VHO- Chùa Thiên Ân là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ XVIII, tọa lạc ở làng Tống Ngọc, xã Lộc Tân (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Chùa Thiên Ân không chỉ là nơi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, có giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là cơ sở cách mạng, nơi các cán bộ Việt Minh hoạt động trước cách mạng tháng 8 năm 1945.
Bia đá tại chùa Thiên Ân
Theo truyền thuyết vào giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, có một bà chúa (tên là chúa Son) là một thứ phi của chúa Trịnh là người trong làng, đã trở về mảnh đất này bỏ tiền, của xây dựng nên ngôi chùa. Chùa xây xong nhân dân trong làng gọi là chùa Chúa (có lẽ tên làng chúa cũng xuất hiện vào giai đoạn này).
Chùa có kiến trúc theo lối chữ Đinh, hướng về phía nam trên một khu đất rộng rãi, thoáng đãng. Phía trước là nhà bái đường, sau nhà bái đường là chính điện. Bao quanh khuôn viên ngôi chùa có vườn chùa, trồng các loại cây cảnh, cây ăn quả, có sân chùa, giếng chùa. Phía đông chùa là khu đất rộng gọi là đồng chùa.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng kể lại rằng ở nhà chính điện có bày nhiều tượng phật sắp xếp theo nhiều tầng khác nhau. Tầng cao nhất trong cùng bàn thờ là ba pho tượng ngồi trên tòa sau gọi là “Tam Thế Phật” bao gồm tượng phật A di đà (quá khứ), Phật Thích ca Mâu ni (hiện tại), Phật Bồ tát Di lặc (tượng lạc). Phía dưới là ba pho tượng “Di đà tam tôn” gồm Bồ tát Quan Thế Âm, Phật A di đà và Bồ tát Đại thế chí. Rồi còn các tượng Phật Thích ca Mâu ni lần lượt được đặt ở phía dưới. Ở chùa còn có chuông đồng, bia, khánh đá. Nhà bái đường có các tượng Hộ pháp ở hai gian bên. Tượng ông thiện bên trái, tượng vị bên phải là trừng ác việc bày đối xứng hai tượng này nói lên sự tồn tại biện chứng của hai bản nguyên Thiện - Ác.
Có thời gian, chùa có sư trụ trì nhưng sau này không còn ai trụ trì nữa, vì vậy dân làng đã cử người ra trông coi nhà chùa gọi là thầy chùa. Sau này (thập niên 50 thế kỷ XX) do không có người trông coi, sự tàn phá của thiên nhiên làm cho kiến trúc chùa cũng không còn được như xưa, bão gió làm tốc mái, đổ tường, chùa được tháo dỡ để lấy vật liệu xây dựng trường học, trạm xá, chỉ còn lại dấu tích móng chùa và bia cột đá vỡ. Những năm gần đây do nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo nhiều người có nguyện vọng khôi phục lại ngôi chùa đã cùng nhau quyên góp tiền của công sức khôi phục lại chùa. Trên nền móng cũ ngôi chùa đã được tôn tạo lại như hiện nay (với diện tích 130m2).
Tháng 12.2015, theo nguyện vọng của nhân dân, phật tử chùa Thiên Ân, Đại đức Thích Chúc Đạt về chùa và điều hành mọi hoạt động tín ngưỡng tôn giáo đạo Phật tại chùa. Hiện nay, các hoạt động của chùa đã đi vào quy củ, quang cảnh thông thoáng hơn. Trong thời gian này, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, diện tích khuôn viên nhà chùa đã được mở rộng với diện tích 4.000m2.
“Tuy nhiên trải qua nhiều biến cố của thiên nhiên và thăng trầm của lịch sử, chùa Thiên Ân đã xuống cấp nghiêm trọng. Để công trình tâm linh có thể sớm được hoàn thành đưa vào hoạt động, phục vụ tín ngưỡng cho người dân, đồng thời là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước cần sự chung tay, tấm lòng hảo tâm của tăng ni, phật tử và nhân dân, các Mạnh Thường Quân, doanh nghiệp ở khắp mọi miền đất nước để chùa Thiên Ân sớm được trùng tu, tôn tạo xây dựng”, Đại đức Thích Chúc Đạt trụ trì chùa Thiên Ân chia sẻ.
Vào ngày 25.11.2018 Dương lịch tới đây, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thanh Hóa chính thức bổ nhiệm Đại đức Thích Chúc Đạt trụ trì chùa Thiên Ân, xã Lộc Tân, Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét