Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Thực hư giai thoại “thiền sư Từ Đạo Hạnh đầu thai làm Vua Lý Thần Tông“

Vua Lý Thần Tông (1116 – 1138) là vị vua thứ năm của nhà Lý, trị vì từ năm 1127 đến năm 1138. Theo giai thoại dân gian, vì Lý Nhân Tông không có con nên Từ Đạo Hạnh "đầu thai" làm con trai Sùng Hiền Hầu để duy trì sự nghiệp của nhà Lý. Vị thiền sư đã "thoát xác" tại chùa Thiên Phúc năm 1116, ngay trước khi Lý Dương Hoán, tức vua Lý Thần Tông sau này, ra đời vào tháng 6 năm 1116. Trong sách Đại Việt Sử ký Toàn thư cũng có ghi lại.
Tích xưa kể: Thiền sư Từ Đạo Hạnh, họ Từ tên Lộ, ở chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích. Cha ông là Từ Vinh, làm chức tăng quan đô sát ở triều Lý, thường qua chơi làng An Lãng, lấy vợ tên là Lỗ Loan rồi ở lại đó.
Tương truyền, thời niên thiếu, Từ Đạo Hạnh tính tình phóng khoáng thích du ngoạn song lại có chí lớn. Hằng đêm, ông thường đọc sách đến khuya, ngày thì thổi sáo đánh cầu, chơi bời hơn người, khiến cha mẹ thường trách là trễ nải, lười biếng không có chí. Tuy nhiên, một đêm ghé qua khe cửa phòng Lộ thấy ngọn đèn gần tàn, sách vở chồng chất, Lộ đang gục xuống án mà ngủ, tay vẫn chưa rời khỏi sách, cha mẹ biết con mình là người hiếu học. Sau Lộ dự kỳ thi hương thì đỗ khoa Bạch Liên.
Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở chùa Thầy (Nguồn Internet).
Một lần, cha của Lộ làm phật ý Diên Thành hầu, bị ông ta sai Đại Điên thiền sư dùng phép đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Quá đau đớn, nhưng biết mình chưa đủ công lực, Từ Lộ bèn tìm đường sang chùa Ấn Độ học phép thuật để trả thù cha.
Khi qua đất Kim Sỉ (Răng vàng), ông thấy núi non quá hiểm trở bèn quay về, ẩn cư tại núi Phật Tích. Tại đây, Từ Lộ thường ngày đọc kinh Đại bi đà la tu luyện. Mải say sưa ngày đêm, ông đã đọc trọn mười vạn tám ngàn lần. Đêm tối, Từ Lộ thấy thần nhân hiện đến trước mặt nói rằng: "Kẻ đệ tử tức là Trấn Thiện Vương, cảm phục thầy có công trì kinh môn lại đây để thầy sai khiến".

Biết là đạo pháp của mình đã thành, Từ Lộ tới chỗ Đại Điên, nói: "Ngươi còn không nhớ chuyện ngày trước sao? Thù cha ta nay phải trả" biết ngày quả báo đã tới, Đại Điên dứng dậy chuẩn bị chống đỡ.
Khi hai người đối diện nhau Từ Lộ bèn tung phép thuật đánh liền một gậy. Một tiếng sét nổ vang, Đại Điên thấy ngực đau tức, kinh mạch rối loạn, mồm thổ huyết. Trở về nhà Điên phát bệnh rồi chết. Trả thù cha xong, hận xưa coi như rửa sạch, lòng trần đã nguôi dần, Lộ du ngoạn các miền để tìm dấu Phật, đồng thời gặp gỡ, đàm đạo với những cao tăng nổi tiếng đương thời...
Mặc dù Đại Điên bị trúng phép thuật của Từ Lộ sau đó phát bệnh rồi chết nhưng trước khi chết Điên vẫn dùng mọi cách để hóa sinh nhằm báo thù Từ Lộ. Điên đầu thai làm Giác Hoàng, tuy mới 3 tuổi, nhưng tỏ ra thông minh hơn người. Tiếng ấy đến tai vua Lý Nhân Tông. Do không có con, gặp Giác Hoàng, nhà vua lập tức có cảm tình, muốn lập làm người kế nghiệp.
Tuy nhiên, triều thần đều phản đối, tâu rằng: "Nếu Giác Hoàng thực là linh dị, tất phải thác sinh ở nơi cung cấm, sau mới có thể lập làm thiên tử". Vua Lý Nhân Tông miễn cưỡng nghe theo và lệnh mở đại hội bảy ngày đêm cho Giác Hoàng đầu thai.
Từ Lộ biết chuyện, đã sai chị gái giả đò làm người đi xem hội, mật đem mấy tấm bùa treo ở trên rèm, ngăn chặn Đại Điên thực hiện mưu đồ xấu, nhưng cuối cùng ông đã bị Lý Nhân Tông bắt tội. Lúc đó, Sùng Hiền Hầu (em trai của vua Lý Nhân Tông) đi qua, Lộ đề nghị cứu giúp: “Ngày sau xin ngụ thai trong cung để báo đáp công đức này”.
Khi vào triều nghị, các quan đều nói: "Bệ hạ không có nối dõi nên mới cầu Giác Hoàng thác sinh làm con, vậy mà Từ Lộ dùng bùa phép cản trở, xin bệ hạ cho xử chém để thiên hạ hả lòng". Sùng Hiền Hầu từ tốn tâu: "Giác Hoàng nếu quả có thần lực, thì dẫu cả trăm Từ Lộ cũng không làm hại được. Đằng này Giác Hoàng lại bị bùa chú không thác được, thế thì Từ Lộ cao tay pháp hơn Giác Hoàng. Theo ngu ý của thần, bệ hạ nên tha tội cho Từ Lộ và cho Từ Lộ thác sinh".
Nghe lời xin tha của Sùng Hiền Hầu, vua miễn tội, rồi Từ Lộ về tu ở chốn cũ, tức chùa Thầy, Hà Nội ngày nay. Khi vợ có thai, Sùng Hiền Hầu báo tin cho Từ Lộ, ông liền tắm rửa, thay quần áo và bảo học trò rằng: "Mối túc nhân của ta chưa hết, phải làm thác sinh lần nữa ở đời, tạm làm đế vương…"; dặn xong rồi đọc một bài kệ, sau đó hoá. Đồng thời khi ấy, phu nhân Sùng Hiền Hầu sinh con trai kế nghiệp ngôi vương triều Lý.
Tượng vua Lý Thần Tông (Nguồn Internet)
Một số tài liệu còn ghi lại, năm Lý Thần Tông 21 tuổi, vua bỗng nhiên mắc bệnh lạ, trên người mọc lông hổ, ngồi xổm chụp người, cuồng loạn, gầm gừ đáng sợ. Các lương y trong thiên hạ vâng chiếu mà đến, kể hàng ngàn hàng vạn, đều chịu khoanh tay. Khi ấy có đứa trẻ hát rằng: "Dục trị thiên tử bệnh, tu đắc Nguyễn Minh Không". (Nghĩa là: Muốn chữa bệnh nhà vua tất phải tìm Nguyễn Minh Không).
Triều đình bèn sai sứ đi tìm được Minh Không. Khi được đưa vào gặp vua Lý Thần Tông, Minh Không lớn tiếng hỏi: “Kẻ đại trượng phu được tôn lên ngôi thiên tử, giàu có khắp bốn bể, cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn như vậy?” Vua nghe thấy vậy, rất run sợ, không dám kêu gầm nữa. Minh Không lại sai người lấy một vạc lớn đựng nước nấu sôi tới cả trăm lần, rồi dùng tay không quấy lên khoảng bốn lần, tắm vua trong đó. Ngay sau đó, bệnh của vua bớt ngay và ít lâu sau thì khỏi hẳn.
Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng của Minh Không và cũng là để cảm tạ ơn cứu mạng của ông, Vua Lý Thần Tông phong cho Minh Không là Quốc sư, được đổi từ họ Nguyễn sang họ Lý, cấp cho nhà ở, ban lộc mấy trăm hộ và được miễn thuế má.
Theo sử sách, việc thiền sư Minh Không chữa bệnh cho Lý Thần Tông đã được ấn định từ trước. Khi sắp viên tịch, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã cho gọi Minh Không đến mà dặn rằng: “Ta nay sắp xuất thế, ở cái địa vị làm thầy người ta, bệnh trái kiếp sau quyết là khó tránh nổi. Ta với người có duyên, nên cứu giúp nhau”. Nói xong, đưa cho Minh Không một gói thuốc đã được niệm chú dặn rằng: 20 năm sau, nếu nghe quốc vương bị bệnh thì lập tức đến chữa trị ngay.
Như vậy, đây có thể xem là nguyên cớ để dân gian có giai thoại, cho rằng, vua Lý Thần Tông là thiền sư Từ Đạo Hạnh đầu thai? 
Quả không dễ trả lời và cũng còn đó quá nhiều nghi hoặc. Có điều, chuyện ly kỳ ấy vốn đã tồn tại trong sách sử và nó được người xưa truyền lại trong dân gian chứ chẳng phải do hậu thế bịa ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét