Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng

Những ngày này, khi lúa, ngô đã “nằm yên” trong nhà, cũng là lúc đồng bào dân tộc thiểu số Chơro ở Đồng Nai tổ chức lễ hội Sayangva (ăn thần lúa).


 Trò đập niêu. (Nguồn: longkhanh-dongnai.gov.vn)
Khác với các dân tộc như Stiêng, Mạ, lễ hội ăn thần lúa của người Chơro không có cây nêu và nghi thức đâm trâu. Tuy nhiên, những hoạt động biểu diễn cồng chiêng, tổ chức các trò chơi dân gian, văn nghệ và nghi thức cúng thần lúa của dân tộc này lại mang những nét độc đáo riêng, đề cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.
Tại xã Bàu Trâm (thị xã Long Khánh), vào đúng ngày người Chơro nơi đây tổ chức lễ hội ăn thần lúa, từ sáng sớm, hàng trăm người Chơro đã tập trung tại nhà già làng, trong không khí rộn rã tiếng cười, những người đàn ông, đàn bà và cả những em bé, mỗi người tự tìm cho mình một công việc phù hợp.
Thế rồi, những cây cơm ống (nguyên liệu làm từ gạo nếp và đậu) trong chốc lát đã được đem nướng trên than hồng, những chiếc bánh dày làm từ gạo nếp cùng đậu phộng, dầu ăn, hạt vừng trắng được cuộn tròn xếp ngay ngắn.
Chị Thị Út hào hứng cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi được ăn Tết của dân tộc mình theo cách này. Chúng tôi đã chuẩn bị gần 20 con gà, 80kg nếp và nhiều thức ăn khác để đãi khách. Mấy năm trước, chính quyền cũng tổ chức lễ hội Sayangva, nhưng mấy xã tập trung lại làm một nơi, do đi lại khó khăn nên đa số người Chơro chúng tôi không tham dự được".
Dưới bếp thì tấp nập việc nấu nướng, còn ngoài sân, trên những khoảng đất trống trong vườn nhà ông Thổ Đực, các thanh niên dân tộc Chơro lại hồ hởi với những trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, đập niêu...
Lớp trẻ con cũng có nhiều cách riêng để “hưởng thụ” ngày lễ Sayangva. Các em, đứa thì xem người lớn chơi trò chơi dân gian, một số khác chơi nhảy dây, có em dõi theo người lớn bày mâm lễ, nấu nướng thức ăn.
Cháu Thị Bình (14 tuổi) cho biết: "Hôm nay cháu đã học được cách làm cơm ống của dân tộc mình. Ngoài ra, cháu còn biết thêm nhiều điều về lễ hội Sayangva, thì ra dân tộc cháu cũng có những bài hát, điệu múa riêng".
Tất bật nhất trong dịp lễ hội ăn thần lúa là già làng Thổ Đực (76 tuổi), từ nhiều ngày trước lễ hội, già làng đã phải lo chuẩn bị cồng chiêng, rượu cần, sắm lễ vật cúng thần linh.
Theo ông Thổ Đực, tỉnh Đồng Nai là nơi cư trú và sinh sống lâu đời nhất của người Chơro, lễ hội Sayangva được người Chơro ở Đồng Nai tổ chức từ tháng Hai đến giữa tháng Ba âm lịch hàng năm. Trước đây, các gia đình tự tổ chức việc cúng thần linh rồi mời anh em, người trong dòng tộc, trong làng đến ăn uống.
Trong hơn một tháng, gia đình này rồi đến gia đình khác thay phiên nhau tổ chức, người được mời đến cũng mang theo một thứ gì đó (rượu cần, gà…) để góp vào chung vui.
Ông Thổ Đực tâm sự: “Những người có hiềm khích với nhau, nhưng sau lễ hội Sayangva là mọi bất hòa được xí xóa. Lễ hội này vì thế thể hiện tính gắn kết, hòa hợp trong cộng đồng”.
Già làng lý giải sau vụ mùa tổ chức lễ hội Sayangva để cúng tạ ơn thần núi, thần sông, thần đất, vì đã phù hộ cho người Chơro có một vụ mùa bội thu và cầu mong mưa thuận, gió hòa để mùa sau nhà nhà được no đủ.
Tuy nhiên, theo phong tục đề cao cả phần lễ và phần hội, vì thế đây là dịp người người, nhà nhà được vui chơi. Từ những lý do này mà lễ hội Sayangva được dân tộc Chơro truyền từ đời này sang đời khác.
Cồng chiêng và rượu cần, là hai thứ không thể thiếu và được dùng để cúng thần linh trong lễ hội Sayangva. Ngoài ra, lễ vật mà người Chơro dâng các vị thần dịp này còn có gà, lợn, bánh dày, cơm ống.
Sau gần một ngày vui chơi, sửa soạn, buổi chiều là lúc lễ cúng thần linh chính thức diễn ra. Kết thúc bài cúng của già làng, khi tiếng cồng vang lên, người Chơro tập trung bên bếp lửa, cùng nhau hát múa, uống rượu cần cho đến tận đêm khuya. Riêng những người già thì ngồi bên chum rượu cần và hát đối - một tục lệ cổ xưa nhất của người Chơro mà ít người còn giữ được.
Già làng Thổ Đực cho biết ngày trước sau khi cúng xong, người Chơro ngồi lại với con cháu trong nhà, dạy cho con cháu về truyền thống, tập quán của dân tộc mình cũng như những điều hay lẽ phải trong cuộc sống.
Nhiều tục lệ cổ xưa giờ đã mai một, như lễ hội Sayangva, nếu không có sự quan tâm của Nhà nước thì cũng khó duy trì. Việc tổ chức lễ hội hôm nay, Nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí, chúng tôi đứng ra tổ chức, thế nên bà con Chơro thấy được trách nhiệm của mình, ai cũng hào hứng góp sức, chung vui.
Người Chơro ở vùng này trước đây đều nghèo đói, mấy năm nay, được chính quyền quan tâm, hỗ trợ sản xuất nên kinh tế khá lên, đa số các gia đình đã thoát nghèo./.
(Theo TTXVN)

“Sayangva” - Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Chơ Ro

Hàn Giang 
(vanhien.vn) Mỗi năm, cứ vào dịp trung tuần của tháng Ba (âm lịch), đồng bào dân tộc Chơ Ro (Châu Ro) tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai lại tổ chức lễ cúng Yang (Thần) nhân dịp mừng lúa mới gọi là Sayangva. Lễ hội được tổ chức từ sáng sớm đến khuya cùng ngày, gồm hai phần: Lễ cúng tế vật sống và cúng thực phẩm chín, sau đó là phần Hội.

Ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Chơ Ro 
Lễ hội Sayangva còn gọi là lễ Mừng lúa mới là dịp để đồng bào dân tộc Chơ Ro tạ ơn thần linh đã cho một mùa bội thu và cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa vụ năm sau nhà nhà được no đủ. Đây cũng được xem là tết truyền thống của người Chơ Ro. 
Ngay từ ngày hôm trước, mọi thứ chuẩn bị cho ngày lễ cúng thần được chuẩn bị rất kĩ. Phần lễ quan trọng nhất là lễ rước Thần Lúa từ ngoài đồng về nhà và cúng tế vật sống. Sau đó những con vật cúng tế sẽ được đem đi giết thịt, nấu chín và cúng thêm lần nữa. Ở lễ cúng lần thứ hai gồm nhiều phẩm vật nhưng không thể thiếu hai món chính là cơm lam và thịt. Sau khi cúng Thần xong, phẩm vật được mang ra chiêu đãi cho tất cả những người có mặt tham gia lễ hội.

Lễ rước thần lúa tại lễ hộ Sayangva
Theo quan niệm của người Chơ Ro, Yang lúa là vị thần có sức mạnh và đem lại nguồn thực phẩm chính, vì thế phải rước Yang lúa ngoài đồng (rẫy) về nhà, sau đó dâng cúng những thực phẩm mà nhờ có Yang lúa ban cho nên cuộc sống của người Chơ Ro luôn được sung túc. 
Yang nhà là vị Thần cai quản trong nhà, giữ cho bếp luôn đỏ lửa, cho nóc nhà luôn yên vui, hạnh phúc. Yang rừng, là vị Thần cai quản núi rừng. Đây là vị Thần bảo vệ cho con người khỏi những tai nạn, thú dữ và ban cho sức mạnh mỗi khi người Chơ Ro đi lên rừng lấy củi, làm nương rẫy… 

Lễ cúng tế vật sống
Lễ hội năm nay diễn ra với nhiều hoạt động phong phú như biểu diễn cồng chiêng, các trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co, đập niêu…), biểu diễn văn nghệ, nghi thức cúng thần lúa... 
 Đến với lễ hội Sayangva, du khách sẽ hiểu hơn về văn hóa và đời sống của người Chơ Ro. Hiểu hơn những ước mơ giản dị, đời thường lao động bằng chân tay để tạo ra thực phẩm, tạo ra cuộc sống và luôn giữ gìn những nét đặc trưng văn hóa của mình qua hàng ngàn năm lịch sử.
Với việc duy trì tổ chức lễ hội văn hóa các dân tộc là một việc làm thiết thực góp phần làm cho lễ hội phong phú, đa dạng hơn. Thông qua tổ chức lễ hội Sayangva, những giá trị truyền thống của người Chơ Ro được gìn giữ và bảo tồn, đồng thời phát huy, gắn chặt hơn nữa tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc anh em.
Dưới đây là một số hình ảnh Lễ hội Sayangva của đồng bào Chơ Ro tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đang diễn ra: 

Lễ cúng hồn lúa của người Chơ Ro

Hữu Huân 
(Vanhien.vn) - Lễ hội mừng lúa mới (SaYangva) là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chơ Ro. Xưa kia lễ hội này kéo dài nhiều ngày đêm, thu hút cả cộng đồng tham gia. Họ vui chơi, ca hát, nhảy múa trong không khí náo nhiệt sau nhiều ngày vất vả lên nương, làm rẫy, đi rừng săn bắn để lo cho cái ăn, cái mặc thường ngày.
Thầy cúng bày lễ vật dưới bàn thờ Nhang.
Chuẩn bị lễ vật dâng cúng
Thông thường lễ hội diễn ra tại nhà của người Chơ Ro mà hai điểm chính là ngôi nhà sàn và kho lúa của gia chủ. Một số địa điểm liên quan là rẫy lúa, rẫy mì và các nơi khác trong rừng.
Tại khu rẫy trồng lúa, khi thu hoạch mùa màng, người Chơ Ro để lại một vạt lúa tốt có những bông lúa trĩu hạt. Những bông lúa tốt được bó lại bằng tranh, rơm, lá chuối và rào bốn bên bằng các loại gai bằng tre, cây cối để bảo vệ. Theo quan niệm của người Chơ Ro thì hồn lúa rẫy trú ngụ tại đây và chờ cho đến khi họ tổ chức lễ SaYangva thì rước về. Nghi thức rước hồn lúa là nghi thức đầu tiên trong lễ cúng SaYangva và rất quan trọng.
Trong lễ hội Sayangva, cây nêu có nhiều ý nghĩa tượng trưng. Theo cách nghĩ của người Chơ Ro, cây nêu được xem là cây thông thiên. Bởi họ dựng cây nêu là để gửi “tin báo và thư mời” cho thần linh để đến dự lễ hội của cộng đồng Chơ Ro. Đối với con người thì cây nêu là mối giao hòa giữa cộng đồng. Hễ ai thấy cây nêu thì biết rằng làng vào lễ hội.
Có thể xem cây nêu là một trong những biểu trưng tiêu biểu và nhiều ý nghĩa nhất trong lễ hội của người Chơ Ro. Nó thể hiện mối giao hòa giữa con người với thần linh, sự giao cảm giữa con người với con người và những ước vọng chính đáng về sự tồn tại, sự phát triển của con người trong vũ trụ.
Trước sân nhà người Chơ Ro dựng một cây nêu. Tại chỗ dựng gốc nêu chôn một đoạn gốc có chạng chĩa làm đôi để giữ và buộc dây mây vào khoảng gốc khoảng 5 tấc. Cây nêu có ba tầng nấc chính. Trên cao là chùm lúa nhiều hạt vươn lên với vai trò chủ thể cúng của người Chơ Ro. Hai tầng nấc cây nêu nhỏ trên thân cây nêu chính tượng trưng cho thần linh và tổ tiên. Những gì sử dụng trang trí thể hiện trên cây nêu đều quy chiếu về những con số chẵn với quan niệm hoàn thiện, đầy đủ. Phía dưới gốc nêu buộc các con vật hiến tế như gà, heo cỏ.
Diễn trình lễ cúng hồn lúa
Phía dưới nhà sàn, ngay từ buổi sáng diễn ra lễ cúng, những người Chơ Ro tham gia lễ hội làm thức ăn như: bánh dày, cơm lam, củ nần, củ mì, củ chụp, đọt mây… để đãi khách khi lễ cúng hoàn tất. Nếu lượng thức ăn nhiều thì họ chuẩn bị từ đêm trước lễ hội.
Lễ vật gồm một đùi heo phía chân sau, giữ nguyên đuôi; một nửa con gà nhưng giữ nguyên phần đầu và đĩa đựng một số đồ lòng của con vật như gan, cật, một ít thịt chặt rời. Các phần thịt để tươi. Thầy cúng bày lễ vật phía dưới ban thờ Nhang cùng với một ổ bánh dày và các loại củ nầu chín (nần, mì, chụp). Sau đó, người phụ cúng đem đĩa thịt ra xâu vào hai xiên tre (mỗi xiên tre xâu riêng biệt thịt heo, gà).
Lễ cúng kết thúc, bà con cùng chung vui bên ché rượu cần.
Thầy cúng ngồi trước ché rượu cần, mắt hướng về bàn thờ Nhang đọc lời khấn với nội dung: “Cầu xin thần linh cho cây cối, lúa rẫy chúng tôi trồng có mưa, có gió thuận hoà, giúp đỡ từ gốc tới ngọn, cây cối không bị thú dữ phá hư, mùa màng, thú nuôi không có dịch hại, lúa cho thêm nhiêu hạt, thu về cất đầy kho nuôi sống gia đình. Năm nay tôi cúng lễ như thế này, năm sau gặt hái nhiều hơn tôi nguyện tạ ơn nhiều hơn. Bụng dạ tôi thần linh đều biết, sống có trước có sau. Bụng dạ tôi không gian dối, giấu diếm. Nếu bụng dạ tôi sai lời thì xin thần linh cứ quở phạt. Hỡi các thần linh, tổ tiên hãy nghe lời khấn hứa của tôi”.
Đến kho lúa, chỉ thầy cúng được trèo lên trong kho. Phần các lễ vật và một chén vỏ chùm hum khác được những người phụ giúp đứng phía dưới đưa lên. Khi bước vào trong kho, người gọi Yang vái khấn lâm râm với nội dung trình báo cho Yangva biết gia đình tổ chức lễ cúng. Thầy cúng cắm thẳng cây Nhang vào giỏ đựng lúa. Chùm lúa được sửa soạn, dắt ngang lên cây đòn dông của nhà kho trên ngọn Nhang. Trên giỏ cây Nhang để chén vỏ cây chùm hum hun khói xông nghi ngút. Dưới gốc cây Nhang trong giỏ lúa đặt chai rượu. Mâm lễ vật gồm thịt và bánh được bày trên sàn kho. Thầy cúng vái lạy và ngồi tư thế xếp bằng, mắt hướng lên chùm lúa và cây Nhang đọc lời khấn.
Đội nữ diễn tấu cồng chiêng trong lễ hội.
Sau khi lễ cúng kết thúc, thầy cúng khai mở ché rượu cần mời khách. Người phụ nữ lớn tuổi nhất nhà uống trước, sau đó mời những người khách. Trong khi khách tham dự tiệc, uống rượu cần, cồng chiêng được tấu lên. Những người đánh vừa đi vừa đánh chung quanh nhà sàn. Một số phụ nữ, trẻ em Chơ Ro hát, múa những bài hát của dân tộc mình. Tiếng đàn tre, khèn môi hay kèn lúa được nhiều người khảy, thổi để cầu phúc, chúc lành cho nhau đến khi tiệc tan.
Đêm xuống, tại khoảng sân trước nhà, người Chơ Ro đốt lửa cùng nhau nhảy múa, hát ca. Những người đánh cồng vừa đi quanh đống lửa vừa đánh tấu lên tiếng cồng rộn rã. Họ đi theo chiều ngược kim đồng hồ, đánh tấu cồng theo vòng tròn từ ngoài vào cho đến sát gốc cây nêu. Giàn chiêng treo được những người phụ nữ đánh tấu lên hoà nhịp trong các điệu múa của các cô gái.
Lễ SaYangva được tổ chức với mục đích tạ ơn thần lúa đã ban phúc cho gia đình một mùa bội thu. Sau mùa thu hoạch, đồng bào Chơ Ro lựa chọn chính hạt gạo trên nương rẫy của gia đình để làm lễ cúng. Thông thường lễ cúng diễn ra từ ngày 15 đến 30 tháng 3 Âm lịch
Nguồn: langvietonline.vnB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét