Trên địa bàn tỉnh hiện còn bảo tồn hàng chục di tích để nhân dân thờ phụng, tri ân công đức đối với Vua Đinh Tiên Hoàng và các danh tướng dưới hai vương triều Đinh - Tiền Lê; tiêu biểu như: Đình Xám, Đền An Lá (Nam Trực); Đền Nam Lạng (Trực Ninh); Đền Vua Đinh, Đình Đằng Động, Đình Thượng Đồng, Đình Cát Đằng (Ý Yên), Đình Hưng Lộc (Nghĩa Hưng), Đền Thượng, Đình Bườn (Mỹ Lộc), Đình An Nhân, Đền Bách Cốc (Vụ Bản)…
Rước kiệu truyền thống trong lễ hội Đình Bườn, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc). |
Di tích lịch sử văn hoá quốc gia Đình Bườn, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) và các di tích liên quan như: chùa, lăng mộ, miếu được xây dựng trên khu vực đồn binh An Biện xưa của vua Đinh. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để tích trữ lương thực, chiêu mộ binh sĩ, giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Đình Bườn là nơi thờ tự và tri ân của nhân dân địa phương đối với Đinh Triều Quốc Mẫu - Đàm Hoàng Thái hậu, Vua Đinh Tiên Hoàng cùng hai tướng quân: Phùng Gia và Cao Mộc. Tương truyền, vào thế kỷ thứ X (năm 965) Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, chọn làng Bườn đưa Mẫu hậu ra lánh nạn. Đi cùng Đàm Hoàng Thái hậu có hai vị tướng Phùng Gia và Cao Mộc để bảo vệ. Sau đó, Mẫu hậu và 2 vị tướng đã mất, mộ phần tại đây. Tại Đình Bườn hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: sắc phong, ngọc phả, câu đối, đại tự, kiệu ngai, bài vị... Đình có diện tích rộng 3.820m2, quay hướng đông nam, ngôi đình có 2 tòa chính là tiền đường và cung cấm, tạo thành bình đồ kiến trúc hình chữ “Nhị”. Trên bức trướng ở cổng phụ mở ra đường, đình nhấn đại tự “An dân lập quốc” (bảo vệ nhân dân, gây dựng đất nước), ở cổng phụ mở ra vườn, đình nhấn đại tự “Mẫu quốc Đinh triều” bằng chữ Hán. Lăng mộ Đàm Hoàng Thái hậu cách Đình Bườn 500m về phía bắc, trên khuôn viên rộng 350m2 xây hình chữ nhật giật cấp bằng chất liệu gạch vữa. Trước mộ là khám thờ, mặt trước khám có nhấn câu đối chữ Hán ca ngợi công đức của Thái hậu. Lăng mộ tướng quân Cao Mộc cách đình 700m về phía đông nam trên diện tích rộng 168m2, xung quanh có tường bao bảo vệ, khám thờ quay ra mộ có nhấn đại tự chữ Hán “Truy niệm tiền ân”. Miếu Trúc thờ tướng quân Phùng Gia cách đình 750m có mặt bằng chữ “Nhất” gồm 3 gian kết cấu bê tông, gạch vữa, lợp mái ngói nam, kèo cầu, quá giang bằng gỗ. Miếu được tôn tạo lần đầu tiên dưới đời Vua Bảo Đại. Hằng năm, dân làng Bườn tổ chức lễ cúng tế tướng quân Phùng Gia (3-3 âm lịch), tướng quân Cao Mộc (13-11 âm lịch). Vào trung tuần tháng 10 âm lịch, địa phương diễn ra lễ hội tưởng nhớ Đàm Hoàng Thái hậu và Đinh Tiên Hoàng đế.
Đình Đằng Động, xã Yên Hồng (Ý Yên) được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hóa năm 2014. Ngoài thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đình còn thờ tướng quân Đinh Đức Nghi. Ông là người có công cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân và cùng nhân dân khai khẩn đất đai, lập ra 5 trang: Hồng Động, Vạn Điểm, Tống Xá, Ngô Xá, Trịnh Xá (nay thuộc các xã: Yên Tiến, Yên Hồng, Yên Xá, Yên Bằng, Yên Ninh, Thị trấn Lâm). Đình Đằng Động toạ lạc trên khuôn viên rộng 947m2, mặt quay hướng nam. Trên mặt bằng tổng thể, di tích gồm các hạng mục: nghi môn, bình phong, sân đình và công trình chính. Công trình kiến trúc đình gồm tiền đường 3 gian, cung cấm 3 gian. Bộ mái tiền đường là các mái đao uốn cong mềm mại, lợp ngói nam. Phần cửa tiền đường làm bằng gỗ lim theo kiểu bức bàn. Hai gian cửa sổ hình chữ “Thọ” tạo sự thông thoáng. Mặt bằng toà tiền đường bố trí đăng đối nhau có chạm khắc các hoạ tiết: rồng chầu, phượng hàm thư, long hoá, hổ phù, tứ linh… mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX. Cung cấm xây nối mái với tiền đường. Gian ngoài cung cấm đặt ngai và bài vị Thung Mẫn Đinh Đức Nghi. Hai gian cung cấm đặt khám và tượng gỗ Vua Đinh Tiên Hoàng. Tại đình hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: Tượng thờ Hoàng đế, ngai thờ, 13 đạo sắc phong, kiệu song hành, chuông đồng… Từ khi được Nhà nước xếp hạng di tích, hằng năm, xã Yên Hồng long trọng tổ chức lễ hội truyền thống. Lễ hội tại di tích được chia làm hai kỳ chính; đó là kỳ lễ hội mùa xuân ngày mồng 5 tháng giêng kỷ niệm ngày mất của Trung Mẫn Đại Vương Đinh Đức Nghi. Lễ hội kỷ niệm ngày mất của Vua Đinh 15-10 âm lịch diễn ra nhiều hoạt động như: dâng hương, tế lễ, rước kiệu, làm cỗ, văn nghệ… thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Đình Hưng Lộc, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) thờ Thái úy Đại tướng Phạm Cự Lượng có công lao trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước dưới hai vương triều Đinh và Tiền Lê. Phạm Cự Lượng sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn võ, là người có tư chất thông minh, học cao, hiểu rộng. Ông được Đinh Bộ Lĩnh trọng dụng, giao giữ chức Phòng ngự sứ tiên phong tướng quân, cử ra trấn giữ vùng cửa biển Đại ác gần cửa sông Đáy, tương ứng với địa bàn miền nam huyện Ý Yên, phía bắc huyện Nghĩa Hưng (gồm các thôn Hưng Lộc, Hải Lạng, Hưng Nghĩa, Thượng Kỳ, Hạ Kỳ... thuộc xã Nghĩa Thịnh ngày nay). Dưới triều Tiền Lê, thời Vua Lê Đại Hành, Phạm Cự Lượng được vua phong chức Thái uý tham tán nhung vụ cùng Vua Lê Hoàn giành nhiều chiến công với những trận đánh thắng quân Tống, bình Chiêm, khơi sông mở đường… Đình Hưng Lộc gồm 3 tòa, làm theo lối “tiền nhất hậu đinh”. Tòa tiền đường chia làm 3 gian, kết cấu đơn giản, kích thước dài 8,8m, rộng 5,3m. Tòa trung đường được làm theo kiểu “thượng mê cốn, hạ bẩy kẻ”. Phần chạm khắc ở công trình được gia công theo nhiều đề tài như: rồng chầu, phượng hàm thư sinh động. Tòa trung đường được trùng tu vào năm Thành Thái thứ 9 (1897) có các hoa văn, họa tiết mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Ngoài những giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, Đình Hưng Lộc còn là nơi diễn ra lễ hội truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Hội xuân diễn ra ngày mồng 6 tháng giêng và lễ hội kỷ niệm ngày sinh của tướng quân Phạm Cự Lượng (từ ngày 18 đến ngày 21-11 âm lịch) hằng năm với nhiều nghi lễ trang trọng và trò chơi dân gian.
Đình Xám, xã Hồng Quang (Nam Trực) di tích thờ Trần Lãm, hiệu Trần Minh Công. Ông là người chiêu binh mãi mã, đào hào đắp thành xây dựng căn cứ tại vùng đất Thái Bình, Nam Định ngày nay, hình thành nên một trong 12 sứ quân. Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đã phong cho sứ quân Trần Lãm chức Phụ dực quốc chính Thượng tướng quân. Nghệ thuật trang trí tại Đình Xám rất phong phú, sinh động, đa dạng với nhiều đề tài trang trí như: lá lật, hoa văn triện tàu lá dắt, phượng chầu, long cuốn thuỷ, lưỡng long chầu nguyệt... Ở di tích, những hạng mục công trình như: tiền đường, trung đường, cung cấm… đều mang đậm phong cách truyền thống dân tộc, thể hiện đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân xưa. Lễ hội Đình Xám được tổ chức vào các ngày 17 và 19-8 âm lịch hằng năm. Trong dịp lễ hội, ngoài những màn rước kiệu, tế lễ long trọng còn có các cuộc thi: đấu vật, bắt vịt, chọi gà, múa rối nước, bơi chải... Trong ngày hội, sôi nổi đặc biệt nhất là những đêm biểu diễn trống chèo và thi hát. Ngoài hai đêm hát nhập tịch (vào đám) và lạc hành (giã đám), các cuộc thi hát tại Đình Xám còn diễn ra hàng chục đêm với các tiết mục chầu văn, hát chèo, ca trù...
Trải qua nhiều thế kỷ, các di tích lịch sử - văn hóa thời Đinh - Tiền Lê với những giá trị lịch sử, nghệ thuật kiến trúc đã phản ánh phong phú đời sống tinh thần của nhân dân ta từ xa xưa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét