Chỉ bán buổi sáng, quán bánh canh cua đồng bột gạo trên đường Bùi Đình Túy (TP.HCM) khiến thực khách không khỏi bất ngờ bởi hóa ra món ăn này là đặc sản miền Tây, chứ không phải miền Trung như cứ tưởng lâu nay.
Chủ quán thích thì bán, 'làm biếng' thì nghỉ
Theo chị Phan Thị Ngoan (45 tuổi, chủ quán bánh canh ở số 84 Bùi Đình Túy (P.12, Q.Bình Thạnh), món bánh canh cua đồng bột gạo là món ăn ở Tiền Giang. Trước đây chị Ngoan chỉ nấu cho con ăn sau này thấy bánh canh cua đồng vừa ngon vừa bổ dưỡng nên chị quyết định mở quán để nhiều người biết đến hơn.
“Chị cũng không ngờ là món ăn lại hợp khẩu vị và được khá nhiều người đón nhận”, chị Ngoan chia sẻ một cách chân thật.
Là quán ăn vỉa hè nên quán bánh canh cua đồng bột gạo không khó tìm. Không gian quán tương đối thoải mái, có mái che chứ không gò bó chật hẹp. Tìm quán thì không khó nhưng gặp được chủ quán thì mới khó bởi không phải ngày nào vợ chồng chị Ngoan, anh Việt (45 tuổi) cũng mở bán.
Để thưởng thức món bánh canh cua đồng thì tôi đã phải quay lại quán lần thứ 3. Hỏi ra thì mới biết là quán bán tất cả các ngày trong tuần nhưng khi nào anh chị “làm biếng” thì không bán. Nghe có vẻ lạ nhưng không vì vậy mà quán mất khách, mở hàng từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa là đã bán hết, có khi còn hết sớm hơn.
Chị Ngoan tay thoăn thoát múc bánh canh, anh Việt đón lấy rồi bưng ra bàn. Khách ngồi chờ chưa đến 5 phút là đã có thể thưởng thức bánh canh. Mùi thơm ngào ngạt xộc vào mũi là cách mà món bánh canh cua đồng “làm quen” với thực khách.
Chủ quán chân chất và lịch sự đúng chuẩn miền Tây cũng là một điểm cộng để quán níu chân thực khách suốt 5 năm mở quán
|
Cho thêm một ít rau đắng, ăn vào thì mới hiểu tại sao nhiều thực khách lại hiểu nhầm là món ăn của người miền Trung. Sợi bánh canh làm từ bột gạo trộn thêm bột năng nên khá giống với bột lọc ở miền Trung nhưng mềm hơn và không quá dai.
Chỉ ăn kèm với rau đắng
Khác với những quán bánh canh thông thường, chị Ngoan cho bánh canh vào nước hầm nấu chung để sợi bánh canh thấm vị hơn. Một tô bánh canh gồm có chả cá, trứng cút, giò và đặc biệt không thể thiếu là thịt cua đồng với giá bình dân 20.000 đồng, tô lớn hơn thì 25.000 đồng và tô đặc biệt là 35.000 đồng.
Phương Nhi chia sẻ thích nhất là chả cá và sợi bánh canh vì mềm, giá cả cũng rất học sinh - sinh viên
|
Nấu chung với gạch cua nên nước hầm vàng tươi đẹp mắt, vị hơi béo và thơm ngon khỏi chê, tôm tươi và ngọt. Quán có bánh giò cháo quẩy nên thực khách có thể gọi thêm nếu muốn.
Một thực khách tên Phương Nhi (16 tuổi) nhà ở Q.Thủ Đức chia sẻ: “Mình ở Thủ Đức nhưng chủ nhật thì thường hay lên thành phố chơi và mỗi lần lên thì mình phải ăn món này. Mình thích nhất là chả cá và sợi bánh canh vì mềm, giá cả cũng rất học sinh nữa”.
"Bộ đôi" cua đồng, rau đắng
Có thể nói cua đồng là nguyên liệu không thể thiếu để làm nên sự khác biệt của món ăn. Chị Ngoan giải thích cặn kẽ: “Công đoạn làm món này cũng khó khăn lắm. Cua được chuyển từ miền Tây lên, phải là cua tươi thì mới ngon, nấu nước mới ngọt. Nếu mà cua không ngon là nấu nước không được ngọt. Mình ngâm rửa, tách vỏ, lấy gạch, thịt cua. Màu này là màu đặc trưng của bánh canh cua đồng, là màu tự nhiên luôn”.
Và ở quán, món này chỉ ăn kèm với một loại rau duy nhất, đó là rau đắng. Rau đắng giúp món ăn thêm bổ dưỡng mà không bị ngán. “Cô mới ăn lần đầu và giờ mua thêm mang về, cái đặc sắc ở đây là có rau đắng và vị rất vừa miệng. Nói chung là cô ăn không phải nêm nếm gì thêm hết, bưng ra là ăn thôi”, bà Tuyết (Bình Thạnh) tấm tắc trong lúc chờ chủ quán làm phần bánh canh mang về.
Mỗi ngày từ 3 giờ sáng là vợ chồng chị Ngoan đã dậy để chuẩn bị cho kịp giờ bán. Ngoài bánh canh cua đồng thì quán cũng bắt đầu bán thêm món bún riêu cua đồng.
Thơm ngon, bổ dưỡng giá cả lại bình dân là những lý do món bánh canh cua đồng bột gạo trở nên hấp dẫn. Bên cạnh đó, chủ quán chân chất và lịch sự đúng chuẩn miền Tây cũng là một điểm cộng để quán níu chân thực khách suốt 5 năm qua
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét