Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

Chùa Phúc Chỉ - Cơ sở cách mạng đầu tiên của tỉnh

Chùa Phúc Chỉ xã Yên Thắng (Ý Yên) không chỉ là di tích có giá trị lịch sử, văn hoá và kiến trúc mà còn là một cơ sở cách mạng đầu tiên của tỉnh gắn với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Giáo dục truyền thống cho học sinh tại Chùa Phúc Chỉ, xã Yên Thắng.
Giáo dục truyền thống cho học sinh tại Chùa Phúc Chỉ, xã Yên Thắng.
Chùa Phúc Chỉ do Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật xây dựng sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược. Ban đầu chùa có tên là Thái Tử quán tự, sau đổi là Sùng Nghiêm tự. Đến thời Nguyễn, dưới triều Vua Minh Mạng, chùa được đổi tên thành Chùa Phúc Chỉ như hiện nay. Chùa Phúc Chỉ ở trên một khu đất rộng 10 mẫu Bắc Bộ bằng phẳng, thoáng mát. Phía trước chùa là cánh đồng lúa rộng rãi, sau chùa là núi Gôi tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình của một vùng quê trù phú. Chùa có từ thời Trần, được đại trùng tu vào thế kỷ XIX. Công trình chùa xây dựng theo bình đồ hình chữ “Sơn”, kiểu trùng thềm điệp ốc, bao gồm: tiền đường 7 gian và 3 tòa phía sau tiền đường; trong đó tòa giữa có 3 gian, hai tòa hai bên mỗi tòa 2 gian thờ Mẫu và Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Nổi bật ở di tích là tháp Cửu Phẩm cao hơn 10m có ghi sáu chữ “Trần triều Thái sư bảo tháp”. Phía trước chùa là ao Nhật, ao Nguyệt thả hoa sen trắng, gác chuông… Hằng năm, cứ đến ngày 12 tháng Giêng, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật về quê hương lập nên làng Phúc Chỉ. 
Là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, di tích Chùa Phúc Chỉ còn là “nhân chứng” lịch sử gắn với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân hai huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng. Tháng 3-1929, trên cơ sở tiếp thu chủ trương của Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội Nam Định, những người yêu nước của quê hương Nghĩa Hưng gồm các đồng chí: Vũ Trọng Soạn, Nguyễn Văn Uý, Phạm Thế Nhàn đã tổ chức thành lập chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội huyện Nghĩa Hưng. Cuối năm 1929, chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nghĩa Hưng được thành lập tại Chùa Phúc Chỉ gồm 13 đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn Ry làm bí thư. Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, là tiền thân của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở phủ Nghĩa Hưng sau này. Tại Chùa Phúc Chỉ, từ ngày 30-1 đến ngày 1-2-1931, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định triệu tập Hội nghị thôn bộ nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của các chi bộ vùng nông thôn thuộc hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Sau Hội nghị thôn bộ, nhiều phong trào đấu tranh sôi nổi, phát triển rầm rộ diễn ra ở khắp các vùng nông thôn ở hai địa phương. Các chi bộ đã lãnh đạo nhân dân các xã đấu tranh chống đế quốc phong kiến, địa chủ, cường hào với mục tiêu đem lại quyền lợi cho nhân dân. Không chỉ tổ chức các cuộc họp, hội nghị quan trọng, Chùa Phúc Chỉ còn là nơi cất giấu tài liệu, là trạm giao liên thông báo tình hình địch cho cán bộ kháng chiến. Người dân Phúc Chỉ đã tổ chức rải truyền đơn ở khu vực chợ Đồi, chợ Đống Cao sát phủ Nghĩa Hưng để đấu tranh đòi quyền lợi. Một số đảng viên và quần chúng cách mạng ở thôn Phúc Chỉ đã tổ chức cắm cờ trên núi Gôi phát động kháng chiến, tập hợp quần chúng biểu tình đòi khất sưu, giảm thuế. Quân và dân Phúc Chỉ không những tham gia cùng các địa phương khác đấu tranh giành chính quyền mà còn nhiệt tình tham gia cất giấu, bảo vệ và nuôi dưỡng cán bộ, lãnh đạo Đảng được an toàn.
Với những giá trị về lịch sử, văn hoá và cách mạng, Chùa Phúc Chỉ được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia năm 1999. Từ khi di tích được Nhà nước xếp hạng bảo vệ và tôn tạo, UBND xã Yên Thắng đã thành lập Ban quản lý di tích và quy định nội quy, quy chế hoạt động cụ thể. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức quy hoạch, thực hiện cắm mốc giới và khoanh vùng bảo vệ di tích. Từ năm 2014 đến nay, nhân dân địa phương, con em xa quê và khách thập phương đã tiến cúng 5,5 tỷ đồng để xây dựng các công trình bổ trợ cho di tích như: nhà thờ Tổ, tượng Bồ Tát, tiểu cảnh non bộ, lát sân nền, xây ao, tường bao… Hằng năm, các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn xã Yên Thắng thường xuyên tổ chức các hoạt động dọn dẹp vệ sinh, tham quan, học lịch sử tại di tích để nâng cao nhận thức về lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Trở lại vùng quê Phúc Chỉ hôm nay, nhiều người đều cảm nhận được sự đổi thay đang hiện hữu trong đời sống của người dân nơi đây. Đồng chí Nguyễn Thị Lựu, Bí thư Chi bộ thôn Phúc Chỉ cho biết: Những trang sử vàng đầy tự hào của quân và dân Phúc Chỉ trong thời kỳ cách mạng kháng chiến đang được các thế hệ kế tiếp chọn lọc gìn giữ, phát huy, nối bước truyền thống cha anh để xây dựng quê hương. Với sự nỗ lực cố gắng của chi bộ Đảng và sự đồng lòng của nhân dân, đến nay, tất cả các tuyến đường giao thông trong thôn được người dân đóng góp để “bê tông hoá”, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Công cuộc phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, phát triển ngành nghề cùng với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đem lại hiệu quả cao. Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm rõ rệt. Nhiều năm liền Chi bộ thôn Phúc Chỉ luôn đạt trong sạch vững mạnh./.
Bài và ảnh: Khánh Dũn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét