Trên địa bàn huyện Ý Yên hiện vẫn bảo tồn được nhiều công trình văn hoá tâm linh thờ Triệu Việt Vương - người có công đánh đuổi giặc Lương xâm lược nước ta (thế kỷ VI). Hầu hết những nơi thờ Triệu Việt Vương đều gắn liền với địa danh ông tuẫn tiết ở cửa biển Đại Nha (nay là ngã ba sông Đáy). Tiêu biểu là các di tích: Đình - Đền - Chùa Phạm Xá, Đền Độc Bộ, Đình - Chùa Dương Phạm (xã Yên Nhân); Đình Đá (xã Yên Cường)… Gắn với các di sản là những sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng qua các lễ hội truyền thống.
Di tích Đền Độc Bộ, xã Yên Nhân thờ Triệu Việt Vương. |
Đình - Đền - Chùa Phạm Xá (xã Yên Nhân) là Cụm di tích được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia năm 2000. Trong đó, đền thờ 2 vị đại khoa là Phạm Đạo Phú và Phạm Nguyên Bảo; chùa thờ Phật; đình thờ Triệu Việt Vương. Đối với dân làng Phạm Xá nói riêng và người dân xã Yên Nhân nói chung, việc lập đình thờ Triệu Việt Vương là sự tri ân công đức lập làng, đắp đê, khẩn hoang ruộng đồng của đức vua đối với mảnh đất này. Theo thần tích, Đình Phạm Xá ban đầu được làm bằng vách đất, mái tranh. Đến đời Vua Minh Mệnh (1837) xây tòa hậu cung và tòa đệ nhị tường gạch, mái ngói; đời Vua Khải Định (1921) xây thêm tòa bái đường có quy mô bề thế như ngày nay. Đình Phạm Xá có kết cấu kiểu “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh” với vật liệu chủ yếu là đá xanh, gỗ lim và ngói nam. Tòa tiền đường rộng 12,3m, dài 18,6m, chia làm 5 gian với 6 bộ vì kèo bằng gỗ lim; hệ thống cột đá thân vuông có khắc câu đối và các họa tiết trang trí: tứ linh, phượng hàm thư, vân ám… Tòa trung đường kiến trúc kiểu 8 mái, đầu đao được uốn cong mềm mại. Trên các bức mê cốn, xà lòng, xà nách được chạm khắc hoa văn lá lật, ô trám, chữ Thọ và triện tàu lá dắt. Tòa cung cấm 3 gian kiến trúc kiểu “tiền đao, hậu đốc”. Tại di tích hiện còn bảo lưu được nhiều đồ thờ tự có giá trị, tiêu biểu như: pho tượng Triệu Việt Vương bằng đồng, 2 pho tượng Nguyễn Phúc và Nguyễn Lộc (hai người cháu của Triệu Việt Vương có công phò giúp ông đánh giặc Lương), kiệu bát cống chạm rồng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII. Cách Đình - Đền - Chùa Phạm Xá không xa là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Đền Độc Bộ. Trước kia, khi mới xây dựng, Đền Độc Bộ có quy mô nhỏ, nằm sát mép sông Đáy. Đến năm 1577, đền được chuyển đến nơi có thế đất bằng phẳng, rộng rãi. Trải qua các triều đại phong kiến, đền được tu sửa nhiều lần. Trong thời kỳ Pháp thuộc, địch đã phá Đền Độc Bộ lấy vật liệu xây đồn bốt. Năm 1957 dân làng Độc Bộ đã phục dựng lại đền. Từ đó đến nay, dân làng nhiều lần trùng tu, tôn tạo đền bằng vật liệu mới nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc “tiền chữ Nhất, hậu chữ Công”. Tòa tiền đường có kiến trúc kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái. Tầng trên gọi là “Điện kính thiên”, xây cuốn vòm, mái lợp ngói nam có đắp chữ “Nam thiên thánh tổ”. Trung đường xây theo kiểu cổ đẳng, cung cấm xây ngang... Điểm đặc biệt ở Đền Độc Bộ là pho tượng Triệu Việt Vương bằng đồng ngồi trên bệ đá có chiều cao 1,6m, đầu đội mũ, mình tạc áo long bào chạm khắc tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Ngoài ra, đền còn lưu giữ được nhiều câu đối, văn bia, đại tự và gần 10 đạo sắc phong qua các triều đại từ thời Vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1783) đến thời Vua Khải Định (1924)… Đình Đá, thôn Thức Vụ, xã Yên Cường là công trình thờ tự chủ yếu bằng chất liệu đá được các nghệ nhân xưa tuyển chọn kỹ lưỡng. Từ ngoài nhìn vào là một sân rộng với lư hương, 2 con voi đều bằng đá kết hợp với ao sen, cây cổ thụ càng làm tăng thêm sự tôn nghiêm cho di tích. Lan can bái đường là chấn môn chạm khắc tinh xảo cùng hệ thống 4 cửa bằng gỗ lim, mỗi cửa có 4 cánh cùng 2 hàng cột trụ chạm nổi chữ Hán. Ngoài trụ, cột, các cấu kiện, hạng mục bên trong di tích có sự liên kết chặt chẽ, trạm trổ công phu các hình tượng: hổ phù, long vờn mây, long cuốn thuỷ, phượng hàm thư, hoa lá sinh động. Ngoài ra, đền Đá còn lưu giữ được khá nhiều đồ thờ tự như: sập thờ, tượng Triệu Việt Vương, cỗ kiệu, bài vị…
Phát huy giá trị di sản văn hoá, hằng năm, các di tích thờ Triệu Việt Vương ở huyện Ý Yên đều diễn ra lễ hội tưởng nhớ ngày mất của ông. Xã Yên nhân có 4 di tích thờ Triệu Việt Vương nên cứ từ ngày 12 đến ngày 15-8 âm lịch hằng năm, UBND xã lại long trọng tổ chức lễ hội. Đây là lễ hội có quy mô lớn của cả vùng. Ngày hội có nghi thức rước kiệu bát cống của các làng: Độc Bộ, Phạm Xá, Dương Phạm, Đống Cao, Đoài Thôn. Thành phần tham gia đoàn rước rất đông, gồm: cờ ngũ sắc, cờ thần, phụng nghinh, bát biểu, chấp kích, tế nam quan, tế nữ quan... Sau khi rước về tới đền, tất cả các kiệu được đặt chầu ở sân đền hướng về nơi Triệu Việt Vương tuẫn tiết. Bát nhang Đức Thánh Triệu được rước vào đền làm lễ nhập tịch. Chính hội tại các di tích diễn ra vào ngày 13-8 âm lịch. Vào giờ Ngọ (12 giờ trưa) diễn ra nghi thức tế “Tam kỳ giang” ở ngã ba sông (nơi hai dòng sông Đào và sông Đáy gặp nhau) có sự tham gia của hàng chục thuyền bè ở các tỉnh: Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá... Nghi thức gồm 2 phần: tế trời đất (cầu cho mưa thuận, gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bộ thu) và tế thần (đọc chúc văn ca ngợi công đức Triệu Việt Vương và rước nước). Sau khoảng 2 giờ tế trên sông, các đội tế rước nước về đền tiếp tục chương trình lễ hội. Cùng với các nghi thức truyền thống, trong những ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hoá dân gian như: ca trù, hát chèo, thi làm cỗ chay, cờ tướng, tổ tôm điếm, leo cầu, bắt vịt, kéo co, chọi gà, bơi chải… Thời gian qua, Đảng uỷ, UBND các địa phương có di tích thờ Triệu Việt Vương trên địa bàn huyện Ý Yên đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích của quê hương trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ban quản lý di tích, Ban trị sự các dòng họ ở các địa phương thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn hướng dẫn học sinh dọn vệ sinh quanh khu vực các di tích; qua đó, giáo dục các em đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn tôn tạo các di tích được thực hiện đúng quy định, đảm bảo chất lượng, giữ được kiến trúc gốc.
Việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo những di tích thờ Triệu Việt Vương trên địa bàn huyện Ý Yên đã phát huy giá trị giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét