Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

Bánh láo khoải đón Tết của người Mông


Bánh láo khoải của người Mông.
Bánh láo khoải của người Mông.
(HBĐT) - Đã thành truyền thống, Tết của người Mông không thể thiếu ba món là rượu, thịt và bánh ngô. Bếp của người Mông luôn đỏ lửa trong ngày Tết, lễ cúng giao thừa trong đêm 30 không thể thiếu con lợn sống hoặc con gà sống.

Cuộc sống thay đổi và ngày càng phát triển, đồng bào đã có nhiều gạo hơn để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng món ăn làm từ ngô vẫn là thú ẩm thực có ý nghĩa tâm linh trong đời sống tinh thần của bà con. Có nhiều loại bánh được làm từ bột ngô, nhưng với đồng bào Mông cư trú trên địa bàn Sính Lủng, Thài Phìn Tủng, Vần Chải, Sủng Trái thì bánh láo khoải (còn có cách gọi khác là lức khoải hay rớ khoải) từ bột ngô là thứ không thể thiếu để ăn Tết. Do truyền thống định cư kiểu đồng tộc, dòng họ, mỗi dịp xuân về đồng bào lại cùng nhau làm chung một mẻ bánh láo khoải to để dành ăn cho hết tháng giêng.
Chiều cuối năm rét mướt trên mảnh đất cao nguyên lộng gió. Thấy tôi tò mò, cánh đàn ông cả cười mà bảo: “Bánh này không làm thường xuyên đâu, chỉ làm ăn chơi vào dịp Tết thôi, cái người Kinh mày ở lại đến tối rồi ăn thử bánh láo khoải của chúng tao nhé… Để xem cái Tết của người Mông thế nào”…
Ngô được thu hoạch tầm tháng 8 âm lịch hằng năm, bóc bỏ lớp vỏ ngoài, để lại một lớp vỏ mỏng rồi đưa lên gác bếp bảo quản hay treo lên chái nhà. Tách hạt xay thành bột nhỏ, sàng bỏ mày và vỏ rồi đem ngâm nước khoảng 5-6 giờ, lấy bột ra để cho ráo nước rồi đồ lên cho chín. Ngô được xay bằng cối đá, đồ ngô hai lần trên chảo gỗ, khi đồ lần một phải chú ý thời gian để bột ngô tơi và không dính vào nhau, sau khi làm tơi và để nguội mới cho vào đồ lần hai để bột ngô chín kỹ.
Bột ngô đã chín này sẽ được những người đàn ông có sức vóc trong gia đình đập nén trên bàn đá, nặn thành hình bầu dục, dài khoảng 15-20cm, dùng mỡ trộn với mật ong bôi đều trên bề mặt bánh.
Để chuẩn bị làm các loại bánh từ bột ngô để dành ăn Tết, các hộ sẽ thay phiên nhau làm cả ngày, phân công mỗi người mỗi việc. Bột ngô đã chín nên bánh làm xong có thể ăn ngay. Nếu chưa ăn, đồng bào sẽ bảo quản bằng cách thả vào ngâm trong nước lã, một tuần thay nước một lần, để hàng tháng trời mà bánh vẫn không bị mốc, nứt hay vụn ra. Khi nào cần sẽ vớt bánh láo khoải lên và chế biến để dùng. Bánh có thể thái mỏng và nướng trên than củi, cũng có thể thái chỉ, nấu với đường ăn rất mát, nước dùng như nước bánh trôi, hoặc nấu với quả đậu Hà Lan, cho thêm muối, mỡ động vật vào giống như nấu canh.
Đám trẻ nhỏ hớn hở chạy quanh sân nhà, tay cầm bao lì xì đỏ chói, náo nức chờ được ăn bánh láo khoải. Hình như mùa xuân đang nhẹ nhàng bước qua bờ rào đá, qua cái ngưỡng cửa cao và làm ấm sực cả căn nhà bên bếp lửa hồng đang nướng những mẻ bánh láo khoải đầu tiên…

                                                                     HBĐT tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét