị đèn nến và các lễ vật khác. Lễ vật chính trong lễ hội cầu mùa gồm có thủ lợn, đuôi lợn, chân giò, có mâm xôi, con gà, quả trứng, có các loại bánh do bà con tự làm, hoa quả, đèn, nến, 2 cây nêu để 2 bên…

Đồng bào dân tộc Sán Chay tổ chức Cúng cầu mùa.
Thầy cúng La Như Ý cho biết, với đồng bào Sán Chay, đồ vật không thể thiếu trong khi làm lễ là những bức tranh cổ đi kèm. Một bộ tranh cổ đầy đủ của các thầy cúng gồm có 28 tờ tranh, từ tranh Ngọc Hoàng, tranh chiếu mệnh… mỗi bức tranh được vẽ với những hình ảnh khác nhau, và được dùng trong những dịp khác nhau. Ví dụ, tranh dùng trong lễ cúng người chết, tranh dùng trong lễ cúng cấp sắc, tranh dùng trong lễ cầu mùa… 

Bên cạnh các bức tranh, những đồ vật cần có trong lễ cúng cầu mùa là một thanh kiếm (hoặc đao), tượng trưng cho những dụng cụ làm đất trồng trọt… Chiếc trống đất được làm từ vỏ cây, trong khi thầy cúng làm lễ cúng xin trời đất tạo mưa thuận gió hòa, thì tiếng vang từ chiếc trống đất được coi như là chiếc cầu nối trời đất, âm dương, gửi gắm và truyền tải ước vọng của bà con đến các thần linh. Tiếng trống vang thấu lên trời, để Ngọc Hoàng giao cho Thổ công có trách nhiệm phù hộ dân nơi đó 4 mùa bình an.


Điệu múa tắc xình của đồng bào dân tộc Sán Chay.
Khi các lễ vật đã chuẩn bị xong, chủ lễ trong trang phục lễ tế bắt đầu hành lễ cầu xin các thần linh phù hộ cho dân làng quanh năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, muôn loài được sinh sôi nảy nở, làng xóm yên vui. Mọi người trong làng luôn mạnh khỏe, có cuộc sống ấm no…

Thầy cúng La Như Ý khấn xin thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng khỏe mạnh.
Sau khi thầy cúng thực hiện xong nghi lễ quan trọng, bà con trong làng cùng nhau múa điệu múa Tắc Xình, một điệu múa độc đáo của đồng bào dân tộc Sán Chay Múa Tắc Xình trong Lễ hội cầu mùa gồm 9 điệu cơ bản như điệu thăm đường, điệu lập làng, điệu bắt quyết, điệu đánh mài dao, điệu phát nương dọn rẫy, điệu tra mố, điệu hái lượm, điệu mừng mùa vụ, điệu chim câu...

Lễ hội cầu mùa và điệu múa tắc xình của đồng bào dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên là phong tục văn hóa đẹp từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và con người, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động...
Phương Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét