Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Lạ lùng lễ hỏi chồng của thiếu nữ Ê Đê


Đến tuổi “cập kê”, các cô gái Ê Đê chủ động đi tìm người bạn đời của mình thông qua những dịp như hiếu hỉ, hội hè. Nếu chàng trai nào lọt vào “mắt xanh” của cô gái thì sau mùa màng cô sẽ thông báo cho bố mẹ để nhờ ông mai dẫn mối tới nhà trai để…dạm hỏi chồng.
Đối với nhiều người chuyện đi hỏi chồng của thiếu nữ Ê Đê trở thành sự lạ. Nhưng với đồng bào dân tộc Ê Đê người có quyền lực cao nhất trong gia đình người là phụ nữ. Họ được quyền chủ động cưới chồng, đàn ông cư trú phía nhà vợ, con cái mang họ mẹ.
Chiếc vòng hôn thú
Nghi lễ cưới xin của người Ê Đê được gọi Yâo Ung Mỗ. Tới nay, nghi lễ này vẫn ảnh hưởng đậm nét của chế độ mẫu hệ.
Lễ cưới truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê được tiến hành tuần tự theo 4 bước. Đó là Lễ hỏi chồng (Nao huh); Lễ thoả thuận (Knăm); Lễ gọi chồng (Yâo Ung) và lễ lại mặt (Siê Knăm).
Lễ vật đi hỏi chồng của thiếu nữ Ê Đê.
Lễ hỏi chồng (Nao huh) là bước đầu tiên trong hôn lễ. Cô gái “ưng cái bụng” chàng trai nào thì nhờ người mối đưa chiếc vòng. Chất liệu chiếc vòng tùy thuộc vào hoàn cảnh của gia đình cô gái để mở đầu cho việc giao thiệp với nhà trai. Chiếc vòng của người Ê Đê không khác gì cơi trầu sang dạm ngõ nhà gái của người Kinh. Chàng trai đó đồng ý thì nhà gái sang nhà trai tổ chức lễ trao vòng.
Trao vòng cầu hôn trong nghi lễ hỏi chồng là bắt buộc, quan trọng nhất của các cô gái khi làm đám cưới. Cô gái và chàng trai cùng chạm tay vào chiếc vòng đồng. Đó coi như lời giao ước hôn thú, có sự chứng giám của thần linh, có sự công nhận của cộng đồng, và sự thống nhất của cặp uyên ương. Từ sau lễ trao vòng, hai gia đình đã chính thức kết mối thông gia.
Cô gái Ê Đê đi hỏi chồng.
Sau đó, mỗi gia đình cử ra một người đỡ đầu của gia đình mình, còn gọi là Miết Ava. Từ đây Miết Ava không chỉ thay mặt gia đình, giúp đôi trẻ trong mọi nghi lễ để thành vợ thành chồng mà trong suốt cuộc đời còn lại sau này, ông luôn đóng vai trò như cha mẹ, khuyên răn chú rể, cô dâu và dàn hoà mọi bất hoà giữa hai gia đình.
Cũng tại lễ trao vòng, nhà trai thoả thuận vật thách cưới, thời gian rước rể và trao cho bên nhà gái chiếc vòng để làm tin cho việc đính ước. Nhà trai cũng tổ chức bữa cơm rượu mời bên nhà gái.Trường hợp chàng trai không đồng ý thì lễ hỏi phải dừng lại, chờ đến khi sợi tơ hồng cuốn chặt.
Cô gái Ê Đê đến nhà chàng trai để trao vòng.
Tục gửi dâu...
Trước khi lễ cưới chính thức diễn ra, hai họ thực hiện thủ tục “gửi dâu” (K’năm). Đại diện nhà gái (Pô eemuh) dẫn cháu gái đến ở nhà chồng chưa cưới theo thoả thuận giữa hai bên. Lễ vật “gửi dâu” gồm có: một con gà, một nắm xôi và một ché rượu để làm lễ K’năm. Lúc này nhà trai đưa ra vật thách cưới: một con heo, 7 ché rượu, của hồi môn là 2 con trâu, 3-5 con bò, hàng chục ché rượu, voi…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hường, Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lắk, điểm độc đáo trong nghi lễ hỏi chồng của người Ê Đê đó là tục gửi dâu. Tức là thử thách người con gái đó xem có chăm chỉ làm ăn hay không, có biết lo toan việc nương rẫy, dệt vải, nấu rượu cần không thì mới cho cưới chàng rể. Đây là điều mang tính giáo dục sâu sắc đối với các cô dâu, nhất là lứa tuổi 8x, 9x...
Lễ rước rể trong đám cưới của người Ê Đê.
Trong ngày rước rể (Tuhan), nhà trai làm lễ tiễn con bằng một ché rượu, một con heo, sau đó nhà gái tổ chức rước chàng rể về nhà mình. Để rước rể, nhà gái làm lễ cúng cho cha mẹ chàng rể và các thành viên trong gia đình. Cụ thể, cúng cho cha một con heo; cúng cho mẹ một con trâu, 8 chiếc vòng tay tượng trưng cho sự ràng buộc gửi gắm, một chiếc bát đồng tượng trưng cho nồi cơm và bầu sữa mẹ, một tấm mền tượng trưng cho sự ấm cúng gia đình.
Già làng bên ché rượu cần mừng hạnh phúc đôi trẻ.
Cũng trên đường về nhà, đoàn rước rể phía nhà gái lần lượt trao vòng đồng cho chú rể thay cho lời chúc tụng. Khi đám rước về đến cổng nhà gái, một đại diện nhà trai chặn lại, việc này thể hiện sự níu kéo, lưu luyến giữa gia đình nhà trai với chú rể. Lúc này nhà gái phải trao cho người đó một vòng đồng mới được đi tiếp. Trên đường về nhà gái, các thanh niên trai gái té nước vào người chú rể để lấy may mắn, hạnh phúc bền lâu.
Lễ té nước với mong muốn sinh nhiều con gái, vợ chồng yêu quý nhau, mùa màng thóc lúa đầy bồ, thóc gạo đầy kho, heo gà đầy chuồng...
Cũng theo bà Hường, lễ hỏi chồng của người Ê đê là nét văn hóa truyền thống theo chế độ Mẫu hệ nhưng trong nghi lễ cũng đảm bảo được luật pháp trong đó. Lễ rước rể mang nét văn hóa tâm linh vừa và văn hóa cộng đồng với nhiều hoạt động như hát múa hò reo. Đặc biệt lễ té nước với mong muốn sinh nhiều con gái, vợ chồng yêu quý nhau, mùa màng thóc lúa đầy bồ, thóc gạo đầy kho, heo gà đầy chuồng....
Nghi lễ hỏi chồng đã có nhiều chuyển biến. Nếu như trước đây, những lễ vật thách cưới có giá rất cao như cha thì cần có con trâu, mẹ là 3 con heo rồi gù lúa, ché tang ché túc thì nay đã được tinh giảm đi rất nhiều.
Dân ca, dân vũ là điều không thể thiếu trong lễ cưới của người Ê Đê.
Cô dâu dưới 18 tuổi không được đi hỏi chồng, dù có hỏi rồi cũng không được làm lễ cưới. Đặc biệt, cán bộ văn hóa xã vận động trai gái trong làng thực hiện luật hôn nhân và gia đình.
Trong lễ cưới của người Ê Đê, âm nhạc là thứ không thể thiếu được, bên nhà Rông, bên ché rượu cần các chàng trai cô gái của Tây Nguyên cất cao tiếng hát cùng nhau nhảy múa để mừng cho hạnh phúc của đôi trẻ.
Nguồn từ www.ngaynay.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét