Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

.Tây Ninh - Điểm hẹn cuối tuần Đông Nam Bộ

Cách TP HCM khoảng 100 km, Tây Ninh là một điểm đến có nhiều nét thú vị, thích hợp cho một chuyến trải nghiệm nhẹ nhàng cuối tuần.
Chinh phục nóc nhà Đông Nam Bộ
Nằm cách thành phố Tây Ninh 11 km về phía đông bắc, quần thể di tích Núi Bà trải rộng 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: Núi Heo - Núi Phụng - Núi Bà Đen.
Hệ thống chùa Điện Bà ở núi có chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà... Để lên tham quan Điện Bà, có 3 cách di chuyển: cáp treo, máng trượt và đi bộ, tùy theo sức khỏe và sở thích của mỗi người.
Núi Bà Đen yên bình khi hoàng hôn xuống.
1-9252-1389578447.jpg
Còn với người ham khám phá và chinh phục, để lên được đỉnh nóc nhà Đông Nam Bộ cao 986 m thì phương tiện duy nhất là đôi chân, men theo đường mòn quanh co, khúc khuỷu với nhiều hướng đi. Càng lên cao không khí càng mát dịu, lên đến đỉnh núi, phóng tầm mắt ngắm nhìn quang cảnh một vùng hoang sơ nhưng đầy thơ mộng.
Căn cứ Trung ương cục Miền Nam
Di tích lịch sử- văn hóa này nằm ở Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, cách thành phố Tây Ninh khoảng 60 km, là một điểm đến cho hành trình về nguồn, gồm hai khu vực chính.
Khu di tích gồm phục hồi nhà thường trực, hội trường, bếp Hoàng Cầm, nhà ở và làm việc của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng..., hệ thống giao thông hào, ụ chiến đấu… phân bố đều trên toàn tuyến.
Khu tưởng niệm gồm: nhà đón tiếp, trưng bày, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Đến đây, bạn sẽ được nghe thuyết minh về quá trình xây dựng và phát triển khu căn cứ cũng như phong trào cách mạng miền Nam qua các thời kỳ; ngắm nhìn nhà lá đơn sơ cùng những hiện vật bình dị như bàn làm việc mộc mạc của đồng chí Nguyễn Văn Linh, những cuốn sổ ghi công tác với nét chữ nắn nót, chiếc bình toong; chiếc bật lửa được làm bằng vỏ quả lựu đạn, chiếc lược được làm từ mảnh xác máy bay Mỹ…
Khu căn cứ có những hàng cây thẳng tắp, hay phía ngoài có hàng trúc, bãi lau trắng… tô điểm thêm nét thanh bình.
Không gian thơ mộng phía ngoài khu căn cứ.
2-JPG-2038-1389578447.jpg
Tòa thánh Tây Ninh
Nằm ở huyện Hòa Thành, cách thành phố Tây Ninh khoảng 5 km về hướng đông nam, Tòa thánh Tây Ninh có nét kiến trúc độc đáo.
Khuôn viên Tòa Thánh rộng 1,2 km với những kiến trúc tôn giáo liên thông bởi những con đường rộng thênh thang, đầy bóng mát của cao su.
Kiến trúc độc đáo của Tòa thánh.
3-4367-1389578447.jpg
Ngôi tòa dài 140 m, rộng 40 m, có tam đài cao 36 m, hai lầu chuông và trống cao 25 m, cửu trùng đài và bát quý đài cao 30 m. Bên trong tòa thánh gồm hai hàng cột rồng, sơn xanh, đỏ, trắng rực. Trên trần nhà là 9 khoảng bầu trời mây và sao. Khu chính điện thờ Thiên Nhãn nằm trên quả càn khôn có 3.027 ngôi sao (tượng trưng cho 3.072 quả địa cầu).
Lưu ý khi vào bên trong Tòa thánh, bạn phải bỏ giày dép ở ngoài và tham quan theo hướng dẫn.
Hồ Dầu Tiếng
Cách thành phố Tây Ninh 20km, Hồ Dầu Tiếng có diện tích rộng trên 27.000 ha và 1,5 tỷ m3 nước, không những có những khả năng tưới cho hàng trăm nghìn ha đất trồng mà còn là một vùng cảnh quan du lịch hấp dẫn.
Cảnh quan bình dị ở Hồ Dầu Tiếng.
4-JPG-8974-1389578447.jpg
Cảnh quan thiên nhiên trải dọc bên hồ tạo nên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình có nét chấm phá là các đảo nhỏ như Xỉn, đảo Trảng, đảo Đồng Bò trong vùng hồ. Không khí trong lành, thoáng mát, và phong cảnh tự nhiên thích hợp cho những ai yêu thích chụp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc chân thực, sống động của thiên nhiên.
Thưởng thức đặc sản Tây Ninh
Bánh canh Trảng Bàng, đến Tây Ninh chưa ăn món này thì coi như chưa đến. Tô bánh canh đầy đặn, dậy mùi thịt heo, sợi bánh trắng nõn, mềm nhưng không nhão, nước dùng ngọt đậm đà, béo ngậy ăn kèm rau thơm, mùi vị rất đáng nhớ.
Ghé Tây Ninh đừng bỏ qua tô bánh canh giò heo.
5-5239-1389578447.jpg
Bạn cũng đừng quên tìm ăn ốc xu núi Bà, món này không cần chế biến quá cầu kỳ mà chỉ cần hấp gừng, chấm muối tiêu chanh, là cảm nhận được hương vị riêng của ốc núi.
Quà mang về từ Tây Ninh, có thể mua những lọ muối tôm, các sản phẩm từ bánh tráng  phơi sương, bánh tráng muối me…
Bài và ảnh: Thanh Tuyết


































































































































Đường lên nóc nhà Đông Nam Bộ trên núi Bà Đen
Với chiều cao 986 m, núi Bà Đen được mệnh danh là “nóc nhà” Đông Nam Bộ. Không chỉ hút du khách hành hương lễ phật, núi Bà Đen còn là điểm đến hấp dẫn của người đam mê leo núi.
Núi Bà Đen nằm trong quần thể di tích Núi Bà thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, cách thị xã Tây Ninh 11 km về phía đông bắc. So với hai ngọn núi còn lại trong quần thể là Núi Heo và Núi Phụng, Núi Bà Đen nổi bật với chiều cao 986 m và là ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ. Quanh năm mây trắng lượn quanh đỉnh núi khiến Bà Đen trông giống như đang khoác một tấm lụa mỏng, bởi vậy núi còn có tên gọi Vân Sơn. Nhìn từ xa, núi Bà Ðen sừng sững như một chiếc nón úp giữa đồng bằng, nửa như muốn thách thức, nửa như quyến rũ khách du lịch ghé thăm. 
duongbo_1379992663.jpg
Núi Bà Đen nhìn từ xa mờ ảo trong làn mây che phủ. Ảnh: duongbo.vn
Để lên Điện Bà trên núi Bà Đen, du khách có 3 cách là cáp treo, máng trượt và đi bộ. Nếu chọn cáp treo bạn chỉ mất 20 phút. Hệ thống cáp treo ở Bà Đen dài 1,2 km, cao 225 m với gần hai chục cột sắt khỏe khoắn, vững chãi, như những ga tàu trên không nối đuôi nhau lên xuống. Từ cáp treo nhìn xuống là những hang động, cây cỏ xanh tươi, dây leo chằng chịt. Du khách sẽ cảm giác như đang đi vào cõi Phật với khói hương lan tỏa trong rừng cây kẽ lá, tiếng chuông chùa văng vẳng đâu đây.
Nhanh và tiện lợi không kém cáp treo là hệ thống máng trượt. Đường máng trượt ở núi Bà Đen uốn lượn bám theo đường cáp treo gồm hai tuyến: tuyến kéo (tuyến lên) dài 1.190 m và tuyến trượt (tuyến xuống) dài 1.700 m. Trong các hình thức di chuyển, máng trượt là thú vị nhất. Nếu như đi lên du khách phải di chuyển hết sức chậm chạp nhưng được thư thả chiêm ngưỡng vẻ đẹp hữu tình của non nước hai bên thì khi trượt xuống, khách du lịch sẽ được tận hưởng cảm giác tóc gió tung bay khi lao nhanh qua nhiều chặng quanh co, khúc khuỷu. Giá vé cho một lượt cáp treo và trượt máng là 80.000 đồng/ người.
wikimapia_1379992670.jpg
Máng trượt thu hút nhiều du khách trên đường lên núi Bà Đen. Ảnh: wikimapia
Đi bộ lên núi cũng là cách nhiều người nhiều người lựa chọn. So với hai hình thức trên, đi bộ tuy vất vả hơn với một giờ đồng hồ leo núi nhưng chinh phục 1.000 bậc thang từ chân núi lên Điện Bà bằng cách đi bộ là cách thể hiện lòng thành khi hành hương hướng Phật. Dù chọn hình thức nào thì cũng chỉ đưa du khách đến khoảng giữa ngọn núi, nơi Điện Bà nguy nga tráng lệ là điểm dừng chân. 
Đây là điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu thuộc hệ thống chùa trên núi Bà Đen gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà... Vào những ngày rằm và lễ hội, Điện Bà chật kín du khách đến thăm quan và hành hương lễ Phật.
Với những người muốn chinh phục nóc nhà Đông Nam Bộ thì chỉ có một cách duy nhất là tiếp tục men theo đường mòn sau lưng Điện Bà, len qua những tảng đá và hang động để lên đến đỉnh. Đường lên đỉnh núi Bà Đen quanh co, khúc khuỷu với cây rừng, đá núi và sông suối hai bên. Càng lên cao không khí càng mát dịu, khác xa với tiết trời oi nóng đặc trưng đất Tây Ninh. 
Chie-Nguyen_1379992675.jpg
Từ nóc nhà Đông Nam Bộ, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh xung quanh. Ảnh: Chie Nguyễn
Sau hai giờ leo núi, du khách sẽ đặt chân lên đỉnh Bà Đen với vẻ đẹp hoang dại của cỏ tranh, tre, trúc và bạt ngàn cỏ lau liêu xiêu trong gió. Từ trên đỉnh núi, toàn cảnh những cánh đồng bát ngát sẽ hiện ra, nổi bật lên trên là núi Cậu phía Đông và núi Heo, núi Phụng nằm ngay bên cạnh. Ngoài thú vui chinh phục nóc nhà Đông Nam Bộ, đến đây du khách còn có dịp khám phá đặc sản núi Bà Đen như thằn lằn và ốc núi. 
Những đĩa thằn lằn chiên giòn cuốn chung với rau giá lụa, đọt cóc, đọt rau nhái chấm mắm me mới nghe đã nổi gai ốc nhưng khi thưởng thức lại thơm, ngon, giòn, béo vô cùng. Trong khi đó, ốc núi Bà Đen là loại chỉ sống trong ốc đá, ăn lá thuốc Nàng Hai nên khi chế biến thành các món nướng, xào me, xào tỏi, xào sa tế thường có vị thuốc, mùi thơm nức và bổ dưỡng.
Kim Anh
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét