Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

Phong tục dựng vợ gả chồng của người Hrê

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi cộng đồng dân tộc đều có phong tục tập quán, nghi thức dựng vợ gả chồng riêng. Ngày xưa, người Hrê ở Ba Tơ, khi dựng vợ gả chồng trước tiên phải có người đi mai mối. Hoặc là do hai bên gia đình kết bạn làm sui gia với nhau lúc con còn nhỏ chưa đến tuổi kết hôn, hay thậm chí còn đang trong bụng mẹ. Tuy nhiên hiện nay, tục bắt miệng sui gia lúc con còn nhỏ và đang trong bụng mẹ đã được người Hrê bỏ hẳn, thanh niên thiếu nữ người Hrê lấy nhau vì yêu nhau và khi đã đủ tuổi kết hôn.
Ngày nay, tục mai mối tuy không còn phổ biến nhưng vẫn được người Hrê lưu giữ. Người mai mối vợ chồng cũng có thể là đàn ông hoặc đàn bà đã lớn tuổi, có khiếu ăn nói, được nhiều người trong cộng đồng quý trọng, và cũng có thể là người thân, họ hàng gia đình bên trai hoặc bên gái. Khi mai mối thuận lợi, đôi trai gái cũng như hai gia đình đã ưng ý nhau, đồng ý làm sui với nhau thì hai bên gia đình thống nhất ngày để nhà gái cõng củi cho nhà trai, người Hrê gọi là “pớ loan unh”.

Nhà gái chọn các chị em phụ nữ trong làng khoảng 10 đến 15 người, đi lên rừng kiếm củi để cõng về cho nhà trai. Người Hrê quan niệm, bó củi của người con dâu tương lai càng to, càng đẹp thì chứng tỏ đó là người con dâu đảm đang, hiền thảo. Nhà trai chuẩn bị cơm, rượu ngon để tiếp đãi đoàn cõng củi nhà gái, đêm đó người con gái sẽ ngủ lại và ở nhà người con trai đến ngày hôm sau thì về nhà mình. Sau 3 ngày, nhà trai cũng tổ chức đi làm lại cho nhà gái. Sau khi hoàn thành thủ tục này, cặp trai gái đã là vợ chồng, được phép gọi cha mẹ hai bên là cha, mẹ.

Nếu hai gia đình chưa có điều kiện tổ chức cưới cho con cái thì Tết năm đó, hai gia đình sẽ tổ chức ăn tết với nhau, người Hrê gọi là “Tót dênh goàng”. Trong ngày “Tót dênh goàng” nhà gái sẽ vào nhà trai bằng cửa phụ, cánh cửa bên hông của nhà sàn. Nhà trai sẽ mời họ hàng nhà gái vào nhà nói chuyện, uống rượu trắng và quyết định ngày tổ chức đám cưới. Sau đó, họ sẽ tổ chức đãi tiệc. Khi đã xong phần dùng tiệc cơm rượu, nhà trai mở những ché rượu cần to và “cà xối” cầu mong trong năm mùa màng tươi tốt, thóc đầy chòi, trâu, bò, heo, gà đầy chuồng, các thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh và đặc biệt cầu cho đôi vợ chồng trẻ sẽ gắn bó, yêu thương nhau suốt đời.

Họ hàng, sui gia hai bên sẽ quây quần quanh ché rượu cần và cùng uống rượu cần, hát ca choi, ta lêu gửi gắm tâm tư, mong muốn của mình qua lời hát. Sau khi đã uống xong rượu cần, nhà trai sẽ quàng khăn trắng lên cho con dâu, chiếc khăn trắng như vật làm tin, mang ý nghĩa cô gái đó đã là nàng dâu chính thức, không được phép lấy ai khác hay làm điều gì không đúng với đạo lý phận làm dâu. Khi nhà gái chuẩn bị về, thì nhà trai sẽ chuẩn bị trầu cau, chè, bánh tét, rượu trắng, rượu cần, thuốc bổi, thịt bỏ trong một chiếc gùi nhỏ và giao cho một người trong họ nhà gái là con gái còn nhỏ tuổi, chưa chồng cõng gùi về. Khi ra về, họ nhà gái cũng đi ra từ cửa phụ, nhà trai sẽ mang chiêng ra đánh trước cửa như lời tiễn đưa họ hàng nhà gái trở về nhà bình an. Trong thời gian chưa tổ chức đám cưới, gia đình hai bên luôn giữ mối liên hệ mật thiết, đồng thời tổ chức đi làm cho nhau, có cúng bái hay tiệc tùng gì cũng mời nhau đến dự.

Sau đó có thể trong năm, hoặc một hai năm sau, thậm chí lâu hơn nữa gia đình hai bên mới tổ chức đám cưới cho đôi vợ chồng trẻ, người Hrê gọi là “Tà nếp”. Người Hrê không quan niệm con gái sẽ về làm dâu, ở dâu hay ở rể đều được, gia đình nào có điều kiện thì sẽ tổ chức đám cưới trước. Trong ngày cưới, ban ngày thì họ tổ chức tiệc đãi bà con, họ hàng rượu thịt, đến tối mới tiến hành cưới cho đôi vợ chồng trẻ.

Thủ tục cưới được tiến hành trong sự chứng kiến của cha mẹ hai bên, sẽ có một cặp nam nữ nhỏ tuổi trao chén rượu trắng, rượu cần, nắm cơm trắng có kèm với thịt gà cho đôi vợ chồng, sau đó đôi vợ chồng sẽ trao đổi lại với nhau, họ chỉ dùng rượu chứ không dùng nắm cơm trắng với thịt gà, tiếp theo là đến phần con dâu và con rể trao rượu, cơm trắng, thịt gà cho cha mẹ hai bên. Kết thúc là phần trao đôi chén nhỏ cho cặp vợ chồng trẻ, đôi chén nhỏ này là tượng trưng cho người vợ và người chồng, đồng thời là biểu tượng của sự chung thủy của đôi vợ chồng, họ phải lưu giữ suốt đời, không được làm mất hay làm vỡ. Nhưng nếu họ lỡ làm vỡ chén, thì người Hrê quan niệm vợ chồng đó sẽ không còn hạnh phúc mà sẽ đổ vỡ như đôi chén cưới, vì vậy họ phải tổ chức cúng như lời xin lỗi thần linh, cầu mong cho vợ chồng họ được hạnh phúc lại như xưa.

Sau ngày cưới, người Hrê còn có phong tục cúng “Pà rầng Hmang”, tục cúng này mang ý nghĩa cầu cho đôi vợ chồng mãi gắn bó, yêu thương nhau suốt đời. Ngày nay, phong tục dựng vợ gả chồng đã được người Hrê cách tân, tuy nhiên những thủ tục chính như thăm nhà, cưới thì vẫn được lưu giữ.
Thị Thoang

Tục mai mối vợ chồng của dân tộc Hrê

.

(QNg)- Mỗi cộng đồng tộc người đều có phong tục tập quán, nghi thức dựng vợ gả chồng. Dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi, chuyện dựng vợ gả chồng trước tiên là do người đi mai mối (đi hỏi) gầy dựng nên, hoặc là do hai bên gia đình kết bạn làm sui gia với nhau, tức cha mẹ sắp đặt con cái lấy vợ lấy chồng theo ý của mình, làm sui với nhau lúc con còn nhỏ chưa tuổi kết hôn (tảo hôn), gọi là “Ta proi enh ‘yoh”, thậm chí còn đang trong bụng mẹ, gọi là “Ta proi enh cleack”. Tuy nhiên, khi đến lúc chuẩn bị tổ chức đám cưới cho đôi vợ chồng cũng phải có người mai mối do hai bên gia đình thống nhất mời, hoặc một bên gia đình mời.



Người mai mối vợ chồng, vùng Ba Tơ gọi là “Coq xan ” (nghĩa là con chó săn), hay còn gọi là “Ngai hpôch ong mai”; vùng Sơn Hà gọi là “Ngai paro/Ngai axrêu”. Người mai mối vợ chồng cũng có thể là đàn ông hoặc đàn bà đã lớn tuổi, có khiếu ăn nói, được nhiều người trong cộng đồng quý trọng, và cũng có thể là người thân, họ hàng gia đình bên trai hoặc bên gái.

Tục cúng trước khi đám cưới của người Hrê ở Ba Tơ.
Tục cúng trước khi đám cưới của người Hrê ở Ba Tơ.

Để cho công việc được chắc chắn hơn, thường thì người mai mối tìm hiểu, thăm dò tình cảm người con gái trước, rồi mới thăm dò con trai. Nếu thấy hai người có vẻ ưng ý, có cảm tình với nhau thì người mai mối tiếp tục tìm hiểu, thăm dò cha mẹ của hai bên. Cảm thấy thuận buồm xuôi gió thì người mai mối mới đến tận nhà hai bên gia đình, đặt vấn đề chính thức.

Khi hai bên đều đã đồng ý, lúc này người mai mối có nhiệm vụ làm trung gian mối liên hệ giữa hai bên gia đình. Tất cả mọi hoạt động quan trọng của hai bên gia đình đều có sự tham gia góp ý kiến của người mai mối, xem như một thành viên của hai gia đình vậy, được hai bên gia đình hết sức quý trọng, tiếp đãi chu đáo hơn.

Từ khi đã đồng ý làm sui với nhau, hai bên gia đình thống nhất ngày để nhà gái cõng củi cho nhà trai, gọi là “Pôơq loang unh ca proi”. Nhà gái chọn các chị em phụ nữ trong làng khoảng 20 - 30 người (tùy theo khả năng) đi lên rừng kiếm củi để cõng về cho nhà trai. Nhà trai chuẩn bị cơm, rượu ngon để tiếp đãi đoàn cõng củi nhà gái. Một thời gian sau nhà gái cũng tổ chức công việc gì đó để cho nhà trai làm. Và đây cũng là dịp để cho chú rể tương lai thể hiện tài năng của mình đối với gia đình nhà vợ.

Sau đó có thể trong năm, hoặc một hai năm sau, thậm chí lâu hơn nữa mới có thể tổ chức đám cưới cho đôi vợ chồng trẻ. Trong thời gian chưa tổ chức đám cưới, người mai mối luôn giữ mối liên hệ mật thiết với hai bên gia đình; đồng thời theo dõi diễn biến tâm tư tình cảm của hai đứa trẻ, phòng ngừa những dèm pha của thiên hạ, khi nào được tổ chức đám cưới xong mới được xem là đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Công việc mai mối vợ chồng xem ra khá thú vị, nó mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết nam nữ thanh niên người Hrê tự tìm hiểu bạn tình và tự quyết định lấy vợ lấy chồng cho mình, không có sự sắp đặt của cha mẹ như thời xưa nữa. Và một số nét đẹp văn hóa trong đám cưới của người Hrê hầu như không còn, trong đó có tục mai mối vợ chồng.    

MINH ĐÁT

Lễ tục hôn nhân của người Hrê


(Báo Quảng Ngãi)- Đồng bào dân tộc Hrê định cư lâu đời ở miền núi Quảng Ngãi và các vùng lân cận, có bản sắc văn hóa riêng, và Lễ tục hôn nhân là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống còn được lưu giữ đến ngày nay.
Hôn nhân truyền thống của người Hrê về cơ bản là ngoại tộc, tự nguyện và là hôn nhân một vợ, một chồng. Con trai, con gái đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu, yêu thương, và có quyền lựa chọn người bạn đời cho mình. Tuy nhiên, sự lựa chọn ấy phải được hai bên cha mẹ chấp thuận và trong một chừng mực nhất định, phải được dân làng đồng tình (không vi phạm Luật tục). Chính vì vậy, Lễ tục hôn nhân truyền thống của người Hrê có vai trò quan trọng của người làm mai mối (Lam-ha-but).

Sự tìm hiểu của con trai, con gái Hrê thường diễn ra trong cuộc sống đời thường thông qua lao động sản xuất trên nương rẫy, trong giao tiếp hằng ngày và các dịp lễ hội. Chàng trai khoẻ mạnh, thông minh tháo vát, phát rẫy làm ruộng giỏi, cái miệng nói lời hay, biết đánh nhạc Ching hay rất được các cô gái ưng cái bụng. Còn những cô gái khoẻ mạnh, đảm đang, làm cái rẫy cái ruộng giỏi, cái tay biết dệt thổ cẩm đẹp, biết vỗ Vinh-vút và cái miệng hát Kchoi, Klêu hay sẽ rất được nhiều chàng trai để ý yêu thương.  

Quá trình tiến tới hôn nhân của con trai, con gái Hrê không phụ thuộc vào chế độ phụ quyền hay mẫu hệ. Nghĩa là con trai, con gái trưởng thành đều bình đẳng và chủ động trong quyết định hôn nhân của mình. Khi đôi trai gái thương nhau, được gia đình chấp thuận, cha mẹ sẽ nhờ người làm mai đánh tiếng cho gia đình bên kia biết ý định của hai đứa và ý định của gia đình mình. Người làm mai trong hôn nhân của người Hrê có vai trò đặc biệt quan trọng, họ làm mai mối đôi nam, nữ với nhau.

Nhưng nếu trường hợp đôi nam, nữ tự tìm hiểu, người làm mai sẽ thay mặt gia đình thăm dò những người lớn tuổi và dân làng về nguồn gốc hai bên gia đình (nhằm tránh hôn nhân cùng huyết thống và vi phạm các Luật tục của làng). Người làm mai chẳng những đóng vai trò là sợi dây liên hệ xuyên suốt giữa hai bên gia đình cho đến khi hôn nhân hoàn thành, mà còn có trách nhiệm vun vén cho hạnh phúc của đôi trai gái sau khi đã thành vợ thành chồng. Vai trò quan trọng như vậy, nên người làm mai phải hiểu biết phong tục tập quán, có khả năng ăn nói thuyết phục và phải có uy tín, được dân làng quý mến.

Thông qua người làm mai, hai bên gia đình hiểu được ý định của nhau, cùng nhau thỏa thuận những vấn đề cần thiết để đi đến hôn nhân của đôi trai gái. Trình tự nghi lễ dẫn đến hôn nhân của người Hrê cũng qua những bước cụ thể: Lễ thức mai mối, lễ gặp mặt hai gia đình, lễ hỏi, và lễ cưới. Trong suốt quá trình này, một trong những nhiệm vụ quan trọng của người làm mai là thăm dò, thỏa thuận giữa hai bên gia đình về việc đón dâu hay đón rể. Đối với người Hrê, việc đón dâu hay đón rể là do đôi trai gái, hai bên gia đình cùng thống nhất với nhau, nhưng thường thì phía gia đình ít con, khó khăn về kinh tế hơn sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Ngày đón dâu, hoặc đón rể về nhà của người Hrê thường diễn ra gọn nhẹ. Nếu là đón dâu, phía nhà trai mời những thanh nữ còn chưa lập gia đình trong làng, càng đông càng vui để cùng đi với chú rể đến nhà gái đón dâu. Ngược lại, nếu là đón rể, phía nhà gái mời những nam thanh niên chưa vợ cùng đi với cô dâu đến nhà trai để đón rể. Bên phía đón dâu (hay đón rể) mang theo quần áo, kiềng bạc cho nhà bên kia - gọi là đồ dẫn cưới, và phải chuẩn bị sẵn một không gian trong nhà, có bếp, có nơi ngủ cho đôi tân hôn. Và cũng chính tại đây sẽ là nơi diễn ra những nghi thức tượng trưng cho sự gắn bó giữa cô dâu và chú rể. Hai người sẽ trao cho nhau miếng trầu, bát rượu, quàng chung một vòng chỉ...

Khi đoàn người đón dâu, hoặc đón rể về tới nhà, gia đình sẽ dâng lễ vật, thường là con gà để báo cáo và xin thần linh, ông bà chứng giám, công nhận đôi nam nữ từ nay đã thành vợ thành chồng, cho chúng nó mạnh khỏe, yêu thương gắn bó suốt đời, làm rẫy làm ruộng thuận lợi, và sinh con đẻ cháu.

Ngày đón dâu, đón rể không chỉ là niềm hạnh phúc, niềm vui của lứa đôi, của hai bên gia đình mà còn là niềm vui của cả cộng đồng dân làng. Dân làng đến chia vui, cùng uống rượu Cần, đánh nhạc Ching, Vinh-vút, hát các làn điệu dân ca truyền thống.

Mùa xuân - khi hoa Pơ-liêng nở rộ đỏ rực trên khắp núi rừng cũng là mùa lễ cưới của người Hrê. Luật tục của người Hrê cũng quy định loạn luân là một trọng tội, có liên lụy đến cả cộng đồng và bị cộng đồng dân làng xử phạt rất nặng.
                      
Văn Bốn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét