Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Lọt vào vùng đất cả làng sợ con gà đẻ trứng dính máu

Tồn tại đã hơn 30 năm, nhưng đây là ngôi làng duy nhất Việt Nam chưa có tên trong bản đồ. Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn theo kiểu săn bắn, hái lượm thời nguyên thuỷ.
Lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn, một ngôi làng với 22 hộ dân, 40 khẩu, tình cờ được khám phá có cái tên rất cổ tích: Pêtapoot. Ngôi làng này nay thuộc xã Đắc Ring, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam).
Pêtapoot còn biết đến với tộc người Ve sinh sống như thời nguyên thuỷ, tách biệt hẳn thế giới bên ngoài, với nhiều truyền thuyết kì bí níu chân ai từng một lần đặt chân viếng thăm.
Cuộc sống săn bắn hái lượm như thời nguyên thủy
Tìm đến lãnh đạo đồn biên phòng 661 (Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đóng tại vùng giáp ranh Lào), nhóm phóng viên Xa lộ Pháp luật được gợi ý đề tài về vùng đất Pêtapoot hoang sơ bậc nhất Việt Nam. Làm thủ tục đi biên giới, khách theo chân Thượng úy Coor Trung và Jơ râm Trường (Đội vận động quần chúng) lên đường.
Để đến Pêtapoot, phải lội bộ qua nhiều cánh rừng âm u, vượt thêm hàng chục cây số dốc đá lởm chởm, lội qua những ngầm nước chảy xiết rất nguy hiểm, hơn một ngày đường mới tới nơi. Có lẽ vì điều này mà Pêtapoot tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.
Sức người không đi nổi hết hành trình, ô tô xe máy nào cũng chào thua. Để vào được vùng đất này, chỉ có sức ngựa trợ giúp. “Bạn đồng hành” cùng chúng tôi là đàn ngựa tuần tra bốn con của đồn biên phòng. Vậy mà chuyến đi vẫn liên tục bị gián đoạn. Hết xác định cho đúng phương hướng, lại đối phó với bầy vắt chực chờ trong những vòm cây rậm rạp tấn công.
Làng Pêtapoot hiện ra từ xa với những hình ảnh những đứa trẻ người Ve chân trần, bụng to đang chăn heo rừng bên bờ suối; những người đàn ông môi dày, mắt trắng ngơ ngác nhìn xung quanh, cảnh giác khi người lạ đến gần làng; những cô gái mũi cao, mắt xanh đen, quấn quanh mình những bộ váy thêu hoa sặc sỡ....
Cổng ngôi làng là hai vòng rào chắn ngang đường bằng loại tre lồ ô vót nhọn. Theo tục lệ, điều này có ý nghĩa ngăn thú dữ.
Nằm gọn dưới thung lũng sâu, cả làng vỏn vẹn chỉ có vài chục nóc nhà được lợp mái bằng ống tre lồ ô chẻ đôi, lắp theo kiểu ngói âm dương nhà cổ ở miền xuôi.
Lịch sử của làng bắt đầu được biết đến vào năm 1980, trong lúc đi tuần tra, các chiến sĩ Đồn biên phòng 661 phát hiện ra một nhóm người Ve di cư từ huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) xuống vùng giáp ranh với xã Đắc Ring. Kể từ đó, dưới chân ngọn núi Pèng Giàng, ngôi làng Pêtapoot được hình thành.
Điều đặc biệt, tồn tại đã hơn 30 năm, nhưng đây là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam chưa có tên trên bất kỳ tấm bản đồ nào. Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn theo kiểu “săn bắn, hái lượm” thời nguyên thuỷ.
Bước qua cổng làng Petapoot, phải chuẩn bị sẵn tâm lý bị… phục kích. Tất nhiên “bên tấn công” không phải là vắt, mà là con người. Ngôi làng im phăng phắc khiến các vị khách nghe rõ từng bước chân “nghe ngóng” sau cánh cửa lồ ô cọt kẹt. Những người đàn ông trong làng núp sau phên cửa, thò những mũi tên nhọn tẩm độc sẵn sàng đối phó với “tai hoạ”.
Khách phải giơ cao chứng minh thư, đồng thời được các anh bộ đội đi cùng lắc đầu nói to bằng tiếng địa phương, giới thiệu: “Người của mình”. Người làng khi ấy mới cọt kẹt mở cửa, túa ra bắt chuyện, xua giúp bọn ruồi vàng - thứ “đặc sản”.
Theo lời giới thiệu của Thượng úy Coor Trung, tổ tiên của người làng Pêtapoot ngày xưa khá mê tín. Chỉ vì phát hiện một con gà mái đẻ trứng dính máu, vốn là chuyện cực kỳ bình thường, vậy mà họ cũng phát hoảng. Giết con gà “ma ám” ấy đi rồi, lại phát hiện một số con khác cũng như thế, người ta hè nhau… chuyển làng đi nơi khác, sợ tai hoạ ập đến.
Mãi sau này được bộ đội giải thích đó là hiện tượng bình thường, họ mới gục gặc đầu hiểu chuyện.
Từ người già đến trẻ nhỏ, người làng PêtaPoot không ai đi dép, dù bộ đội có cho dép nhựa. Họ rặt đi chân trần gùi hàng. Từ lúc 5 tuổi, trẻ con đã học cách khom lưng, bám đá để luyện cho đôi chân rắn chắc.
Vùng đất khuyến khích mọi người… sinh đẻ nhiều
Trong cái nắng oi ả những ngày đầu hè, già làng KRing Vôn kể chuyện, khi lên đây, cuộc sống người PêtaPoot cực khổ lắm. Ông nói dân dã: “Trải qua mấy chục năm mà người vẫn không nhiều lên. Chúng tao trồng lúa, uống nước đầu nguồn, săn con nai, con hoẵng, ít ra bên ngoài, chỉ những lúc hết muối, hết gạo thì mới đi tìm để đổi. Khi chết trả lại thân cho rừng. Ốm đau bệnh tật lấy thuốc rừng, cúng tế cầu Giàng mong thoát “con ma” bệnh tật”.
Chỉ vào cánh rừng ma rậm rạp u ám bên con suối Qương, già làng Kring Vôn nói tiếp: “Rừng ma ngày càng dày đặc những ngôi mộ. Người PêtaPoot sống không được lâu. Bệnh tật, đói khát làm chết đi nhiều. Rừng ma cấm người lạ, kể cả người trong thôn không được đặt chân đến, trừ khi vào chôn cất người chết. Không được chặt cây, hái lượm, đào bới...  Nếu sai phạm sẽ bị ma quỷ trừng phạt thật nặng”.
Chết chóc nhiều, đã có lúc người PêtaPoot từng bỏ mảnh đất đang sống để quay ra định cư nơi có con đường lớn cũng thuộc tỉnh Quảng Nam. Năm 1987 toàn thôn PêtaPoot với 10 hộ gia đình đã di dời. Thế nhưng, một số thôn bản đã có người dân tộc Cơ Tu sinh sống, định cư trước.
Họ cho người PêtaPoót đất làm nhà, nhưng không cho phát rẫy trên mảnh đất của họ. Khó khăn chồng chất khiến nội bộ bất đồng. Một số người muốn ở lại, một số người muốn quay về rừng cũ. Cuối cùng họ đã chia đôi, thành ra ngày nay còn có thêm  PêtaPoot 1, PêtaPoot 2.
Để chống lại với sự “thiếu hụt người” như già làng nói, người dân PêtaPoot phải… sinh thật nhiều con. Ông Kring Khoai, người uy tín, được coi là giàu có nhất làng cho hay: “Người PêtaPoot còn ít, đất đai lại rộng, mình phải đẻ nhiều để có người phát rẫy”.
Cái sự “giàu có” của người ở đây cũng thật lạ. Như ông Kring Khoai, được coi “đại gia” nhất bởi đang sở hữu hàng trăm xương đầu, nanh vuốt của hàng chục loài thú rừng khác nhau treo trên vách nhà. Người Ve xem xương thú như chiến tích, là biểu tượng của sức mạnh, sự kiêu hãnh cho con cháu các đời. Đàn ông người Ve chỉ việc săn bắt thú rừng, đi vát gỗ, lấy rượu tà- vạt. Mọi công việc còn lại đều do một tay của người phụ nữ quán xuyến.
Cả nhà ông Kring Khoai chưa ai được ra khỏi rừng. Có lần, nghe mấy đứa trẻ trong làng được bộ đội dẫn đi học, chúng về có khoe đã nhìn thấy cái vô tuyến xem được hình người, cái xe máy nổ chạy được, có tờ giấy là tiền được đưa đi đưa lại… cả nhà ông ưng đi xem lắm nhưng ngại đường xa, cứ ở nhà để lo cái ăn trước đã.
Trong 15 trẻ em của làng, có bốn đứa từng được đi học theo các chú bộ đôi, nhưng do thấy quá “cực hình”, nên đã bỏ hẳn. Toàn bộ số trẻ em hiện nay chỉ biết ra rẫy, ra suối bắt cá, đi chăn những bầy heo rừng kiếm cái ăn.
Trước khi đi, đã nghe bộ đội Đồn biên phòng 611 nói chuyện hay nhất của người làng Pêtapoot là biệt tài chế độc dược “độc bậc nhất hành tinh”. Thế nhưng để “moi” được chuyện này, mới biết không phải dễ dàng…
Xa lộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét