Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Những tiết lộ về quà tặng của Hoàng gia

VHO- Những đồ vật hoàng cung có ý nghĩa quà tặng của các Hoàng gia lân bang còn thấy nhiều trong sưu tập bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, mà rồi đây cần được nghiên cứu, công bố. Giá trị của chúng không chỉ là cổ vật, mà qua đó còn tìm hiểu về quan hệ ngoại giao, chủ nhân sở hữu, công năng sử dụng… hẳn là một đối tượng không dễ gì tiếp cận trong các triều đại phong kiến Việt Nam trước đó.
1. Trong một đề tài nghiên cứu của mình, TS Nguyễn Đình Chiến và ThS Lê Thị Thanh Hà đã công bố hai chiếc đĩa men nhiều màu, nung nhẹ lửa, niên đại thế kỷ 19 trong sưu tập gốm Nhật Bản hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, với nhiều tiêu bản hiếm quý khác, vốn được Bảo tàng LouiFinot mượn từ các Bảo tàng Nhật Bản về trưng bày tại Hà Nội, định khai mạc vào năm 1945.
Thế rồi, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, cuộc trưng bày đã không diễn ra như dự kiến, những cổ vật Nhật Bản không thể hồi hương. Sau đó, sự kiện trao ấn kiếm của vua Bảo Đại cho chính quyền nước Việt Nam mới,do hai ông Cù Huy Cận và Trần Huy Liệu thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa vào Huế tiếp nhận, khoảng tháng 8 năm 1945, cùng rất nhiều bảo vật hoàng cung khác kèm theo, nay cũng lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Nhưng trước đó, vào năm 1963, chúng phải gửi vào Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo an toàn, do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ sắp xảy ra ở miền Bắc nước ta.
Trong số những bảo vật được gửi cho Ngân hàng, còn sót lại hai chiếc đã nói trên, khiến cho hai nhà nghiên cứu nghĩ rằng, chúng chỉ là những chiếc đĩa thông thường, và quý nhất cũng chỉ là hai cổ vật được các đồng nghiệp Pháp mượn về từ Nhật Bản trước thế chiến thứ hai mà thôi. Nguyễn Đình Chiến và Lê Thị Thanh Hà đã công bố bước đầu bộ sưu tập nêu trên trong tạp chí Cổ vật tinh hoa mấy năm trước, trong đó có hai chiếc đĩa, khiến tôi phải đính chính, cũng trên tạp chí này rằng, hai bảo vật ấy nằm trong sưu tập Hoàng cung triều Nguyễn được hai vị lão thành đưa về, nhưng không hiểu vì lý do gì, chúng bị tách ra khỏi sưu tập, đưa sang kho gốm sứ Đông Nam Á của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, gây nên sự nhầm lẫn như thế.
Hai chiếc đĩa nhỏ nhắn, xinh xắn, vẽ phong cảnh, lầu gác và thiếu nữ đài các bên lan can với đường nét vô cùng tinh xảo, thể hiện đẳng cấp của gốm sứ Lò quan thời Minh Trị, khiến cho tôi xem đó là một lý do khẳng định, đấy là quà của Hoàng gia Nhật Bản tặng cho Hoàng gia Việt Nam qua sự bang giao của hai vương triều trong lịch sử. Chất lượng sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ của hai bảo vật này, thêm một lần nữa làm tôi tin, giả thiết của mình là hoàn toàn có cơ sở.
2. Thế rồi, gần đây khi tiếp xúc với những hiện vật trong sưu tập của một cựu nhà báo ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi cũng nhận ra, trong vô số cổ vật của ông, có 5 hiện vật rất xinh xắn và tinh xảo, mang phong cách và kỹ thuật nung gốm lò quan và thợ thủ công ngự xưởng triều Thanh (Trung Hoa). Đó là chiếc bát men nhiều màu, mỏng như giấy, vẽ rồng 5 móng, hoa lá, dưới đáy có dấu triện vuông “Càn Long niên chế”, cùng một chiếc lọ củ tỏi men máu bò, đỏ như tiết, dưới đáy có hai vành xanh, gợi ý niên đại triều Thanh của nó. Dấu ấn hoàng gia của hai cổ vật này còn chỉ thị bằng màu men vàng, được phủ lên khí vật bằng kỹ thuật nung nhẹ lửa, theo đó, thời gian và quá trình sử dụng đã làm “lạc tinh” màu vàng ấy, khiến cho cổ vật càng có độ xác tín hơn.
Ngoài hai cổ vật này, cựu nhà báo còn đôi lọ đồng tráng men mà người Việt Nam vẫn quen gọi là đồ “Pháp lam” và chiếc lọ ngà được khắc chạm nhân vật phong cảnh qua những đường nét li ti như sợi tóc. Đôi lọ pháp lam cao khoảng 3cm, nhưng trên màu men xanh hồ thủy còn những chấm vàng, rắc thưa trên toàn bộ khí vật, biểu thị cho sự cao sang, quyền quý của đồ dùng Hoàng cung.
Nhận ra 5 cổ vật khác lạ, nhà báo khen tôi là người tinh đời và nói rằng, sau năm 1975, ông có mặt trong đoàn phóng viên đầu tiên sau giải phóng vào miền Nam công tác bằng ô tô. Đến Huế, lang thang ngoài phố xá, ông nhìn thấy những cổ vật ấy bày bán ở vỉa hè và hỏi mua. Người phụ nữ luống tuổi, nói tiếng Huế, rằng, chủ tôi là Mệ, sai tôi đem bán những thứ này để mua gạo và nhu yếu phẩm, khi mà thành phố Huế nói riêng, miền Nam sau giải phóng nói chung, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Ông nhà báo mua không nhiều tiền, sau đó, sang hàng kế bên, mới được biết, đó là người hầu của bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại, được sai đi bán những đồ lưu truyền từ nhiều đời để lại, nhằm khắc phục khó khăn, khi cuộc sống vương giả không còn.
3. Những đồ vật hoàng cung có ý nghĩa quà tặng của các Hoàng gia lân bang còn thấy nhiều trong sưu tập bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, mà rồi đây cần được nghiên cứu, công bố. Giá trị của chúng không chỉ là cổ vật, mà qua đó còn tìm hiểu về quan hệ ngoại giao, chủ nhân sở hữu, công năng sử dụng… hẳn là một đối tượng không dễ gì tiếp cận trong các triều đại phong kiến Việt Nam trước đó.
Quà tặng của Hoàng gia trong mối quan hệ ngoại giao của các quốc gia lân bang đã từng được ghi chép rất nhiều trong sử sách. Nhưng, để tiếp cận được chúng với tư cách là vật thể, ở Việt Nam, còn lại nhiều ở triều Nguyễn. Tuy nhiên, từ trong lòng đất và lòng biển, được phát hiện từ khảo cổ học, hiện tượng đồ gốm sứ được dùng làm quà tặng khá nhiều.
Khai quật những ngôi mộ cổ Mường ở Hòa Bình và Hà Tây cũ, mà chủ nhân của những ngôi mộ ấy là những ông lang Cun, lang Đạo, tìm thấy khá nhiều những đồ gốm sứ thuộc thời Tống, thời Nguyên, thời Minh của Trung Hoa, gốm Nhật Bản, gốm Chăm Pa, Khơ Me và Xiêm La, bên cạnh đồ gốm Đại Việt. Chúng phần lớn là gốm sứ thương mại, đến nước ta bằng con đường buôn bán. Tuy nhiên, có ít trong số ấy là những đồ dùng hoàng cung, được chôn theo chủ nhân mộ. Sự xuất hiện những đồ dùng hoàng cung tại Mường do những nguyên nhân lịch sử tác động.
Những tù trưởng Mường nói riêng và các tù trưởng dân tộc thiểu số nói chung là những thành phần hết sức được nuông chiều từ chính quyền Trung ương. Vua phong rất nhiều chức tước, dẫu là “hữu danh vô thực” cho họ, gả bán công chúa cho họ, nhằm ràng buộc họ với triều đình, để giữ yên vùng biên viễn. Phong chức tước, gả bán công chúa, kèm theo là quà tặng và của hồi môn, theo đó có nhiều đồ quý của các triều đình lân bang tặng cho triều đình Đại Việt, đã trở thành của cải của các tù trưởng. Vì lẽ đó, khi chết, gia tộc họ đã chôn theo, để đến hôm nay, còn thấy những đồ dùng cung đình trong phần mộ họ.
4. Các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy trong những con tàu chở hàng xuất khẩu, với một số ít đồ gốm sứ có ghi niên hiệu, hay gốm cao cấp, thường dùng trong hoàng cung. Đấy phải chăng là quà tặng của Hoàng gia, gửi qua các thương nhân, đến với các sứ thần, dâng lên các triều đình có quan hệ ngoại giao và buôn bán.
Con tàu cổ Cà Mau, có rất ít những đồ gốm ghi niên hiệu “Đại Thanh Ung Chính niên chế” hay trong con tàu cổ Cù Lao Chàm (Hội An - Quảng Nam) có một số ít những đồ gốm men trắng văn in, mỏng và thấu quang, chỉ thấp hơn phẩm cấp của gốm vua dùng, tìm thấy trong Hoàng thành Thăng Long gần đây, hẳn tất cả đều là quà tặng của Hoàng gia triều Lê sơ Đại Việt và triều Ung Chính Đại Thanh tặng các vương triều lân bang, khi có những sự kiện trong quan hệ ngoại giao.
Thông tin ban đầu từ con tàu cổ Dung Quất (Quảng Ngãi) đang khai quật, cũng cho biết số ít đồ sứ có ghi niên hiệu “Đại Minh Tuyên Đức niên chế” hay “Tuyên Đức niên chế” chắc cũng là quà tặng của vua Minh đến với các quốc gia khu vực, nhưng giữa đường bị chìm đắm.
Quà tặng từ các hoàng gia là một hiện tượng thường thấy trong lịch sử các vương triều và thường gặp trong các di chỉ khảo cổ học, do đó, chúng là một đối tượng nghiên cứu rất cần được quan tâm. Tuy nhiên, đây là một vấn đề từ xưa tới nay nhận được rất ít sự chú ý của các nhà nghiên cứu, mà bài viết này muốn gợi ra để mong muốn sau này có những chuyên khảo sâu sắc, kỹ càng và hoành tráng hơn.

TS PHẠM QUỐC QUÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét