Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

"Cổng trời", vừa đến đã “say”!

TTO - Nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, xã vùng cao An Toàn huyện An Lão được ví như “cổng trời” phía Tây bắc tỉnh Bình Định. Trước đây, từng có nhiều giai thoại để đời về hành trình gian nan vượt dốc của những đoàn công tác từ dưới xuôi lên.
Giờ tất cả đều trở thành ký ức. Đường lên "cổng trời" hôm nay có lẽ là cung đường đẹp nhất trong tỉnh, thôi thúc những bước chân khám phá của giới trẻ mê nhiếp ảnh và “phượt”.
Trò chơi của những đứa trẻ trên "cổng trời"  
Bức tranh “cổng trời”
Chuyến đi đầu tiên của nhóm chúng tôi theo đúng nghĩa “phượt” bằng xe máy lên "cổng trời" vào cuối tháng 6-2013. Qua khỏi ngã ba Xuân Phong chừng vài km, độ dốc bắt đầu cao dần, hơi lạnh của núi rừng len nhẹ vào người. Cảm giác bình yên khi đi giữa một bên là ruộng, suối và một bên là những ngọn đồi cao, nơi những ngôi nhà nhỏ của bà con dân tộc xã An Quang, An Nghĩa nằm nép mình dưới những rặng cau xanh.
Càng lên cao, không khí càng lạnh. Rừng thâm u. Tiếng suối chảy róc rách lẫn trong tiếng chim rừng gọi bạn như huyền hoặc. Những con dốc nối đuôi nhau. Thấp. Rồi cao. Rồi dựng đứng. Vòng cung. Xoáy trôn ốc. Người và xe chồm lên, chúi xuống theo những cung đường. Tiếng xe máy lúc gầm lên, lúc thả trôi, nhẹ bẫng…
Mặt trời lên cao nhưng sương núi vẫn còn lảng bãng trong giấc ngủ vùi lười biếng, nằm treo mình trên những cánh rừng nguyên sinh. Trong không gian mờ sương, đứng nơi đầu dốc xòe tay ra, cứ ngỡ vốc được hàng nắm sương núi!
Đường lên cổng trời, bên núi cao, bên vực sâu
Mặt trời lên cao, sương vẫn còn bồng bềnh trên đỉnh núi
Bầy trâu thong dong gặm cỏ bên nương lúa
Vừa vượt qua chặng đường dài hơn 30 km, xuôi theo con dốc đầu thôn 2, cả nhóm dừng xe, lặng người trước không gian yên bình đang mở ra trước mắt. Mùa này, những thửa ruộng bậc thang của đồng bào đang chín vàng chờ ngày thu hoạch. Những thung lũng nhỏ, vàng rực được bao bọc bởi những ngọn đồi xanh.
Dưới thung lũng nơi con suối nhỏ chảy qua, người mẹ Bana vừa chăn trâu vừa hát ru con bên những thửa ruộng chín vàng. Bầy trâu thong dong gặm cỏ dưới nắng trưa. Sau phút ngây người, cả nhóm lập bập rút máy ảnh bấm lia lịa.
Ban ngày, người lớn đi rừng, đi rẫy. Làng chỉ còn trẻ con và người già. Khi chúng tôi đi qua, có ánh mặt lạ lẫm, ngại ngùng nép sau khung cửa. Có nụ cười hồn nhiên, thân thiện. Đám trẻ con ríu rít bám theo để được chụp ảnh và cười rộ lên khi thấy ảnh của mình. Chúng vui và dễ gần dù cuộc sống còn đầy lam lũ...
Ngày trở lại…
Sức hấp dẫn của cung đường phía tây bắc và ánh mắt, nụ cười trẻ thơ nơi “cổng trời” đã thôi thúc chúng tôi trở lại. Nguyên Sniper, một thành viên của nhóm đề xuất ý tưởng bán những bức ảnh đẹp nhóm chụp được, lấy tiền tổ chức trung thu cho các em.
15 bức ảnh về thiên nhiên và con người nơi “cổng trời” chụp trong những chuyến đi trước được tuyển chọn gửi đến các mạnh thường quân. Kết quả, tám bức được “mua” với giá 500.000-2 triệu đồng. Phần kinh phí xem như tạm ổn. Nguyên Sniper gọi điện cho lãnh đạo huyện “xin chủ trương”. Huyện đồng ý và giao Huyện đoàn phối hợp, hỗ trợ nhóm tổ chức đêm trung thu cho thiếu nhi toàn xã.
Vậy là hăm hở đi mua quà. Vở học, mũ, bánh kẹo, lồng đèn… 70 phần quà được đóng gói, gửi xe từ Quy Nhơn về An Lão để sau đó theo xe một mạnh thường quân trực chỉ An Toàn. Nhóm chúng tôi xuất phát từ Quy Nhơn bằng xe máy vào chiều hôm trước, đêm nghỉ nhờ nhà người quen ở gần hải đăng Hòn Nước (Mỹ Thọ - Phù Mỹ) với dự định sáng hôm sau chụp bình minh trên biển và ngọn hải đăng, sau đó đi thẳng lên An Lão.
Một xóm nhà nằm bên sườn núi
Bữa cơm trưa trên đại ngàn với cá đồng kho nghệ, gà kho sả và rau rừng
Nhưng do ảnh hưởng của đợt áp thấp trước bão số 8, sáng sớm trời đã chuyển mưa, mây ngầu đục vần vũ. Chúng tôi nhằm hướng An Lão, xác định con đường phía trước đầy khó khăn nhưng vẫn không thôi hi vọng “cổng trời” nắng ráo để các em có một đêm trung thu trọn vẹn.
10g, mọi người dừng chân tại Xuân Phong (cách trung tâm huyện An Lão khoảng 5km) để ăn cơm, trang bị thêm vài vật dụng cần thiết cho chuyến leo “cổng trời”. 12g, cả nhóm xuất phát cũng là lúc trời bắt đầu mưa nặng hạt. Hai thành viên mới đi lần đầu chép miệng, nhìn trời với ánh mắt lo âu. Một thành viên cũ trấn an: “Không sao. Trời mưa, xe không bị nóng máy, mình vượt dốc không cần dừng nghỉ”.
Bốn chiếc xe máy chầm chậm nối đuôi nhau. Con đường quen thuộc sau chuyến đi lần trước giờ như chìm trong màn sương núi và nước mưa. Mưa ràn rạt quất rát mặt. Nhọc nhằn người cầm lái nhưng người ngồi sau lại tha hồ ngắm núi non, mây trời. Đi trong mưa giữa đại ngàn, đó cũng là một trải nghiệm thú vị.
Hơn hai giờ đi dưới cơn mưa rầu rĩ của núi rừng, chúng tôi đã vượt qua “cổng trời”.
Trung thu nơi "cổng trời"
Theo kế hoạch, 17g khai mạc đêm hội trăng rằm nhưng mới 15g Hội trường UBND xã đã chật kín trẻ em. Các em từ điểm làng xa nhất là thôn 1 cũng đã về đông đủ. Thương đứt ruột khi biết huyện thông báo 17g, xã thông báo "trừ hao" 15g và nhà trường thì... 13g. Kết quả cô trò lục tục chuẩn bị từ lúc… 11g. Riêng các em ở thôn 2 thì có mặt ở UBND xã từ sáng sớm! Hôm nay, các em đều mặc đồ mới. Có em xúng xính trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Những đứa trẻ vùng cao quanh năm lam lũ lần đầu tiên mới biết thế nào là đón Trung thu, cảm xúc của chúng đã gieo vào lòng chúng tôi những xúc cảm mãnh liệt. Nhìn những gương mặt háo hức, những nụ cười hồn nhiên, thân thiện và ánh mắt trong veo của các em, những nhọc nhằn suốt đoạn đường dài đã được đền đáp.
Niềm vui Trung thu với lồng đèn và những món quà đơn sơ nhất
Đêm ngủ nhờ trong căn bếp nhà người dân nơi “cổng trời”
Đêm, chúng tôi nghỉ nhờ trong căn bếp một người dân ở đầu thôn 2. Chỉ có 3 chiếc chiếu, không có chăn. Sáu thành viên nam nằm “quây quần” bên bếp lửa. Mưa gõ đồm độp suốt đêm trên mái tôn. Gió thốc từng cơn qua khe ván nhà sàn. Không quen cái lạnh vùng cao, lôi hết quần áo mang theo quấn kín người vẫn không ngủ được vì lạnh. Vậy là ngồi dậy đốt lửa để sưởi, chờ trời sáng…
Một chuyến đi nhọc nhằn nhưng đầy cảm xúc.
SƠN PHẠM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét