(Báo Quảng Ngãi)- Núi Long Phụng, chùa Ông Rau thuộc xã Đức Thắng (Mộ Đức) mang nhiều vẻ đẹp cổ kính, kỳ vĩ, là danh thắng đáng để thưởng ngoạn.Ngọn núi kỳ vĩ và ngôi chùa độc đáo
Từ ngày mới lập làng, người ta lấy tên núi Long Phụng để đặt tên làng, tên chợ. Núi Long Phụng gồm hòn Long (hay còn gọi là núi Đá Bạc, vì có loại đá trắng), hòn Phụng cao gần 70m, dài khoảng 2km dọc biển, nhìn từ bốn phía đều có hình rồng, với đầu rồng là chỏm cao sắc đá trắng ánh lên dưới nắng. Cuối đuôi núi là một quả núi hình nón, gọi là núi Một. Tương truyền, ngày trước trên núi Long Phụng mọc nhiều mai vàng. Mùa xuân đến, mai trổ hoa; sắc vàng của hoa chiếu vào sắc trắng của đá tưởng chừng như núi phát hào quang. Là cảnh đẹp đặc sắc của vùng đất nơi đây, vừa kỳ vĩ, vừa hữu tình nên dân gian lưu truyền nhiều câu ca đến tận bây giờ:“Đầu rồng, đuôi phụng, cánh tiên/ Thương người lữ khách mọi miền gần xa”, “Củ lang mỏng vỏ đỏ da/ Ai về Long Phụng cùng ta thì về”.
Nhìn từ xa, núi Long Phụng tựa hình rồng. |
Trên núi Long Phụng có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ bí, trong đó có một ngôi chùa độc đáo, tọa lạc trên lưng chừng núi, mặt hướng ra biển Tân Định. Chùa có nhiều tên gọi, như chùa Ông Rau, chùa Hang, chùa Cốc, vì người xưa đặt tên theo hình dáng chùa và đặc điểm riêng của vị trụ trì…Từ chân núi, theo một đường mòn dốc, nhỏ hẹp, dài chừng 30m, chúng ta sẽ choáng ngợp khi hiện ra trước mắt là một hang đá sừng sững, ẩn mình dưới rừng cây cối um tùm. Hang đá này được thiên nhiên khéo léo sắp đặt với bốn tảng đá tổ ong son đỏ ghép kín tạo thành, có miệng hang rộng chừng 2,5m, cao 2m, diện tích hang khoảng 12m2. Những vị cao niên ở đây kể rằng, từ xa xưa có một nhà sư không rõ danh tính, không đệ tử bổn đạo, không kinh kệ suốt ngày ngồi thiền ở hang đá này. Vị sư này không ăn ngũ cốc, chỉ ăn rau nên gọi ông là Ông Rau, hang động ông tu gọi là chùa Ông Rau. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng từng ghi: “Tương truyền trước có một nhà sư trụ trì ở đây, nhà sư thường ăn lá dâu để sống, bao năm không ăn ngũ cốc, nên người gọi là: “Thái Tăng” (vị sư ăn rau)”.
Hiện nay, chùa vẫn còn lại hang đá cô tịch với ba bộ ghế thờ bằng đá. Trên ba bộ ghế thờ còn lưu lại dấu vết mờ nhạt của những nét chữ Hán. Ở bên trái của chùa, có một miệng hang rộng chừng 1m, dài 3m, người ta gọi là đường xuống địa ngục. Các cụ già trong làng bảo rằng, ngày trước miệng hang này sâu thăm thẳm, thông ra biển nhưng vì sự bồi lấp của đất đá nên nay mới bị lấp. Còn ở bên phải chùa, có hai tảng đá tách ra, tạo thành khe hở có lối đi, rộng chừng 0,5m, thông thẳng lên đỉnh mái chùa, người ta gọi đó là đường lên trời. Có lẽ vì sự kỳ vĩ, nét kiến trúc độc đáo, tâm linh nên dù từ lâu chùa không có ai trụ trì nhưng những người theo đạo Phật ở đây vẫn thường xuyên đến đây để nhang khói, quét dọn chùa.
Cần được tôn tạo
Bên trong chùa Ông Rau. |
Theo như lời ông Huỳnh Văn Thơm (77 tuổi) ở thôn Tân Định, lúc trước chùa Ông Rau còn có một tảng đá ong đồ sộ từ trong hông núi nhô ra, nằm ngay sau chùa. Tảng đá này to lớn, tạo thành một mái hiên che chắn cho ngôi chùa, thế nhưng vào những năm sau giải phóng, người dân đã lên núi, khai thác, chặt tảng đá này để làm nhà, khiến ngôi chùa phần nào mất đi sự uy nghi. Giờ đây, ngôi chùa cổ được giữ nguyên hiện trạng, nhưng sát lưng chùa lại có hầm khai thác đá ong loang lổ gây mất mỹ quan. Con đường dẫn lên chùa chỉ có một lối đi nhỏ, dốc nên dễ gây trơn trượt, té ngã. Trước mặt chùa cây cối rậm rạp, um tùm, khiến tầm nhìn ra biển bị thu hẹp.
Phía trước chùa là bãi biển bằng phẳng, cát trắng Tân Định tấp nập khách đến vui chơi, nổi tiếng một thời giờ lại bỏ hoang. Vùng đất được thiên nhiên ưu đãi quá nhiều thứ, biển đẹp, núi cao, chùa cổ lại chưa thu hút được du khách. Ông Nguyễn Tấn Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thắng cho biết: Núi Long Phụng – chùa Ông Rau đã được xếp hạng là di tích thắng cảnh cấp tỉnh năm 1993. Cụm di tích này chỉ cách bãi tắm Tân Định khoảng 200m, nhưng hiện nay lại không phát huy được thế mạnh du lịch. Chính quyền địa phương cũng rất trăn trở và ấp ủ nhiều dự định phát triển khu di tích danh thắng này, nhưng ngân sách địa phương vẫn còn eo hẹp nên rất khó để thực hiện.
Bài, ảnh: HIỀN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét