(Báo Quảng Ngãi)- Tết của đồng bào Hrê đã hòa cùng với Tết cổ truyền của dân tộc, nhưng ẩm thực trong ngày Tết của đồng bào luôn mang đậm bản sắc riêng. Những món cá niêng, thịt trâu nướng, thịt trâu nấu xà pần, canh mít nấu lá lốt, gà rừng nướng... được tái hiện trong ngôi nhà sàn ở Bảo tàng Ba Tơ nhằm phục vụ du khách mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Chúng tôi cũng như bao du khách khác, đến tham quan Bảo tàng Ba Tơ vào ngày Tết khi trời đã quá trưa. Quán xá đóng cửa. Thế nhưng, mùi thơm của cá niêng nướng, gà rừng nướng... bay ra từ nóc nhà sàn khiến bước chân du khách cứ hướng về nơi ấy. Phía bên trong nhà sàn, các chị, các mẹ trong trang phục truyền thống dịu dàng chế biến những món ăn.
Rượu cần – một thức uống không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết của đồng bào Hrê. |
Trong gian bếp, những con cá niêng, thịt trâu, gà... được nướng trên những hòn than đỏ rực. Khói bay nghi ngút, du khách chảy nước mắt, nhưng các chị vẫn điềm nhiên lật trở những món đang chế biến. Khoảng 20 phút sau, các món ăn như cơm nấu từ gạo rẫy được giở ra rá (rổ), cá niêng nướng kèm chén muối ớt, thịt trâu nấu xà pần được múc ra tô, canh mít non nấu lá lốt, cá chạch nấu lá giang, gà rừng nướng.... lần lượt được bày biện ra ngoài đầu tra (đầu nhà sàn) khá đẹp mắt để mời khách. Mâm cơm thật đầy đặn, hài hòa với đủ sắc màu. Màu đỏ của gạo lúa rẫy, màu vàng của gà rừng được nướng lên thơm lừng, màu trắng của mít non quện cùng màu xanh của lá lốt, kết hợp màu nâu của món thịt trâu nấu xà pần... làm cho bữa cơm thêm thi vị. Chúng tôi đã được thưởng thức từng món ăn. Mỗi món đều có một vị đặc trưng riêng mang đậm hương vị của núi rừng, sông suối.
Già Phạm Thị Bóc ở thôn Làng Tăng, xã Ba Thành được tuyển vào bảo tàng để nấu nướng, dệt thổ cẩm phục vụ du khách. Già Bóc giới thiệu: “Đây là những món ăn truyền thống của đồng bào Hrê trong dịp Tết cổ truyền. Nhà khá giả thì còn có rượu cần, có cả tiếng cồng chiêng đánh lên sau khi bà con sum vầy ăn uống. Nhà làm ăn thất bát trong năm thì cũng phải có từ 2- 3 món ăn truyền thống. Nhưng món cá niêng nướng và món thịt trâu nấu xà pần thì không thể thiếu trong mỗi gia đình khi Tết đến Xuân về.
Nguyên liệu chế biến những món ăn truyền thống của đồng bào Hrê đa số được hái, bẫy, bắt từ núi, từ sông suối và chăn nuôi. Vì vậy, trước khi Tết đến đàn ông vào núi đặt bẫy thú rừng và đi ngược các dòng thác để bắt cá niêng. Đàn bà dậy từ sáng sớm đến các sườn đồi hái lá giang, rau ranh, vào núi sâu hái lá dong để gói bánh ga gu và chế biến món ăn. Khoảng 28 – 30 Tết, đồng bào lại tập kết nguyên liệu ở đầu tra để bắt đầu lặt, hái. Nhà khá giả thì đâm thêm trâu, xẻ heo để món ăn được phong phú trong Tết cổ truyền.
Trong bữa ăn ngày Tết của đồng bào Hrê còn có rượu cà rỏ, tiếng cồng, tiếng chiêng hay các tiếng đàn vinh vút, đàn B’rooc ngân lên. Từ giữa tháng Chạp, đồng bào đã chuẩn bị nấu rượu xoay quanh bếp. Khi lá chuối trên miệng chóe khô thì cũng là lúc rượu đã chín, chủ nhà có thể mang ra đầu tra để đãi khách cùng với các món ăn. Trong thời gian chờ rượu chín, hay chuẩn bị thức ăn để nấu trong những ngày Tết, đàn ông trong gia đình vào gác bếp lấy bộ chiêng ra lau chùi chuẩn bị cho ngày lễ, hội.
Tại ngôi nhà sàn Bảo tàng Ba Tơ đã tái hiện cả không gian ẩm thực của đồng bào Hrê, từ khâu chọn nguyên liệu đến cách chế biến và thưởng thức. Nơi đây, còn có cả tiếng chiêng, tiếng đàn mà những nghệ nhân đánh chiêng, đánh đàn, những người chế biến món ăn được tuyển chọn từ các xã. Chúng tôi vừa kết thúc những món ăn truyền thống của đồng bào, thì được mời đến ngồi vòng quanh chóe rượu để thưởng thức món rượu cần. Lần lượt từng người khách cầm triên vít một hơi dài, thì tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng đàn lại nổi lên. Qua không gian này, du khách có thể hiểu hơn về nét văn hóa, ẩm thực của đồng bào Hrê khi Tết đến xuân về.
Bài, ảnh: MAI HẠ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét