Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Tất tần tật khác biệt tục thờ cúng Táo quân ở Việt Nam và Trung Quốc

Điểm chung của các thần Bếp (Táo quân) trong văn hóa của nhiều quốc gia đều là trách nhiệm bảo vệ cho gia đình và quán xuyến nhà bếp.
Theo quan niệm truyền thống, cứ nhằm ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, người dân Việt Nam và quốc gia láng giềng Trung Quốc sẽ sửa soạn mâm cỗ cúng để tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Tuy nhiên, quan niệm dân gian về các nghi lễ lại có sự khác biệt.


Nhiệm vụ của Táo quân
Điểm chung của các thần Bếp (Táo quân) trong văn hóa của nhiều quốc gia đều là trách nhiệm bảo vệ cho gia đình và quán xuyến nhà bếp, lắng nghe mọi hành động tốt xấu của mọi người trong gia đình để cuối năm báo cáo với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng sẽ dựa vào đó mà quyết định phúc lộc, may mắn hay trừng phạt đối với từng gia đình trong năm mới.
Về thời gian làm lễ
Tại Việt Nam, theo tục lệ, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình người Việt lại tất bật sửa soạn cúng Táo Quân (còn gọi là cúng ông Công ông Táo). Tuy nhiên, nếu không thu xếp được thời gian, một số gia đình có thể cúng sớm hơn từ ngày 21 tháng Chạp.
Còn tại Trung Quốc, đa phần cúng ông Công, ông Táo từ ngày 23 tháng Chạp. Theo một số quan niệm, các gia đình quan chức sẽ cúng vào ngày 23, những gia đình bình thường sẽ làm lễ vào ngày 24 và 25 tháng Chạp. Người Trung Quốc đón ông Táo về nhà vào ngày 4 tháng Giêng.
Về mâm cơm lễ
Tại Việt Nam, mâm cơm cúng ông Công ông Táo là các món ăn truyền thống của người Việt như: Xôi, gà, chân giò luộc, các món nấu hoặc canh măng, bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi, tiền vàng và 3 con cá chép.
Sau khi bày lễ, thắp hương khấn vái, khi hết tuần hương, gia đình có thể lễ tạ hóa vàng mã, mang cá chép đến thả ở ao, hồ, sông, suối...
Tại Trung Quốc, mâm cơm cúng Táo thường có các vật phẩm vừa ngọt vừa dính miệng, phổ biến nhất là bánh niangao (loại bánh làm từ bột gạo nếp và đường nâu giống bánh tổ của Việt Nam), để Táo quân ăn rồi chỉ nói toàn những lời ngọt, điều tốt, cũng là để miệng Táo quân bị dính lại, khó nói ra điều xấu. Một số nguồn nói rằng, người dân còn có tục bôi mật vào miệng tượng Táo quân với ý nghĩa tương tự.
Phương tiện lên chầu trời
Ở Việt Nam, theo tâm thức dân gian, khi các Táo về trời cần phải có phương tiện để đi lại. Trong dân gian vẫn lưu truyền câu nói “cá chép vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng”, chỉ có cá chép mới bay được lên trời. Sau khi cúng, người dân phóng sinh cá ra sông hồ.
Ở Trung Quốc, thay vì cúng cá chép, người ta thường cúng nước và chút cỏ khô, coi đây là thức ăn cho ngựa của Táo quân. Theo quan niệm của họ, ngựa mới là con vật đưa Táo quân lên trời. Do đó sau khi lễ xong, người Trung Quốc chỉ đốt bức tranh ông Táo dán trong bếp hoặc lau rửa tượng ông Táo chứ không hóa quần áo hay ngựa, thả cá chép. Họ sẽ thay một bức tranh ông Táo mới sau khi hoàn tất lễ cúng.
Vị trí đặt đồ lễ
Người Việt thường làm lễ ngay ở ban thờ gia tiên hoặc ban thờ Táo quân đặt trong bếp, tùy theo quan niệm của từng gia đình. Trong khi đó, người Trung Quốc đặt lễ ngay trong nhà bếp, trước bức tranh hoặc tượng Táo quân dán trên bếp.
NH (TỔNG HỢP)

Văn khấn ông Công ông Táo năm 2019 chuẩn nhất

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: T.L

Vào ngày 23 tháng chạp, bên cạnh việc chuẩn bị lễ vật, mâm cơm cúng thì bài văn khấn ông Công ông Táo lên chầu trời là thứ không thể thiếu.

Theo quan niệm dân gian, bài văn khấn chính là phương tiện, là cách để con người giao tiếp với thần linh, giao tiếp với ông bà tổ tiên.
Hiện nay đang lưu truyền rất nhiều bài văn khấn khác nhau về nghi lễ cúng ông Công ông Táo. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết bài khấn nào là đúng, là chuẩn xác nhất.
Sau đây là bài văn khấn ông Công, ông Táo phổ biến nhất của người Việt. Văn khấn này đã được lưu truyền nhiều đời và được NXB Văn hóa Thông tin sưu tầm, đăng tải trong sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam”:
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại:…………
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Lưu ý khi chuẩn bị mâm cúng ông Công, ông Táo
Ngày nay, mâm cúng ông Công ông Táo dường như đơn giản hơn nhiều, do các bà nội trợ không có thời gian.
Theo phong tục, mâm cúng ông Công ông Táo gồm có:
- Gà luộc
- Đĩa xào thập cẩm
- Xôi (hoặc bánh chưng)
- Giò
- Canh măng, nấm, mọc
Ngoài ra, mâm cúng ông Công ông Táo còn có cỗ mũ ông Công ông Táo, hoa quả, 3 chén rượu, quả bưởi, quả cau, lá trầu... Trong đó, không thể thiếu cá chép, vì theo quan niệm, cá chép chính là phương tiện để đưa ông Táo về trời.
AN BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét