SGTT.VN - Không nổi tiếng bằng anh chàng Nâu-đen
(Snowden), nhưng cá nâu (spotted butterfish) cũng thuộc loại số má trong
ẩm thực.
Cá nâu nấu canh trái giác.
|
Cá nâu mình bốn cạnh và thịt chắc, da có màu xanh nâu
đến bạc với nhiều đốm nâu đến nâu đỏ. Theo nas.ar.USGS.gov, nếu chỉ tính
gai, vây lưng có 11 cái tập trung phía trước, vây hậu môn có bốn gai
với 14 – 15 tia mềm, vây xương chậu có một gai. Gai quá trời gai.
Những người dân quen bắt cá mò cua khi bao chà ở Cần Giờ cho biết cá nâu đâm rất đau. Gặp người không chịu nhức tê kinh khủng.
Quả vậy, hôm đó tôi chứng kiến một ông bạn mò cá bị nó
đâm hai ba lần chẳng thấy làm sao chỉ nhói lên rồi thôi. Một ông bạn
đứng trên bờ chỉ làm công việc sớt cá ở giỏ vào thùng lại sơ ý bị cá nâu
đâm, ôm tay kêu trời. Mặt mày xanh như phía sau con nhái. Đúng là còn
tệ hơn gai hoa hồng và cái đẹp của hoa. Có khi cái ngon của cá không bù
nổi cái nhức.
Theo PubMev.gov của Mỹ, cá nâu là loài cá có nọc độc.
Bị chích một mũi sẽ gây đau nhức cục bộ kinh khủng, vết chích sưng tấy,
sốt, tim đập mạnh. Trích xuất chất độc cá nâu liều LD50 (9,3mg/kg) tiêm
tĩnh mạch cho chuột bạch đực, chuột mất cảm giác, bí tiểu và tắc nước
bọt. Chất độc còn gây ngủ và thân nhiệt cao.
Theo nghiên cứu phòng lab về độc chất học và dược lực
học, khoa Lý, đại học Calcutta, Ấn Độ, antiserum chỉ ngăn không cho
nhiễm độc độc tính cá nâu ở liều 2LD50, nhưng không làm hết nhức và xuất
huyết. Chỉ những người có sẵn những chất hoá giải mới chống lại đau
nhức hữu hiệu hơn so với antiserum. Đúng như dân gian Việt Nam đã nói ở
trên.
Nhưng bỏ qua những thứ độc địa rắc rối ở trên, để nói
về “cái đẹp” của thịt cá nâu. Hôm bao chà vừa rồi là lần đầu tiên tôi
mới thấy tận mắt con cá nâu. Đọc bao nhiêu tài liệu mới biết nó còn là
con cá cảnh hoặc có những con cá cùng loài làm cảnh. Ông chủ nhà hàng
vừa gỡ thịt cá nướng mới gắp trên vỉ lò xuống vừa dẫn giải: “Cá nâu ở
đây nước mặn nhưng sống trong bụi trong chà không cần làm ruột, thịt
ngon ngọt, ruột chỉ bỏ khúc sát dưới cùng”.
Các bác nhà nghiên cứu lại bảo cá nâu là loài ăn tạp
như con người. Hảo thịt – những động vật nhỏ – hơn hảo rau – rong rêu,
vì mổ ống tiêu hoá thấy xác động vật nhiều hơn thực vật. Nhưng có lẽ ở
vùng rừng ngập mặn, thức ăn giàu đạm nên cá bắt mấy con hôm đó lớn cũng
cỡ bàn tay, phải trên ba tuổi, thịt chắc, dai, lại ngọt. Da đốt trên lửa
nướng áp vừa vàng tới, sớ thịt không bị mất nước. Khi ăn chấm với muối é
trắng hái bên bờ mương giã giập, cuốn với các loại rau rừng mọc dại.
Đúng là có dịp để hân thưởng một thứ khí quyển hoang, mộc hiếm khi kiếm
thấy ở những nhà hàng bốn, năm sao.
Trái giác mọc dại ven mương rạch ở Cần Giờ.
|
Món cá nâu thứ hai càng chết người hơn: cá nâu nấu ngót
trái giác. Dây giác ở đây mọc dại dọc theo các bờ kinh. Lần đầu tiên
tôi cũng mới nhìn thấy thứ cây nổi tiếng trong ẩm thực dân dã mà hấp dẫn
này. Vị chua của trái giác giống như một vị hương xa lại ở ngay giữa
Sài Gòn mà nhiều cư dân của nó có khi cả đời chưa từng trông thấy. Thịt
cá nấu ngót chấm mắm nguyên chất giằm ớt ngọt ngọt mặn mặn thơm thơm cay
cay lại kín đáo vị chua chua đằng cuối miếng ăn vừa nuốt.
Chưa được ăn cá nâu sông, chưa ăn cá nâu nước lợ, nên
tôi không dám bình phẩm gì về con cá nâu rừng Sác Cần Giờ nhiều. Chỉ
biết là lần đầu tiên ăn, thấy ngon hơn cá dìa, cá dò.
Nếu phải chọn lựa thì xin chọn “người em cá nâu” – “mùa
mưa Cần Giờ” chớ không “người em mắt nâu” tận bên “mùa thu Paris” xa
lắc.
bài và ảnh Ngữ Yên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét