"Góp phường” được hiểu là đem gửi những vật giá trị cho phường hội, khi gia đình có việc cần sẽ được hoàn trả. Nhưng nét độc đáo của phong tục này là phần lớn đồng bào Mường khi gia đình nào trong làng bản, thôn xóm có việc cưới xin, ma chay, lễ lạt... họ đều tự động mang gạo, gà, rượu và sức lực đến với gia chủ đến góp với gia chủ. Đây là một nét văn hóa đặc sắc thể hiện rất rõ quan niệm về tính cộng đồng, sự đoàn kết, tương trợ của đồng bào.
Đối với đồng bào Mường, đôi lứa yêu nhau không sợ không đến được với nhau vì gia đình khó khăn; gia đình có việc hiếu không sợ điều tiếng với làng xóm vì làm cỗ không được tươm tất... tất cả nhờ mỹ tục này. Tự bản thân mỗi người con xứ Mường sinh ra đã ý thức được cần phải đóng góp để việc làng, việc bản được diễn ra suôn sẻ, để phần nào bớt được gánh nặng về vật chất cho gia chủ. Người có của, người có công, cứ vậy kéo đến giúp sức. Tháng 11/2008, trước sự khắc nghiệp của thời tiết căn nhà ba trái của anh Bùi Văn Muôn, ở xã Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn giữa đêm bị thiêu trụi, toàn bộ của cải có giá trị đều bị ngọn lửa cuốn đi, một gia đình với hai đứa con nhỏ không còn nhà để ở. Vậy mà như một phép màu, chỉ sau một ngày ngôi nhà lợp mái mới đã mọc lên nhờ sự chung tay của bà con trong xã, người giúp gạo, tiền, người giúp bương, tre, người giúp công sức. Theo tục lệ, trước khi có việc, gia chủ thông báo với bà con họ hàng, chòm bản trước vài ngày. Nhưng trường hợp của gia đình anh Muôn, chỉ cần có lời của gia đình là tất cả dân làng đã không quản ngại giúp sức.
Theo người già kể lại, tục “góp phường” của đồng bào dân tộc Mường quy định, gia đình có việc nhỏ không tính, nhưng nếu có việc lớn như ma chay, cưới xin... đều phải báo cho làng xóm biết trước 9 ngày vừa đủ để nhớ, không quên và cũng đủ thời gian để bà con chuẩn bị mà giúp đỡ. Trong thời gian 9 ngày đó, gia chủ nhận được sự giúp đỡ bằng hiện vật, bằng sức lao động. Người trong làng cùng chung tay dựng rạp, lấy củi làm mặt bằng... gia chủ lúc này chỉ phải lo những cái chính như mua sắm, làm lễ, rồi mời họ hàng, đón thầy mo.
Trong những năm gần đây, đồng bào dân tộc Mường ở nhiều thị trấn thuộc các huyện vùng cao tỉnh Hòa Bình không còn ở nhà sàn thay vào đó là các ngôi nhà xây mọc lên kiên cố; những dịp lễ, tết, hiếu, hỉ không còn nhiều thủ tục rườm rà, ăn uống vài ba ngày như trước đây nhưng tục “góp phường” vẫn được bà con đồng bào dân tộc Mường duy trì. Bởi vậy, vào bất cứ dịp quan trọng nào của bất cứ gia đình nào trong làng, bản đều có sự góp mặt không thể thiếu của họ hàng, làng xóm như một lẽ tất yếu. Ông Đinh Văn Ngữ, Bí thư chi bộ xóm Ngọc Xạ, xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Góp phường là việc làm thường xuyên mà người dân trong xã. Đối với bất cứ gia đình nào cần giúp đỡ, dù việc lớn, hay nhỏ đều có sự giúp sức của bà con, làng xóm. Từ đó, mọi công việc cũng được thuận lợi, dễ dàng hơn”.
Đối với người dân tộc Mường ở Hòa Bình, phong tục "góp phường" chính sợi dây cố kết cộng đồng, giúp tình cảm của những người trong bản Mường, trong họ tộc càng trở nên khăng khít, giúp họ đủ sức vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt của cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét