PNO - Chùa Mét không chỉ là địa chỉ tâm linh với người dân trong vùng mà còn mang giá trị lịch sử văn hoá. Tương truyền, Thiên Hương Tự còn là trường học đầu tiên của Danh nhân văn hoá, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tôi về thăm chùa Mét (xóm 1, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) vào một chiều tháng sáu. Không phải ngày lễ Tết, không phải ngày rằm, mùng một nên chùa khá vãn khách đến dâng hương. Cả ngôi chùa như choàng lên mình một tấm áo im ắng tĩnh mịch. Nắng chiều vàng úa kẻ những đường thẳng tắp từ ngọn cây cổ thụ xiên xiên chiếu xuống rêu phong sân chùa. Cỏ dại mọc lên từ kẽ những tấm gạch lát sỉn màu. Chợt thấy lòng mình phẳng lặng như gương.
Nhà tôi cách chùa chỉ vài bước chân. Chùa Mét đã trở thành một mảnh ghép kí ức tuổi thơ tôi. Để giờ đây mỗi khi nhắc đến cái tên mộc mạc giản dị ấy là gọi về trong tôi cả một miền thương nhớ mênh mang. Hồi còn nhỏ, cứ mỗi dịp lễ Tết là tôi lại lon ton theo bà theo mẹ đi lễ chùa. Lần nào mẹ cũng cho tôi mấy nén hương để tự tay cắm vào bát hương thờ hai ông Hổ ở sân chùa. Tôi còn lăng xăng theo mẹ đốt tiền vàng.
Chùa Mét trong nắng chiều
Chùa Mét được xây dựng từ thời Trần. Tôi đã được nghe bà chùa (mọi người vẫn gọi bà lão coi chùa thân thương như vậy) kể về sự tích ngôi chùa không biết bao nhiêu lần. Năm 1407, sau khi thất bại trong cuộc giao chiến với giặc Minh xâm lược, vị tướng nhà Trần là Trần Khắc Trang đã đem gia đình về khu rừng Mét (Cổ Am) mai danh ẩn tích. Khi ấy khu đất này còn là rừng ngập mặn, cây cối um tùm. Trong thời gian ẩn cư, sinh cơ lập nghiệp nơi đây, Trần Khắc Trang đã xây dựng ngôi chùa trên nền khu rừng Mét ngày trước nên ngôi chùa này có tên là chùa Mét. Lúc đầu, đây chỉ là ngôi chùa nhỏ mang tên Hương Tản Tự, đến thời Cảnh Hưng chùa đã trở thành một nơi sầm thịnh, lộng lẫy vàng son với tam quan, tháp cốt trập trùng và được đổi tên là Thiên Hương Tự.
Mái lợp ngói vẩy rồng, cửa gỗ lim theo lối “cửa tùng cung khách”
Rặng tre xanh rì dang rộng vòng tay ôm vào lòng ngôi chùa trầm mặc, cổ kính. Con đường nhỏ được đổ bê tông dẫn đến cánh cổng tre đơn sơ, mộc mạc như chính cái tên của ngôi chùa quanh năm khép hờ. Sau bao nhiêu thăng trầm lịch sử, hiện nay chùa Mét chỉ còn lại toà Phật điện bảy gian và nhà thờ tổ bảy gian nối liền nhau tạo thành hình chữ nhất. Riêng toà phật điện có bố cục hình chữ Sơn hiếm thấy trong các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ ở nước ta. Gian chính giữa thờ Tam Bảo, bên trái thờ Đức Ông, bên phải thờ Tổ Trần Khắc Trang (người có công xây dựng ngôi chùa), gian trong cùng thờ Mẫu, gian ngoài cùng thờ các vị anh hùng liệt sĩ.
Xen giữa các gian thờ lớn là những bàn thờ nhỏ lùi vào phía hậu cung. Kiến trúc chùa được xây dựng theo kiểu tường hồi bít đốc chắc khoẻ. Bờ nóc đắp trơn, giữa bờ nóc toà phật điện dựng bức đại tự đắp nổi ba chữ Hán lớn “Thiên Hương Tự”. Mái chùa lợp ngói vẩy rồng, rêu phong cổ kính. Phía trước có hiên thấp và hẹp được bó bằng phiến đá xanh mài nhẵn. Hệ thống cánh cửa làm bằng gỗ lim theo lối “cửa tùng cung khách” quen thuộc. Các cấu kiệu gỗ chủ yếu bào trơn đóng bén, điểm xuyết các hình lá guột song được làm khá tỉ mỉ và trau truốt.
Gian chính giữa thờ Tam Bảo
Nối liền toà tiền đường là 7 gian nhà tổ. Tại đây thờ 6 pho tượng, trong đó có một pho Bồ Đề Đạt Ma và 5 pho tượng Tổ của chùa. Ở giữa hai toà là một gian nhà chờ để khách đến dâng hương sắp lễ, trò chuyện, nghỉ ngơi.
Sân chùa với những cây tháp cổ ba tầng cao gần 5 mét, mái làm kiểu long đình, đỉnh đắp nụ sen đã rêu phong phủ màu thời gian làm tăng thêm vẻ cổ kính và u tịch cho ngôi chùa. Đối điện với gian chính điện là hai tấm bia đá từ thời Tự Đức được đặt trên bệ cao, đối xứng hai bên là hai ông Hổ uy nghiêm chạm khắc tinh xảo trên đá.
Vườn chùa um tùm nhiều cây ăn quả như nhãn, vải, đào tiên, hồng xiêm,… Mùa quả chín, chim chóc tìm về rộn rã. Chùa Mét rêu phong trầm tư giữa thăng trầm cuộc sống, vẫn luôn là nơi tìm về của những tâm hồn kiếm tìm sự thanh tịnh.
ĐÀO MẠNH LONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét