Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019

Chiếc vòng tâm linh của người Vân Kiều

Vanhien.vn - Sống giữa bát ngát đại ngàn hùng vĩ, bao đời nay, người Vân Kiều luôn giữ một tinh thần phóng khoáng và tấm lòng rộng mở. Họ sẵn sàng nhận phần thiệt thòi, nhường cơm áo với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Duy chỉ một tín vật mà mọi người thường chỉ sẻ chia với những người sống dưới một mái nhà, đó chính là chiếc vòng cườm hay còn gọi là vòng mã não.
Vòng cườm (vòng mã não) của người phụ nữ Vân Kiều.
Theo quan niệm của bà con, vòng mã não chính là nơi ngự trị của thần trường thọ, no ấm, may mắn, được xem là chiếc vòng "hộ mệnh" của người Vân Kiều.
Tự bao đời, chiếc vòng mã não tâm linh này đã trở thành người bạn tri kỉ, chứng kiến những bước thăng trầm trong cuộc sống mỗi một người Vân Kiều. Chuyện giàu nghèo, sang hèn cũng sinh ra từ chiếc vòng tâm linh này.
Ngày từ khi mới chào đời, những cô bé Vân Kiều đã được đeo chiếc vòng này. Trước sự chứng kiến của cả gia đình, cô bé mới chào đời trở thành nhân vật chính trong một nghi lễ truyền thống của dòng tộc. Sau khi già làng mời các vị thần về ban phước lành, cô bé được ông bà đeo lên cổ chiếc vòng với một hạt mã não nhỏ xíu. Từ đây, như nhiều đứa trẻ khác, những cô bé người Vân Kiều đã có một vị thần bổn mệnh của riêng mình.
Đặc biệt, chiếc vòng mã não tâm linh này cũng là tín vật không thể thiếu trong lễ cưới của người Vân Kiều. Ngoài những tặng phẩm truyền thống, họ hàng nhà trai cần chuẩn bị ít nhất một chiếc vòng mã não để đôi bạn trẻ làm của hồi môn. Tùy vào điều kiện của từng gia đình, chiếc vòng này có thể gồm 3 hoặc 5 hạt trên một xâu, kết thành nhiều chuỗi. Về phần mình, gia đình nhà gái dẫu khó khăn đến đâu cũng phải có 1 hoặc 2 hạt mã não để làm quà chúc phúc cho con.
Theo quan niệm, hễ thiếu nữ nào nhận chiếc vòng mã não của người khác giới nghĩa là trái tim cô ấy đã có chủ. Thế nên, dẫu người con gái đó có là bông hoa rừng đẹp nhất thì những kẻ si tình cũng không dám buông lời tán tỉnh. Đó là lý do khiến các bậc cha mẹ người Vân Kiều luôn căn dặn con em phải suy nghĩ thật kĩ khi nhận chiếc vòng mã não của ai đó.
Trong tiềm thức, người Vân Kiều luôn tin rằng, thần may mắn, no đủ, trường thọ chỉ phù trợ ai có đá mã não. Khi một người từ trần, họ sẽ mang theo chiếc vòng mã não gắn bó nhất với cuộc đời mình sang thế giới bên kia. Hạt mầm ấm no, hạnh phúc sẽ mọc lên từ viên đá mã não, vỗ về người đang sống. Những chiếc vòng mã não còn lại sẽ được trao cho con cháu trong gia đình. Thông thường, việc chọn người xứng đáng để trao chiếc vòng linh thiêng này được cân nhắc rất kĩ. Khi trao kỉ vật, nàng dâu sẽ được chú ý nhiều hơn cả cô con gái.
Bởi theo quan niệm truyền thống, nàng dâu chính là người quyết định sự sinh sôi của cả dòng tộc. Người con gái dẫu chung huyết thống nhưng khi lấy chồng thì trở thành con nhà người khác. Điều này cũng chính là lời răn dạy mỗi nàng dâu khi đã về nhà chồng thì phải hiếu thuận với cha mẹ, yêu chồng, thương con.
Chiếc vòng mã não gói gọn nhiều giá trị của người Vân Kiều. Mỗi dịp lễ lạt, người phụ nữ Vân Kiều thường lấy các loại trang sức được cất giữ ra giới thiệu với con cháu. Mỗi chiếc vòng mã não, khuyên tai, vòng bạc đều gắn với một câu chuyện về cuộc đời của mỗi người phụ nữ.
Tuy nhiên, trong số đó, họ quý nhất là những chiếc vòng cổ tết bằng đá mã não. Người phụ nữ Vân Kiều cho biết: những vòng mã não này là tín vật hôn nhân của các cặp vợ chồng, chúng rất quý, nay có tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy đâu. Cũng vì giá trị của những chiếc vòng mã não mà người phụ nữ Vân Kiều luôn căn dặn con cháu phải biết quý trọng, bảo vệ thứ của hồi môn này và xem đó là món quà cha ông để lại.
Ngược dòng lịch sử, trước kia người ta thường nhìn vào chiếc vòng mã não để đoán định địa vị một ai đó. Thông thường, những người giàu sang, có quyền lực thường lùng tìm những chiếc vòng có hạt mã não đẹp, độc đáo nhất để trưng diện. Theo các nghệ nhân nổi tiếng với nghề chế tác trang sức truyền thống: trước kia, những hạt mã não có màu phớt đỏ hoặc trắng sữa với nhiều lớp đồng tâm quanh một điểm được xem là của hiếm. Người ta phải xuống vực sâu hoặc đào trong lòng núi mới có thể tìm thấy. Thế nên, nhiều gia đình giàu sang sẵn sàng đổi cả con trâu bạc để "tậu" về chiếc vòng quý.
Bên cạnh đó, không ít hộ dẫu hoàn cảnh khó khăn cũng cố mua bằng đủ số vòng mã não cho từng thành viên trong gia đình, đặc biệt là người con gái mới lớn. Để giải thích cho điều này, người Vân Kiều chia sẻ: trước kia, cô gái nào không có vòng mã não đẹp thì ít người theo đuổi lắm. Thậm chí, đến lúc lập gia đình nếu người ấy không có được nhiều chuỗi vòng giá trị thì cũng chẳng được kính trọng. Đơn giản vì bà con cho rằng, các vị thần không kề bên, phù trợ thì cô gái ấy khó làm tròn nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ.
Ngày nay, tuy giá trị vật chất đã giảm đi đáng kể nhưng chiếc vòng mã não vẫn mang "sức mạnh tinh thần" rất lớn. Thực tế, nhiều phụ nữ lớn tuổi không bao giờ bỏ chuỗi mã não ra khỏi người. Họ cho rằng thứ trang sức này có hồn vía. Thế nên, khi không đeo nữa, người cao tuổi sẽ rất dễ bị ốm. Bên cạnh đó, nếu ai dại dột cho người khác mượn chiếc vòng mã não thì sự sang giàu, quyền quý sẽ tiêu tan.
Đặc biệt, người Vân Kiều rất kiêng kỵ việc đánh mất hoặc để vòng mã não bị sứt mẻ. Họ tin, nếu điều ấy xảy ra, mọi tai ương sẽ giáng xuống gia đình mình. Thế nên, mỗi khi thấy vòng mã não bị rạn nứt, sứt mẻ, bà con thường nhường chuỗi vòng đó cho người nghèo, xem như làm phúc để hi vọng giảm bớt sự xui rủi. Sau đó, họ sẽ tức tốc làm lễ cúng, xin thay thế bằng một chuỗi mã não mới để thay đổi vận mệnh.
Với niềm tin sâu sắc, người Vân Kiều luôn chọn mã não làm tặng phẩm quý dâng lên thần rừng, thần đất, thần nước... Trong các nghi lễ lớn, chuỗi vòng mã não luôn được đặt ở mâm chính. Chiếc vòng được chọn để cúng tế nhất thiết phải đẹp mắt, được xâu chuỗi cầu kỳ. Người dân nơi đây tin rằng, các vị thần khi nhận được món quà giá trị này sẽ hào phóng ban tặng mưa thuận, gió hòa để bà con có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đến các bản làng của người Vân Kiều ở phía tây tỉnh Quảng Bình hôm nay, không khó để bắt gặp hình ảnh những phụ nữ lớn tuổi đeo vòng mã não. Tuy nhiên, hiếm hoi lắm chúng tôi mới thấy hình ảnh chiếc vòng tâm linh này đeo trên chiếc cổ của thiếu nữ vùng cao. Thực tế ấy báo hiệu nét văn hóa độc đáo mang bóng dáng của chế độ mẫu hệ đang dần mất đi, nhường chỗ cho các quan niệm mới. Tuy nhiên, chắc chắn trong tiềm thức của cư dân miền sơn cước, chiếc vòng mã não sẽ mãi mãi là biểu tượng đẹp, tượng trưng cho sự thịnh vượng, uy quyền và linh thiêng.
Nguồn: Báo Quảng Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét