Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

Di tích và thắng cảnh đôi bờ Hoàng Long

Có thể lấy điểm ngã ba sông Kênh Gà, nơi hợp lưu của sông Lạng và sông Bôi là điểm khởi đầu của sông Hoàng Long và điểm kết thúc là ngã ba sông Gián Khẩu, nơi hợp lưu với sông Đáy.

Từ nơi cửa khẩu (Gián Khẩu), nơi sông đổ ra biển xa xưa ấy, con người đã sớm đến tụ cư và tiếp nhận một cách riêng, có chọn lọc, có khúc xạ, có Việt hoá đạo Phật, đạo Nho, đạo Giáo, đạo Thiên chúa để ngày nay còn đền, đình, chùa, phủ, nhà thờ Thiên chúa trong không gian sơn thuỷ hữu tình, đậm sắc màu của người Việt.
Dòng sông có bên lở, bên bồi, song những thắng cảnh, di tích ở điểm xa, điểm gần bờ sông hầu như vẫn trường tồn cùng tuế nguyệt chính là nhờ cha ông ta xưa chọn cảnh, chọn nền để định cư và hơn nữa truyền thống uống nước nhớ nguồn luôn có tinh thần tôn tạo di sản văn hoá của ông cha.
Ngược dòng Hoàng Long, ghé bên bờ hữu thăm đình Núi Thiệu dưới chân núi Thiệu, nơi thờ nhân vật lịch sử Thái uý Tô Hiến Thành (còn có tên tự là Nguyễn Trí Thành) dưới triều Lý (thế kỷ XII) và chiêm ngưỡng đình Trùng Thượng, đình Trùng Hạ, đình Vân Thị đều nằm trong tam giác nước được giới hạn bởi sông Vân Thị, sông Đáy, sông Hoàng Long, còn giữ nguyên nét kiến trúc dân gian thời Lê - Mạc (thế kỷ XVII) đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Những di tích này cùng thờ Thái uý Tô Hiến Thành, mẹ con Trần Quốc Tảng thời Trần và danh tướng thủy quân dưới triều Lê (thế kỷ XV) có tên là Nguyễn Phục được phong là Đông Hải Đại Vương.
Cũng từ đây nhìn về phía bên kia sông có chùa Phong Phú, nơi có những mảng chạm khắc các vị La Hán bên vách núi tự nhiên mang tính nghệ thuật cao, gần đó còn có chùa Trung Trữ, đình Trung Trữ thờ vua Đinh, vua Lê và Thái hậu Dương Vân Nga, cũng đều được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Lễ rước nước trên sông Hoàng Long. Ảnh: T.M
Lễ rước nước trên sông Hoàng Long. Ảnh: T.M
Tiếp tục ngược dòng khi thấy trái núi phía bờ hữu có hình chiếc gươm cắm xuống đất thì đó chính là núi Cắm Gươm hay còn gọi là núi Kiếm Lĩnh liên quan đến truyền thuyết chú của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Thúc Dự cắm kiếm xuống đất để lậy khi thấy Rồng vàng đưa cháu mình (Đinh Bộ Lĩnh) qua sông và đây cũng là cách lý giải cho việc đặt tên sông "Hoàng Long", tức Rồng vàng. Dưới chân núi Kiếm Lĩnh có đền Thánh Tô (thờ Tô Hiến Thành, phối thờ Nguyễn  Minh Không) hay còn gọi là đền Thánh Nhị, bởi cách đó không xa có đền Thánh Cả, còn có tên là đền Đức Thánh Nguyễn (thờ Nguyễn Minh Không, phối thờ Tô Hiến Thành). Đền Đức Thánh Nguyễn xưa thuộc thôn Điềm Dương, nơi sinh ra pháp sư Nguyễn Minh Không, còn thôn Đại Hữu bên cạnh là nơi sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng nên trong dân gian có câu: "Đại Hữu sinh vương, Điềm Dương sinh thánh". Và cũng trong không gian đồng nước ven sông ấy còn có Nhà thờ tướng công Nguyễn Bặc, là một trong tứ trụ triều đình thời vua Đinh Tiên Hoàng; Nhà thờ Đinh Huy Đạo, một danh tướng thời Tây Sơn; chùa Lỗi Sơn; chùa Lạc Khoái. Những di tích kể trên đều đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Trở về với bờ tả (phía đối diện) có chùa Bà Ngô và men theo chi lưu của sông Hoàng Long và dòng Sào Khê để thăm hàng loạt các di tích thuộc Kinh thành Hoa Lư (thế kỷ X); Khu hang động Tràng An. Cũng từ đây ngược về phía Tây trên không gian núi đồi bên sông nước, thuộc xã Gia Sinh (Gia Viễn) và xã Sơn Lai (Nho Quan), vào thế kỷ X đóng vai trò là một hành cung (nơi đóng đô tạm thời của vua Đinh trong quá trình xây dựng Kinh đô Hoa Lư). Trong hành cung có núi và chùa Bái Đính cao vời vợi án ngữ phía Tây và bao quát cho Kinh thành Hoa Lư xưa, nơi đây cũng gắn với nhân vật đầy huyền thoại - pháp sư Nguyễn Minh Không, theo truyền thuyết, ông có thể gánh núi lấp sông, sắp xếp giang sơn cũng đã cho thấy không gian nơi đây yếu tố Phật giáo được Việt hoá, tình cảm và ý chí của pháp sư đã đạt đến siêu phàm của đất Việt.
Một hành trình ven sông trên dưới 10 km có hàng chục điểm di tích và danh thắng gắn với không gian làng quê, có giá trị nghiên cứu lịch sử văn hoá, nghệ thuật và cũng là những điểm đáng chiêm ngưỡng đối với khách tham quan du lịch. Để kết thúc cuộc hành trình, chúng ta có thể tắm, nghỉ, tìm hiểu văn hoá ẩm thực đồng quê tại khu vực suối nước khoáng Kênh Gà, một nguồn nước khoáng mặn mà theo các chuyên gia địa chất thì đây là một túi nước biển cổ lớn, có nhiều loại khoáng chất có lợi cho sức khoẻ. Để cũng từ đây nếu tiếp tục cuộc hành trình theo dòng sông Lạng khoảng 4 km thăm động Vân Trình; theo dòng sông Bôi thăm động Hoa Lư... Cuộc hành trình theo sông nước là vô tận, hành trình trên sông Hoàng Long (con đường dời đô của Lý Công Uẩn) là để nhớ người tiền sử ra sông mò cua, bắt cá nuôi dưỡng giống nòi, cho một nghìn năm chống Hán hoá để ở thế kỷ X có một kinh đô trên bến, dưới thuyền, thời Trần là căn cứ địa chống quân Nguyên Mông và ở thế kỷ XXI này là không gian du lịch nên thơ trong không gian đậm đà văn hoá, lịch sử đất Việt.
                                                                          Nguyễn Cao Tấn
(Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét