Tỉnh ta là nơi hội tụ, bảo lưu được nhiều di sản văn hoá vật thể với hơn 1.330 di tích lịch sử - văn hóa; trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 81 di tích cấp quốc gia, 282 di tích cấp tỉnh. Mỗi di tích đều mang đặc trưng riêng biệt gắn với từng thời kỳ lịch sử, phản ánh rõ nét đặc điểm văn hoá từng vùng, miền. Trải qua thời gian, các di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt là các di tích mang dấu ấn tôn giáo, tín ngưỡng vẫn được bảo tồn nguyên vẹn giá trị nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ, góp phần tôn vinh óc sáng tạo và sự tài hoa của các nghệ nhân xưa.
Nghệ thuật kiến trúc
Trên địa bàn tỉnh, các công trình tôn giáo, tín ngưỡng ra đời sớm nhất là hệ thống đình, đền, chùa, miếu, phủ. Tiêu biểu như các di tích: Chùa Cổ Lễ, Chùa Keo Hành Thiện, Chùa Đại Bi, Chùa Lương, Đình Thượng Đồng, Đình Cả, Đình Trung Trang, Đền thờ Đào Sư Tích, Đền Hưng Thịnh, Đền Xuân Bảng, Đền Đá, Miếu Cao Đài, Miếu Chân Nương, Phủ Nấp, Phủ Dầy… Các di tích không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là những công trình văn hoá tâm linh có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc. Với những vật liệu bền chắc và quý hiếm như: đá, gạch, gỗ tứ thiết, nghệ thuật kiến trúc còn được thể hiện qua các công trình tín ngưỡng dân gian khác như: tháp, cầu, lăng mộ. Các di tích này đều mang đậm giá trị nghệ thuật kiến trúc từ thời Lý - Trần đến thời Nguyễn (từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIX). Tháp Chùa Cổ Lễ (Bảo tháp Cửu Phẩm Liên Hoa), Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) do Hòa thượng Phạm Quang Tuyên thiết kế, xây dựng năm Đinh Mão, niên hiệu Bảo Đại 2 (1927). Theo các bậc cao niên ở địa phương thì việc xây dựng tháp diễn ra công phu. Để xây dựng tháp trên một hồ nước, nhà sư phải cho gia cố móng 50 cây gỗ lim lớn. Lần đầu tháp đã bị đổ. Lần thứ hai mới thành công và đứng vững đến ngày nay. Tháp có tiết diện hình bát giác, cao 32m, 11 tầng (1 tầng đế, 1 tầng đỉnh và 9 tầng hoa sen), mang ý nghĩa “cửu trùng” (9 tầng trời Phật) - một đặc thù tín ngưỡng của Đạo Phật Thích Ca. Nền tháp là một con rùa lớn nổi giữa mặt hồ - biểu tượng của sự trường tồn trong đạo Phật. Bốn hướng: đông, tây, nam, bắc là 4 hòn non bộ, phỏng theo triết lý Đông Phương (Thái cực - Lưỡng nghi - Tứ tượng - Bát quái)... Câu kệ trên tháp Chùa Cổ Lễ mang dấu ấn Phật giáo Mật tông thời Lý - một dòng Thiền có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội lúc bấy giờ.
Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường). |
Tháp Chương Sơn (Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện), xã Yên Lợi (Ý Yên) là công trình kiến trúc Phật giáo được Vua Lý Nhân Tông khởi dựng từ năm 1108 và hoàn thành vào năm 1117. Thế kỷ XV, khi quân Minh sang xâm lược, tháp bị tàn phá tan hoang chỉ còn lại khu phế tích Tháp Chương Sơn cùng nhiều di vật, cổ vật có giá trị đến ngày nay. Trong hệ thống cổ vật được khai quật trên núi Ngô Xá năm 1966-1967, lan can thành bậc (cấu kiện ghép ở hai bên thành của bậc lên xuống) là một trong số ít hiện vật còn tương đối nguyên vẹn về hình thức và độc đáo về hoa văn trang trí của tháp Chương Sơn. Đây không chỉ là hiện vật gốc độc bản có niên đại thời Lý (thế kỷ XII) tại Nam Định mà còn là tiêu bản duy nhất được phát hiện ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015. Phế tích tháp Chương Sơn cùng với Cụm di tích Chùa Nề, Đền - Chùa Ngô Xá được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia năm 2012.
Tháp Phổ Minh, phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định) được xây dựng năm 1305, dưới thời Vua Trần Anh Tông. Tháp cao 19,5m, có 14 tầng, càng lên cao, càng thu hẹp dần và kết thúc bằng một chỏm nhọn hình bầu rượu có nhiều cạnh. Các tầng trên trổ cửa cuốn tò vò vươn ra bốn phía. Bệ thờ bằng đá được đặt trong lòng tầng tháp thứ nhất, cách điệu bằng những cánh hoa sen. Tháp Phổ Minh tuy trang trí đơn giản nhưng vẫn nổi bật với hoa văn dây uốn lượn, hình rồng gấp khúc vờn mây. Cùng với tháp Phổ Minh, nằm rải rác trong khu vực chùa còn có 96 chân tảng đá chạm hoa sen. Ở cổng tam quan cũng như quanh chân tháp còn nhiều đôi sóc đá gắn vào bậc lên xuống. Trước nhà bái đường có hai đôi rồng chạm đá dáng vẻ uy nghi, mập mạp, chân to, móng khoẻ mang đặc trưng nghệ thuật chạm khắc rồng thời Trần.
Ở tỉnh ta, công trình kiến trúc cầu là sản phẩm nghệ thuật đặc trưng của vùng đất có địa hình sông ngòi ngang dọc dày đặc. Ở các làng quê trong tỉnh như: Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực, Mỹ Lộc…, những cây cầu cổ, tồn tại lâu đời có vị trí đặc biệt quan trọng đối với người dân. Cầu được chia làm 2 loại: cầu ngói và cầu đá. Vật liệu cố định gồm: gạch, đá, tre, gỗ. Cầu Ngói, xã Hải Anh (Hải Hậu) và Cầu Ngói, xã Bình Minh (Nam Trực) tồn tại lâu đời, được trùng tu vào đầu thế kỷ XX. Cả 2 di tích đều có kết cấu “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) gắn với Chùa Lương và Phủ Bà tạo nên một khung cảnh nên thơ, trữ tình. Cùng với 2 cây cầu được xếp hạng di tích này, hiện nay, ở xã Hải Anh còn có 9 cây cầu đá cổ trang trí mây cách điệu đầu rồng độc đáo. Huyện Trực Ninh có 3 cây cầu đá trang trí cánh sen, rồng mây; đặc biệt là cây cầu lợp mái bổi ở làng Kênh, Thị trấn Cổ Lễ. Khác với cầu ngói, mái Cầu Bổi làng Kênh được lợp bằng cây bổi (cây cói) nhẹ, xốp, chịu được gió bão. Thời kỳ đầu, toàn bộ hệ thống mố cầu làm bằng đá xanh nguyên khối, cột trụ làm bằng gỗ cây cổ thụ; mặt sàn và khung cầu, vì kèo mái cũng được làm bằng những tấm ván lim dày. Trải qua thời gian, mỗi khi mái bổi mục nát, lại được nhân dân góp công, góp sức trùng tu, lợp lại.
Cùng với những cây cầu cổ, hệ thống lăng mộ ở tỉnh ta cũng được chính quyền và nhân dân các địa phương gìn giữ, bảo tồn nhằm tưởng nhớ, thờ phụng các vị thánh thần, những nhân vật lịch sử có công với đất nước. Một số lăng mộ tiêu biểu có nghệ thuật kiến trúc độc đáo như: Lăng Mẫu Liễu Hạnh, Lăng mộ Quận công Vũ Công Chấn, Lăng mộ Nữ tướng Mai Thị Hồng (Vụ Bản); Lăng mộ Trần Minh Công (Nam Trực); Lăng mộ Công chúa Phụng Dương (Mỹ Lộc)… Lăng Mẫu Liễu Hạnh là di sản văn hoá đặc sắc được xây dựng vào thời Minh Mệnh (1820-1840) và được Vua Bảo Đại mở rộng năm 1938. Năm 1975, Lăng Mẫu Liễu Hạnh được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du Lịch xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Nhiều năm qua, Lăng Mẫu đã thu hút hàng triệu lượt khách dâng hương, tham quan du lịch.
Điêu khắc cổ
Nghệ thuật điêu khắc qua các công trình văn hoá tâm linh ở tỉnh ta thể hiện trên nhiều vật liệu khác nhau như: gỗ, đá, gốm, đồng. Trong đó, điêu khắc trên gỗ là loại hình điêu khắc phổ biến nhất tại các di tích thông qua các hiện vật: cửa võng, cột trụ, kẻ rường, khám thờ, ngai thờ, bài vị, cỗ kiệu… Đình Hưng Lộc, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) là điển hình của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII-XVIII với những nét chạm trổ tỉ mỉ, trau chuốt, khoáng đạt. Bức chạm khắc gỗ ở di tích là tác phẩm nghệ thuật ghi lại nét sinh hoạt hằng ngày của cư dân các làng quê với các đề tài đa dạng, phong phú như: long sào, mẫu long giáo tử, trúc hóa long, tiên nữ cười rồng… Độc đáo nhất là bức chạm “Bốn nụ cười”, chạm cảnh yêu đương của đôi nam nữ và cảnh vui đùa của bạn bè. Bốn con người - bốn nụ cười hồn hậu, hóm hỉnh của người dân lao động lấp lánh tinh thần lạc quan trong sáng, yêu đời, được thể hiện rõ qua bàn tay tài hoa của người thợ với các đường nét, mảng khối của bức chạm vừa phóng khoáng, vừa tinh xảo tự nhiên. Các di tích ở Hải Hậu, nghệ thuật chạm khắc trên gỗ có sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa văn hóa nội đồng, văn hóa thương mại và văn hóa biển. Chùa Phúc Hải, xã Hải Minh ngoài vẻ đẹp về quy mô kiến trúc, còn có hệ thống tượng Phật khá phong phú được chạm khắc, sơn thếp lộng lẫy; tiêu biểu là các pho tượng: Tam Thế, Phật Bà, Thích Ca, Cửu Long... cùng các cỗ kiệu, long đình, đại tự, cửa võng được chạm khắc công phu, nội dung phong phú ca ngợi cảnh đẹp chốn cửa thiền. Ngoài ra, ở vùng đất này còn lưu giữ tượng nhiều vị thần linh mang yếu tố biển và thương mại như: Càn Hải Đại Vương, Nam Hải Đại Vương, Tứ vị Thánh Nương, Mẫu Liễu, Vua cha Bát Hải... Các di tích ở các địa phương khác nghệ thuật chạm khắc gỗ còn được thể hiện tại nhiều chi tiết: tam quan gác chuông (thế kỷ XIII) ở Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường); xà, dường, mê cốn ở Đình Sùng Văn (Mỹ Lộc); xà bẩy, hoành tại Đền Giáp Nhất (Vụ Bản); khám thờ (thế kỷ XIX) tại Từ đường họ Lã (Ý Yên)… Điêu khắc trên đá là loại hình điêu khắc thường gặp trên các bộ phận kiến trúc như: cột, bệ kê chân cột, tường, lan can, bia, khánh... Tiêu biểu là các mảng chạm khắc đá thời Hậu Lê, Lý trên các cấu kiện: cửa võng, ngưỡng đá ở Đền Đá, Đền Đồng Quỹ (Nam Trực); hoạ tiết long, ly, quy, phượng trên cột đá ở Đền Nam Lạng (Trực Ninh); cửa bó tạc hình núi, hoạ tiết vũ nữ thiên thần, rồng, voi, Phật, đài sen ở Chùa Nề, Chùa Ngô Xá (Ý Yên); bia đá khắc chữ Hán ở Chùa Nghĩa Xá (Xuân Trường); bia đá niên hiệu Hưng Long 1 (1293) ở Đình Cao Đài (Mỹ Lộc)… Khác với nghệ thuật chạm khắc thời Hậu Lê, Lý, nghệ thuật tạo hình trên đá thời Trần ở các di tích được thể hiện sắc nét và điển hình hơn với những hoạ tiết: rồng thân doãng khúc, đầu nảy sừng trên thành bậc cửa, đài sen hình vân xoắn, cách điệu ở tháp Phổ Minh; chân tảng chạm hoa sen, sóc đá ở khu vực Chùa Đệ Tứ (Thành phố Nam Định)… Điêu khắc trên đồng là loại hình điêu khắc có số lượng ít hơn điêu khắc trên gỗ và đá nhưng nghệ thuật trang trí đồ đồng truyền thống của người Việt ở Nam Định được các nghệ nhân xưa thể hiện qua các đồ vật thờ tự như: chuông, tượng, lư hương... Làng Đồng Quỹ, xã Nam Tiến (Nam Trực) là nơi có nghề đúc đồng truyền thống. Từ xa xưa, các nghệ nhân đã chế tác ra những hiện vật thờ tự bằng đồng đồng có giá trị nghệ thuật tại đền làng như: tượng Vua Triệu Quang Phục sơn son, thếp vàng ngồi trên sập cao 1,6m; chiếc vạc đồng cao 0,85m, nặng 180kg khắc bầu rượu, túi thơ, quả vả, cuốn thư… Một mảng điêu khắc, trang trí phổ biến và đặc sắc khác được thể hiện tại một số di tích thuộc Hành cung Thiên Trường xưa là điêu khắc trên các loại gốm. Các loại đồ gốm của thời Trần gồm các vật dụng bát, đĩa, gạch, ngói xây dựng, đồ thờ tự… được chạm khắc hoa lá chìm, phủ lên bằng các loại men trắng, rạn nâu, ngọc, ngà…
Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc qua các công trình tôn giáo, tín ngưỡng ở tỉnh ta đã phản ánh phong phú đời sống tinh thần truyền thống của nhân dân từ xa xưa. Trải qua thời gian, những thành tựu nghệ thuật, phong cách tạo hình tại các di tích vẫn được các địa phương quan tâm bảo tồn, gìn giữ, thể hiện lòng thành kính trước những di sản văn hóa truyền thống, tôn vinh nét tài hoa và trí tuệ của cha ông./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét