Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Nghề canh cửi ở Nà Tăm

Hiện nay nghề canh cửi ở xã Nà Tăm (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) không còn nhộn nhịp như trước. Nhưng với tâm huyết giữ gìn, khôi phục nghề ông cha đã để lại, người dân nơi đây vẫn đang ngày đêm bám trụ lấy nghề.


Những tấm lụa tơ tằm hoàn chỉnh được các cô gái dân tộc Lào xã Nà Tăm
giữ gìn từ đời này qua đời khác

Theo quan niệm dân gian cây dâu có tác dụng làm thuốc nam chữa bệnh và đặc biệt là “kỵ tà” rất linh nghiệm. Người xưa còn gọi cây dâu là cây tang và nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa còn gọi là nghề canh cửi, tằm, tang. Hiện nay nghề canh cửi, tằm, tang ở xã Nà Tăm (huyện Tam Đường) không còn nhộn nhịp như dạo trước. Có lẽ bởi làm nghề có nhiều gian truân, nhọc nhằn. Và cũng vì giá tơ đắt, người tiêu dùng lại thay đổi theo xu hướng hiện đại, không còn mấy mặn mà với chất liệu truyền thống nên thị hiếu về tơ lụa theo đó cũng hạn chế đi nhiều. Nhưng với tâm huyết giữ gìn, khôi phục nghề ông cha đã để lại, người dân nơi đây vẫnđang ngày đêm bám trụ lấy nghề. Được biết nghề trồng dâu nuôi tằm đã từng có tại Nà Tăm cách đây hàng thế kỷ. Hiện nay toàn xã có gần 20 hộ gia đình còn giữ nghề canh cửi và mỗi gia đình có từ 1 đến 2 nong tằm. Nhưng điều đặc biệt là giống tằm ở vùng quê này có hình dáng, kích thước nhỏ hơn so với giống tằm ở những nơi khác; nên khi nhắc đến điều này người dân thường lấy đó là niềm tự hào vì giống tằm ở đây được coi như “thuần chủng về kiểu hình”.

Trong căn nhà sàn với kiểu kiến trúc 4 mái trang trí độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Lào, cụ Lò Thị Na (bản Nà Hiềng) dốc bầu tâm sự: “Trước đây nhờ nghề canh cửi, nhiều gia đình vượt qua được ngưỡng thời gian đói nghèo, hoạn nạn. Ở xã không có nghề phụ gì nên khi mùa vụ chưa đến bà con chỉ biết làm bạn với dòng Nậm Mu mà mò cá, bắt cua kiếm “chất tươi” về cải thiện bữa ăn hàng ngày. Đợi đến lứa tơ bán mới “có đồng ra đồng vào” và cuộc sống cũng vơi đi phần eo hẹp, từ làm canh cửi gia đình nào cũng thu được gần chục triệu đồng/ năm”.

Năm nay cụ Na đã tròn 100 tuổi, ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi ai đó hỏi về nghề truyền thống thì như chạm vào niềm đam mê và làm “trỗi dậy kho nghề” của cụ. Cụ cho hay: Kén nào nhỏ mà nhọn đầu là kén đực, tròn mà đầy đặn là kén cái. Khi con tằm còn non cụ đã biết phân biệt đâu là con ngài đực, ngài cái để ghép đôi; chọn riêng những con tằm khỏe mạnh, hoạt động linh hoạt để duy trì nòi giống cho những lứa tằm sau. Khi còn ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhờ được dạy cặn kẽ từng chi tiết nên cụ đã sớm thành thạo việc ươm tơ, xe tơ và đem tơ đi bán. Vậy nên quá trình “thay da đổi thịt”, “lột xác” chăm sóc, quan sát, phát hiện tằm chín với cụ giờ đây đã trở nên quá thuần thục, tinh tường. Niềm tự hào lộ rõ trên khuôn mặt người con gái dân tộc Lào đằm thắm, thủy chung có tiếng giỏi trồng dâu, trồng bông, nuôi tằm và dệt lụa.Và mỗi lứa tằm dù ít dù nhiều cụ đều “chắt chiu”, dành dụm những nén tơ, ngày đêm miệt mài xe tơ, dệt lụa tự may trang phục cho mình và làm quà tặng những người thân yêu.
Hiện nay, những thoi tơ do chính bàn tay người dân tộc Lào ở xã Nà Tăm làm ra được bà con người dân tộc Mông, Dao trong bàn tỉnh, ở huyện Sa Pa (Lào Cai)… sử dụng trang trí họa tiết hoa văn trên trang phục. Tuy phạm vi còn nhỏ nhưng điều đó cũng góp phần nhân lên niềm vui cho người giữ nghề canh cửi.
(Theo LangVietOnline)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét