Mấy
năm nay, nhiều người dân sống trên đỉnh núi Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình,
tỉnh Lạng Sơn đua nhau săn loại ếch hương để bán với giá cao.
Ếch... thương
Ếch... thương
Sở dĩ loài ếch đặc biệt trên núi Mẫu
Sơn có tên gọi là ếch hương bởi lẽ thịt của loài ếch này rất thơm, không
tanh như ếch đồng dưới chân núi, ếch có màu nâu đen, trọng lượng chỉ 2 -
3 lạng/1 con ếch trưởng thành. Ếch hương còn có tên gọi nữa là ếch
thương vì dưới ngực của ếch có một lớp gai mầu tím, khi người đụng tay
vào ngực ếch sẽ ôm chặt lấy tay...
Theo chân một thanh niên người Dao tên
Triệu Văn Lý ở bản Khuẩy Đeng, xã Mẫu Sơn lùng sục quanh các khu rừng
đi săn ếch hương. Dụng cụ của Lý chỉ duy nhất một chiếc thuổng nhỏ để
đào ếch, Lý bảo: "Săn ếch ban ngày thì chỉ đơn giản vậy thôi, mình tìm
trong mấy khe đá nhỏ hoặc mấy hốc đất, hễ chỗ nào nghi có ếch thì đào.
Nếu săn ếch vào ban đêm thì cần phải một cái đèn pin hoặc bó đuốc để
soi".
Nói rồi, Lý lò dò lội theo dòng suối,
vén cỏ dại ven bờ tìm hang ếch để đào, sau vài phút hì hụi đào lấy đào
để Lý lại lôi ra một - hai con ếch hương béo tròn cho vào bao tải rồi
tiếp tục men theo dòng suối truy lùng ếch.
Lý cho biết: "Ếch hương sống nhiều ở
những con suối nhỏ, có nhiều hang đá. Bọn em có thể săn ếch vào ban ngày
hoặc đêm. Tuy nhiên, hiệu quả nhất vẫn là săn ếch về đêm, lúc đó, ếch
ra khỏi hang đá đi kiếm ăn, chúng ngồi trên những mỏm đá, mô đất bằng
phẳng kêu ộp oạp, khi soi đèn thì thấy mắt ếch đỏ au giống như mắt mèo,
mắt trâu. Ếch hương rất hiền, chúng thấy người không chạy nên chỉ cần
túm lấy con ếch bỏ bao tải là xong. Ban ngày, ếch ngủ trong những hang
đá hoặc núp trong những đống lá rừng mục, săn ếch ban ngày vất vả hơn
ban đêm vì phải tìm hang ếch để đào và số lượng ếch bắt được cũng ít hơn
rất nhiều so với săn đêm".
Lý kể: Ếch hương chỉ sống được ở những
nơi có địa hình cao, khí hậu lạnh, ở khu vực phía bắc chỉ có Mẫu Sơn,
Sa Pa là có loại ếch này, nếu đưa ếch ra trời nắng ở nhiệt độ 30oC ếch
sẽ chết.
Sau gần một buổi đi săn ếch, chúng tôi
theo chân Lý đến nhà ông Tăng Thanh Phúc - một chủ cửa hàng chuyên thu
mua ếch hương của bà con dân bản đi bán. Ông Phúc tiết lộ thêm rằng:
"Cách đây mấy trăm năm, ếch hương là loại đặc sản chỉ dùng để tiến vua,
chỉ có vua, chúa mới được ăn loại ếch đặc biệt này. Mặc dù không có tài
liệu ghi chép gì về việc này, nhưng những câu chuyện truyền miệng còn
lưu giữ trong cộng đồng người Dao trên đỉnh núi thì vẫn còn nhắc đến,
trong đó có nói rằng, mỗi năm 3 lần, người dân phải đi săn ếch làm thực
phẩm cho hoàng cung. Cung tiến cho vua xong, người dân mới được bắt ếch
để ăn".
Theo nhiều người dân địa phương thì chỉ người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn mới biết săn ếch hương. |
Ăn ếch để cải thiện... quan hệ vợ chồng
Ông Tăng Thanh Phúc cho biết: "Từ hàng
trăm năm nay, người dân trên núi Mẫu Sơn chỉ chế biến ếch hương thành
ba món gồm hầm cách thủy, rán và nấu cháo, ếch hương có tác dụng chữa
bệnh sốt rét, mất ngủ, thần kinh căng thẳng và cải thiện quan hệ vợ
chồng rất tốt".
Việc chế biến cũng rất đơn giản, chỉ
cần bắt ếch về mổ bụng, rửa sạch, nếu hầm cách thủy thì phải cho rượu và
gừng vào ướp khoảng 30 phút để gia vị ngấm vào thịt ếch, sau đó đem hầm
cách thủy khoảng 2 tiếng, hầm xong vớt ếch ra để nguội rồi tiếp tục rải
một lớp măng chua lên trên và tiếp tục hầm cách thủy cho đến khi lớp
măng chua không còn vị chua nữa thì mới đem ếch ra ăn.
Nếu rán thì không cần tẩm ướp gia vị
mà chỉ cần cho ếch vào chảo mỡ rán đến khi nào vàng đều thì đem ra ăn.
Món cháo ếch hương cũng không có gia vị gì khác ngoài muối và mỳ chính.
Thịt ếch hương màu nâu đen, không có mùi tanh, đặc biệt là không bao giờ
có giun, sán như ếch đồng. Khi ăn, thịt ếch có vị ngọt, dai như thịt gà
chọi...
Nếu đưa ngón tay vào bụng ếch hương, ngay lập tức nó sẽ dùng hai chân trước kẹp chặt tay người. |
Theo chân đại gia về phố
Theo chân của những thương lái bản
địa, ếch hương len lỏi đến những nhà hàng, khách sạn của những thành phố
lớn để phục vụ giới đại gia lắm của nhiều tiền.
Ông Triệu Văn Đạt ở bản Khuẩy Đeng cho
biết: "Hiện nay, mỗi cân ếch hương có giá 500.000đ, nếu đem về xuôi giá
có thể lên tới trên 1 triệu đồng/1kg. Mỗi đêm đi soi ếch tôi bắt được
khoảng 2 - 3kg, tương đương 2 - 3 triệu đồng. Nếu đi bắt ếch ban ngày
thì chỉ kiếm được 1 - 1,5kg ếch là cùng".
Mấy năm nay, một số người dưới xuôi
lên núi Mẫu Sơn mua ếch với giá cao, họ nhờ thương lái thu gom được
khoảng vài chục cân rồi đánh xe lên lấy. Vì ếch chỉ sống được ở điều
kiện lạnh, ẩm, nên một số thương lái phải đem xe ô tô có điều hòa, đông
lạnh lên để chở ếch về, đảm bảo về đến thành phố không con nào bị chết.
Ngoài ra, việc nuôi ếch trong điều kiện nhiệt độ thấp đẩy chi phí lên
cao, chính vì thế mà có người không đem ếch sống về mà nhờ dân bản thịt
chế biến luôn rồi bỏ vào thùng đá, khi đem về thành phố, các nhà hàng
chỉ cần bỏ ra nấu cho khách...
Ông Tăng Thanh Phúc lôi trong nhà bếp
ra một bao tải ếch hương khoe với chúng tôi: "Bao tải này có 8kg ếch
hương, số ếch này đang đợi để bán cho những đầu mối khác dưới thành phố.
Mỗi ngày riêng nhà tôi có thể thu mua được 8 - 10kg ếch. Ở đỉnh Mẫu Sơn
có 6 - 7 hộ thu mua ếch, như vậy là mỗi ngày núi Mẫu Sơn cung cấp cho
các thành phố lớn khoảng 1 tạ ếch hương".
Nhờ vào việc săn ếch hương mà nhiều
gia đình đã có cuộc sống khá giả, thậm chí có thể xây được nhà, mua được
xe máy... Khi nói đến hiệu quả của việc săn ếch, ông Triệu Văn Đạt lật
đật xuống bếp dắt chiếc xe máy mới mua ra cho chúng tôi xem rồi bảo:
"Nhờ săn ếch mà gia đình tôi mua được chiếc xe này với giá 25 triệu
đồng, không những thế, cuối năm 2012 gia đình tôi còn xây được một ngôi
nhà mới to nhất bản".
"Ếch hương dự báo thời
tiết rất tốt, nếu hôm nào nắng đùi sau của ếch có màu đỏ, hôm nào mưa
thì đùi ếch chuyển thành màu đen. Ếch hương chỉ sống ở những nơi nước
suối trong vắt, không ô nhiễm, nếu lấy nước chỗ ếch ở về uống sẽ phòng,
chữa bệnh sốt rét rất tốt".
Ông Tăng Thanh Phúc
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét