TTO - Mỗi khi có dịp gặp nhau, các bạn đồng hành trong
chuyến đi Pù Luông lại nhắc nhớ những món ăn dân dã của người Thái.
Nhưng có lẽ ai cũng nhớ nhất món cơm lam bản Nủa, một món ăn thấm đượm
tình cảm đồng bào.
Bữa cơm lam ở bản Nủa - Ảnh: Thủy OCG |
Trên mâm cơm tối, chủ nhà nghỉ ở bản Nủa (xã Lũng Cao,
huyện Bá Thước, Thanh Hóa), một bản sinh thái nằm trong khu bảo tồn
thiên nhiên Pù Luông, hỏi mấy vị khách đường xa sáng mai có muốn ăn sáng
bằng cơm lam không. Cả nhóm hồ hởi dặn chủ nhà bắt thêm cho con gà
nướng với một con vịt nướng, hứa hẹn sớm mai sẽ có một bữa sáng đã đời.
Nửa đêm, anh chồng giúp chúng tôi trải đệm bông lau
trên sàn nhà, lo giăng mùng tránh muỗi thì chị vợ xách dao đi xuống cầu
thang. Thấy lạ, tôi hỏi chị đi đâu lúc nửa đêm thế này. Câu trả lời
khiến ai nấy đều cảm động, chị đi vào rừng chặt ống giang để về làm cơm
lam.
Du lịch Pù Luông giờ đã phát triển, bản Nủa đã ngày một
đông khách, có lẽ món cơm lam sẽ được du lịch hóa nhiều hơn để đáp ứng
nhu cầu. Không biết ngày trở lại, liệu chúng tôi có được thấy chủ nhà
xách dao đi chặt ống giang lúc nửa đêm để nướng cơm lam đãi khách nữa
hay không?
|
Anh chủ nhà giải thích thêm phải đi chặt ống giang mới
về, ống giang không được non quá hay già quá, dùng nấu cơm ngay thì cơm
mới thơm, ngọt, quyện mùi tre nứa. Ống giang cũ để lâu sẽ làm hỏng món
cơm lam dân dã nhưng khi nấu lại khá cầu kỳ này. Gạo nếp cũng phải là
thóc mới giã.
Ở bản người Thái, người Mường ở Pù Luông, lúa chín sau
khi gặt được bó thành cum gùi về phơi khô xếp trên gác mái, khi cần dùng
mới bỏ vào máng gỗ để chà lấy hạt đem giã. Trong lúc chúng tôi chén trà
chuyện phiếm bên những ô cửa mát gió của căn nhà sàn thì chị chủ nhà đã
xong việc ngâm gạo từ khi nào.
6g sáng, mọi người lần lượt tỉnh giấc, ai nấy nằm ườn
trên đệm ngắm nhìn Pù Luông qua ô cửa sổ mở cạnh mình. Căn bếp góc nhà
đã đỏ lửa tự bao giờ, hai vợ chồng chủ nhà đang lúi húi nhắc nồi, vùi
than. Mùi thịt gà, vịt nướng, mùi cơm nếp lam quyện mùi khói bếp thoang
thoảng bay ra khiến mấy cái dạ dày tự nhiên sôi ùng ục.
Thoắt cái, một mâm cơm đã được bày ra trước sân. Chủ
nhà bảo ăn ngoài trời cho thoáng đãng, tận hưởng không khí mát mẻ trong
lành. Trên mâm có cặp đôi gà vịt nướng chín vàng, đĩa măng chua xào lòng
mề, muối vừng và tất nhiên không thể thiếu những ống cơm lam.
Căn bếp dân dã ở bản Nủa - Ảnh: Thủy OCG |
Người phụ nữ Thái đã dậy từ 4g sáng, dùng lá chuối cuộn
thành ống nhét vào ống giang rồi cho gạo vào, bịt kín đầu ống giang hở
bằng lá chuối rồi xếp lên kiềng nướng trên đống than củi nóng rực. Phải
liên tục xoay trở ống giang để cơm lam chín đều. Sau khoảng 1 giờ, ngửi
thấy mùi thơm bay ra là biết cơm đã chín.
Ống giang được róc bỏ lớp vỏ cháy bên ngoài, chỉ để lại
lớp lá chuối mỏng ôm lấy ống cơm, khi ăn chỉ việc dùng tay bóc nhẹ, xắn
từng miếng vừa miệng. Đúng như mong đợi, cơm lam ăn với thịt gà, thịt
vịt nướng và muối vừng, vị ngon ngọt thấm vào thành dạ dày, ấn tượng đến
khó quên.
Sau này, có nhiều dịp thưởng thức cơm lam trên nhiều
nẻo đường Tây Bắc, nhưng chúng tôi vẫn nhớ nhất món cơm lam bản Nủa được
làm bằng sự chân tình của đôi vợ chồng người Thái trong dãy Pù Luông
năm nào...
THỦY OCG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét