Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Ăn Tây, ăn Ta và sự "ăn" thời nay

Ăn trông nồi, ngồi trông hướng (tục ngữ)
Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, việc ăn vốn quan trọng. Đồ ăn có thể khác nhau: người Á ăn cơm, người Âu ăn bánh mỳ, người Mỹ la tinh lại thích ăn ngô. Công cụ để ăn cũng có thể khác nhau: ăn đũa, ăn thìa, dĩa hoặc ăn bốc bằng tay. Nhưng tựu trung lại khi bày bàn ăn thì ăn Ta đồ ăn để chung cùng gắp, còn ăn Tây thì người nào ăn đĩa người ấy.
 
Ăn Ta và những tập tục
 
Đối với người Việt việc ăn lại càng quan trọng. Chẳng thế mà trong ngôn ngữ  Việt Nam cái câu “bác/anh/chị đã ăn cơm chưa?” được dùng như một lời chào hỏi, còn những từ ngữ chỉ các hoạt động đời thường nghiêm túc nhất luôn có chữ ăn xuất hiện liền kề: ăn chơi, ăn học, ăn nói và thậm chí cả ăn... nằm. Cách ăn được coi như thể hiện đặc tính cá nhân, phong cách gia đình cũng như văn hóa cộng đồng.
 
Có lẽ thế, nên những lề thói kèm theo việc ăn ở chốn đình chung, nơi trong xã hội ngày xưa cộng đồng tụ tập, được nghi thức hóa rất chặt chẽ. Nếu bạn đi ăn cỗ, một mâm sáu người thì phải đợi đủ số lượng, tương xứng nhau về địa vị, cân đối về tuổi tác và nhất là phải cân nhắc về tốc độ gắp, món nào gắp trong tương quan với những người cùng mâm. Thậm chí phải tương quan cả với những món khác nhau. Còn nếu là chủ bữa, thì người chủ lại còn phải tỏ cái sự mến khách bằng cách gắp cho họ, trong khi đó khách phải ăn uống nhún nhường để tỏ sự lịch thiệp coi miếng ăn không phải là quan trọng. Bằng cách đó, cái sự ăn vốn rất quan trọng lại được người ta cứ cố thể hiện là không quan trọng gì.
Vậy nên việc ăn vốn để thỏa mãn nhu cầu cá nhân lại được thể chế hóa rất cao khiến cho việc đáng ra là chính lại trở nên không quan trọng bằng việc tương tác giữa những người cùng ăn. Nhiều khi thấy ấm lòng, nhiều khi thấy khó xử. Sự ăn đã được cộng đồng hoá đến cao độ. Âu có lẽ cũng là cái sự để cân bằng với việc ăn của cá nhân hay gia đình Việt vốn thường xuề xòa và giản đơn đến mức hình như lấy cái sự tiện dụng làm chính.
 
Nhưng làm thế nào để ngày hôm nay thoả mãn được cái sự vui vẻ khi ăn đông người cho những cuộc ẩm thực chỗ sân đình đang mất đi bây giờ? Ăn Ta bèn sáng chế ra quy tắc lúc uống lấy trăm phân trăm làm chuẩn cùng việc hô vang : dô, dô....làm nền.  Việc này làm người ta dễ thể hiện sự nhiệt tình, tinh thần cộng đồng, đồng thời, cũng đỡ cho mỗi người phải tỏ ra đủ độ lý thú trong khi trò chuyện với người khác, điều yêu cầu một trình độ hòa nhập khá cao của mỗi cá nhân. Một kiểu văn hoá prokulture mang màu sắc Việt.
 
Ăn Tây và những quy tắc
 
Trong khi đó ở Tây thì việc ăn cũng là quan trọng, nhưng vì sao ăn Tây lại cảm thấy khác với ăn Ta?
 
Trước hết, ăn Tây bao giờ cũng có đồ uống, có lẽ khởi đầu do bánh mỳ vốn khô nên cần có chất lỏng đi kèm, và thực sự thì việc ăn có uống làm cho cái sự hợp vệ sinh được nâng cao?. Việc chọn đồ uống quan trọng cũng như chọn đồ ăn vậy. Có điều, cái sự uống trăm phần trăm là ít và ăn cùng uống là nhiều. Cái sự trăm phần trăm càng ít nữa, tối đa một hai lần trong bữa là cùng. Người Tây ăn chậm rãi nên họ đã rất ngạc nhiên khi khắc họa chân dung người Việt khi mới ra nước ngoài là: ăn nhanh, đi chậm, hay cười.
 
Tiếp đó, quan trọng hơn ở ăn Tây là sự bày biện bàn ăn. Điều phổ quát này bắt đầu từ bữa ăn thường ngày trong gia đình trở đi chứ đừng nói đến những khi có khách. Bộ đồ ăn sáng choang được bày biện tinh tươm để con mắt nhìn thấy sang trọng mà kích thích sự ngon miệng ( trong khi ăn Ta chủ yếu kích thích bằng mùi!). Mùi là quan trọng nhưng ở Tây trời lạnh, cửa thường đóng nên nếu mùi hành phi hay nước mắm chẳng hạn, mà bốc lên như thức ăn Ta thì có lẽ tây không chịu nổi. Sự trang trọng của đồ vật phục vụ sự ăn khiến người ta thấy quả là cái việc ăn mới chính yếu còn những thứ khác chẳng quan trọng.
 
Cuối cùng, đáng kể nhất, là việc ăn được cá nhân hóa cao độ: trên bộ đồ ăn của mình, bạn lấy bao nhiêu thức ăn cũng được, ăn hay bỏ món nào cũng tuỳ và ăn lâu đến mức nào nói chung cũng tùy nốt. Đương nhiên, ngồi vào bàn ăn bạn cần phải giao tiếp với những người cùng ăn, đây có khi là cái bắt buộc, nhưng sự giao tiếp đó là để bạn thêm hài lòng và, nhờ vậy, ăn thêm ngon miệng. Sự giao tiếp đó khá là thoải mái và không có những quy định cứng nhắc. Ngày xưa, có lẽ dưới thời phong kiến ở châu Âu trong giới quý tộc chắc cũng có những quy định chặt chẽ, nhưng 300 năm công nghiệp hóa đã giúp người phương Tây bỏ đi những ràng buộc và trả lại cho sự ăn cái chức năng làm ngon miệng của nó.
 
Rất dễ nhận ra, để phù hợp với xã hội công nghiệp hoá mà chúng ta đang rất muốn hướng tới, cũng như không muốn nằm ngoài xu thế toàn cầu hoá đang bao trùm thế giới, có thể thấy trong các bữa ăn, bữa cỗ, bữa tiệc và nhất là bữa ăn ngày tết của người Việt cần rất nhiều sự thay đổi và hình như cũng đang từng bước đổi thay cả về hình thức lẫn tư duy.
 
Văn hóa Tây Âu du nhập vào Việt Nam đã làm thay đổi cách nhìn nhận cũng như văn hóa ẩm thực của người Việt.
Lý thú của tiệc Buffet
 
Có lẽ sự phát minh cao nhất của ăn Tây chính là tiệc buffet. Với loại tiệc này, quả là tất cả những sự đòi hỏi về thức ăn theo sở thích của từng người đã được giải quyết một cách quá đơn giản: bạn hãy tự chọn theo ý của mình. Bạn cũng chọn luôn đồ uống theo gu của mình nữa. Để rồi cái quan trọng nhất đã được giải quyết một cách tài tình: bạn có quyền chọn ngồi với ai mà bạn muốn và một bữa ăn bạn có thể tham gia chuyện trò với nhiều nhóm người có những khuynh hướng khác nhau. Tóm lại, bạn vừa được ăn, vừa được nói thoải mái và được gói mang về rất nhiều ý tưởng lẫn sự hài lòng.
 
Có điều chúng ta nên thấy bữa tiệc buffet tuy đơn giản nhưng lại là sản phẩm của nền sản xuất công nghiệp, lối sống công nghiệp và tinh thần dân chủ. Phải có nền công nghiệp sản xuất đủ của cải mới cho phép người ta ăn theo nhu cầu với rất nhiều món khác nhau trong bữa tiệc. Và cái ăn, giá trị vật chất, không phải là mối quan tâm đáng kể nhất trong bữa tiệc, như tại các xã hội nông nghiệp đói kém ngày xưa nữa, mà còn là những câu chuyện, các giá trị tinh thần, được trao đổi quanh bàn ăn, cái mà vì thế người ta đi dự tiệc. Phải là tinh thần dân chủ cao để người ta không bị bó buộc vào những thứ bậc được mặc định trong xã hội mà có thể tiếp xúc với bất kỳ ai mà mình muốn cũng như đặc trưng của lối sống công nghiệp là không ề à, trao đổi ý tưởng của mình, nhận ý tưởng của người khác và chuyển sang nhóm mới: độ di động xã hội ngay trong một bữa tiệc buffet đã là rất cao.
 
Sự thay đổi cần thiết trong thói quen ăn uống của người Việt
 
Đầu tiên là thức ăn ngày thường cần được chế biến nhanh, đủ chất nhưng phải được ăn chậm rãi. Cứ nhìn các vận động viên Việt Nam sẵn sàng bỏ qua việc ăn đủ chất để chọn ăn ngon trong thời gian nghỉ thi đấu là đủ biết. Họ cũng ít uống nước nữa, ngày thường lao động không cho phép nghĩ nhiều đến sự cầu kỳ trong cách nấu nhưng lại cần đủ chất để có thể làm việc với cường độ cao. Ăn chậm rãi cũng góp phần vào việc này.
 
Ăn tiết kiệm là cái cần tính tới tiếp sau. Bữa ăn ta ngày thường không đủ chất trong khi dịp lễ tết lại quá thừa chất. Đáng ngại nhất là đi thăm họ hàng ngày tết ở quê: thế nào cũng phải ăn, cho thật no. Và uống nữa, cho thật say. Ở thành phố có đỡ hơn, nhưng cũng chỉ tý chút thôi. Còn nếu đến cuộc tụ tập của cơ quan nơi đô thị hoặc đám giỗ chốn thôn quê thì trông việc đổ hàng két bia và dốc hàng lít rượu mới cảm nhận thấy hết cái sự lãng phí trong cách ăn của người Việt.
 
Ăn và nói chuyện sẽ là nét nhấn cuối cùng của quá trình hiện đại hoá việc ăn. Đã qua rồi các cộng đồng làng xóm nơi bà con thân thuộc ở sát gần nhau để cái gì cũng biết về nhau. Xã hội hiện đại đã tụ hợp mọi người từ bốn phương trời và mang đến những màu sắc văn hoá khác nhau. Công việc hàng ngày quy trình hóa cao độ không cho phép người ta nói chuyện riêng và tìm hiểu lẫn nhau. Ăn chung với nhau một bữa là lúc để tiếp xúc, trao đổi làm phong phú thêm cho hiểu biết của từng người về những cái khác lạ, làm đa dạng và phong phú hơn văn hoá đô thị, sức mạnh của phát triển. Vậy ăn ở đây không cho phép uống vô độ mà chỉ đủ mức để cho câu chuyện nói ra, để người với người hiểu nhau hơn. Để các ý tưởng có dịp trao đổi.
 
Nên chăng một khi chúng ta đã quyết tâm công nghiệp hoá và hiện đại hoá theo Tây, cách ăn của ta cũng cần phải hợp lý hoá theo Tây?
 
Mà các bậc thức giả ngày xưa cũng đã kết luận rằng: việc ăn ngon tuỳ thuộc vào ba thứ, thức ăn ngon, chỗ ngồi ngon và người cùng ăn ngon. Quá đúng, nhưng có lẽ nên thêm một điểm lưu ý: thức ăn được dọn riêng cho từng người có lẽ sẽ làm cho cuộc ăn thêm thú vị chăng? Vì rút cuộc thì ẩm thực vẫn là niềm vui, làm sao để niềm vui đó càng trọn vẹn.
 
Ăn ở ta giờ đây còn có một chức năng nữa là để thể hiện. Ngày xưa cũng thế, nhưng ở cái buổi toàn cầu hoá, sự thể hiện của giới nhà giàu Việt Nam mới nổi mới đến đỉnh cao: thịt bò Kobe đắt nhất thế giới nhưng 800.000 đồng một bát phở, bằng 40 bát phở thường, vẫn bán hết veo và quốc gia thuộc loại nghèo của thế giới nhưng lại đứng thứ hai trên toàn thế giới về nhập khẩu thịt bò Kobe.
 
Toàn cầu hoá chăng? Không, đó chỉ là “ăn chơi sợ gì mưa rơi”, như tục ngữ mới của thế hệ 9x.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét