Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Nồng nàn ẩm thực Bình Định

Bình Định không chỉ là đất võ mà còn là cái tên gắn với vùng biển đẹp, xanh trong, thanh bình vô khối món đặc sản “gây mê” du khách.

Bún chả cá Quy Nhơn
Bún chả cá không chỉ có ở Bình Định mà khắp các tỉnh ven biển đều có do đặc thù vùng miền. Bún chả cá nơi nào cũng ngon, cũng đậm đà hương sắc, nhưng lại mang đặc trưng riêng. Ở Quy Nhơn, bạn sẽ được hưởng cái nồng nàn của biển qua từng sợi bún, miếng chả cá nhiều gia vị.

Bún làm từ gạo tẻ vụ mùa thơm, hạt trắng đều vừa mới ra lò là ngon nhất. Còn chả lấy nguyên liệu là những loại cá quen thuộc như cá mối, cá nhồng, cá thu, cá rựa… Giờ đây, do nhu cầu của người dùng tay, nhiều công đoạn làm chả được phó thác cho máy móc, nhưng phải ăn rồi mới cảm nhận được rõ ràng chả ngon, phải được làm thủ công.
Người ta lóc thịt cá, trộn với tỏi ớt, tiêu, bột ngọt, dầu ăn, chút muối, đặc biệt thêm hành lá, thì là bằm nhuyễn rồi quết thật đều tay, khéo léo nặn thành miếng chả hay cây chả dài láng mịn, tròn dày.
Thường trong tô bún có cả 2 loại chả: chả chiên dai giòn, dậy mùi thơm; chả hấp thanh đạm, ít dầu mỡ, hấp dẫn không kém nhờ lớp trứng tráng mỏng, vàng ươm. Tất cả được trình bày ngon mắt trong tô rồi chan nước lèo trong veo, ngọt tự nhiên ninh từ xương cá kết hợp với xương bò, xương heo, củ cải, thơm, cà… để tăng vị. Bún chả cá Quy Nhơn ăn chung với rau sống tươi xanh rất ngon và đáng thử.
Nồng nàn ẩm thực Bình Định - 1
Bún chả cá trở thành một thương hiệu riêng của Quy Nhơn, nổi tiếng không kém bún Nha Trang (Ảnh: Internet)
Ở đường Nguyễn Huệ, Tăng Bạt Hổ… có khá nhiều quán được khách ưa chuộng. Dù cùng loại bún nhưng tùy quán mà giá cả khác nhau, từ 15.000 đồng/ tô trở lên. Tuy nhiên, không phải cứ đắt hơn là ngon hơn bởi chính yếu là phụ thuộc vào khẩu vị người ăn và bí quyết của người nấu nữa.
Nem chợ Huyện
Ca dao Bình Định có câu: "Rượu ngon Bầu Đá mê li/ Gặp nem chợ Huyện bỏ đi sao đành?". Chính thế, nó nem chợ Huyện mà thêm bình Bàu Đá thì còn gì bằng.
Nem chợ Huyện - một trong những món ngon Bình Định được chế biến từ thịt heo nạc tươi đã nạo bỏ lớp nhầy và lau bằng vải chứ không rửa nước. Sau đó, được thái, giã và quết với tỏi, muối, đường thật đều tay, cho thịt “chín”. Da heo lạng mỏng, xắt sợi hoặc hạt lựu trộn đều trong thịt vừa làm rồi gói bằng lá ổi bánh tẻ thành từng vắt, bọc ngoài cùng là lá chuối xanh.
Nồng nàn ẩm thực Bình Định - 2
Làm món nem chợ Huyện cũng lắm công phu và tốn nhiều sức, nhưng thành phẩm thì miễn chê!
Nem Bình Định cứng hơn, vị thanh và giản đơn hơn so với nem ở một số vùng khác. Nhưng chính vì thế nên nó dễ phù hợp với nhiều loại khẩu vị. Khi ăn, ngắm nhìn miếng nem đỏ hồng ngon mắt, cắn ngập chân răng để thấy vị thịt đậm đà, chua chua, ngọt ngọt với cái giòn sần sật của bì heo kết hợp chút chan chát mà ngọt hậu của lá ổi khiến người ta ăn mãi không chán.
Nếu muốn thơm lừng hơn nữa, hãy ăn nem nướng trên than hồng, kèm rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế xắt nhỏ, dưa leo, chấm xì dầu sẽ được thỏa lòng. Đặc biệt, nem còn có thể cuốn cùng bánh tráng, rau xanh, chả ram cho vị riêng ngon lành chẳng kém.
Nem chợ Huyện bán khắp nơi trên đất Bình Định, thế nên, nhớ tranh thủ mua làm quà nhé.
Bánh ít lá gai
Đây là món bánh đặc trưng, là món ngon Bình Định. Đến nỗi, người xưa đã có câu: Muốn ăn bánh ít lá gai - Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi”. Ngày nay chẳng cần “dài đường”, vẫn có thể tìm mua thứ bánh này ở nhiều nơi khác, tuy nhiên, ngon nhất vẫn là cảm nhận nó trên chính mảnh đất sinh ra nó.
Nồng nàn ẩm thực Bình Định - 3
Nồng nàn ẩm thực Bình Định - 4
Bánh ít lá gai ngon thơm dân dã (Ảnh: Internet)
Bánh ít có nguyên liệu gần gũi với người dân nơi đây. Lá gai vốn được trồng phổ biến, thành rào hoặc từng khóm cạnh bờ ao luộc chín, giã nhuyễn cùng bột nếp tươi và đường kính trộn đều. Nhân bánh gồm đậu xanh, dừa khô nạo cơm, đường, thêm nước muối và gừng.

Chỉ thế thôi mà qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, chúng biến thành những chiếc bánh hình dáng đặc biệt như kim tự tháp đều chằn chặn gói trong lá chuối mềm dai.
Bánh vừa hấp xong, đem ra ăn nóng hôi hổi hoặc để nguội đều ngon. Bánh đen nhánh, bọc kín lấy nhân, khi ăn thật dẻo, thật mịn mà không dính răng, nhai một chút sẽ thấy bột nếp dẻo quánh, đậu bùi ngọt và dừa béo thơm hòa với mùi lá gai. Thật khó quên.
Bánh tráng nước dừa
Bánh tráng nước dừa của riêng Bình Định là món đạm bạc, rẻ tiền nhưng thơm ngon và đậm cái tình của người dân. Làm từ củ mì (củ sắn) nạo nhỏ, lọc kỹ. Cùi dừa bào mỏng, lấy nước cốt. Tất cả trộn với nhau cùng vừng, gia vị, tráng như bình thường rồi phơi nắng.
Nồng nàn ẩm thực Bình Định - 5
Bánh tráng nước dừa khi nướng phồng lên dậy mùi và ăn giòn béo ngậy, bùi bùi, ngon khó tả! (Ảnh: Internet)
Nghe thì đơn giản nhưng người tráng bánh phải luyện dữ lắm mới cho ra hàng trăm chiếc bánh như một, giống như khuôn từ kích cỡ, độ dày mà không làm sứt mẻ khi gỡ bánh và đè bánh.
Bánh mua về nướng than hồng, phồng ra thơn nức mùi dừa và vừng, cong cong nhìn đến là thích mắt. Rồi cứ thế, mọi người bẻ bánh ngay tại chỗ, ăn khi còn nóng mới thú vị. Bánh vừa giòn, vừa béo, vừa bùi bùi, nghe đâu đó còn có hương hành, vị tiêu cay nóng, bột ngọt ngọt, vô cùng hấp dẫn.
Bún tôm
Xưa kia, người dân quanh đầm Châu Trúc, Phù Mỹ, Bình Định thường đánh bắt cá đem muối mắm, phơi khô. Do đầm nhiều tôm quá mà ăn hoài các kiểu cũng ngán, họ chế, lấy tôm nấu nước ăn với bùn, sau này thành đặc sản của vùng.
Nồng nàn ẩm thực Bình Định - 6
Bún tôm ngọt ơi là ngọt, ngon ơi là ngon (Ảnh: Internet)
Bún tôm nhất định phải chọn tôm đất từ đầm Châu Trúc còn tươi sống, nhảy tanh tách, làm sạch rồi giã nhuyễn cùng hành tím, tiêu, bột ngọt, nước mắm ngon. Một số người còn cho lòng đỏ trứng và rượu trắng cho màu tôm đẹp mắt, vị thịt tôm càng đậm đà, khác biệt.
Khi có khách, chủ hàng mới gẩy ít thịt tôm đã làm, vắt bún, thêm hành tươi, rau thơm, ớt kim và chút chanh tươi rồi đổ lên trên nước lèo nóng hổi. Tô bún bưng ra nghi ngút khói, thơm lừng vị riêng dìu dịu, thanh tao.

Ăn vào thấy cay xè ớt, chua chua chanh, ngọt ngọt beo béo thịt tôm, thơm thơm mùi húng quế và tiêu sọ mới rắc. Bún tôm, thứ món ngon Bình Định này mà ăn vào trời lâm râm mưa thì quả là “quên sầu”.
Bánh xèo
Cách làm tương tự như nhiều địa phương khác nhưng nguyên liệu của bánh xèo Bình Định có khác một chút, khiến người ăn thấy mới lạ. Người Bình Định cho thêm vào nhân bánh cả rau củ như nấm, hành tây và thịt bò.
Nồng nàn ẩm thực Bình Định - 7
Bánh xèo Bình Định có thêm rau và thịt bò khác biệt (Ảnh: Inte
Làm bánh xèo, khâu quan trọng là lựa chọn nguyên liệu. Tôm đất không quá lớn, không quá nhỏ để giữ cho bánh có vị ngọt dai, thơm đặc trưng, đặc biệt, tôm phải còn sống, nên bánh xèo này còn được gọi là bánh xèo tôm nhảy; bột gạo lựa kỹ không hôi; nước mắm nguyên chất mới được.
Khi có khách, chủ hàng cho bột gạo nguyên thủy, không gia giảm thêm bột nghệ hay phụ gia tạo màu được đổ lên bếp, rồi rải phía trên là tôm, giá đỗ, thịt heo, thịt bò, chút nấm, hành tây xắt mỏng… một lát mùi thơm dậy lên là được. Bánh xèo được cuốn bánh tráng cùng rau sống, rau thơm, xoài, dưa leo xắt mỏng, chấm trong bát mắm chua chua ngọt ngọt đủ chanh, tỏi, ớt rất tuyệt vời.
Cá chua
Đây là tên một loại cá thơm ngon của riêng Bình Định. Cá chua được chế biến nhiều món: cá chua hấp, cá chua nấu lá giang, cá chua nấu mẳn (chỉ nấu với nước và hành, không phụ thêm gia vị), nhưng được ưa chuộng và giữ vị tốt nhất là cá chua nướng ăn kèm muối ớt.
Nồng nàn ẩm thực Bình Định - 8
Cá chua nhỏ người nhưng ngon thịt.
Cá chua ngon hay không phụ thuộc vào thời điểm trong năm và độ tuổi của cá. Cá còn nhỏ thì thịt chưa thật đậm, nhưng da cá mềm và đầu cá bùi ngon; khi cá già, da trở nên cứng và xác hơn, bù lại, thịt săn, ngon khỏi nói.
Đến Bình Định mùa xuân – hạ, nhớ nếm thử cá chua để biết cá không hề chua mà ngon thơm và ngọt lành.
Bún song thằn/ song thần
Bún song thằn có cái tên đặc biệt như vậy là do khi làm bún, người ta bắt dây bún từng đôi một. Lâu dần, có người đọc trại đi thành bún song thần, nghe vừa uy nghiêm, vừa huyền bí.
Nồng nàn ẩm thực Bình Định - 9
Bún song thằn có giá trị dinh dưỡng cao.
Nó nổi tiếng vì nguyên liệu chính để làm bún là đậu xanh. Do vậy, bún song thằn có hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Xưa nay, dân gian còn truyền câu: “Nón ngựa Gò Găng/ Bún song thằn An Thái/ Lụa đậu tư Nhơn Ngãi/ Xoài tượng chín Hưng Long” để thấy món này được đánh giá cao thế nào.
Bún song thằn phải dùng nước sông Kôn mới cho ra vị đúng như ý. Khác bún tươi, ăn ngay khi làm, bún song thằn phải qua khâu phơi phóng mới thành phẩm. Nhưng cũng chính vì thế, nó kết hợp được với nhiều nguyên liệu khác cho ra món ăn ngon lành và đa dạng như nấu với tôm, thịt nạc, lòng gà ăn ngọt và mát.
Tắm biển, hải sản và nhiều đặc sản thế này chắc chắn đem lại thời gian xả stress hữu ích cho bất cứ ai. Xứ Nẫu đang chờ bạn khám phá đấy.

Tạ Ban

Món ngon nức tiếng ở Bình Định

Những món ăn như nem chợ huyện, bánh canh chả cá, bánh hỏi lòng heo mang đậm nét văn hóa của miền đất võ.

Du khách đến Bình Định không chỉ bị quyến rũ bởi danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa hay những đêm hát Bội hấp dẫn mà còn bị quyến rũ bởi nhiều món ăn lạ miệng.
1. Bánh canh chả cá
Bánh canh chả cá là đặc sản khá nổi tiếng ở Quy Nhơn, được bày bán ở nhiều con phố. Sự độc đáo của bánh canh chính là cách làm bánh, chả và chế biến nước dùng. Chả cá ở đây được chế biến hoàn toàn từ cá tươi với nhiều gia vị. Còn sợi bánh làm bằng bột gạo pha với bột mì, khi chín có độ dai và màu trong rất lạ. Nước dùng chủ yếu nấu bằng xương cá, đầu cá tạo ra cái ngọt thanh thanh, để lại cho người ăn cảm giác khó quên.
banhcanh-jpeg-9911-1397211107.jpg
Bánh canh chả cá Bình Định được Tổ chức Kỷ lục châu Á ghi nhận đạt giá trị ẩm thực châu Á. Ảnh: VOV
Không giống như bánh canh ở các nơi khác, bánh canh chả cá Bình Định có hai loại chả mà du khách có thể chọn là chả chiên thơm nồng và chả hấp được giã bằng tay với các loại cá mối, các thác lác... làm nên vị ngọt đậm đà. Khách ăn bánh canh đôi khi không cần quán cầu kỳ, sang trọng mà chỉ ngồi ở vỉa hè mà thưởng thức.
2. Chình mun Châu Trúc
Cá chình thuộc họ nhà lươn, chạch nhưng lớn hơn nhiều, hay có những vùng cửa sông, cửa biển, đầm phá nước lợ. Nhưng chình mun thì chỉ có ở vùng đầm Trà Ổ, cũng gọi là đầm Châu Trúc thuộc huyện Phù Mỹ. Gọi là chình mun vì nó đen chũi như gỗ mun, nổi tiếng thơm ngon và có giá trị bổ dưỡng rất cao. Có rất nhiều cách chế biến chình mun, phổ biến vẫn là rô-ti, nấu cà-ri hay tiềm thuốc bắc...
Cá chình nấu măng hay nấu với lá giang là món có tính chất giã rượu. Khi nấu dùng ít nước và hầm kỹ để vị ngọt từ xương chình tiết ra. Chỉ cần đưa thìa canh lên đầu lưỡi, du khách đã cảm nhận được vị ngon, ngọt của chình mun nức tiếng.
3. Chim mía
Đến Bình Định, du khách sẽ được giới thiệu món chim mía khá hấp dẫn, có nhiều ở vùng Tây Sơn, do đây là vùng trồng nhiều mía. Một số người dân địa phương vẫn có nghề bẫy chim trong những ruộng mía, cung cấp cho các quán ăn, bởi vậy chim mía Tây Sơn thường tươi, ngon, nướng hay quay cả con đều rất ngọt.
4. Bánh xèo tôm nhảy
Là món bánh dân dã được rất nhiều người yêu thích, bánh xèo được làm từ bột gạo có quyện một chút bột nghệ và nước cốt dừa. Phần nhân bao gồm tôm đất nhỏ nhưng chắc thịt. Đĩa bánh xèo dọn ra với sắc màu vàng của nghệ, màu trắng phau của giá, màu đỏ của tôm và màu xanh của rau hòa quyện thành một món ăn đẹp mắt.
xeo-1403-1397211107.jpg
Bánh xèo Bịnh Định dân dã với những con tôm đất thịt chắc nịch luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: dacsanbinhdinh
Ăn món này đúng cách là phải đặt bánh xèo lên một chiếc bánh tráng, cuốn cùng rau mầm và xoài chua rồi chấm ngập vào chén nước mắm. Cắn mạnh một miếng cảm nhận vị béo của dầu, ngòn ngọt của tôm tươi, cay cay của mắm tỏi ớt, ăn kèm bánh tráng gạo mỏng và các loại rau xanh khiến du khách không thể nào quên.
5. Bánh hỏi cháo lòng
Bánh hỏi là đặc sản Bình Định, ngon nhất là ở Diêu Trì. Du khách sẽ thấy nhan nhản những biển hiệu cháo lòng, bánh hỏi khi đến vùng đất này. Thật ra bánh hỏi cháo lòng là hai món ăn khác nhau nhưng lại được người dân kết hợp với nhau tạo nên món ăn thú vị. Bánh hỏi là biến thể của bún tươi. Còn cháo được nấu khá loãng, bằng huyết ninh với nước cốt hầm từ xương và lòng lợn. Cháo vừa ngọt lại vừa thơm, ăn cùng với đĩa lòng lợn được chế biến khéo léo khiến món ăn này trở nên ngon ngọt khác thường.
6. Nem nướng, nem cuốn
Nem chợ huyện ngon do cách chế biến một phần nhưng yếu tố chính ở đây vẫn là thịt được chế biến từ heo cỏ nuôi dân dã. Nem có thể ăn với rau thơm, cuốn với bánh tráng, hoặc chỉ ăn mỗi nem để tận hưởng hương vị độc đáo của món đặc sản này. Nem khi được ăn chấm với nước mắm hay nước tương tùy theo khẩu vị của mỗi người. Tuy nhiên, nước chấm được ưa thích nhất vẫn là nước chấm được pha loãng với lạc giã nhỏ thêm đường và tỏi, ớt khiến nước chấm sánh, đậm đà.
7. Mực rim nướng
Mực rim nướng là món ăn hè phố khoái khẩu của nhiều người tại Quy Nhơn. Món ăn dân dã này được chế biến khá đơn giản. Khô mực sau khi được nướng sơ sẽ được tẩm với các loại gia vị như mạch nha, ớt xào, tỏi... cho mực ngấm đều, tạo thành món ăn chơi hấp dẫn.
8. Gỏi sứa
Món gỏi sứa tai và gỏi sứa chân là món ăn được nhiều du khách đến Bình Định ưa thích. Gỏi sứa tai được làm từ sứa tai bóp sơ sau đó trộn cùng các loại gia vị, đậu phộng, chuối xanh, mướp đắng xắt mỏng, xoài xanh bào sợi và các loại rau thơm như rau răm, rau húng.
goisua-3888-1397211107.jpg
Gỏi sứa là món ăn ngon miệng. Ảnh: Khánh Hòa
Để làm gỏi sứa chân cầu kỳ hơn vì phải trộn cùng với thịt gà hoặc thịt lợn xắt mỏng cùng các loại ớt,  xoài băm nhỏ, đậu phộng rang và một số loại rau thơm khác. Món ăn này ngon phải được chấm với mắm ruốc mới đúng vị.
9. Bánh ít lá gai
Là thứ bánh đơn sơ, mộc mạc và hồn hậu như con người đất võ nhưng hương vị ngọt lành của bánh ít lá gai luôn hấp dẫn du khách. Bánh ít lá gai được sử dụng trong những ngày giỗ, ngày lễ như cưới hỏi, thể hiện sự đảm đang khéo léo của người phụ nữ. Bánh được làm bằng bột nếp với lá gai và đường cát, nhân bánh làm bằng đậu xanh hoặc dừa nạo. Bánh ít lá gai dẻo, thơm, ăn không dính răng với vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị bùi của đậu xanh, hương cay nồng của gừng tạo thành một món ăn đậm đà hồn quê Bình Định.
Anh Phương

Món ngon miền đất võ


Bình Định không chỉ nổi tiếng với danh xưng “miền đất võ” mà còn được biết đến với những món ngon lạ ít khi “đụng hàng”.

Có dịp đến miền đất võ Bình Định, bạn hãy thử thưởng thức một lần các món đặc sản cua vua, cá chua, sứa gạo... hẳn sẽ nhớ mãi!
Đẳng cấp cua vua
Món ngon miền đất võCua vua có chất lượng thịt rất ngon, càng ăn thấy càng… sung
Có lẽ khi nhắc đến tên loại cua vừa lạ vừa sang này, không ít người tỏ ra ngạc nhiên. Tương truyền vua chúa ngày xưa khi du ngoạn ở các vùng biển đẹp thấy ngư dân đánh bắt được loại cua màu đỏ hồng như chiến bào, hình dáng như loài rùa nên ăn thử. Chất lượng thịt cua hảo hạng, càng ăn thấy càng ngon và càng sung sức nên vua ra lệnh cho ngư dân phải thường xuyên dâng lên hoàng cung. Từ đó loại cua này được đặt tên là "huỳnh đế" (còn gọi là hoàng đế). Trong dân gian còn lưu truyền tên gọi khác là cua vua.
Trên vùng biển Việt Nam vốn phong phú tài nguyên hải sản không phải nơi nào cũng có cua huỳnh đế. Những vùng biển sạch, có đáy cát vàng và nguồn nước trong xanh mới "quyến rũ" được loại cua mang thương hiệu "vua" đến trú ngụ và sinh trưởng. Cua huỳnh đế chỉ rộ nhất vào mùa xuân, khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch.
Dù đánh bắt từ biển khơi, nhưng để đảm bảo chất lượng thịt chắc, thơm ngọt và có gạch hồng thì đòi hỏi ngư dân phải biết cách giữ cua còn sống. Nếu cua chết hoặc bỏ tủ lạnh dài ngày thì thịt bở, lạt như bột hấp sống. Cua “vua” chỉ được chế biến thành 2 món đơn giản nhưng luôn cuốn hút người dùng: Hấp ăn với muối tiêu ớt hoặc luộc lấy thịt phi hành, gia vị rồi nấu cháo. Các chuyên gia ẩm thực không thể chế thêm những món khác như: rang me, rang muối, nướng... là vì mai cua “vua” rất cứng dày. Những người bị bệnh gút thường được khuyên là không nên ăn vì cua “vua” có độ đạm rất cao. 
Đặc sản cá chua
Món ngon miền đất võĐặc sản cá chua hấp lá giang
Loài cá này xuất hiện rất nhiều ở đầm Đề Gi, huyện Phù Cát. Cho đến nay cá chua vẫn chưa nhân giống được, chủ yếu sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên. Nhiều nhà hàng ở Bình Định đều có đặc sản cá chua, nhưng thực khách nơi xa đến không dễ gì biết mà gọi nếu chủ quán... quên giới thiệu hoặc không có “thổ địa” đi cùng.
Loại cá chua thường sinh trưởng tốt ở môi trường nước sà hai (nước lợ) nên chất lượng thịt rất thơm ngon, càng nhai kỹ càng cảm nhận nhiều vị ngọt của miếng cá. “Tuổi đời” cá chua quyết định độ thơm ngon. Cá còn nhỏ thì chất thịt chưa ngon, nhưng da cá và phần đầu lại rất quyến rũ. Cá già khiến cho phần da hơi cứng, nhưng thịt thì săn chắc ngon hết chỗ chê. Cá bắt vào ban đêm thì ăn trọn con, không bỏ bộ phận nào, kể cả phần ruột; bắt buổi ngày thì phải bỏ đi bộ lòng vì nó còn đọng nhiều tạp chất khiến hương vị cá khi chế biến có vị đắng.
Cá chua được chế biến nhiều món: cá chua hấp lá giang, cá chua nấu mẳn (nấu với nước, hành và gia vị), nhưng thú vị nhất là nướng lá chuối ăn kèm muối ớt tươi. Món nướng thì ít nơi làm vì độ công phu của nó, nhưng nếu có một người quen nuôi cá chua, cuối tuần ra bờ hồ câu vài con, đốt than lên nướng và thưởng thức, hầu như ai cũng sẽ phải thốt lên: “Chu cha, thiệt là ngon!”.
Ngon lạ với sứa
Món ngon miền đất võThơm ngon với sứa nước lèo
Chọn món ăn để "hạ nhiệt" thì có lẽ không món nào sánh bằng sứa. Sứa được chế tác thành rất nhiều món ăn khoái khẩu: bún sứa, nộm sứa, gỏi sứa, sứa cuộn thịt bò, sứa trộn mít non...  
Bình Định có đầm Thị Nại rộng lớn, nguồn thủy sinh phong phú, trong đó có loài sứa xuất hiện quanh năm. Sứa sinh trưởng ở đầm này nhỏ độ bằng cái chén ăn cơm, nhưng rất nhiều chân. Người dân địa phương gọi là sứa gạo. Mỗi con nặng chừng 3 lạng, riêng phần chân nặng khoảng 1 lạng. Sứa gạo ngon đặc biệt vì độ giòn, trong suốt.
Những người sành ẩm thực thường chọn chân sứa để chế biến món ăn với nước lèo có hương vị độc đáo. Nước lèo được pha chế từ thịt ba chỉ tươi, tôm đất và cua gạch còn sống băm nhuyễn. Thời gian chưng nước lèo kéo dài đến 4 giờ đồng hồ để các loại phụ gia thấm đều, quanh quánh vào nhau.
Chén sứa nước lèo là sự pha hợp của nhiều hương vị. Vị thơm của rau húng hắng. Vị béo của dừa sợi. Vị bùi của đậu phụng rang. Vị chan chát của chuối, bắp chuối. Vị chua cay của xoài, ớt xanh. Đặc biệt nhất là vị giòn, ngọt thơm của sứa và nước lèo.
Đình Sơn (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét