Với chừng ấy món ăn có lẽ đã đủ xoa dịu một buổi chiều rét mướt cũng là một trải nghiệm đáng nhớ.
Những năm gần đây, với sự trỗi dậy của mạng xã hội, ẩm thực đường phố Hải Phòng với sự đa dạng và đặc sắc sẵn có được đưa đến gần hơn với số đông tín đồ ăn uống. Các cửa hàng online, hội nhóm bỉm sữa tràn ngập những món ăn được nhập trực tiếp từ đất cảng bán hàng ngày và cực đa dạng như bánh mỳ que, pate, chè dừa dầm, café cốt dừa.
Nếu có dịp ghé qua Hải Phòng, hãy thử trải nghiệm ăn uống tại buổi chiều tại chợ Cố Đạo – một trong những khu chợ trung tâm của thành phố.
1. Táo Bàng La
Đây là thứ quả thu hút tôi ngay khi vừa bước vào chợ, giữa một rừng những loại hoa quả quen thuộc. Táo Bàng La có nguồn gốc từ phường Bàng La, quận Đồ Sơn. Giống táo này được nông dân vùng này lai ghép và phát triển từ những năm 80 của thế kỷ trước. Bề ngoài có sự tương đồng với loại táo chua hình bầu dục đang trong mùa chín rộ, tuy vậy táo Bàng La có kích thước lớn hơn và lớp vỏ phủ màu vàng chanh căng bóng mọng nước.
Người bán chia sẻ đây là giống táo đặc sản của Hải Phòng, sản lượng ít, chỉ đủ bán cho dân bản địa. Thử chấm chút muối ớt và ăn thử, tôi bất ngờ vì trái táo giòn thơm và ngọt mát mà không hề có vị gắt nhẹ như những loại táo ta thường thấy. Giá cho mỗi cân táo cỡ lớn nhất, được phân loại riêng là 45 - 50k. Tuy giá không bình dân nhưng phù hợp với một loại trái cây đặc sản với chất lượng tốt.
2. Bánh xèo Hải Phòng
Một kẻ ham cái đẹp cũng như ham ăn như tôi dễ dàng bị thu hút bởi vẻ bề ngoài của những loại đồ ăn có vẻ ngoài bắt mắt. Bởi vậy nên ngay khi nhìn thấy chiếc bánh vàng ruộm to như cái đĩa đang được rán phồng trong chảo dầu nóng là phải ghé ngay lập tức. Chị gái có giọng nói lanh lảnh đặc trưng dân Hải Phòng quảng cáo đây là bánh xèo.
Bánh xèo Hải Phòng không có một chút gì liên quan đến bất cứ phiên bản bánh xèo chúng ta tứng biết trước đây, đây đơn giản là hỗn hợp bột mỳ và trứng, có chút hơi hướng của bánh pancake phương Tây nhưng được chiên trong chảo ngập dầu đến khi nâu giòn.
Hương vị của bánh xèo Hải Phòng đem lại tương đối dễ chịu với vị ngọt nhẹ. Ăn ngay khi bánh còn nóng, chúng ta sẽ thấy được cái giòn nhẹ bên ngoài và dẻo thơm bên trong. Bánh không có nhân, phù hợp để ăn chơi lót dạ buổi chiều với mức giá rất rẻ: 8k/chiếc và được bày bán ở hầu hết các hàng bánh trong chợ.
3. Bánh đa tôm cua
Bánh đa cua Hải Phòng nổi tiếng chẳng chút thua kém bún chả Hà Nội. Theo chỉ dẫn của chị bán bánh xèo, tôi ghé một quán bánh đa của nhỏ ở góc chợ, địa chỉ số 09 đường Nguyễn Khuyến. Ngoài loại bánh đa màu nâu cánh gián, to gấp đôi sợi phở Bắc đã quá quen thuộc với bất cứ ai, ở Hải Phòng còn có loại bánh đa trắng sợi nhỏ. Nước dùng được nấu từ cua và nước xương hầm, theo cách nêm nếm đặc trưng của dân đất Cảng cho chúng ta hương vị đậm đà thay vì thanh tao như kiểu Hà Nội.
Bát đầy đủ có sự góp mặt của gạch cua, chút thịt cua bể, chả lá lốt, tôm lột và hành khô phi cùng tóp mỡ - không phải khoai tây khô hay hành tây khô giả dối nhé. Giữa cái trời đông lạnh, một tô bánh đa Hải Phòng với hương vị nguyên bản và nguyên liệu tươi mới chỉ với 30k sẽ là khoảnh khắc đáng để mang đi tấm tắc kể trong những câu chuyện với đồng nghiệp và đám bạn. Theo quan sát, quán rất đông người dân bản địa, và chỉ tới 6 giờ chiều, cô chủ đã chẳng còn gì để bán.
4. Ốc chấm mắm gừng
Chiều đông rét mướt mà không ăn ốc nóng chắc hẳn là có lỗi với thời tiết. Thay vì những quán đa dạng những loại ốc biển, hải sản với nhiều cách chế biến đúng kiểu Hải Phòng, tôi lựa chọn một quán cóc nhỏ dưới gốc cây bàng duy nhất ngay gần lối vào chợ, nằm trên con phố Chợ Cố Đạo - phía từ phố Cầu Đất. Quán cóc nhỏ chỉ có 2 loại ốc cùng 2 cách chế biến xào – luộc đơn giản. Đặc sắc của món ốc miền Bắc chính là nước chấm mắm gừng.
Tại quán nhỏ này, khách hàng hoàn toàn có thể tùy biến các loại gia vị như gừng, sả, ớt hay lá chanh vào một bát nước mắm cốt, tương đối thú vị cho những người có khẩu vị khác biệt. Nếu bỏ qua vấn đề giá thành tương đối cao so với một quán vỉa hè, ốc ở đây béo và được sơ chế sạch sẽ.
Theo đánh giá cá nhân, đĩa ốc mít luộc xứng đáng là món đỉnh. Chấm con ốc thoang thoảng chút hương sả đẫm vào bát nước mắm, chỉ một từ "đã". Để kết thúc món ốc chuẩn kiểu Bắc, hãy kết thúc cùng bát nước luộc ốc nóng hòa chút mắm gừng, trong vắt, chắc chắn là một trải nghiệm hay ho.
5. Chè nóng
Vẫn cảm thấy vẫn thiêu thiếu cho buổi chiều đông ủ dột, thì ngay đối diện quán ốc thơm ngon hơi đắt vừa ăn là một quán chè đông nghẹt khách. Nào đỗ xanh đặc, chè sắn, mè đen rồi lại sủi dìn, dù biết có lỗi với công sức giảm cân nhưng đành tặc lưỡi "chẳng mấy khi". Khách hàng ở quán có đủ thành phần, từ tiểu thương trong chợ, những người dân sống xung quanh khu trung tâm và các bạn trẻ rủ nhau đi ăn chiều.
Trời càng lạnh thì những "chiếc bụng đói" đều muốn kiếm chút gì ấm nóng, ngọt ngào để cân bằng. Khi chúng tôi ghé quán, cả mấy nồi chè đã vơi gần hết. Theo quan sát, chè mè đen và sủi dìn là hai món được ưa chuộng bậc nhất ở đây. Là người anh em của món bánh trôi tàu, sủi dìn có lớp vỏ mỏng từ bột nếp kết hợp với nhân vừng đen rang thơm hoặc đậu xanh nhuyễn và dừa nạo sợi. Phần nước của món ăn nấu từ mật mía và gừng già.
Tuy tương đồng về nguyên liệu nhưng thay vì chỉ có 2 viên lớn như bánh trôi tàu, bát sủi dìn nhiều viên hơn, kích thước tròn nhỏ chỉ bằng 1/3 viên bánh trôi tàu. Điểm đáng khen của quán là không sử dụng quá nhiều đường trong chế biến. Quán mở bán từ đầu giờ chiều cho tới khi hết hàng, mỗi bát chỉ có giá 10 - 15k.
Với chừng ấy món ăn có lẽ đã đủ xoa dịu một buổi chiều rét mướt, cũng là một trải nghiệm đáng nhớ. Những quán ăn nêu trên đây không phải những địa điểm nổi tiếng nhất, cũng không đủ để kể hết những đặc sản gắn liền với Hải Phòng, nhưng phần nào đó khiến chúng ta hình dung được bản đồ ẩm thực đất cảng - một màu sắc khác biệt và thú vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét