Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Dân phố thị mê mẩn với món… bèo tây

Người miền Bắc gọi thứ bèo to lớn, mập mạp du nhập từ khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam này là bèo Tây, người miền Nam kêu nó là cây lục bình. Và không biết từ khi nào thứ bèo ấy trở thành món ăn… lạ miệng của người dân phố thị.

Từ lâu lắm rồi, khi mà cuộc sống vốn còn khó khăn thường thì ở các xóm quê nghèo, người nông dân vùng Nam Bộ khi bắc nồi cơm lên mới tìm lo thức ăn. Gặp lúc túng ngặt thì ra mé sông, bờ rạch kiếm giề lục bình làm rau.
Không biết từ khi nào thứ bèo ấy trở thành món ăn… lạ miệng của người dân phố thị
Không biết từ khi nào thứ bèo ấy trở thành món ăn… lạ miệng của người dân phố thị
Cách dễ nhất là tước ngó non và bông, rửa sạch để ráo, xào với tóp mỡ, chấm nước mắm ăn với cơm nóng cũng được bữa cơm ngon. Nếu “sang” hơn thì bỏ chút công đi xúc tép trấu hoặc kiếm mớ tép bạc về xào lục bình.

Đĩa lục bình xào tép chấm với nước tương hoặc nước mắm vắt chanh, dầm trái ớt hiểm thì ăn cơm no quên thôi. Chẳng thế mà người dân Nam Bộ có câu: Lục bình trôi dọc triền sông/ Hái về xào tép ngọt lòng dân quê. Đây là món ăn độc đáo của bà con miệt vườn sông nước.
Riêng món canh chua cá lóc nấu với ngó lục bình cũng là món ngon độc đáo, ai ăn một lần sẽ nhớ mãi cái hương vị của đồng quê. Ai thích cầu kỳ có thể xào lục bình với thịt bò, vừa "sang trọng" vừa bổ dưỡng.
Người nông dân Nam Bộ đi hái lục bình chỉ cần đem theo cái thúng, cái rổ tre hay cái thau nhựa hơi lớn một chút, cột dây đeo trên vai. Lúc lội xuống nước thả nó ra cho nổi trên mặt nước, chỉ cần cột cọng dây quanh bụng cho chắc để cái thúng (rổ, thau) khỏi trôi mất là được, lội tới đâu kéo cọng dây lôi nó theo đến đó. Bông lục bình hái nguyên cả chùm, chớ không tách rời từng bông, hái được bao nhiêu cứ liệng hết vào thúng (rổ, thau), hái đầy mới về.
Không biết từ khi nào thứ bèo ấy trở thành món ăn… lạ miệng của người dân phố thị
Cánh bông lục bình mỏng như lụa, dễ dập nát nên khi rửa bông phải cẩn thận “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” thì rửa xong bông mới còn nguyên. Vị bông ngòn ngọt, mát mát, nhai vừa mềm và giòn xốp nhờ phần đài hoa. Nếu chấm với cá kèo kho lạt ăn cơm, thì không thứ rau sống nào ngon bằng.
Bông lục bình nở rộ từ sáng sớm, khi sương đêm còn đọng ướt trên từng chiếc lá xanh. Đến chiều, mặt trời lặn cũng là lúc bông tàn héo. Vì vậy, muốn hái được nhiều bông, đọt lục bình tươi ngon phải đi hái lúc sáng sớm.
Cứ lội xuống sông, lấy một cây sào dài, quơ một cái là đám lục bình xanh um sẽ vây xung quanh. Dùng tay vạch đám lá ra là thấy đọt nằm ngay chính giữa, bẻ mạnh tay là đọt đứt liền sát gốc. Bạn phải bỏ đi phần lá, chỉ giữ lại phần gốc chừng 10 cm. Cả ao có bao nhiêu cứ hái hết bấy nhiêu, không cần “tiết kiệm” hay “để dành” nó cũng héo hết, rất uổng báu vật trời cho.
Ngày xưa, người dân nghèo khó mới biết đến món ăn từ rau lục bình, nhưng nay, tiếng lành đồn xa. Lục bình đã có mặt ở nhiều quán ăn sang trọng trong thành phố được dân sành ăn ưa thích. Chính vì thế thứ “rau đồng nội” này đã được các nhà hàng sáng tạo chế biến thành nhiều món ăn ngon hấp dẫn níu giữ thực khách gần xa.
Song An
(Ảnh: Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét