Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Thái Nguyên và những điều chưa nhiều người biết

Ngoài danh thắng hồ Núi Cốc với câu chuyện tình huyền thoại về chàng cốc và nàng công, Thái Nguyên còn là mảnh đất thiêng liêng với nhiều điểm lịch sử văn hóa nổi tiếng.

Khu di tích ATK Định Hóa, bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam và địa điểm công bố ngày Thương binh liệt sỹ toàn quốc là 3 trong số rất nhiều điểm tham quan lịch sử văn hóa của tỉnh Thái Nguyên.
Khu di tích An toàn Khu Định Hóa
An toàn Khu (ATK) Định Hóa là một phần quan trọng của thủ đô trong thời kỳ Việt Nam chống thực dân Pháp. Nơi này hợp cùng các huyện Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và chợ Đồn (Bắc Cạn). Từ đây, du khách có thể tham quan rất nhiều địa điểm lịch sử nổi tiếng như đồi Khau Tý, di tích Nà Mòn, di tích Tỉnh Keo, lán Khuôn Tát...
DSC01034-JPG.jpg
Du khách nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lán Tỉnh Keo. Ảnh: Hương Chi
ATK Định Hóa còn là khu vực hội tụ rất nhiều địa danh sông, suối, đèo, núi rừng... gắn liền những năm tháng làm việc gian khổ của Bác Hồ cũng như lịch sử chống thực dân Pháp. Di tích này đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt ngày 10/5/2012.
Điểm công bố ngày Thương binh liệt sỹ toàn quốc
Tối 27/7/1947, lễ công bố ngày Thương binh liệt sỹ toàn quốc đã diễn ra tại một khu đất rộng có cây đa cổ thụ bên cạnh nghè Ông, nghè Bà, xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ. Nhà nước cho xây dựng công trình lớn ở đây để nhân dân mọi miền có thể thăm viếng, thắp hương bày tỏ lòng biết ơn các anh hùng liệt sỹ và thương binh. Di tích này được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1997.
DSC01103-JPG.jpg
Địa điểm lịch sử này đã được nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1997. Ảnh: Hương Chi
Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam
Tọa lạc ngay giữa thành phố Thái Nguyên, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam là công trình quy mô lớn với kiến trúc đẹp. Đây là nơi trưng bày và bảo quản khoảng 3.000 tài liệu, hiện vật gốc về văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam.
DSC01221-JPG.jpg
Một buổi biểu diễn trong khuôn viên Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh:Hương Chi
Bảo tàng có hệ thống trưng bày trong nhà và ngoài trời rất phong phú, rộng rãi. Đặc biệt, khuôn viên bảo tàng có rất nhiều công trình tái hiện nhà của các dân tộc thiểu số với kích cỡ thật. Ngoài tham quan, tìm hiểu các tài liệu, hiện vật, du khách còn có cơ hội thưởng thức những món ăn, điệu múa, lời ca tiếng đàn... của một số dân tộc.
Hương Chi

Đền Đuổm uy nghi trên đất Thái Nguyên

Ngôi đền cổ kính thờ người anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, nằm cách thành phố Thái Nguyên 25 km, sát ngay quốc lộ 3.
Rất dễ dàng nhận ra đền Đuổm vì nằm ngay trên đường quốc lộ 3 đi qua huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Ngôi đền đã nhuốm màu thời gian, phủ rêu xanh nằm dựa mình dưới chân một dãy núi đá này là điểm đến tâm linh quen thuộc của người dân trong tỉnh. Với du khách từ phương xa tới, ngôi đền được biết đến nhờ vẻ đẹp cổ kính và phong cảnh quanh các kiến trúc.
IMG-3548-2848-1387444979.jpg
Đền Đuổm nằm trên đường quốc lộ 3, trên đường đi Bắc Cạn, di tích được xếp hạng cấp quốc gia.
Đền Đuổm thờ Dương Tự Minh, vị tướng tài ba của vương triều nhà Lý, người có công lớn trong việc giành lại phần đất đai rộng lớn từ tay giặc Tống và bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía bắc Đại Việt. Ông còn có công khai khẩn điền địa, phát triển kinh tế, giữ vững mối đoàn kết của dân tộc, được nhà Lý phong sắc: "Uy viễn đôn Cao Sơn quảng độ chi thần" và được triều Lý gả hai công chúa. Các triều đại về sau đều có sắc phong ông là "Cao Sơn quý minh thượng đẳng thần".
Dương Tự Minh được nhân dân tôn là thần. Ngôi đền được xây dựng tại nơi tương truyền là nơi ông thác lúc về già. Địa thế uy nghi với ba dãy núi giữa cánh đồng tựa những cánh nhạn bay. Đền được xây ở phần lõm của ngọn núi phía trước như được ngọn núi che chở vĩnh hằng. Trước cửa đền là cánh đồng xanh bát ngát, dòng sông Cầu uốn khúc chảy qua. Phía xa là những đồi cọ, đồi chè mênh mông bát ngát ẩn hiện những bản trú phú của người Tày.
IMG-3574-1992-1387444979.jpg
Đền nằm trong bóng mát của cây xanh, phía sau dựa núi, phía trước nhìn ra cánh đồng.
Dù ngôi đền đã được tu sửa nhiều lần, nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ theo kiểu tam cấp gồm: đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Từ cổng đền, đã thấy nét đẹp uy nghi, cổ kính. Ngôi đền nằm ẩn mình trong màu xanh của cây lá và rêu xanh. Từ những bậc thềm dẫn vào đền, đến những mái cong, bức tường cũ đều phủ màu. Khung cảnh ngôi đền khiến du khách ghé thăm đều muốn dừng chân nán lại đôi chút, trước khi bước trở lại với thế giới ồn ào ngược xuôi bên ngoài cửa đền.
Hàng năm từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng, huyện Phú Lương lại long trọng tổ chức lễ hội đền Đuổm để tưởng nhớ danh tướng Dương Tự Minh và cầu cho mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút nhiều người dân trong tỉnh và du khách thập phương tham gia.
IMG-3571-4211-1387444979.jpg
Ngôi đền nhuốm màu thời gian.
Bài và ảnh: Yutaka

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét