Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Du lịch sinh thái miệt vườn Đã có điều thú vị để kể

Khi Phong Điền trở thành nơi duy nhất được TP Cần Thơ quy hoạch đô thị sinh thái, 17 nhà vườn “xung phong” định dạng lại cuộc mưu sinh theo cách gắn mảnh vườn với du lịch. Cách nội ô Ninh Kiều chừng 10 cây số, vườn trái cây Vàm Xáng do gia đình ông Năm Liền đầu tư là một trong 17 điểm đến, bắt đầu đông khách vào cuối tuần.
Phút trải nghiệm bếp núc khi GS Vũ Đức Vượng cùng các sinh viên De Anza về miền Tây.
Ông Năm siêng đến những lớp học do trung tâm Xúc tiến thương mại – du lịch TP Cần Thơ tổ chức hay các hội thảo do UBND huyện mời chuyên gia tới chia sẻ… để “tựu kế” khởi nghiệp từ vườn dâu.
Chủ, khách cùng trải nghiệm
Phong Điền nổi tiếng dâu bòn bon và dâu Hạ Châu. Các chợ ở Phnom Penh đặc biệt thích hai loại dâu này. Đầu mùa thương lái chở trái chín từ đây qua Campuchia bán rất được giá. Nhưng chỉ cần thương nhân “ngơi” một chút thì nhà vườn phải dựng chòi bên vệ đường bán cho khách vãng lai sau khi chợ no hàng.
Nhiều người từ nội ô Ninh Kiều, Bình Thuỷ, TP Cần Thơ tới vườn trái cây Vàm Xáng thưởng thức mùa trái chin và món mắm kho cá hũn hĩn, cháo lươn đặt trúm… nói: “Trong nội ô, một cái lẩu mắm 500.000 đồng bốn người ăn, tới đây chừng ấy tiền có thể ăn được nhiều món nữa”.
Nhưng cứ bán cái mình có, cứ làm điều mình nghĩ khi chưa biết cái du khách cần có thể là bài học mà 17 nhà vườn này phải trả giá chứ không riêng ông Năm. Làm thực đơn dày đặc món hay chọn lọc theo tính vượt trội? Coi trọng tính chuyên nghiệp hay làm được tới đâu hay tới đó? Đó luôn là những thách thức những điểm đến.
Câu lạc bộ Hỗ trợ nông gia đã kết nối câu lạc bộ Đặc sản – sản phẩm làng nghề Trà Vinh, An Giang với điểm đến này và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm giúp nhà vườn phát triển ý tưởng, khuyên nhà vườn sớm thoát ra khỏi kiểu quán nhậu sân vườn và phải học cách quản lý của doanh nghiệp thay kiểu điều động của gia đình.
GS Vũ Đức Vượng, giám đốc giáo dục tổng quát đại học Hoa Sen, lần đầu tiên tới khu vườn này cùng các sinh viên De Anza College (bang California, Hoa Kỳ), khen: “Tôi thích không khí thiên nhiên trong lành và ông chủ vườn hiểu được ý muốn đó. Trái cây ở đây hái xuống ăn liền và tôi nhận ra chiếc bẫy sinh học bắt ruồi đục quả thay cho xịt thuốc khiến tôi rất yên tâm”.
Khu vườn này còn là đầu mối liên kết chuỗi cung ứng rau sạch, cá tự nhiên từ trong làng đủ để những bữa ăn thực sự an toàn. Ông Năm thân thiện, mến khách, hái trái bưởi đường, tự tay gọt vỏ và giải thích sự khác nhau với bưởi da xanh, bưởi Năm Roi…
GS Vượng thích cách tổ chức “trải nghiệm bếp núc” có giá trị khác biệt để các sinh viên của ông lần đầu tiên trong đời biết đổ bánh xèo, bánh khọt, cuốn chả giò…
Wiwat Wuwong, người Thái Lan, biết cách đổ bánh xèo rất nhanh, so sánh: “Thái Lan cũng có những món ăn ngon như thế này”. Sai Han Naw Fha, Myanmar, thích lắm khi tự tay mình làm ra chiếc bánh xèo và bưng dĩa “diễu hành”. Katherine Ja, vô địch cầu lông các đại học cộng đồng ở California, thật không ngờ được mình có thể tự tay làm bánh ở khu vườn này. Những tấm ảnh nhanh chóng lên Facebook gắn với điểm đến vười trái cây Vàm Xáng.
Katherine Ja (phải) và bạn thích cảm giác bếp núc.
Yvana Pham, Nguyen Duy Phong Kevin, Nicole Dang Diem Kieu sinh ra và lớn lên ở Mỹ, hay như Bui Tran Anh Dao, mang dòng máu Pháp – Việt, lần đầu cảm nhận hương vị rất riêng của món ăn Việt nhờ không khí bếp núc gần gũi ở khu vườn này.
“Đó là cách thêm câu chuyện địa phương khi kể cho du khách hiểu về tầm quan trọng của chuỗi cung ứng một cách hứng thú khiến nơi đến thêm thú vị”, GS.TS Gianna Moscardo, thành viên học viện Quốc tế về nghiên cứu du lịch, chia sẻ.
Trăn trở với kỷ niệm từ vườn dâu
“Câu chuyện nào bạn muốn kể với du khách? Có chuyện gì để du khách mang về?”, PGS.TS Laurie Murphy thuộc đại học Jamescook, đồng nghiệp của GS.TS Gianna Moscardo, cho rằng phải giúp người dân địa phương tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo vừa dễ tiếp cận du khách vừa gây ấn tượng để kể lại.
GS Vượng và các học trò của mình có thể kể những câu chuyện về trái ngon, bánh xèo, bánh khọt, rau lành và chuỗi cung ứng sản phẩm xanh, sạch như một sự chia sẻ lợi ích giữa những nhà vườn.
Những dịch vụ ở những điểm đến rồi sẽ nở rộ, món ngon có thể nhiều hơn, nhưng cũng có thể đi đâu cũng chỉ chừng ấy món ăn, chừng ấy kiểu cách chào đón… Và sẽ có những nhà vườn vay tiền bêtông hoá những điểm đến! Nhưng giúp nhà vườn thoát khỏi tình trạng mất kiểm soát trước những đòi hỏi chuyên nghiệp là việc phải làm lâu dài.
Bà Trương Kim Khuyên, phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ủng hộ những người dân bảo vệ sự nguyên vẹn giá trị sinh thái vườn, nhưng có vẻ lo lắng khi nói rằng duy trì giá trị sinh thái bền vững và tạo ra nguồn lực thu hút du khách đòi hỏi nhiều thứ trong nỗ lực dài hạn.
Vốn liếng rất hạn chế được các nhà vườn nêu ra đầu tiên để giải thích vì sao 17 nhà vườn cùng đầu tư nhưng hơn một năm qua chỉ có vài điểm đón khách!
GS.TS Gianna Moscardo cho rằng: “Các dự án liên doanh phát triển du lịch và sự kiện du lịch tạo ra nguồn vốn xã hội, là điều có thể nếu nhà vườn hướng tới tất cả yếu tố thiết kế và tổ chức sự kiện, tạo trải nghiệm theo dòng câu chuyện thống nhất, lôi cuốn du khách”.
Đối với các sinh viên De Anza College, mùa hè năm nay về miền Tây của Việt Nam, được nghe câu chuyện vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, vấn nạn cạnh tranh nguồn nước trên sông Mekong và được trải nghiệm bếp núc tại khu vườn nhiệt đới này, càng thích hơn khi nhìn
GS Vượng đứng trước bếp lò rực than hồng, chảo nóng. Xèo một tiếng! Một chiếc bánh vàng ruộm, thơm phức ra lò.
bài và ảnh: Hoàng Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét