Thăm làng nghề bánh đa Lộ Cương (phường Tứ Minh, TP. Hải Dương) vào bất cứ mùa nào trong năm, chúng ta đều gặp một màu vàng khắp con đường quanh co trong làng khung cảnh vô cùng đặc biệt của những phên bánh đa vừa ra lò còn nóng hổi.
Sáng sớm, cả một vùng rộng lớn ở đây được bao phủ bởi những mảng màu vàng, trắng, cùng nhiều màu sắc khác đan xen, tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc vô cùng đẹp mắt, mang đậm truyền thống về một không gian làng nghề Việt. Khi mặt trời bắt đầu nhô ra tia nắng của một ngày mới còn le lói thì những phên bánh đa được các hộ dân làng nghề tráng xong đưa ra khỏi lò vẫn còn nghi ngút khói, bưng ra phơi trắng cả những con đường quanh co trong làng.
Nếu trời nắng to thì bánh đa chỉ phơi nắng khoảng 3 tiếng là được |
Nghề làm bánh đa xuất hiện ở làng Lộ Cương từ những năm 60 đến năm 1990 mới phát triển mạnh. Tháng 3/2006, làng Lộ Cương chính thức được công nhận là làng nghề. Hiện nay, làng có khoảng 600 hộ làm nghề, mỗi ngày sản xuất ra khoảng 60 tấn bánh đa các loại.
Gạo được xay xong đưa vào chậu để ngâm |
Xưa người dân chủ yếu làm bánh đa thủ công bằng tay, bột được xay bằng cối thủ công, tráng thủ công trên nồi đồng đun củi, nhưng những năm gần đây đã được thay thế bằng máy tráng, máy cắt… nên cũng phần nào giúp cho người làm bánh đa đỡ vất vả hơn trước và năng suất lao động cũng được tăng theo.
Phên được chuẩn bị đưa vào để tráng bánh đem đi phơi |
Cụ Nguyễn Thị Thành, 76 tuổi, người làng nghề cho biết: Làm nghề này vô cùng vất vả, phải thức khuya dậy sớm. Muốn bánh ngon phải đảm bảo được các yếu tố cơ bản như: gạo phải chuẩn, bột mịn tơ, mịn hơn cả bột làm bánh trôi, nhiệt độ cao, người làm bánh đòi hỏi phải có một thái độ làm việc cẩn thận, tỷ mỷ, để có thể cho ra lò những phên bánh đa vào buổi sáng sớm, người làm bánh đa phải thức dậy từ 4h sáng để xay bột, tráng bánh, chưa kể việc, phơi bánh mà gặp mưa thì lại phải thu vào...
Bánh được tráng xong đưa vào phên đem đi phơi |
Những phên bánh đa được mang ra phơi trên mọi nẻo đường, ngõ xóm trong làng. Công đoạn phơi bánh là khó khăn và vất vả nhất vì phải phụ thuộc thời tiết như nhiệt độ, nắng, độ ẩm, không khí, nếu không cẩn thận, bánh sẽ bị nứt, phải bỏ đi. Nếu trời nắng nhẹ, bánh được phơi khoảng từ 3 - 5 tiếng. Nếu trời nắng to thì chỉ phơi nắng khoảng 3 tiếng là được. Mỗi ngày, mỗi hộ làm bánh đa trong làng sản xuất được từ 2 - 2,5 tạ bánh đa thành phẩm các loại.
Mỗi ngày, làng nghề bánh đa Lộ Cương cho ra lò khoảng 60 tấn bánh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của dân thành phố và ngoài huyện, ngoài tỉnh. Bánh đa Lộ Cương có mặt ở khắp các cửa hàng, cửa hiệu, các quán phở trên TP. Hải Dương, sang Hưng Yên, lên Hà Nội rồi xuất cả vào miền Nam. Bánh đa Lộ Cương được nhiều người tin tưởng, bởi là thứ bánh không dùng hóa chất, không hàn the, phẩm màu.
Bánh đa phơi xong được đem đi cất xong sẽ tiếp tục mang phơi từ 1 - 2 tiếng để bánh khô |
Làng nghề bánh đa đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân nơi đây. Mỗi hộ gia đình làm nghề có thu nhập trung bình từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Điều mà người dân Lộ Cương mong muốn là xây dựng thương hiệu bánh đa quê hương mình vươn xa hơn nữa và mang đậm bản sắc làng quê Việt.
Theo Langvietonline.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét