Theo quốc lộ 1 cũ đi qua thị trấn Vĩnh Điện, sát cửa ngõ thị trấn có một con đường rẽ phải, khoảng 2km là đến tháp Bằng An, được coi là cái linga to nhất Đông Nam Á
Tháp Bằng An là ngôi tháp Chăm bát giác duy nhất còn lại. Niên đại xây dựng của tháp Bằng An - theo như tấm bảng giới thiệu - là vào thế kỷ 11.
Tuy nhiên theo một số tài liệu, thì tháp được dựng sớm hơn. Theo tấm bia đá được khắc khoảng năm 875 - 977, có ghi lại là vị vua Bhadravarman II của vương quốc Chămpa dựng một ngọn tháp Linga Paramesvara (Linga tối thượng), hình một linga khổng lồ, tượng trưng cho Thần Shiva, hình ảnh linh thiêng nhất của Thượng đế. Hình tượng Linga luôn là trung tâm điểm trong thế giới quan của người Chămpa, không hề dung tục, mà thiêng liêng thần thánh.
Nếu tháp Linga Paramesvara trong bia chính là tháp Bằng An, thì tháp này đã có từ trước tấm bia đó.
Hình dạng Linga đặc biệt của tháp ai cũng có thể nhận ra.
Cũng như tất cả các tháp Chăm khác, cửa tháp quay về hướng Đông để đón Mặt Trời. Phần sảnh kéo dài thành cửa, gồm cửa chính và 2 cửa phụ hai bên. Năm 1940, công chánh Pháp sửa lại bịt phần dưới 2 cửa phụ thành 2 cửa sổ, nên tháp này là tháp Chăm duy nhất có cửa sổ theo kiểu ấy !!!
Cũng giống như hầu hết các tháp Chăm, tháp xây bằng gạch, trang trí bằng đá sa thạch. Đỉnh tháp đã rơi mất từ lâu, nên đứng giữa lòng tháp có thể thấy cái lỗ tròn trên đỉnh, và vì thế trong tháp khá sáng, chứ không tối om như nơi khác.
Ngày nay giữa tháp có một bàn thờ nhỏ thờ Linh vật Linga nhỏ bằng đá, một Linga sứt mẻ mất một góc, và đứng trơ trọi mà không có Yoni hứng đỡ, và một bát hương của người Việt cắm đó, lạnh lẽo và hờ hững. Chắc hẳn những di vật khác đã thất lạc hoặc di cư vào bảo tàng mất rồi. Một Linga nhỏ nằm chính giữa một Linga vĩ đại, là hình ảnh của một thế giới quan thần thánh sinh sôi. Phải chăng bên ngoài là Vũ trụ vô tận, bên trong là bản thể kết tinh?
Trước cửa Bằng An có tượng hai con thú, gọi là Gajasimha, hình nửa như sư tử, nhưng lại có cái vòi ngắn quay lên trên. Mỗi con đều có cái diềm đeo cổ khá rộng.
Hai con thú này có niên đại thế kỉ 11 - 12, do đó nhiều tài liệu cho rằng tháp dựng thời này. Nhưng cũng có thể hai con thú được thêm vào sau khi tháp dựng.
Nhìn những hiện vật Chămpa mà buồn cho nền văn hóa Việt. Hầu như không còn di vật, hiện vật gì nữa từ thế kỉ 10. Thậm chí trước thế kỉ 10, nước Việt còn không phải của người Việt....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét