Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Thăm nhà cổ Tích Thiện Đường

(PetroTimes) - Khu vườn nhà cổ Tích Thiện Đường của anh Đỗ Hữu Minh rộng khoảng 3.500 m2, được bao quanh bởi những rặng tre um tùm bên bờ sông  xã Hòa Nhơn (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Đây là địa chỉ thu hút khá đông khách tham quan, thư giản vào những ngày cuối tuần.
 
Muốn thăm nhà cổ Tích Thiện Đường, khách có thể đi đường bộ từ ngã ba cầu Giăng (QL14B, xã Hoà Nhơn, Hòa Vang) rẽ tay trái đến thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn (3 km), hoặc để thêm phần sinh động cho chuyến tham quan, khách có thể đi đường sông, bởi các con tàu du lịch xuất phát từ bờ Hàn giang (trước Cổ viện Chàm - Đà Nẵng). Với chiều dài cuộc hành trình khoảng 20 km, có lúc tàu chạy xuyên giữa những cánh đồng lúa chín vàng, những rặng tre xanh ngắt, những tán cây mù u, cây ngái, cây sung… sà xuống bờ sông, đi qua những làng cổ như Bồ Bản, Tuý Loan, những đình chùa miếu mạo, nằm ở ven sông. Khoảng đầu giờ trưa, con tàu đã cập bến bên khu “vườn cổ tích" của anh Đỗ Hữu Minh.
Tàu Tiên Sa đưa du khách lên thăm nhà cổ Tích Thiện Đường
Anh Minh vui vẻ dẫn đoàn theo con “tiểu lộ” xao xác lá tre giăng kín. Ở đây, cây lá um tùm, rất hoang sơ, tịch mịch. Chúng tôi men theo những hàng dâm bụt, chè tàu đến cổng khu vườn. Một ngôi nhà cổ, nhốm màu rêu phong, được thiết kế kiểu 3 gian 2 chái, lợp ngói âm dương hiện ra. Trong nhà có 36 cây cột to, hệ thống kèo, đà được chạm trổ hoa văn hoạ tiết rất cầu kỳ.
Chủ nhân cho biết, ngôi nhà này đã tu bổ nhièu lần, được xây dựng từ thời ông cố (một nhà nho) đến nay đã hơn 100 tuổi, là ngôi nhà đẹp và ít bị hư hại nhất trong vùng. Trong nhà, có các Đông phòng, Tây phòng, bài trí hàng chục hủ, bình rượu các loại, có nơi treo những cái nồi đồng, mâm đồng, chiêng cổ. Một bộ phản dày gần gang tay bóng láng, đặt trước bàn hương án của tổ tiên. Được nằm ngủ trên tấm phản với cái gối đẽo bằng gỗ mít thì e rằng quên cả thời gian…
Thấp thoáng nhà cổ trong khu vườn cổ tích.
Đặc biệt, trên gian giữa có bức hoành phi với ba chữ Hán đại tự Tích Thiện Đường, như một thông điệp gữi lại thế hệ cháu con nên tu thân, tích đức, năng làm việc thiện. Anh Minh cho hay, khi mới xây dựng ngôi nhà, trong tâm ông cố tôi muốn nhắc nhở con cháu về sau năng làm việc thiện nên mới lấy bảng “Tích Thiện Đường” để treo ở gian giữa, ý rằng đây là ngôi nhà ông bà để lại bằng công sức từ tâm đức để lưu truyền cho con cháu”. Hai bên có 2 câu đối: Thiên địa vô tư tích thiện tự nhiên phùng thiện, Thánh hiền hữu giáo tu thân khả dĩ lập thân – có nghĩa: “Người nào làm việc thiện sẽ gặt hái được điều thiện. Con người muốn lập thân thì phải tu thân”. Ngôi nhà này đã trải qua 5 đời con cháu.
Là một chủ doanh nghiệp, chuyên cung ứng vật liệu xây dựng, thế nhưng anh Đỗ Hữu Minh có tâm hồn “bay bổng và du lịch” đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để tái tạo cảnh quan, xây thêm các nhà bát giác, lục giác… cho khách ngồi uống trà. Anh phục dựng hòn non bộ, hồ nước trong xanh với chiếc ghe nhỏ tròng trành, để khách leo lên chèo chống. Có khoảng 50 gốc thanh trà (giống Huế) đã đơm trái, ăn ngọt thanh, không thua kém thanh trà trồng trên đất “Thần Kinh” với mận, xoài, thanh long, ổi… mùa nào trái đó, khách thích thì hái ăn, hoặc để ngắm nghía những chùm trái treo lủng lẳn trên cây.
Lối vào sân, có cây vải cổ thụ, gốc nó sần sùi, rong rêu, “lão vải” này có hơn 170 tuổi, trên gốc được treo vài cái vỏ trái bầu khô, khiến “lão vải” thêm phần già nua, cổ tích. Trước sân, có bể nước và hòn non bộ khá to và đẹp với những cảnh ngư - tiều - canh - mục. Trước hòn non bộ, còn có “lão mai”, khoảng 100 tuổi, cứ xuân đến Tết về, nở hoa vàng rực cả một góc sân. Độc đáo hơn, trong vườn, du khách còn bắt gặp những nông cụ như: cối xay lúa bằng tre, cối “săn” giả gạo, “gàu dai một thuở”, gàu sòng, nhủi cá, cái nơm, áo tơi… tất cả, làm sống lại nét văn hoá đặc sắc của ngàn năm cư dân lúa nước.
Bức hoành phi có ba chữ Hán đại tự “Tích Thiện Đường”
Trưa hôm đó, người nhà anh Minh đãi chúng tôi một bữa “quà quê” rất hấp dẫn gồm: Trái cây, bánh tráng nướng giòn, sắn hông lá dứa thơm, khoai lang nướng, bánh gói, bánh nậm nhân đậu xanh và tôm thịt, bánh đúc có màu gạo đỏ, chấm với mắm nêm tương ớt, từng miếng bánh đúc nhai giòn sừng sựt, rất ngon miệng. Món gà ta rang với măng, cũng là món cây nhà lá vuờn để phục vụ du khách, uống vài ly rượu Hồng Đào, thấy người lâng lâng, ngây ngất. Bà cụ anh, một cụ bà rất dịu dàng, đôn hậu, trong bộ áo dài đen truyền thống, bà ân cần thăm hỏi từng người trong đoàn.
Sau khi dùng bửa, mọi người có thể ngồi câu cá dọc bờ sông, hoặc nằm trên những chiếc võng bằng tre sát bờ sông. Gió mát, võng tre đưa kẽo kịt, “ru” du khách vào giấc ngủ mơ màng. Khi thức dậy, thấy tâm hồn sảng khoái, uống một gáo nước mưa múc trong cái lu sành đặt dưới gốc cau mát đến tỉnh người hoặc nhấp một ngụm chè xanh có vị chát nhưng ngọt mãi trong miệng không thôi.
Xay lúa trong khu vườn cổ tích.
Điểm xuyết lối đi xuống bến sông của khu vườn còn có hàng cau nở hoa thơm ngát rất hữu tình. Con tàu nhổ neo rời bến đã xa dần, nhưng những bàn tay tiễn biệt còn vẫy mãi trên bến nước chiều thu, khiến lòng người lữ khách bâng khuâng tấc dạ. Họ mong có ngày về thăm lại Đỗ Gia Viên, gặp lại những con người ân tình mộc mạc ở một bến sông.
Hòa Vang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét