Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Đình làng tranh Đông Hồ

Làng Đông Hồ hay còn goi là "làng Mái", nay là thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành. Từ xa xưa cho đến nay, làng quê này được gần xa biết đến với cái tên thân thuộc "Làng tranh Đông Hồ" bởi nơi đây là quê hương của một dòng tranh nổi tiếng - Tranh dân gian Đông Hồ.
Nghề tranh gắn bó với Đình làng, đó là một ngôi đình cổ kính, làm nơi thờ cúng Thành Hoàng làng, nhưng đáng chú ý hơn cả, ngôi đình tuy vẫn giữ vai trò mái nhà chung của cộng đồng làng xã, nhưng đã trở nên độc đáo vì nó gắn bó chặt chẽ với nghề sản xuất tranh. Do vậy, thường được gọi bằng cái tên đầy gợi cảm "Đình tranh" và được chính những nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ xây dựng ước chừng trên dưới ba trăm năm.
Ngôi Đình, nằm ở phía tây của làng Đông Hồ, ngoảnh nhìn về hướng bắc. Lúc đầu, đình có 7 gian bái đường và 2 gian hậu cung, hai dãy thảo xá ở hai bên tả hữu (mỗi dãy 5 gian). Năm 1950 ngôi đình bị giặc Pháp phá hủy. Hiện nay, Đình chỉ còn 5 gian bái đường, 2 gian hậu cung. Kiến trúc theo kiểu chữ "Đinh".
Cổng đình, được xây theo lối "Tam Môn", phía trên ba vòm cổng là các mái cong thanh thoát. Liền kề ngoài cổng đình là chiếc giếng hình bán nguyệt, xung quanh được xây gạch, bó bờ cao ráo và có bậc lên xuống rất thuận tiện. Cái triết lý âm- dương đối xứng mà hòa hợp, cái thú phong cảnh hữu tình của những người dân Đông Hồ - Nghệ sỹ có lẽ đã được thể hiện sinh động qua việc đưa chiếc giếng bán nguyệt vào tổng thể các công trình trong khu đình làng.
Trong Đình còn lưu giữ khá nhiều di vật quý như: Đồ thờ cúng, Hương án, Đại tự, hoành phi, Bộ bát bửu sơn son thiếp vàng lộng lẫy… Trên sân đình còn dựng hai tấm bia đá, văn bia ghi về những tiên hiền của làng, những người có nhiều công đức trong việc xây dựng đình làng…
"Nghề tranh" gắn với "Đình tranh" còn bởi xưa kia đình là nơi diễn ra "chợ tranh", nơi trao đổi mua bán tranh dân gian Đông Hồ. Tại khu chợ đình tranh, các gia đình nghệ nhân chỉ mang tranh đến để trưng bày, giới thiệu. Sau khi khách chọn tranh, sự thỏa thuận mua bán sẽ được thực hiện tại nhà của nghệ nhân sản xuất tranh. Thường thì, khách mua tranh đều được mời về ăn, nghỉ tại nhà các nghệ nhân, để có điều kiện lựa chọn những loại tranh, bộ tranh dân gian mà mình cần mua và được gia đình các nghệ nhân sản xuất tranh giúp đỡ việc bó tranh, xếp tranh vào từng chiếc bồ cót được làm bằng tre, nứa của khách mang theo, nếu vận chuyển bằng đường bộ thì được đưa lên lưng ngựa thồ, nếu bằng đường thủy thì sẽ được gánh xuống thuyền neo đậu ở bến sông - bờ nam Sông Thiên Đức (sông Đuống này).
"Hội chợ" tranh Đông Hồ chỉ họp từ ngày mồng 6 tháng chạp đến Tết Nguyên đán hàng năm. Khách mua tranh là lái buôn, là bà con nông dân từ khắp miền gần xa đổ về…
Đình còn là nơi mở hội "thi mã" là hình thức sinh hoạt hội mang tính nghề nghiệp, cũng là một trong những hoạt động tín ngưỡng đặc biệt của người dân làng Đông Hồ. Hội được mở từ chiều 14 tháng 3 đến hết sáng 18 tháng 3 (âm lịch), hàng năm và hầu như tất cả các loại sản phẩm tiêu biểu của nghề "tranh-mã" đều được trưng bày tại lễ hội này.
Có thể nói, hội thi mã ở đình tranh Đông Hồ là một sinh hoạt văn hóa dân gian hết sức độc đáo. Thông qua lễ hội, đã thể hiện được cả về nghi lễ tôn giáo và nghề nghiệp của một làng nghề, đồng thời là một bằng chứng sinh động về sự hình thành và phát triển lâu đời của nghề sản xuất tranh dân gian Đông Hồ. Giá trị đặc biệt của đình tranh càng được nhân lên là vì vậy.
Đình tranh Đông Hồ được Nhà nước công nhận và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1993.
Năm 2012, Tranh dân gian Đông Hồ cũng đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cấp bằng công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đặc biệt. Đồng thời, đã và đang hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình lên tổ chức UNESCO xét duyệt, công nhận Tranh dân gian Đông Hồ trở thành di sản văn hóa thế giới.
Nho Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét