(Xây dựng) - Nếu như ở Ninh Bình có cầu ngói Phát Diệm, Thừa Thiên-Huế có cầu ngói Thanh Toàn... thì Nam Định cũng có 3 chiếc cầu mái cổ rất nổi tiếng. Đó là cầu chợ Thượng (xã Bình Minh, huyện Nam Trực, đã được công nhận là Di tích quốc gia năm 2013), cầu Chùa Lương (xã Hải Anh, huyện Hải Hậu) và cầu lợp làng Kênh (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh).
Điểm chung của ba cây cầu là đều được làm bằng gỗ và được bắc qua sông, có tuổi đời lâu năm và đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Nhờ kiến trúc đặc biệt và cổ kính, ba cây cầu này để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
1. Cầu ngói chợ Thượng
Nét đẹp cầu ngói chợ Thượng
Cầu ngói chợ Thượng thuộc thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực. Cầu bắc qua sông Ngọc, cạnh chợ Thượng nên được gọi là cầu ngói chợ Thượng, được xây dựng từ thời Hậu Lê, với sự đóng góp công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân - cung phi của chúa Trịnh.
Kiến trúc cầu khá độc đáo, được dựng theo kiểu tứ hàng chân, khung gỗ lim, mái lợp ngói nam, hai hồi đều có đại tự đắp nổi chữ “Thượng gia kiều” bằng chữ Hán, uốn mình như con rồng, nối đôi bờ sông Ngọc.
Theo tư liệu, mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng nằm chắc chắn hai bên bờ sông Ngọc. Các mố cách nhau 4,5m tạo khoảng trống cho dòng nước lưu thông và thuyền bè qua lại. Nhờ bệ cầu chắc chắn này, suốt hơn 300, với bao biến thiên lịch sử, cây cầu vẫn đứng vững.
Cầu ngói chợ Thượng có 11 gian kết cấu kiểu kèo cầu tứ hàng chân, mỗi gian từ 1,45m đến 1,65m tạo nên một công trình dài 17,35m nối hai bờ sông. Theo người dân sống ở nơi đây, cầu ngói không chỉ để qua lại mà còn như một mái nhà che mưa che nắng, nghỉ ngơi ngắm sông nước hai bên.
2. Cầu lợp làng Kênh
Cầu lợp làng Kênh với tuổi đời gần 1.000 năm
Được xây dựng từ thời Lý, cây cầu gỗ có tên cổ “Thượng Hạ gia” với kiến trúc độc đáo tại làng Kênh, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh. Theo người dân sống gần đó thì tính đến nay cây cầu làng Kênh có tuổi đời gần 1.000 năm nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn giá trị lịch sử.
Điều khác biệt với những cây cầu ngói khác là từ khi xây dựng thì mái cầu được lợp bằng cây bổi (cây cói) chứ không lợp bằng ngói. Cây cầu có năm gian, đều có bục hai bên để ngồi, sau một thời gian dài cây cầu cũng đã được tu sửa nhiều lần.
Toàn bộ hệ thống mố cầu làm bằng đá xanh nguyên khối, cột trụ làm bằng những cây gỗ quý cổ thụ, mặt sàn và khung cầu, vì kèo mái cũng được làm bằng những tấm ván lim dày, tất cả đều được vận chuyển bằng bè theo đường sông Hồng. Những thợ mộc có tay nghề cao khắp trấn Sơn Nam xưa được tuyển chọn về dựng cầu.
3. Cầu ngói chùa Lương
Một trong ba cây cầu ngói đẹp nhất Việt Nam.
Cầu ngói chùa Lương thuộc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, bắc qua sông Hoành, cách chùa Lương hơn 100m, được xây dựng cuối thế kỷ 15, bắc qua con sông Trung Giang. Buổi đầu, cầu lợp cỏ sau nhiều lần tu sửa nâng quy mô trên lợp ngói, cầu có 9 gian uốn cong tựa cầu vồng trên 18 trụ đá vững chãi.
Trên cột đá là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to chắc để đỡ các dầm, nâng sàn cầu, nhà cầu. Phần sàn của lòng cầu rộng 2m, gồm nhiều thanh gỗ lim ghép lại nằm trên hàng dầm uốn cong, mặt cầu được tạo thành nhiều gờ nổi để chống trơn trượt cho khách bộ hành qua lại.
Hệ thống mái nhà cầu được lợp bằng ngói vảy rồng, có hình mũi hài âm dương, nhìn từ xa sẽ thấy tựa hình con rồng uốn khúc bay lên. Chính sự mềm mại, uyển chuyển trong lối kiến trúc đã tạo cho cầu ngói chùa Lương sự tinh tế, khác biệt so với những cây cầu ở các nơi khác.
Cầu chùa Lương là niềm tự hào của người dân Hải Hậu, đến nay vẫn giữ được nguyên vẹn sự mộc mạc, cổ kính từ ngàn đời xưa và là một trong ba cây cầy ngói đẹp nhất Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét