Dân tộc Cor là dân tộc có số dân đông thứ ba trong tỉnh Quảng Ngãi và là dân tộc có số dân đông thứ hai trong các dân tộc thiểu số, sau dân tộc Hrê với khoảng 3 vạn người. Địa bàn cư trú của dân tộc Cor ở các huyện Trà Bồng, Tây Trà của tỉnh Quảng Ngãi và một ít ở huyện Trà My tỉnh Quảng Nam. Xưa kia, người ta hay gọi người Cor là người Cua, người Trầu. Sau này, căn cứ vào phát âm khác nhau, người ta cũng ghi là Co, Cool, Kor… Tên tự gọi của dân tộc là Cor, là tộc danh chính thức.
Cũng như đồng bào các dân tộc ít người ở miền núi Quảng Ngãi, đồng bào dân tộc Cor ở các huyện Tây Trà và Trà Bồng là cư dân bản địa, sống lâu đời trên quê hương vùng cao. Định cư trên địa bàn nhiều núi non hiểm trở, địa hình chia cắt, không có nhiều điều kiện để phát triển nghề trồng lúa nước, nên kinh tế truyền thống của người Cor ngoài cây quế rất nổi tiếng, sản xuất lương thực chủ yếu là phát nương, canh tác lúa rẫy. Tuy nhiên, canh tác lúa rẫy ngày xưa của đồng bào theo hình thức luân canh, luân khoảnh, hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, năng suất thấp. Đó là chưa kể đến yếu tố thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh phá hoại… Hạt lúa, hạt nếp làm ra thật lắm gian nan. Làm ra được cái ăn nhọc nhằn như thế, nên tâm tưởng người Cor luôn biết ơn “Thần lúa” đã cho cái rẫy mình nhiều hạt. Lễ hội Tết ngã rạ chính là hình thức tỏ lòng biết ơn “Thần lúa” và cũng là dịp để ăn mừng sau một mùa rẫy bội thu.
Tết ngã rạ (Người Cor gọi là Xa-a-ní; có nơi gọi là Xa-viết) của người Cor gắn với nhà sàn dài, gọi là Nóc. Mỗi nóc thường có nhiều hộ gia đình cùng huyết thống sinh sống. Nhà nào, nóc nào có điều kiện và có khả năng thì tổ chức ăn Tết theo theo thời điểm thích hợp. Tuy diễn ra không đồng loạt, nhưng Tết ngã rạ thường được tổ chức trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11 âm lịch hàng năm, khi công việc nương rẫy đã vơi, lúa, bắp đã về kho, hơn nữa thời điểm này trong năm đang là cao điểm của mùa mưa, lạnh, nên còn rảnh rỗi.
Để tổ chức tết ngã rạ được trang nghiêm, đầy đủ các lễ vật dâng lên cúng “thần lúa” và vui chơi, ngay từ cả tháng trước, ngoài các vật nuôi có sẵn trong nhà: heo, gà, vịt, người dân trong làng đã phải tranh thủ làm bẫy, đi bắt chim, thú, đặc biệt là những loài chuyên phá hoại cây lúa, phá hoại mùa màng như chuột, sóc, khỉ, để dành dâng cúng thần lúa. Những người phụ nữ phải tập trung gói bánh la cót, bánh la-tốp, ngâm nếp dồn và ống nứa làm bánh la-hlót hay bánh rông, loại bánh tựa như cơm lam ở miền núi phía Bắc. Đến đêm, bánh được nấu trong nồi, trong khi bánh trong ống nứa thì nướng trên bếp lửa; đàn ông thì soát xét lại các lá chuối rừng, các tấm vĩ pa-ra bày biện lễ vật tất cả đểu sẵn sàng để phục vụ cúng lễ vào sáng sớm hôm sau.
Một khâu quan trọng nữa trong tết ngã rạ là dân làng tổ chức đi lấy lúa thiêng trên rẫy về làm lễ cúng thần. Đây là nghi lễ đầu tiên của Tết ngã rạ của người Cor. Già làng là người đi lấy lúa thiêng đầu tiên. Lưng mang gùi, vai vác rựa, mặc trang phục truyền thống, già làng băng băng vượt dốc, lội suối, leo núi đến rẫy của gia đình mình. Già làng đi một vòng cầu nguyện rồi nhanh tay nhặt những bông lúa còn sót lại trên rẫy bỏ vào gùi và chặt hai cây đót cao nhất ở bên bìa rẫy, rồi vội vàng xuống núi. Trên đường về nếu có suối thì già làng nhẹ nhàng đặt hai cây đót chặt lúc ngặt những bông lúa dùng làm cầu, để "hồn lúa" đi qua. Mất độ hai, ba tiếng đồng hồ cho cuộc hành trình "lấy lúa thiêng" của già làng. Khi già làng về tới nhà sẽ đặt nắm lúa thiêng vừa lấy về lên bàn thờ, để gùi xuống, cất rựa, rồi ra ngoài hiên báo hiệu cho các gia đình khác trong bản tiếp tục tiến hành lên rẫy lấy lúa thiêng.
Các nghi thức cúng trong lễ hội Tết ngã rạ người Cor
Trong tín ngưỡng cổ truyền, người Cor tin rằng sự rủi may ở đời, trong sản xuất đều có liên quan đến ma tốt và ma xấu. Trong số đó ma ga-ru được coi là ma tốt, phù hộ cho đời sống con người. Do vậy mà trong ngày đầu tiên của Lễ ngã rạ, về đêm các chủ gia đình cùng tụ tập về nhà chủ làng để làm lễ cúng ma ga - ru để cầu mong cho cuộc sống của làng luôn được yên vui, no đủ.
Xa a-ní có nghĩa là “ăn tết”, không chỉ là một vụ lúa mà còn có tính chất tổng kết việc làm ăn, vụ mùa với nhiều giống cây trồng vật nuôi của cả một năm. Với tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, thì không chỉ lúa có linh hồn mà tất cả mọi thứ tồn tại bên cạnh cuộc sống của họ đều có linh hồn. Cho nên, sau khi cúng thần lúa, hồn lúa, người ta còn phải cúng các loại hồn, ma khác: ma cho hàng, ma quế, ma trầu, ma trâu, ma heo gà... mong cho mọi vật đều sinh sôi. Người ta lại cầu cúng các thần hộ mệnh, thần ma đã giữ làng nóc, quê hương... Những lễ cúng này là một biểu hiện rõ ràng tín ngưỡng ’’vạn vật hữu linh’’, đồng thời mang đậm bản sắc văn hóa cổ truyền dân tộc Cor. Xa a-ní hay ngã rạ chính là ngày Tết cổ truyền của người Cor, nằm trong hệ thống lễ hội mang đậm nét nguyên thủy mà người Cor còn lưu giữ được. Từ việc cúng tế đến các môn vui chơi, trò diễn đều toát lên bản sắc văn hóa Cor, góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam đa dân tộc.
Trong lễ ngã rạ, thì chủ làng phải cúng trước, sau đó mới tới dân làng. Xưa kia, người Cor lần lượt ăn tết hết nhà này mới đến nhà khác, nên tết cổ truyền kéo dài cả tháng trời mới xong. Ngày nay, với tinh thần tinh gọn, tiết kiệm. các gia đình trong làng ăn Tết đồng loạt để khỏi hao phí nhiều về tiền bạc và thời gian, nhưng vẫn đảm bảo lễ hội trang trọng, vui tươi.
Sáng sớm ngày chính Tết. Nghi thức cúng đầu tiên đó là cúng các nữ thần đã cho lúa. Người Cor tin rằng các nữ thần cũng bận bịu từ lúc sáng sớm như người phụ nữ Cor, nên phải cúng sớm để các nữ thần còn lo công việc của mình (mỗi lời khấn, trong đó có đoạn: Mo Hwýt âm pa, Mo Rít âm p, Mo Crai âm pa - Bà Huýt cho lúa, bà Rít cho lúa, bà Crai cho lúa). Lễ cúng mang đầy sự hàm ơn các nữ thần đã cho lúa, phù hộ cho cây lúa tốt, mùa màng bội thu. Và cũng không quên cho ma xấu một ít lễ vật để chúng biến đi.
Các nam thần và ông bà thư thả hơn, nên được cúng sau. Khoảng 8 giờ sáng, người ta cúng các nam thần và cúng ông bà. Các con vật hiến tế: heo, gà, vịt đều phải qua hai vòng: cúng sống và cúng chín. Cúng sống heo phải bố trí ở ngoài sân, cúng sống gà, vịt phải cúng ở trong nhà. Cúng sống xong, con vật được mổ thịt và nấu chín để tiếp tục cúng chín. Số lượng mâm cúng không cố định bao nhiêu, nếu gia chủ trong năm làm ăn khấm khá thì cúng nhiều mâm, ngược lại thì số mâm sẽ ít hơn. Nhưng không nhà nào có thể bỏ qua lễ cúng (nổi âm thanh bài cúng, trong đó có đoạn Cơi âm pa - Ông thần cho lúa - Cơi pốt xa - mời thần xuống ăn). Các lễ vật được lót trên lá chuối rừng, trên những tấm vỉ đan pa-ra. Những chiếc chén rượu được kết bằng lá chuối... để đảm bảo sự tinh khiết, sự trân trọng, sự hàm ơn các thần và ông bà đã cho lúa.
Với quan niệm là lúa cũng có hồn nên từ lúc canh tác cho đến khi thu hoạch, người Cor đều có những lễ thức liên quan đến hồn lúa: không cắt lúa bằng liềm sợ đau hồn lúa, giắt lá đót bên mép gùi để giữ hồn lúa khi cõng về nhà. Và từ khi phơi xong, trong lễ giã rạ rày, hồn lúa được rước lên chòi. Lúa giống sẽ lại được rước hồn trong lễ xuống giống vào vụ mùa năm sau.
Ngoài phần lễ, còn có phần hội
Tết là dịp để người ta vui chơi. Từ trong truyền thống, người Cor có nhiều trò diễn như: múa kiếm, múa dáo (đáo hay dáo, giáo), ném lao bắn nỏ, vật, vật tay, nhảy dây, kéo dây, kéo co... Tùy theo từng làng, bản mà số môn có nhiều ít khác nhau, tuy nhiên đều là nhu cầu không thể thiếu. Các trò diễn này luôn hấp dẫn, cuốn hút cộng đồng. Nó mang tính thi thố tài năng, đồng thời là để rèn luyện cơ bắp, sức mạnh, kỹ năng, sự dẻo dai, rất hữu ích cho sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu, cũng như củng cố tinh thần cố kết cộng đồng làng nóc thêm bền chặt, thích ứng với vùng cư trú hiểm trở và từ đó cũng toát lên bản sắc văn hóa dân tộc Cor. Tết ngã rạ là dịp để người ta ăn uống vui chơi. Tiếng chiêng gióng lên mừng kết thúc một vụ mùa cũng là một năm làm ăn. Lúa nếp mới chỉ sau khi cúng ngã rạ mới được dùng. Lễ cưới, lễ ăn trâu chỉ được tổ chức sau khi đã ăn Lễ ngã rạ. Và bản thân Lễ ngã rạ cũng là một lễ hội vui vẻ, khởi đầu cho mùa lễ hội kéo dài đến cuối năm và đầu năm sau.
Đánh chiêng- đấu chiêng
Người ta được phép sử dụng cồng chiêng trong tết Ngã rạ, mà trong chuỗi nghi lễ nông nghiệp diễn ra trước đó chưa được phép sử dụng. Phiên chế cồng chiêng của dân tộc Cor chỉ có 2 chiếc và một trống cùng đi giữ nhịp. Nếu cần, người ta tăng cường lên hai bộ cho âm thanh thêm dày, thêm vui. Người ta có thể tổ chức đấu chiêng, là hình thức sinh hoạt chiêng trống độc đáo, vui nhộn, chỉ thấy có ở người Cor. Đấu chiêng thường đi liền với múa cà đáo tạo nên một tiết mục biểu diễn hoàn chỉnh và hấp dẫn. Nam đánh chiêng, nữ với y phục lễ hội, với bộ trang sức cườm rực rỡ trên đầu, trên cổ, trên hông uyển chuyển múa theo nhịp chiêng. Trong lễ ngã rạ vui vầy, người ta cũng có thể sử dụng các loại đàn sáo tự tạo ở từng cá nhân, hát các làn điệu dân ca Cor để góp vui cho cộng đồng.
Các trò diễn
Trong các lễ hội nói chung và lễ hội ngã rạ của người Cor nói riêng xưa kia không thể thiếu các trò diễn, rất tiếc là từ mấy chục năm qua, các trò diễn này đã bị lãng quên. Các trò diễn làm cho lễ hội càng thêm sôi nổi. Các trò diễn thường bao gồm:
Múa kiếm
Một trong những trò diễn của người Cor xưa kia là múa kiếm, nhưng múa kiếm là tiếng phổ thông, còn trong tiếng Cor gọi là tà-pứt xí- íac gươm, chém bằng kiếm. Một cặp giao đấu hai người thường là thanh niên trai tráng có sức khỏe, đôi bên đều cầm kiếm thật, khiên thật, kẻ đâm chặt, người dùng khiên đỡ, tiến tới, lui lại, xoay tròn. Già làng là người chỉ định các cặp biểu diễn giao đấu, nơi giao đấu là sân chính của làng. Già làng cũng là người làm trọng tài. Mỗi cặp giao đấu ba hiệp. Ai đâm trúng được người khác là thắng. Trong ba hiệp ai thắng được hai hiệp là thắng chung cuộc. Hết cặp này, già làng lại chỉ định cặp khác bước vào giao đấu. Thanh niên cũng có thể thách đấu nhau. Kẻ thắng không được thưởng gì ngoài niềm vui và sự hò reo cổ vũ của dân làng ở xung quanh. Người ta cũng có thể dùng trống giục cho sự biểu diễn thêm sôi động. Trong lễ ăn trâu, lễ ngã rạ người ta có thể tổ chức múa kiếm và múa dáo. Trò này gần như đã mai một, chỉ có một ít người cao tuổi còn nhớ.
Một trong những trò diễn của người Cor xưa kia là múa kiếm, nhưng múa kiếm là tiếng phổ thông, còn trong tiếng Cor gọi là tà-pứt xí- íac gươm, chém bằng kiếm. Một cặp giao đấu hai người thường là thanh niên trai tráng có sức khỏe, đôi bên đều cầm kiếm thật, khiên thật, kẻ đâm chặt, người dùng khiên đỡ, tiến tới, lui lại, xoay tròn. Già làng là người chỉ định các cặp biểu diễn giao đấu, nơi giao đấu là sân chính của làng. Già làng cũng là người làm trọng tài. Mỗi cặp giao đấu ba hiệp. Ai đâm trúng được người khác là thắng. Trong ba hiệp ai thắng được hai hiệp là thắng chung cuộc. Hết cặp này, già làng lại chỉ định cặp khác bước vào giao đấu. Thanh niên cũng có thể thách đấu nhau. Kẻ thắng không được thưởng gì ngoài niềm vui và sự hò reo cổ vũ của dân làng ở xung quanh. Người ta cũng có thể dùng trống giục cho sự biểu diễn thêm sôi động. Trong lễ ăn trâu, lễ ngã rạ người ta có thể tổ chức múa kiếm và múa dáo. Trò này gần như đã mai một, chỉ có một ít người cao tuổi còn nhớ.
Múa giáo
Múa giáo cũng như múa kiếm, không thực sự là “múa”, trong tiếng Cor gọi là tà-pít trót, đâm bằng giáo, cũng với ý nghĩa và mục đích như múa kiếm. Nhưng khác với múa kiếm, cùng một lúc người ta có thể bố trí đến ba, bốn cặp giao đấu, một cặp có một người trọng tài phân định thắng thua. Mỗi người giao đấu tay cầm giáo, tay cầm khiên, kẻ đâm, người đỡ. Đấu dáo cũng cũng dùng dáo thật, đương nhiên khiên cũng là thật. Cũng như đấu kiếm, hết lượt cặp đấu này, đến lượt cặp đấu khác. Đấu dáo thường được tổ chức trong hội ăn trâu, lễ ngã rạ, mừng nhà mới hay trong đám cưới. Bà con dân làng tập trung hò reo đánh trống cổ vũ.
Bắn ná
Ná tiếng Cor gọi là pa-nanh, bắn ná là pawk pa-nanh. Là một dân tộc có nhu cầu săn bắn và tự vệ, nên bên cạnh kiếm, dáo, người Cor cũng sử dụng phổ biến tên ná (nỏ). Trò thi bắn ná cũng xuất phát từ nhu cầu ấy, đồng thời cùng góp vui cho cộng đồng. Người ta làm bù nhìn với những hình thù tuỳ thích và dùng ná bắn thi xem ai giỏi hơn.
Phóng lao
Vũ khí là giáo có thể dùng để đâm, nhưng trong lúc thích hợp người ta sẽ dùng để phóng (Xrác giáo). Người ta dựng con bù nhìn theo hình dạng tùy thích rồi sau đó thi phóng lao xem ai phóng chính xác hơn, giỏi hơn.
Thi kéo dây
Trong lễ hội người ta cũng có thể tổ chức thi kéo dây (kéo ta lay). Một dây mây to, hai đầu dây phân ra số nam nữ bằng nhau và ra sức kéo. Bên nào kéo được bên kia về phía mình thì thắng.
Thi nhảy dây
Gọi là nhảy dây, nhưng thực tế chính là nhảy cao (Ktou Tà lây) người ta cắm hai cây trụ và căng dây mây ở giữa, nam nữ thanh niên lần lượt nhảy qua dây, từ thấp lên cao, ai nhảy được cao hơn là thắng.
Thi vật
Thi vật (tmớ) là một trò chơi thường xuyên, một phương pháp rèn luyện cơ bắp của người Cor xưa. Không chỉ trong các lễ hội, mà trong những ngày thường, người Cor cũng có thể thi vật với nhau. Trong những lúc rảnh rỗi ban đêm, ở gian gưl của nhà sàn xlúp trai tráng trong làng có thể đấu vật, người làng ngồi xung quanh hò reo cổ vũ. Trong dịp lễ hội, người ta tổ chức thi đấu vật dưới sân làng. Đôi vật ở tư thế đứng, mình trần đóng khố, người nọ dùng đôi tay nắm chặt lưng khố người kia căng sức vật nhau, ai làm cho người kia ngã là thắng. Những người xung quanh đứng hò reo cổ vũ cho đôi vật.
Bên cạnh đấu vật, trai tráng các làng Cor xưa còn thi vật tay (Tkan tì), vật chân (Tkan jố), đẩy gậy, kéo co... Rất tiếc rằng những trò diễn như trên đã mai một trong cộng đồng người Cor. Có lẽ từ sau cách mạng tháng Tám với chính sách bình đẳng và đoàn kết dân tộc được thực hiện, các dân tộc anh em đều sống trong tình thân ái, không còn hiềm khích nhau, nhu cầu rèn luyện chiến đấu không còn, nên người Cor thấy không cần thiết phải duy trì các trò diễn như trên. Đó thực sự là một điều đáng tiếc. Bởi các môn thi đấu, trò diễn truyền thống như trên có thể chuyển đổi sang mục đích thể thao, rèn luyện sức khỏe.
Ai về Quảng Ngãi hãy lên huyện Trà Bồng, Tây Trà hay Bắc Trà My (Quảng Nam) vào dịp tháng Mười âm lịch hằng năm sẽ được dự lễ hội ngã rạ hay còn gọi là Tết ngã rạ cổ truyền của người Cor, một dân tộc hiền hòa, hiếu khách. Ta sẽ được tận mắt chứng kiến lễ cúng rất đặc thù, được thưởng thức bánh la tốp, bánh la cót, bánh a-hlót với vị thơm thuần khiết của lúa nếp núi rừng, được thưởng thức món thịt chuột bùi và vị thơm ngon của cá nước nơi đây; lại được nghe hội chiêng, các trò diễn và thi tài hấp dẫn… để cảm nhận về văn hóa của một dân tộc ít người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét