Làng Vụ Nữ, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) là ngôi làng cổ của vùng đất “Thiên Bản lục kỳ” xưa. Nơi đây hiện vẫn bảo tồn được không gian văn hoá làng quê đặc sắc với cảnh quan đẹp, nên thơ cùng những công trình kiến trúc dân gian độc đáo.
Đền Vụ Nữ - Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. |
Tương truyền, làng Vụ Nữ xưa kia chỉ là một gò đất cao nổi lên cùng với các vùng đất lân cận như: Bối La, Hạnh Lâm, Triệu, Phạm, Thám Thanh. Thời bấy giờ, các dòng họ từ nơi khác đến cùng lánh nạn chống giặc ngoại xâm phương Bắc, đã dừng chân tụ tập tại đây, khai phá đất hoang để trồng lúa, hoa màu làm kế sinh nhai. Vùng đất này có tên Vụ Nữ bởi nơi đây đã sản sinh ra một vị nữ tướng tài ba đầu tiên của huyện Vụ Bản - Nữ tướng Mai Thị Hồng. Trong quá trình dựng làng, giữ đất, để chống lại thiên tai, giặc dữ, người dân Vụ Nữ sớm biết đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn, tạo nên nét đẹp truyền thống, tình làng nghĩa xóm, sớm hôm “tắt lửa tối đèn” có nhau. Làng Vụ Nữ có cảnh quan đẹp, thơ mộng với con sông Thiên Hương hiền hòa, nhỏ như dải lụa mềm uốn lượn giữa các khu dân cư. Vùng đất Vụ Nữ vừa có đất cổ, vừa có đất bồi tụ ra sông, đặc biệt là yếu tố thủy lợi, tiêu biểu cho văn hóa nông nghiệp lúa nước.
Làng có hệ thống các di vật phong phú, các loại hình di sản văn hoá độc đáo như: đền, chùa, lăng mộ, bia chân dung, văn bia, đồ đá, đồ đồng, đạo sắc phong... Đền Vụ Nữ được xây dựng dưới thời Hậu Lê (thế kỷ XV-XVI) và mở rộng dưới triều nhà Nguyễn (thế kỷ XIX-XX). Đây là một trong số ít những công trình tín ngưỡng ở xã Hợp Hưng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá hiện còn bảo tồn nguyên vẹn. Theo tập “Trưng triều công thần Hồng Nương tướng quân ngọc phả” còn lưu tại đền truyền lại thì Đền Vụ Nữ thờ nữ tướng Mai Thị Hồng. Bà giữ chức vụ Thuỷ sư, Tả tướng chỉ huy thủy quân trấn giữ vùng Sơn Nam. Bà có công xây dựng hành cung Thám Thanh và Phường Nứa ở hai quê nội, ngoại tại địa phương; khuyến khích dân chăm chỉ nông trang, lo cứu giúp người nghèo khổ. Đền Vụ Nữ toạ lạc trên khu đất rộng, u tịch ở phía tây làng nhưng thoáng mát với những đường nét kiến trúc cổ kính, huyền bí. Công trình bao gồm: chính cung, tiền đường, tả hữu giải vũ cùng với hệ thống bình phong, cột trụ, tường hoa cấu trúc hài hòa thâm nghiêm. Ngoài sự trang trí đẹp trên bờ bảng, góc đao, bộ mái cong, vì kèo, trụ cột…, công trình còn được gia công công phu từ hàng tàu lá, mái, từ đường bẩy, đường then câu, chạm hình rồng phượng, hoa lá uyển chuyển, mềm mại. Hiện tại đền còn bảo lưu được một chiêng đồng đường kính 0,60cm có giá trị nghệ thuật cao về hình dáng và họa tiết trang trí thời Nguyễn. Để tưởng nhớ công lao của nữ tướng Mai Thị Hồng, hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày sinh của bà (10-10 âm lịch) nhân dân địa phương tổ chức lễ một ngày. Riêng ngày kỵ của bà (12-2 âm lịch) nhân dân tổ chức 3 ngày và coi đó là ngày hội lớn có tế lễ, rước kiệu và nhiều trò chơi liên quan đến lúc sinh thời bà luyện quân đánh giặc như: vật, võ, đánh gậy, múa cờ, thổi cơm thi...
Không chỉ mang dấu ấn với những hình ảnh làng quê thanh bình, cổ kính, làng Vụ Nữ xưa còn lưu giữ được một số loại hình nghệ thuật độc đáo, trong đó có nghệ thuật hát chèo. Từ thế kỷ trước, nghệ thuật hát chèo ở làng Vụ Nữ đã nức tiếng xa gần với những làn điệu chèo mượt mà được cất lên bởi những “nghệ sĩ nông dân” quanh năm chân lấm, tay bùn. Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, đội chèo Vụ Nữ đã dàn dựng được những vở chèo cổ như: “Trương Viên”, “Tấm Cám”, “Quan Âm Thị Kính”… để biểu diễn phục vụ nhân dân trong các dịp hội làng. Sau một thời gian dài trầm lắng, năm 2014, đội chèo Vụ Nữ được tái lập với trên 20 thành viên do anh Triệu Huy Hà, trưởng thôn Vụ Nữ làm đội trưởng. Thời gian đầu tái lập, đội được các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Nam Định về truyền dạy các làn điệu chèo truyền thống. Đến nay đội đã sáng tác, dàn dựng được nhiều hoạt cảnh chèo phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt của người dân, thường xuyên biểu diễn trong lễ hội như: Đền Vụ Nữ, Đền - Chùa Vàng, làng Vàng và Đình Nội Chế, làng Nội Chế…
Trải qua thời gian với những thăng trầm lịch sử, làng cổ Vụ Nữ hôm nay đang dần đổi thay, phát triển không ngừng nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng. Những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương vẫn được các thế hệ người dân hôm nay và mai sau gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện đại, tạo thành sức mạnh nội lực để người dân vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét