BT- Ginrong, tiếng Chăm có nghĩa là
“càng”; laya: gừng. Bánh Ginrong laya nghĩa nôm na là bánh gừng có dáng nửa như
“càng” cua, nửa như củ “gừng”. Đây thuộc loại bánh mang đậm truyền thống Chăm. Ở
vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và cả cộng đồng người Chăm ở Campuchia, đến mùa lễ
hội thế nào bà con Chăm cũng làm bánh Ginrong laya.
Bánh Ginrong laya còn gắn với các
truyền thuyết “hòn vọng phu” mang đặc trưng Chăm. Người chồng lên thuyền đi
chinh chiến xa mãi không trở về; người vợ ở nhà mòn mỏi chờ đợi. Mỗi chiều,
người chinh phụ làm bánh Ginrong laya đi xuống bãi biển ném xuống nhờ loài cá
gửi đi cho chồng với lời nhắn nhủ mong chóng trở về sum họp. Lâu ngày chày
tháng, bánh Ginrong laya hóa thành san hô trùng trùng dưới đáy biển Cà Ná với
nhiều hình thù đẹp, lạ và bắt mắt.
Huyền thoại là thế, còn sự thật
Ginrong laya ở Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng Chăm vùng Tuy Phong, Phan Rí, là
loại thực phẩm độc đáo.
Để làm bánh, người ta lấy nếp xay
nhuyễn, phơi nắng cho ráo khô sau đó chà tán mịn. Tiếp theo cho trứng gà được
đánh tan và cho ít men rượu vào bột với tỉ lệ thích hợp. Hỗn hợp này được nhồi
thật nhuyễn, sau đó người ta bóc lấy từng nắm bột nhỏ (vừa lòng bàn tay) đặt lên
mâm, nặn hình củ gừng theo tưởng tượng riêng của mỗi người.
Để được chiếc bánh vừa thơm, vừa
ngon, “củ gừng” vừa nặn được bỏ vào chảo dầu ăn đang sôi. Khoảng 5 - 6 phút sau,
chiếc bánh có màu vàng và bốc mùi thơm.
Muốn cho bánh Ginrong laya để lâu mà
vẫn giữ được độ giòn, người ta cho bánh chín nóng vừa mới lấy ra từ chảo dầu
đang nóng nhúng vào nước đường được nấu với một ít gừng. Sau khi nhúng bánh
được để chỗ có gió cho mau ráo.
Ginrong laya thường dùng trong các
buổi lễ trọng đại và chiêu đãi khách quý.
Kiều Maily
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét