Kỳ 1: Trọng võ như văn
TT - Nhắc đến Huế, ai cũng sẽ mặc định đó là đất văn, thành phố của thi ca nhạc vũ, của ẩm thực… Nhưng ít ai biết rằng Huế còn là miền đất võ.
Ảnh: Đoàn Cường |
Huế cũng là nơi hội tụ những tinh túy từ môn phái võ cổ truyền đến hiện đại mà “đặc sản” là võ kinh.
“Điều cốt yếu trong việc trị nước phải gồm cả văn lẫn võ, không thể thiên về một bên” - lời dụ của vua Minh Mạng về việc thành lập Võ Thánh miếu có lẽ tỏ tường quan niệm cha ông về võ thuật nay vẫn còn khắc trên bia đá tại phế tích công trình này ở cố đô Huế.
Võ Thánh miếu do KTS Nguyễn Phước Thiện và cộng sự tái hiện bằng công nghệ đồ họa ba chiều |
Đề cao nền võ nước nhà
Từ chùa Thiên Mụ ôm một vòng cua trên con đường ven đoạn sông Hương thơ mộng rồi thả xuôi theo con dốc ngắn là tới Võ Thánh miếu triều Nguyễn, thuộc địa phận làng An Ninh Thượng, thị xã Hương Trà.
Đây là nơi hành hương của nhiều dòng họ võ tướng, nhất là các tiến sĩ võ đã được lưu danh trên bia đá.
Võ Thánh miếu nay đã không còn gì ngoài năm tấm bia đá lớn nằm trơ trọi giữa bãi cỏ rộng lớn, nơi đá bóng của thanh niên trong vùng. Đằng sau là khu đồi với tầng tầng lớp lớp mồ mả của người dân địa phương.
Trong ba tấm bia lớn, tấm ở giữa khắc bài ký võ công, hai bên là bia nêu danh những danh tướng đóng góp nhiều công trạng cho triều đình. Hai tấm bia nhỏ hơn lưu danh mười vị tiến sĩ võ ba khoa thi dưới thời Tự Đức các năm 1865, 1868 và 1869.
Sử liệu ghi rõ trên bãi đất trống này đúng 180 năm trước, vua Minh Mạng cho xây Võ Thánh miếu để thờ những bậc anh tài quân sự nhằm đề cao nền võ học nước nhà.
Công trình có quy mô gần như tương đương với khu Văn Thánh miếu ở bên cạnh, với một dãy nhà chính theo lối trùng thiềm điệp ốc rất quy mô, hai bên là tả vu - hữu vu cùng cổng vào phía trước uy nghi...
Trong bài dụ của vua Minh Mạng viết về lý do xây dựng Võ miếu: “Điều cốt yếu trong việc trị nước phải gồm cả văn lẫn võ, không thể thiên về một bên. Việc xây dựng Võ miếu là việc nên làm... Từ Đinh, Lê, Lý, Trần... đời nào cũng có người tài giỏi binh cơ mưu lược.
Huống chi trong triều đình ta từ lúc khai quốc cho đến giai đoạn trung hưng, nhiều người ra mưu giúp nước, công lao rực rỡ không kém gì xưa, cần biểu dương để khuyến khích nhân tài”.
Thời nhà Nguyễn, những người đã tòng quân đương nhiên phải thường xuyên luyện tập võ nghệ và trong năm thường có lịch trình sát hạch. Nhưng muốn có bằng cấp, họ phải được tuyển chọn để dự thi võ.
Học vị cao nhất mà người theo đời nghiệp võ là tiến sĩ. Các khoa thi tổ chức không chỉ dành cho những người trong quân ngũ mà ai cũng có thể tham dự. Vì thế triều đình nhà Nguyễn đã mở hệ thống trường đào tạo võ bị.
Vào thời Tự Đức, triều đình có lệ định: những người học thông binh thư, có tài thao lược, tinh thông súng ống, sức vóc hơn người mà còn trong dân... cho phép được tiến cử.
Cũng giai đoạn vị vua này, những người thi đỗ cử nhân võ cho bổ sung vào Võ học đường luyện tập chờ thi tiến sĩ. Còn trong khoa thi Hội, trừ những người đỗ tiến sĩ và phó bảng ra, còn lại hoặc về học lại ở Võ học đường hoặc sát hạch phân loại mà bổ sung.
Cũng như bên ngành văn có Quốc tử giám, ngành võ cũng có trường Anh danh, Giáo dưỡng. Những võ quan có công lao theo vua tòng chinh được thờ trong Hiền Lương Từ thì con cháu được nhận vào trường Anh danh.
Với quan văn có con không muốn học văn mà tình nguyện theo đòi nghiệp võ cũng cho nhập vào trường Anh danh này...
Võ Thánh miếu ngày nay chỉ còn lại năm tấm bia trơ trọi giữa bãi đất trống - Ảnh: THÁI LỘC |
Võ ở trong văn
Theo nội dung khắc trên bia đá, trong số chín công thần là danh tướng đầu triều được khắc tên, có đến bốn người con của đất Huế.
Đó là các tướng quân: Phạm Hữu Tâm, Tạ Quang Cự, Mai Công Ngôn và Phạm Văn Điển. Đặc biệt, trong mười tiến sĩ võ của triều đại này, có đến ba vị quê ở đất Thừa Thiên: Nguyễn Văn Vận, Dương Viết Thiệu và Trần Văn Hiển.
Tuy nhiên, sách khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn ghi chép về mười vị tiến sĩ võ triều Nguyễn tại ba khoa thi, tất cả đều với “hành trạng về sau thế nào không rõ” hoặc “chưa khảo cứu được”...
Chúng tôi may mắn tìm ra manh mối tiến sĩ võ Dương Viết Thiệu người làng Dưỡng Mông Thượng (nay là Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ). Ông đỗ tiến sĩ võ năm 1868 lúc 37 tuổi.
Ông Dương Viết Hồng gọi tiến sĩ võ Dương Viết Thiệu là ông cố nội, chia sẻ: lúc sinh thời nhà ông Thiệu rất nghèo, bản thân ông có thân hình hộ pháp, giọng nói oang oang, dõng dạc như sấm. 17 - 18 tuổi đã cùng trai tráng trong làng lập hội đi gặt lúa thuê cho các làng khác.
Một lần nọ, khi qua làng Dạ Lê Chánh thì thanh niên làng bên thách thức gánh lúa thi. Ông lấy dao chặt một cây tre thẳng thớm, dài tới 12 mắt tre để làm đòn gánh.
Một buổi sáng ông gánh sáu gánh, mỗi gánh đến 12 bó lúa khiến thanh niên làng bên khiếp phục. Sức vóc phi phàm của ông đồn vang tận kinh thành. Ông vừa luyện võ nghiệp vừa trau dồi kinh sử, binh thư yếu lược, võ kinh yếu lược và đỗ tiến sĩ võ năm 1868.
Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng, đồng chủ biên sách khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, cho rằng các vua Nguyễn đã có những quan niệm ngộ nhận về võ.
Nhìn vào lịch sử, Võ Thánh miếu được thành lập dưới thời Minh Mạng, nhưng đến thời Tự Đức thì triều đình mới tổ chức thi tiến sĩ võ và chỉ tồn tại được ba khoa rồi bỏ.
“Có lẽ đương thời triều đình cứ nghe đến võ thuật kỳ bí như truyền thuyết, nào là những ngón nghề siêu phàm như bay qua đọt cây, đi trên nước hay làm được những điều phi phàm. Và triều đình tổ chức kỳ thi nhằm thu hút những bậc kỳ nhân có năng lực siêu phàm ấy ra để giúp nước.
Tuy nhiên, tất cả những điều ấy là lời đồn lan truyền, ảnh hưởng từ những câu chuyện trong sách chứ thực tế võ Việt hay bất cứ võ nào cũng không có như vậy. Chúng ta hiện nay mà còn quan niệm không đúng về võ như thế thì hồi xưa tin vào điều đó là dễ hiểu!” - ông Dũng nhận xét.
Đồng quan điểm này, nhà văn - võ sư Nguyễn Văn Dũng (võ đường Nghĩa Dũng Karate-do, Huế) cho rằng trong võ thuật không có điều gì vượt ngoài quy luật vật lý cả, có chăng chỉ là những lời đồn đại trong dân gian, không có thật.
Lần xem lại các bài thi võ, kể cả tiến sĩ, khá đơn giản, nào là xách tạ, múa côn và múa thương, bắn súng điểu thương... Do đó, nhiều người đỗ tiến sĩ võ thường được gọi là dân võ biền, có người không biết chữ.
Bởi vậy trong dân gian còn lưu truyền nhiều câu chuyện dân văn rất coi thường dân võ. Đó cũng là lý do các kỳ thi võ về sau, triều đình còn ra đề văn cho thí sinh thi võ nhưng đề thi cũng đơn giản. Dần dần thấy các kỳ thi võ không thu nhặt được gì nên triều đình cũng ngưng tổ chức thi.
Tuy nhiên, võ thuật không phải vì vậy mà không được đề cao, bởi lẽ theo nhiều người, ở đây là “võ ở trong văn”.
Nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan nhận xét: “Nhìn dọc theo lịch sử, những danh tướng thành danh thường từ văn, có gốc văn mà ra, điển hình như Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản...”.
Đó cũng là những người đã thông kim cổ, minh tường đấu pháp, dụng binh ở tầm chiến lược chứ không chỉ trông đợi vào sức mạnh của thể lực, của cơ bắp. Vì lẽ đó mà trong văn có võ. Điều quan trọng là tinh thần thượng võ được sử dụng, được tôn vinh và được duy trì tiếp nối.
Võ ta - Bạch hổ sơn quân
TT - Võ ta - đó là tên gọi dân gian mà người dân vẫn dùng để nói về võ phái Bạch hổ sơn quân.
Tổ đường Bạch hổ sơn quân tại Nam Phổ, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Bà Nguyễn Thị Thúy (con gái cố võ sư chưởng môn Nguyễn Hữu Cẩn) là phụ nữ may mắn được học võ Bạch hổ sơn quân - Ảnh: Thái Lộc |
>> Kỳ 1: Trọng võ như văn
Võ phái này được cho là do tổ sư Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tạo lập nên theo dòng chảy của lịch sử, vốn từ cung đình nay được bảo lưu và truyền lại trong dân gian...
Võ phái trên đường mở cõi
Nằm sâu trong con hẻm của QL 49 thuộc thôn Trung Đồng (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) là tổ đường Bạch hổ sơn quân. Chỗ thờ tự chiếm trọn gian trên của căn nhà xây nho nhỏ, nhưng vẫn toát lên sự uy nghiêm của võ phái lừng lẫy của vùng đất Đàng Trong một thời.
Phía dưới bức hình cố võ sư chưởng môn Nguyễn Hữu Cẩn đang đứng thế bài Ngũ môn côn pháp là thập bát ban (18 loại binh khí) được bày biện khá đẹp mắt.
Nơi đây còn lưu giữ cuốn võ kinh nhất thư ghi chép gần như đầy đủ các bài về binh pháp, quyền côn, đao, kiếm, thương... bằng chữ Hán.
Trong đó đặc biệt nhất phải kể đến bài ngọc trản, mai hoa thảo pháp. Người lo hương khói cho tổ đường Bạch hổ sơn quân hiện là cháu ngoại cụ Cẩn - võ sư Lê Hữu Ngọc Thạch.
Thắp nén nhang trên bàn cố võ sư Nguyễn Hữu Cẩn, những người con, người cháu của cụ (đều là võ sư) lật giở trang sử về võ phái Bạch hổ sơn quân.
Theo võ sư chưởng môn Trần Văn Lộc, võ phái Bạch hổ sơn quân được hình thành vào khoảng thế kỷ XVII. Tổ sư chính là danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh.
Trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn, Nguyễn Hữu Cảnh đã huân tập được võ công và hình thành Bạch hổ sơn quân phái, được lưu truyền trong quân đội chúa Nguyễn và phát huy sức mạnh thực thụ trong cuộc chiến đấu với quân Trịnh.
Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh nhận lệnh của chúa Nguyễn đi mở mang vùng Đồng Nai, Sài Gòn, đồng bằng sông Cửu Long... Võ phái Bạch hổ sơn quân đã góp phần cho những chiến công mở cõi đó.
Sau khi cụ Nguyễn Hữu Cảnh mất, đất Phú Vang có cơ duyên được đón các hậu duệ của người về đây cư ngụ, trong đó có đội trưởng nội hầu Nguyễn Hữu Hóa (là cố của võ sư Nguyễn Hữu Cẩn) của triều đình nhà Nguyễn thời vua Thiệu Trị.
Khi trung quân đô thống Tạ Quang Cự (người làng Dưỡng Mong, Phú Mỹ, Phú Vang) xây dựng một điền trang ở đó đã cho vời đội trưởng nội hầu Nguyễn Hữu Hóa về trông coi. Từ đây, con cháu là Nguyễn Hữu Cẩn khai khẩn vùng đất, cư trú ngày một đông đúc hơn...
Ở thời sơ khai, võ phái Bạch hổ sơn quân dù có rất nhiều người đến xin được bái sư, tầm đạo nhưng hầu như đều bị từ chối nhận, bởi đây là môn võ gia truyền.
Mãi đến đời trưởng môn thứ 19 - cụ Nguyễn Hữu Khánh, môn võ này mới bắt đầu len lỏi truyền ra ngoài. Đến đời của con cụ Khánh là võ sư Nguyễn Hữu Cẩn thì môn võ này mới phát huy rộng rãi.
Theo võ sư Trần Văn Lộc, vào giai đoạn này phong trào kháng Pháp nổi lên mạnh mẽ trong thanh niên Huế. Khi các chiến sĩ Việt Minh về nằm vùng ở Phú Vang thì võ sư Nguyễn Hữu Cẩn trở thành người huấn luyện võ bị cho họ.
Bà Nguyễn Thị Thúy (70 tuổi, con gái cụ Cẩn) nhớ lại: “Ban ngày cụ chăn vịt, làm lụng trên đồng ruộng nên chẳng ai nghĩ đó là võ sư.
Nhưng đêm đến cụ băng qua làng mạc, lội ruộng về miệt biển Phú Vang để truyền dạy võ cho cán bộ Việt minh. Lúc này Pháp không cho truyền dạy võ nên cụ phải lén đi khuya về sớm”.
Khi dạy võ, cụ Cẩn phải kêu con ra ngõ đứng canh quân Pháp, nếu lính đến cụ lại kêu đệ tử ngồi bệt xuống đất để đọc lời thiệu của võ. Lính Pháp thấy cụ cùng các thanh niên ê a đọc: “Chấp thủ long âm bái tầm long thế/Hoành khai hồ khẩu phục địa lôi” (lời thiệu bài quyền Ngũ môn thương côn pháp) thì chúng bỏ đi.
“Kỳ thực Pháp không biết rằng thầy trò đọc thiệu cũng là học võ, mỗi câu, mỗi chữ hiện lên trong đầu từng thế đánh, dễ nhớ, dễ thuộc” - bà Thúy chia sẻ.
Cố võ sư chưởng môn Nguyễn Hữu Cẩn đứng thế bài Ngũ môn côn pháp - Ảnh: Đoàn Cường chụp lại |
Dạy võ phải coi tâm tính
Bạch hổ sơn quân vốn là võ của quan trong triều Nguyễn nhưng khi được truyền ra với đời thì trở nên bình dị như chính cuộc sống những võ sư cao thủ của võ phái.
Lúc sinh thời, võ sư Nguyễn Hữu Cẩn chủ yếu gắn với ruộng đồng để nuôi năm người con. Bà Nguyễn Thị Thúy nhìn lên bức hình cụ trầm ngâm nói cụ cao 1,7m, dáng người roi roi nhưng rắn chắc như đá, mềm mại như tre và có thể uốn người nằm trong một chiếc thúng đựng lúa.
Khi võ sư Cẩn bắt đầu truyền thụ võ học ra ngoài dù không quảng bá, bành trướng nhưng hàng trăm môn sinh từ khắp nơi đến xin được làm đệ tử. Nhưng để võ sư nhận làm đệ tử không phải là nhiều.
Theo bà Thúy, môn quy mà cụ Cẩn đề ra rất nghiêm ngặt, chú trọng vào lễ nghi, đạo võ. “Cụ thường răn dạy kẻ học võ hơn người ta ở chỗ khi kẻ thù của mình vấp ngã, dang tay mà dựng họ đứng dậy chứ đừng vì thế mà đánh lén” - bà Thúy nhớ lại.
Nếu môn đồ tập không có tâm đạo, lão võ sư sẽ cho “đứng” - tập đến đó và không cho tập thêm quyền, cước gì nữa.
Võ sư Đoàn Đại Hùng (đệ tử võ sư Cẩn) chia sẻ thêm: “Sư phụ thường nói võ phái vẫn mang tính gia truyền, chân truyền tùy theo căn cơ của từng đệ tử mà huấn dạy. Những đệ tử có võ đức, tâm thiện, người mới chỉ những miếng võ chân truyền bởi đây là những đòn trí mạng, đánh vào tử huyệt, lấy mạng người khác chỉ trong một đòn ra tay”.
Bài học vỡ lòng từ ngày nhập môn vẫn được võ sư Hùng giáo huấn đệ tử đến nay. Đơn cử như bài quyền ngọc trản, võ sư Hùng minh họa với người mới nhập môn 3-6 tháng chỉ học những phần sơ đẳng trong ba bài.
Để học phần cuối của ngọc trản, sư phụ phải coi tâm tính của đệ tử và sau năm năm trở đi mới truyền thụ những đòn thế hiểm yếu.
Cuộc đời của lão võ sư Nguyễn Hữu Cẩn khá thanh bần cho đến khi ông qua đời năm 1995. Mỗi bữa cơm 5 - 6 người ăn chỉ nấu hai lon gạo. Học trò đến tầm đạo cũng đói ăn, thiếu mặc nhưng ai cũng cần mẫn trên sân tập.
“Nhiều bữa tập nặng, cả đám võ sinh kêu đói, cụ liền bê cả nồi cơm ra múc cho mỗi đứa xét chén cơm dằn bụng để tập tiếp” - bà Thúy nhớ lại.
Mãi đến năm 2000, căn nhà tranh của ông mới được thay bằng căn nhà cấp 4. Con cháu của ông hiện cuộc sống cũng khá khó khăn nhưng không vì thế mà niềm đam mê võ thuật bị quên lãng.
Người con trai của cụ là Nguyễn Hữu Trung đưa Bạch hổ sơn quân vào Đồng Nai, trở thành một võ đường nổi tiếng, lớn nhất trong võ phái. Các cháu của ông như Nguyễn Hữu Hoàng, Lê Hữu Ngọc Thạch... cũng miệt mài trau dồi võ thuật.
Không dạy võ cho con gái
Theo bà Nguyễn Thị Thúy, lúc sinh thời ông nội là Nguyễn Hữu Khánh không cho truyền võ thuật cho nữ dù nhà có 4 đứa con gái. “Không dạy võ cho con gái vì lỡ khi về nhà chồng, có những lúc bất hòa, vô tình đụng đến tay chân thì sẽ bất đạo với chồng” - bà Thúy cho biết.
Mãi đến đời chưởng môn Nguyễn Hữu Cẩn, bà Thúy trở thành phụ nữ đầu tiên trong nhà được học Bạch hổ sơn quân. Giờ đây, ngoài những buổi lo đồng áng, bà Thúy vẫn rong ruổi đến các phân đường võ ở Bao Vinh, Thuận An... để chỉ dạy cho hậu duệ môn phái.
|
“Đặc sản” võ kinh
TT - Là kinh đô của triều Nguyễn, Huế từng là nơi tụ hội những người có võ thuật của nhiều phái võ. Dần dần, Huế cũng là nơi riêng có võ kinh, để phân định với võ lâm trong thiên hạ.
Trưởng môn phái Võ kinh Vạn An - võ sư Trương Quang Kim - Ảnh: Đoàn Cường |
Ngày nay, võ kinh còn lưu truyền rộng rãi trong dân mà điển hình là phái Võ kinh Vạn An.
Làng võ An Cựu xưa kia giờ đây đã là một đô thị nhộn nhịp của Huế. Trải qua trăm năm, phái võ Vạn An vẫn còn lưu truyền đến ngày nay và tách ra làm hai phái: Thiếu lâm Vạn An và Võ kinh Vạn An.
“Người Việt học võ Việt”
Ngay giữa võ đường Võ kinh Vạn An là đôi câu đối được lưu truyền từ thời cố võ sư Trương Thăng: “Vạn nhật công phu thành/An định quy đạo tâm”.
Theo võ sư chưởng môn Trương Quang Kim, từ các lão võ sư trước của môn phái đã giáo huấn thế hệ sau: “Điều thiện nhứt khoát phải làm. Điều ác nhứt khoát loại bỏ. Giúp người thế cô”.
Vì lẽ đó, quy môn của Võ kinh Vạn An đặt nền chữ “Đức” lên hàng đầu. Cố võ sư Trương Thăng cũng luôn nhắc nhở môn đồ: “Người Việt phải học võ Việt”. Những năm 1970 khi võ hiện đại tràn vào, cụ Thăng chính thức mở võ đường truyền bá võ Việt vì tính tự ái dân tộc.
Gia phả Võ kinh Vạn An phái ghi lại, đây là phái võ gia truyền từ thời nhà Nguyễn thuộc dòng võ kinh, hệ hắc hổ với nhiều cao thủ võ nghệ đã lưu truyền qua năm đời. Từ cố võ sư Trương Ngọc Giai lúc bấy giờ là chánh đội trưởng đội cẩm thị vệ hoàng cung thời vua Tự Đức.
Sau đó, người kế nhiệm là lão võ sư Trương Đồng - bút hiệu Diệu bút, người bảo vệ, thư ký cụ Phan Bội Châu.
Lão võ sư Trương Đồng đã mở lớp dạy võ thuật tại lăng Vạn Vạn cho 18 nghĩa sĩ kháng Pháp hồi năm 1945. Đến võ sư Trương Thăng cũng tiếp tục đưa võ kinh Vạn An vào việc kháng Pháp và nhân rộng môn võ này ra.
Võ sư Trương Thăng chính thức khai lập môn phái vào năm 1972, đặt tên Võ kinh Vạn An phái. Hiện người con trai trưởng là võ sư Trương Quang Kim đã kế tục nghiệp võ và là chưởng môn.
Võ sư Kim phân tích, nói là võ kinh bởi học võ từ kinh thư, kinh sách. Nói “võ kinh” chính là để phân biệt với “võ lâm”.
Học võ kinh là để thi thố trở thành nhân tài võ học của triều đình, còn học võ lâm là để vận võ áp tiêu, thượng đài trong dân gian. Là dòng võ quan nên ngày xưa, các bí kíp võ kinh Vạn An được giữ như bảo bối, chỉ truyền dạy trong nội bộ gia đình.
Võ sư Trương Quang Kim viện giải thêm triết tự của Võ kinh Vạn An là môn võ được dùng trong triều đình nhà Nguyễn để thi tiến sĩ võ.
Võ kinh có bộ đi theo tự, có thơ văn, người học võ phải song song với văn để thi trạng nguyên. Khi đỗ cử nhân võ không có văn thì chỉ làm ngang đội trưởng cẩm thị vệ.
Võ kinh Vạn An của Huế khác với nhiều môn phái cổ truyền Việt Nam cũng như võ Bình Định. Theo võ sư Kinh, võ Bình Định là nơi tụ nghĩa, tuyển quân chống nhà Thanh, vua Quang Trung cũng về đất Phú Xuân - Huế.
Đất Huế là kinh đô mà tất cả nhân tài võ thuật đều tập trung về đây tụ hội. Đến thời nhà Nguyễn khi bắt đầu tổ chức thi tiến sĩ võ thì võ trở nên bài bản hơn.
Trải qua thăng trầm trăm năm nhưng Võ kinh Vạn An vẫn giữ “bản sắc” riêng của võ phái. Đệ tử phải học kinh sách, vừa đánh quyền vừa đọc thơ - thiệu. Đọc thơ để luyện khí, điều hòa hơi thở, nội lực.
Võ kinh đòi hỏi khá khắt khe khi luyện tập: Trước hết phải luyện nhãn quan (nhất chỉ nhãn pháp công) để luyện đôi mắt tinh tường, có khí chất. Tiếp đến là tấn (người xưa gọi là cặp ngựa) vững chãi như bàn thạch. Kế đến là thủ pháp với hơn 40 bộ của đòn tay dùng để chưởng, đỡ, gạt...
Cước pháp - thập bát liên hoàn cước với đòn chân uy vũ, chính xác. Rồi đến thân pháp để né tránh đòn. Thứ nữa là quyền pháp, binh khí pháp và đối kháng, đấu luyện tự do.
“Với những đệ tử thông thường chỉ tập đến đây là đủ. Còn những bậc cao thủ hơn phải học thêm khí công, công phu” - võ sư Kim nhấn mạnh.
“Chương trình con nhà võ học phải là 12 năm. Những nguyên lý của võ kinh cũng khác các môn võ khác là đấm giật lui và đá nẻ tới. Nó như một cơn bão thổi qua không nguy hiểm nhưng giật lui mới ghê gớm. Đá nẻ như bắn một viên bi gây chấn thương tụ điểm sâu bên trong mà thọ bệnh” - võ sư Kim chia sẻ.
Các môn sinh của Võ kinh Vạn An biểu diễn màn dùng yết hầu uốn cong mũi giáo - Ảnh: Đoàn Cường |
Mở lối đi mới cho võ cổ truyền
Buổi trưa nắng rát cuối tháng 8, trước võ đường Võ kinh Vạn An nằm trên con đường cạnh đồi Thiên An, dẫn lên lăng Khải Định của Huế, nhiều chiếc xe du lịch dừng lại, rất đông khách nước ngoài xuống xe bước vào.
Bên trong, võ sư chưởng môn phái Trương Quang Kim ở cái tuổi 61 vẫn thoăn thoắt cùng các môn đồ chuẩn bị cho buổi biểu diễn võ thuật.
Tiếng trống dồn dập, tiếng chiêng thúc giục, bốn đệ tử của võ sư Kim kê một sấp gạch trên bệ để diễn màn công phá uy dũng khiến chồng gạch nát vụn.
Nhưng có lẽ chiêu dùng yết hầu bẻ cong mũi giáo, phía sau lưng để đá lên và lấy búa đập cũng không hề hấn chi của các môn đệ khiến nhiều khách du lịch trầm trồ thán phục. Nhiều tuyệt chiêu của võ phái được diễn trong sự hứng khởi của du khách.
Kết thúc buổi diễn, Peter (du khách Anh) cùng con trai cố ngồi nán lại mặc cho cái nắng oi ả thiêu đốt.
Peter tiến đến một đệ tử đang ngồi phe phẩy quạt giấy hỏi thăm chiếc quạt này là gì với con nhà võ. Như hiểu ý khách, đệ tử của võ sư Kim lanh lẹ thi triển chiêu thức Lôi phong phiến với 108 đường quạt.
Tiếng quạt khi gập xoẹt xoẹt, bung ra bùm bùm như súng, xé gió mà đi khiến người xem thảng thốt. “Tôi thích đưa võ cổ truyền thành điểm đến du lịch, bởi đó là cách tốt nhất để quảng bá võ học dân tộc và cũng là cách để giúp nó tự sống” - võ sư Kim nhìn nhận.
Bản thân võ sư Kim cũng là một cao thủ võ thuật không còn lạ của Huế. Từ năm 7 tuổi ông đã theo cha học võ dù lúc đó ông nói: “Bị cha ép phải học chứ không ham võ”. Ấy vậy mà võ kinh lại theo vị võ sư này như là nghiệp vốn dĩ của mình.
Đưa hai bàn tay rắn rỏi, gân guốc của mình, vị chưởng môn chia sẻ: “Ngày trước để luyện thành công phu thiết sa chưởng mỗi ngày tôi phải chưởng 4.000 cái xuống cái bao cát. Ròng rã 10 năm như vậy”.
Là một cao thủ là vậy nhưng thoạt nhìn ông khó ai đoán định đó là võ sư. Nếu ông không khoác lên mình bộ đồ nhà võ, hẳn họ nghĩ ông là một hướng dẫn viên du lịch cho du khách đến với võ cổ truyền của Huế.
Phải nói rằng đến đời thứ năm của võ phái do võ sư Kim chưởng môn thì võ phái này phát triển rực rỡ không chỉ ở trong nước với gần 2.000 võ sinh mà có hàng chục phân đường ở nước ngoài tại Pháp, Mỹ, Úc...
Giờ đây ngoài giờ dạy võ, võ sư Kim còn cưu mang trẻ mồ côi về truyền đạt võ thuật, tạo việc làm. Ông còn vận dụng võ kinh Vạn An bấm huyệt, châm cứu chữa bệnh cho người dân. Đây cũng là nghề gia truyền của dòng họ Trương làng võ An Cựu của Huế.
“Võ thuật chú trọng huyệt vị và khí công, chính từ đó tôi chú trọng và theo học y thuật từ võ thuật để chữa bệnh, trước hết để trị thương cho mình, sau là để cứu người”.
Quê hương karatedo Việt Nam
TT - Cùng với võ cổ truyền, võ karatedo du nhập vào Huế đã mang đến một làn gió mới cho đất thần kinh. Huế trở thành quê hương của karatedo VN, lan tỏa khắp cả nước và nhiều nơi trên thế giới.
Cố võ sư Suzuki Choji - người đã đưa karatedo đến Huế - Ảnh: N.V.D. |
Đại úy Suzuki Choji - tổ sư Phan Văn Phúc
Đầu tháng 9-2015, đại diện ban chấp hành hệ phái Suzucho Karatedo và đại diện chính quyền TP Huế đã có cuộc khảo sát căn nhà số 8 Nguyễn Chí Thanh (Võ Tánh cũ), TP Huế và bàn bạc việc xây dựng tổ đường hệ phái.
Căn nhà này từng là nơi ở của tổ sư Suzuki Choji, vừa là đạo đường của võ phái Suzucho Karatedo VN. Theo võ sư Lê Văn Thạnh, trưởng tràng hệ phái Suzucho Karatedo, cả hai bên đã thống nhất phục hồi ngôi nhà với tổng mức đầu tư gần 3 tỉ đồng. Cùng với khoản đầu tư của Nhà nước, phía hệ phái đã cam kết đóng góp 400 triệu đồng. Biến nơi đây thành nhà lưu niệm tổ sư, nơi khai sinh ra karatedo VN, vừa là điểm tập huấn nâng cao cho các đội tuyển karatedo, đồng thời là điểm tham quan, giao lưu văn hóa, trao đổi về võ học Việt - Nhật...
Vị tổ sư là chưởng môn Suzuki Choji, sinh năm 1919 tại tỉnh Miyagi, miền bắc Nhật Bản. Câu chuyện vị chưởng môn Suzuki Choji trong hành trình đưa võ karatedo đến Huế thật kỳ thú. Lúc nhỏ ông tập nhu đạo tại trường và karatedo của một thiền sư trong vùng. Năm 19 tuổi Suzuki Choji lên Tokyo lập nghiệp nhưng vẫn tiếp tục đeo đuổi võ học...
Vào năm 1940, khi Chiến tranh thế giới thứ hai đang nổ ra, Suzuki Choji bị động viên vào quân ngũ. Thời gian này, một tàu chiến của Nhật Bản mà ông tham gia chiến đấu đã bị chìm trên Thái Bình Dương, ông được một tàu đánh cá của ngư dân cứu sống rồi tới VN năm 1944. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Suzuki Choji quyết định ở lại VN, tham gia Mặt trận Việt Minh và lấy tên Việt là Phan Văn Phúc. Lúc này, ông được Mặt trận Việt Minh phân công phụ trách xưởng sản xuất dụng cụ y tế tại Chợ Chùa (Quảng Ngãi).
Trên đường đi công tác ở Quảng Ngãi, ông quen một cô gái Việt và họ đã đến với nhau. Sau đó, Suzuki Choji cùng gia đình về định cư tại Huế và mở đạo đường số 8 Võ Tánh để truyền dạy nhu đạo và karatedo.
Đến năm 1972, khi phong trào karatedo ở Huế và Đà Nẵng phát triển vững vàng, Suzuki Choji giao cho các cao đồ điều hành võ đường, rồi vào Sài Gòn làm giám đốc khách sạn Kiyo ở Khánh Hội. Tháng 12-1978, ông cùng gia đình trở về Nhật. Ông mất tại quê nhà Kasagami vào tháng 2-1995, thọ 77 tuổi.
Võ sư Lê Văn Thạnh cho biết sư phụ của mình có ba người con, có tên Việt lần lượt là Phan Thị Ngọc Mỹ (Michiko Suzuki), Phan Văn Minh Đức (Tokuo Suzuki) và Phan Văn Minh Ý (Eiji Suzuki), đều được cha truyền đạt võ thuật.
“Bông hoa” còn lại
Chúng tôi đến võ đường của trưởng tràng Lê Văn Thạnh tại con hẻm 144 Chi Lăng, gần bờ sông Hương của Huế. Ấy cũng là lúc võ sư Thạnh đang tập huấn quyền và những kỹ thuật song đấu (kumite) cho hai học trò từ phương xa mới về. Đó là anh Đặng Công Hùng, trưởng bộ môn Suzucho Karate Úc và anh Huỳnh Việt Bình, huấn luyện viên CLB Karate Q.4, TP.HCM.
Phía trên sân tập là bàn thờ có di ảnh của tổ sư Suzuki và người vợ Nguyễn Thị Minh Lệ. Võ sư Thạnh đặt tên võ đường này là Bodankumi, cũng là tên khóa võ học đặc biệt thầy Suzuki mở vào năm 1964, mà ông là một trong bảy môn đệ. Khóa này học gấp đôi các khóa bình thường, nhằm truyền tải tất cả những tinh túy của karatedo để trở thành huấn luyện viên giỏi.
Theo diễn giải của người thầy: “Bodankumi là tên một loài hoa quý ở Nhật, mỗi cây chỉ có một hoa!”. Năm 1973, ông được tổ sư cử làm trưởng tràng của hệ phái, đến nay làm được bốn nhiệm kỳ. Võ đường Bodankumi hiện đang thu nhận nhiều đệ tử lứa tuổi học sinh, thông qua sự trui rèn của thầy Thạnh, nếu có những tố chất thi đấu thể thao sẽ chuyển sang cho đội tuyển của tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục tập luyện tham gia các giải thành tích cao. Sàn tập này cũng là nơi các huấn luyện viên karatedo nhiều tỉnh, thành thường xuyên về tập huấn võ thuật...
Võ sư Thạnh có ba người con trai đều theo nghiệp võ. Con trai cả là võ sư Lê Văn Phước hiện làm trưởng bộ môn karatedo của ngành thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu. Con trai kế là võ sư Lê Văn Lộc, phó trưởng tràng hệ phái Suzucho Karatedo, hiện là trưởng bộ môn karatedo của Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế. Con trai út là Lê Văn Thọ, trưởng bộ môn karatedo của ngành thể thao TP Huế. Thế hệ thứ ba của ông cũng mấy cháu theo nghiệp võ...
Võ sư Lê Văn Thạnh tập huấn cho hai môn đệ là Huỳnh Việt Bình và Đặng Công Hùng, có sự trợ giúp của người con trai là võ sư Lê Văn Lộc - Ảnh: Thái Lộc |
Tỏa khắp thế giới
Sau võ đường karatedo tại số 8 Võ Tánh, võ sư Suzuki Choji mở võ đường mới tại Trường ĐH Sư phạm Huế và giao cho học trò Ngô Đồng đảm trách. Người học trò khác là Hạ Quốc Huy vào Đà Nẵng mở võ đường. Một số môn đệ của thầy Suzuki, gồm cả võ sư Nguyễn Văn Dũng đã đưa karatedo vào Sài Gòn truyền bá.
Sau năm 1975, hai võ sư Nguyễn Văn Dũng và Lê Văn Thạnh đưa karatedo ra phát triển ở Hà Nội. Khoảng thập niên 1980, võ sư Nguyễn Văn Dũng tiếp tục đưa karate ra các tỉnh bắc miền Trung, từ Quảng Trị đến Thanh Hóa, sau đó đưa vào Quảng Nam và Quảng Ngãi... Ở miền Nam, hai môn đệ của thầy Suzuki là Trương Đình Hùng và Trương Dẫn đưa môn võ này phát triển rộng khắp các tỉnh, thành...
Thật ra trước đó, Suzuki Choji sang VN với hành trang là karate “cổ” mà ông học được từ thập niên 1930 rồi truyền bá cho học trò. Trong khi ở Nhật Bản vào thập niên 1950, môn võ này đã được hệ thống hóa theo hướng hiện đại và phát triển thành trào lưu quốc tế. Năm 1989, karatedo VN có một mốc dấu quan trọng, khi võ sư Yamamura từ Nhật Bản sang Hà Nội tập huấn karatedo hiện đại cho các võ sư karatedo VN. Karatedo VN đã nhanh chóng “hòa mạng” thế giới với không ít cách tân sau khi tiếp nhận “làn gió mới” này.
Không chỉ phát triển rộng khắp các tỉnh thành ở trong nước, nhiều võ sư đã đem karatedo Việt tỏa đi khắp thế giới. Võ sư Hạ Quốc Huy sang Mỹ phát triển phong trào karatedo VN. Võ sư Ngô Đồng cũng đưa môn võ này sang Mỹ. Võ sư Nguyễn Văn Dũng thì lan tỏa karatedo Việt đến Canada, Úc, Nga, Tiệp Khắc, Slovakia, Ba Lan... Võ sư Lê Văn Thạnh đưa karatedo Việt sang truyền bá ở Lào...
“Karate là môn võ của Nhật Bản. Nhưng khi du nhập qua VN thì người Việt rèn luyện cộng với tinh thần chiến đấu của người mình và lối đánh, thể chất của người mình trở thành môn võ rất lợi hại, mang đậm chất VN và chất Huế” - võ sư Lê Văn Thạnh.
“Sự xuất hiện của đạo đường karatedo số 8 Võ Tánh đã thổi vào làng võ VN một sắc thái mới: tính tập thể, tính khoa học và hiện đại. Đưa vào VN một nét đặc trưng của võ đạo karatedo: chữ Lễ. Cũng là Lễ nhưng trong võ đạo karatedo khác với “tam cương ngũ thường” của Nho giáo. Lễ trong võ đạo karatedo dựa trên tinh thần bình đẳng, kính mà không sợ, tôn trọng mà không sùng bái, lễ phép mà không luồn cúi, mềm mỏng mà không nhu nhược” - võ sư Nguyễn Văn Dũng.
|
Tiến sĩ Ngô Đồng và môn phái mới
TT - Có bề dày gần 50 năm phát triển, môn phái cương nhu karate-do phát tích tại Huế giờ đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới.
Màn biểu diễn võ thuật của võ sinh cương nhu karate-do - Ảnh: Đoàn Cường |
Người mang môn phái này ra với thế giới chính là tổ sư Ngô Đồng (1937 - 2000).
Ông là một võ sư tài hoa, uyên bác và được một thành phố tại Mỹ dành riêng một ngày để vinh danh ông.
Phái võ của truyền thống và hiện đại
Sáng 22-8, chúng tôi may mắn được dự buổi kỷ niệm 50 năm thành lập môn phái cương nhu karate-do tại Huế. Đệ tử của môn phái là những võ sư tóc bạc trắng đến những môn sinh lúp xúp nhỏ xíu đã có mặt từ rất sớm.
Ngày hôm đó còn có đông đủ chưởng môn của các võ phái khắp tỉnh Thừa Thiên - Huế về chung vui. Trong lời mở đầu của mình, võ sư Lê Huy Chương (đại diện võ sinh khóa đầu 1965) chia sẻ rằng:
“Từ năm 1975, đất nước thống nhất, các võ sư của môn phái đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài. Nhưng dù ở đâu đi nữa chúng tôi vẫn luôn nhớ về nguồn cội, về tổ phái trên vùng đất này”.
Sự ra đời của môn phái cương nhu karate-do là sự kết hợp giữa võ cổ truyền Việt Nam và võ thuật hiện đại. Người sáng lập môn phái là cố võ sư Ngô Đồng.
Cụ Ngô Đồng sinh năm 1937 tại Hà Nội trong một gia đình có 6 người con trai và ai cũng luyện tập võ từ nhỏ. Ngô Đồng theo học vovinam, rồi vịnh xuân của một võ sư Trung Quốc chuyên làm nghề bảo tiêu ở Vân Nam (Trung Quốc). Sau này ông tiếp tập tu luyện thêm judo, aikido, karate...
Theo những đệ tử đầu tiên của lão võ sư Ngô Đồng, lúc nhỏ ông rất nóng tính. Ông vốn rất ghét tụi du đãng ở Hà Nội lúc bấy giờ nên hay gây sự để đánh đuổi chúng.
Lúc nhỏ, khi gây sự đánh nhau với du côn, Ngô Đồng nghĩ mình là một người tốt, còn đối thủ là kẻ xấu. Vì thế đánh chúng là giúp xã hội bớt đi một tệ nạn.
Võ sư Ngô Đồng, người sáng lập môn phái cương nhu karate-do - Ảnh: Đoàn Cường |
Cơ duyên để cho ra đời cương nhu karate-do là vào năm 1956 Ngô Đồng vào định cư tại Huế. Tại đây ông được võ sư người Nhật Suzuki Choiji truyền dạy theo trường phái karate-do cổ điển của Nhật Bản.
Các đệ tử của ông kể lại ban đầu ông Ngô Đồng đã học môn võ vịnh xuân với hai người anh nhưng ông không thích lắm vì các môn võ chuyên về nhu. Còn môn karate-do thì cương mãnh, học rất mau tiến và nhất là thực dụng.
“Lúc đầu tôi chỉ hiểu công dụng của đấm đá mà thôi chứ không hiểu được điều ảo diệu của các môn võ nhu” - lời cố võ sư Ngô Đồng khi nói với các đệ tử.
Ông say mê tập karate, mỗi tuần 5 buổi, ngoài thời gian tập luyện ông còn giúp sư phụ của mình dạy võ cho các môn sinh mới. Ông trở thành một trong những võ sinh đầu tiên nhận đai đen của võ sư Suzuki Choiji.
Võ sư Ngô Đồng cũng đúc kết lại: “Một người học võ mà không có tinh thần đạo đức thì chỉ là một tên du đãng hay một kẻ sát nhân, không có lợi ích gì cho xã hội. Một người học võ mà không có tri thức thì chỉ là một vệ sĩ trên đường phố”.
Võ sư Nguyễn Văn Nhân, chưởng môn phái cương nhu karate-do tại Huế, nhớ lại: “Với kiến thức võ thuật sẵn có của 5 - 6 môn phái đã từng tập luyện, cùng với karate, cụ Ngô Đồng đã vận dụng triết học phương Đông để thành lập nên môn phái mới cương nhu karate-do tại Huế năm 1965”.
Cũng theo võ sư Nhân, môn phái cương nhu karate-do ra đời và lấy biểu tượng Thái cực âm dương làm biểu tượng cho môn phái. Nền dương đỏ, âm đen theo ý của cụ Ngô Đồng thì dương - âm cùng nhau chung sống để tồn tại, bổ trợ cho nhau.
Trong 8 điều tâm niệm, điều đầu tiên: Nguyện luôn cố gắng trau dồi võ thuật để phục vụ Tổ quốc. Trong 8 điều nội quy, điều thứ nhất là học võ để rèn luyện nhân cách và sức khỏe.
Võ đường chính được đặt tại giảng đường Trường ĐH Sư phạm Huế, về sau mở thêm chi nhánh tại ĐH Quảng Đà.
Võ sư Ngô Đồng cùng các đệ tử tại Mỹ - Ảnh: Đ.H.H. |
“Mr. Ngô Đồng Day”
Cố võ sư Ngô Đồng không chỉ nổi tiếng với con đường võ thuật mà ông còn nổi danh là một nhà khoa học, một “nghệ sĩ” tài hoa và là người có công lớn đưa môn phái ra với thế giới.
Theo võ sư Nguyễn Văn Nhân, trong thời gian ở Huế, lão võ sư Ngô Đồng còn là một nhà khoa học danh tiếng, là giảng viên Trường ĐH Khoa học Huế, viện trưởng Viện Khoa học Quảng Đà (nay là ĐH Đà Nẵng). Ông còn lấy bằng tiến sĩ về côn trùng học tại ĐH Florida (Hoa Kỳ).
Võ sư Lê Minh Diệu cho biết khi ông Ngô Đồng còn sống, ông còn có tham vọng đưa môn cương nhu karate-do vào học đường, phổ biến ra các tỉnh thành khác ở miền Nam.
Vì thế, khi làm viện trưởng Viện Khoa học Quảng Đà, ông Ngô Đồng đã tổ chức ngay một phòng tập trong khuôn viên Trường lycée Pascal Đà Nẵng. “Chúng tôi gần như trưa nào cũng đi tập từ 12 giờ đến 13 giờ, sau đó thay quần áo và đi học chữ”- võ sư Diệu nhớ lại.
Còn võ sư Hoàng Thống Lập, trưởng tràng cương nhu karate-do tại Mỹ năm 1974 - 1977, cho biết thêm: đầu năm 1971, khi đang là giảng viên của ĐH Huế, với những thành tích xuất sắc trong việc giảng dạy và nghiên cứu, ông Ngô Đồng được cấp học bổng để tiếp tục hoàn thiện chương trình tiến sĩ tại Mỹ. Chỉ sau 3 năm, ông trình luận án hoàn tất bằng tiến sĩ vào tháng 6-1974.
Những ngày đầu đặt chân đến đất Mỹ, ngoài việc nghiên cứu, ông Ngô Đồng còn chuẩn bị cho việc truyền dạy cương nhu karate-do tại đây.
Và lớp võ cương nhu karate-do đầu tiên có gần 20 sinh viên được bắt đầu vào khóa mùa thu tháng 9-1971 ở Trường ĐH Florida, võ đường là nhà ăn của sinh viên. Lớp học thường bắt đầu rất trễ, khoảng 8 giờ tối sau khi sinh viên ăn tối xong, dọn dẹp bàn ghế mới có không gian tập.
Trong số những võ sinh đầu tiên có giáo sư Harvey Cromroy và Freddie Johnson (con trai của giáo sư là Allen Johnson 12 tuổi cũng theo học), hai sinh viên du học từ Huế sang, trong đó có Hoàng Thống Lập.
Điều thú vị là hai cha con giáo sư Freddie Johnson đều lên đai đen vào năm 1974. Còn ông Lập là người đầu tiên lên đai đen và được cấp bằng huyền đai đệ nhất đẳng ở hải ngoại.
Từ võ đường đầu tiên đặt tại nhà ăn, đến tháng 8-1975 cương nhu karate-do đã có đến 500 võ sinh theo học dù tháng 6-1974 võ sư Ngô Đồng đã trở lại Việt Nam.
Năm 1977, võ sư Ngô Đồng trở lại Gainesville, Florida, Hoa Kỳ tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học về côn trùng học (entomology) của Trường ĐH Florida.
Với những đóng góp của ông, thành phố nhỏ Gainesville đã lấy ngày 12-8-1994 là ngày “Mr. Ngô Đồng Day”. Theo võ sư Nguyễn Văn Nhân, đây là ngày danh dự chỉ dành riêng cho những người đã có đóng góp lớn cho thành phố Gainesville.
Võ sư Ngô Đồng mất năm 2000 ở thành phố này, nhưng các môn đồ của ông vẫn nhớ mãi câu nói bất hủ: “Nếu không có tinh thần triết học và trưởng thành, một võ sĩ chỉ là một chiến binh đường phố được đào tạo”.
Thầy Dũng và con đường võ đạo
TT - Ông là võ sư nổi tiếng không chỉ ở Huế mà còn là thầy của rất nhiều thế hệ karate-do ở khắp Việt Nam và nước ngoài.
Các võ sinh của võ đường Nghĩa Dũng karate - do rèn luyện trên đỉnh Bạch Mã mùa hè 2015 - Ảnh: N.V.D. |
Ông chọn lối đi riêng cho võ đường của mình. Nhắc đến ông, người ta thường nói ông là một thầy giáo, một người cầm bút...
Con đường của thầy
Nhắc đến võ sư Nguyễn Văn Dũng - người sáng lập phân đường Nghĩa Dũng karate-do ở Huế - có lẽ ai cũng thấy... quen. Nhất là với những thế hệ sinh viên từng theo học tại Huế. Ngoài 70 tuổi, nhìn ông vẫn rất máu lửa khi nói về võ lẫn văn mới thấy “nội công” của ông thật thâm hậu.
Mở đầu câu chuyện một sáng cuối tuần, ông trải lòng mình: “Trong đời sống hiện đại, trong hàng trăm người qua đường gặp chiếc xe tang sẽ có người dừng lại, cởi mũ ra, tôi tin trong đó có người được học võ.
Những lúc ngặt nghèo, thiên tai bão lụt sẽ có người lăn xả, hiệp nghĩa thì tôi tin trong đó có người học võ. Bởi vì nếu không như vậy tôi không còn lý do gì để dạy võ nữa. Khi đào tạo ra được một con người tử tế, mình thấy hạnh phúc ghê lắm”.
Võ sư Dũng vốn xuất thân là một nhà giáo, khi võ sư Suzuki Choji đưa karate-do tới Huế, ông trở thành một trong những “đệ tử ruột” của vị võ sư người Nhật Bản này. Năm 1976 tại số 8 Trương Định (TP Huế), võ sư Dũng đã thành lập phân đường Nghĩa Dũng karate-do.
Lý giải việc đặt tên phân đường này, võ sư Dũng chia sẻ: “Nghĩa là đức nhân ái, lòng trung thành, trọng danh dự, tinh thần trách nhiệm, công minh chính trực, bao dung cao thượng. Dũng trong Nghĩa Dũng còn là sức mạnh, niềm tin, khí tiết. Những phẩm chất ấy là mục đích tối thượng mà môn sinh của phân đường Nghĩa Dũng phải luôn thành tâm tu dưỡng, hoàn thiện”.
Võ đường có phù hiệu nền hình vuông màu đỏ, vòng tròn ở giữa màu trắng. Màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, màu trắng tượng trưng cho mặt trăng.
Mục đích sau cùng của quá trình rèn luyện, tu dưỡng là thân dẻo dai, cường kiện, trí sáng ngời nhật nguyệt, tâm tĩnh lặng vô ưu. Vòng tròn và hình vuông mang thông điệp sống vuông tròn, có thủy có chung.
Theo võ sư Dũng, tháng 7-1989 tại Hà Nội, sau đợt tập huấn với chuyên gia Yamamura của Hiệp hội Karate-do Nhật Bản, hệ phái Suzucho karate-do đứng trước sự lựa chọn: giữa con đường võ đạo truyền thống của chưởng môn Suzuki Choji và xu thế thể thao hóa hiện đại.
Trong lúc hầu hết cao đồ của Suzuki Choji hòa theo khuynh hướng thể thao hóa môn võ thuật truyền thống karate-do, võ sư Nguyễn Văn Dũng vẫn kiên định con đường của thầy mình. Duy trì truyền thống, kết hợp với tinh hoa của karate quốc tế hiện đại.
Coi trọng kỹ thuật căn bản, quyền pháp, kỹ năng tự vệ, rèn luyện sức khỏe và tu dưỡng phẩm chất đạo đức.
Tuy chương trình đào luyện có nội dung thi đấu, nhưng không vì mục đích tranh giành huy chương mà coi thi đấu là phương thức để giao lưu, học hỏi, kiểm tra mình và phát hiện tài năng karate cho thể thao nước nhà.
“Cần phải có quan niệm cho đúng về võ. Sứ mệnh lớn nhất của võ là đạo làm người chứ không phải thi đấu để giành huy chương này nọ, không phải tạo ra một con gà đá” - nhấp ngụm cà phê, võ sư Dũng đúc kết.
Và có lẽ “giáo trình” dạy võ của ông cũng khá đặc biệt so với những môn phái khác. Ông chọn Bạch Mã ở phía nam tỉnh Thừa Thiên - Huế là ngọn núi biểu trưng cho võ đường.
Với môn sinh của võ đường, sau ba năm tập luyện liên tục và không vi phạm nội quy, để được mang đai đen võ sinh phải vượt qua kỳ thi gồm ba nội dung: quyền, công phá và đấu.
Riêng với võ sinh của phân đường Nghĩa Dũng trung tâm - Huế, môn đồ còn phải vượt qua thử thách là mang balô nặng khoảng 15kg cùng thầy leo lên đỉnh Bạch Mã (1.450m), vừa tham quan, vừa rèn luyện.
Sau đợt rèn luyện kéo dài 3 - 5 ngày, võ sinh phải viết một luận văn thu hoạch gồm hai nội dung: quá trình ba năm tập luyện karate-do, những thành tựu và cảm nhận về chuyến đi.
Chỉ sau khi hoàn thành luận văn, các môn sinh mới được tham dự lễ phong huyền đai - đánh dấu thời kỳ mới trên con đường hoàn thiện nhân cách.
Giáo án khá khắc nghiệt nhưng trong lòng những môn đệ, võ sư Dũng giống như một người cha tinh tế, tình cảm.
Trong cuốn sách Nghĩa Dũng karate-do, nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Hữu Thái Hòa (đệ tử của võ sư Dũng) có chia sẻ một câu chuyện ở Lâm Đồng:
“Thầy Dũng kéo tôi ngồi xuống với nhóm anh em võ sư đến từ B'Lao và nói: Các anh có biết không, ngày xưa tôi và anh Muôn (phân đường Nghĩa Dũng karate-do quận 5) từng đặc cách cho phép Thái Hòa được tập hít đất bằng găng tay để bảo vệ đôi bàn tay và tiếng đàn của em.
Karate-do chúng ta thật ra phải nuôi dưỡng võ đạo chứ không nhất thiết hơn thua và dạy cho các em biết cương, nhu đúng lúc, đúng chỗ”.
Võ sư Nguyễn Văn Dũng - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Văn của nhà võ
Võ sư Dũng đã đào tạo hàng ngàn võ sinh với con đường giáo huấn riêng của mình chú trọng đến tinh thần thượng võ. Ngày đến nhà, lão võ sư hào hứng kể câu chuyện còn nóng hổi mới đây ông đã đặc cách phong huyền đai sáu võ sinh học đến đai nâu nhưng bỏ tập từ lâu. Tại sao?
“Họ bỏ tập võ nhưng tôi theo dõi và qua người khác vẫn biết họ còn mang tinh thần của nhà võ, tôi rất tự hào về họ. Tôi mời họ về đây và phong đai đen” - võ sư Dũng hào hứng nói. Ông chia sẻ thêm: “Trong số họ có nhà báo viết những bài mà tôi phải gọi là quá “khủng khiếp”.
Đi và viết ở tận cùng Tây Bắc rồi cuộc chiến ở biên giới, rồi những Vị Xuyên (Hà Giang), ải Chi Lăng. Đó là tinh thần võ, là thượng võ, phải có võ ở trong lòng họ mới viết những bài tuyệt vời như vậy được”.
Cùng với nội lực “thâm hậu” của võ và con đường võ đạo mà ông đã theo đuổi, võ sư Nguyễn Văn Dũng còn được biết đến là một con người “thượng văn”.
Hẳn khi đọc cuốn sách bút ký Linh sơn mây trắng hay Đi tìm ngọn núi thiêng, Lời tự tình của một dòng sông, nhiều người sẽ có cảm nhận đó là một nhà văn, một nhà văn hóa uyên thâm hơn là một võ sư.
Chả thế mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng nhận định: “Tỉ dụ như bút ký Linh sơn mây trắng mà tôi xem là một thứ siêu bút ký bởi nó dám nối kết các đối tượng cách xa nhau cả ngàn năm như là núi Linh Thứu (Ấn Độ), Thiếu Lâm Tự (Trung Quốc) và Yên Tử của Việt Nam.
Nó đẹp bằng những công trình suy tưởng của ngàn xưa và cũng cay đắng với cách hành xử của con người hiện đại...”.
Còn nhà thơ, nhà phê bình Hồ Thế Hà (Trường ĐH Khoa học Huế) khi đọc ký của võ sư Nguyễn Văn Dũng đã thốt lên rằng:
“Tôi gọi đó là người lãng du tâm hồn, lãng du văn hóa, lãng du ký. Một võ sư danh tiếng, lại là một nhà giáo dạy văn chương với hành trang đầy ắp những tri thức và kiến thức đã giúp anh trở thành người cầm bút đích thực tuy muộn màng”.
Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - từng nhận xét về võ sư Nguyễn Văn Dũng: “Triết lý riêng trong việc giáo dục con người thông qua luyện võ.
Triết lý riêng trong rèn luyện môn sinh bằng kỹ thuật tinh hoa karate song hành với giáo dục phong cách của võ đường Nghĩa Dũng hoàn toàn xa lạ với quan niệm dạy võ để đấm đá hoặc chạy theo những hư danh trên võ đài”.
|
Ước vọng của một võ sư
TT - Tại cố đô Huế, một bảo tàng binh khí võ thuật Đàng Trong và một thư viện võ thuật đang được chuẩn bị để đón đầu việc phục hồi Võ Thánh miếu.
Võ sư Nguyễn Văn Anh với những binh khí trong bảo tàng võ thuật mà ông đang xây dựng - Ảnh: Đ.Cường |
Không chỉ có thế, những người con của võ giới xứ Huế đang mong muốn võ Việt đi xa hơn nữa...
Bảo tàng và thư viện võ học
Căn nhà của võ sư Nguyễn Văn Anh nằm trên đường Bến Nghé, hiện là trụ sở Hội Võ thuật cổ truyền Thừa Thiên - Huế, bên trong rộng rãi đến bất ngờ.
Dẫn chúng tôi vào sâu bên trong, ông Anh giới thiệu võ đường Vân Hải, nơi tổ chức các hoạt động của hội võ thuật.
Điều bất ngờ hơn khi được dẫn lên tầng hai của võ đường với một không gian hoàn toàn khác: một căn nhà gỗ sạch sẽ, thoáng rộng, nơi có bộ trường kỷ cổ và một bộ phản gỗ để ngồi thưởng trà, đàm đạo. Rất nhiều tủ kệ bày biện những món đồ cổ và những tủ đồ binh khí cổ.
Trên tấm phản là chiếc giá đỡ năm thanh long đao vỏ gỗ dài chừng hơn 1m và bốn cây kiếm cùng một khẩu súng trường bằng gỗ thời Nguyễn. Cạnh bộ trường kỷ là hai tủ kính lớn cũng toàn binh khí.
Ngăn dưới của tủ kính hướng mặt ra trước bày năm thanh đao nhiều chỗ gỉ sét, phần chuôi không còn nguyên vẹn, được ông Anh giới thiệu là đồ vớt được từ lòng sông Hương. Nhiều khả năng nó thuộc thời các chúa Nguyễn.
Ở trên là năm thanh kiếm thời các vua Nguyễn, có vỏ và cán bằng gỗ khảm bạc, nguyên vẹn, sưu tập được từ những con cháu dòng dõi, những người đang sinh sống tại các phủ đệ ở đất cố đô.
Trên bức tường gỗ là nhiều loại đao, kiếm thời Tây Sơn lưỡi bằng thép, cán gỗ bọc đồng trông rất đặc biệt. Rồi những thanh siêu đao to bản, những giáo mác nhiều hình dạng khác nhau...
Quý nhất trong sưu tập này chính là tủ kính phía bên phải của căn nhà, chứa nhiều loại binh khí các thời từ chúa Nguyễn xứ Đàng Trong cho đến thời Tây Sơn và các vua Nguyễn. Có cái vỏ gỗ khảm ốc, khảm bạc hay ngà voi...
Đặc biệt nhất vẫn những binh khí trong bộ bát bửu với thanh xà mâu lưỡi ngoằn ngoèo như con rắn và cặp chùy đồng chạm trổ rất bắt mắt. Hiện vật này được ông Anh tậu về từ một phủ đệ rất nổi tiếng của Huế...
Song hành với binh khí cổ, ông Anh cho biết thời gian qua đã cất công kiếm tìm những bài bản liên quan đến võ thuật cổ truyền, từ những bài quyền cho đến các bài binh khí cổ.
Ông khoe đã may mắn tìm được những bài quyền cổ như: Ngọc trản, Đồng nhi, Lão mai... Kế đến là bài binh khí như: Huỳnh long độc kiếm, Phi sơn hải kiếm, Mai hoa kiếm, Tứ môn côn, Ngũ môn côn, Siêu xung thiên (đao)...
Nhiều phương pháp sử dụng binh khí và những tài liệu võ thuật cổ khác cũng được ông Anh sưu tập từ đất võ Bình Định.
Đặc biệt, các phái võ có truyền thống lâu đời ở Huế đều được ông Anh gõ cửa để truy tầm tư liệu, như phái Bạch hổ sơn quân của họ Nguyễn Hữu ở huyện Phú Vang cho đến phái Nga My gần đàn Nam Giao, hay dòng võ họ Trương ở phường An Cựu...
Ngoài ra, võ sư Anh còn chú tâm sưu tập sách về võ thuật Việt Nam, đến nay đã lên đến gần 3.000 cuốn, liên quan đến ba chủ đề: y - võ - đạo, cũng là ba mục đích của nhà võ là cứu người, giúp con người ta khỏe và đạo làm người, cách xử thế.
Cả sưu tập binh khí cổ lẫn tủ sách võ thuật, ông Anh cho biết sẽ đón đầu việc hình thành một “thánh địa” võ cổ truyền VN tại Võ Thánh miếu.
Theo đó, dự kiến hình thành một bảo tàng võ học và một thư viện y võ đạo, biến Võ Thánh miếu trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của Huế. Ở đó sẽ có các hoạt động như giỗ tổ, tôn vinh nghề võ, dạy võ; là nơi chữa bệnh, tham quan hay trao truyền những bí kíp, ngón nghề võ cho du khách...
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, chánh văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, kế hoạch phục hồi Võ Thánh miếu sẽ hoàn thành khoảng năm 2020.
Võ sư Lê Văn Thạnh, trưởng tràng hệ phái Suzucho Karatedo, cho biết rất tán dương việc làm nói trên, đồng thời sẽ bàn bạc trong hệ phái và các môn phái khác để cùng góp công, góp sức thực hiện.
Du khách nước ngoài theo dõi buổi biểu diễn võ cổ truyền tại Huế - Ảnh: Đ.Cường |
Muốn đưa võ Việt đi xa hơn
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định võ thuật cổ truyền VN, đặc biệt là Huế có rất nhiều điểm hạn chế. Một trong những điểm hạn chế nhất, theo nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng, phó chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền Thừa Thiên - Huế:
“Võ Việt thường một cây một trái, cha truyền cho con, học trò dạy vài miếng... Vì vậy rất nhiều phái võ bị thất truyền. Võ truyền thống hiện đang là những mảnh rời, chắp vá và không dễ phát triển”.
“Và điều đau đớn nhất của võ thuật cổ truyền ở Huế chính là võ không nuôi được võ, do đó không đứng độc lập được một nghề. Các lò võ gần như không thể sống được bằng võ mà được duy trì bằng rất nhiều nghề khác, vô hình trung võ trở thành “tay trái”.
Nhiều võ đường đang được duy trì bằng “cơm nhà” của người chủ sự, bằng đội múa lân, biểu diễn phục vụ du lịch hay hành nghề y nuôi võ...” - ông Dũng ưu tư.
Hiện tại, Liên đoàn Võ thuật VN cũng có tuyển chọn hơn mười bài quyền bắt buộc sử dụng trong những giải đấu quốc gia, song vẫn chưa có một nghiên cứu nào về võ cổ truyền tới nơi tới chốn.
Theo võ sư Nguyễn Văn Anh: “Càng đi sâu càng thấy võ Việt quá ghê gớm nhưng tình trạng hiện nay mỗi nơi (võ phái) đang giữ một tí như những mảnh rời rạc, không thể nâng tầm thành khoa học!”.
Do đó, một trong những mong ước của võ giới cổ truyền hiện nay là làm sao nâng tầm võ Việt. Muốn như vậy, theo võ sư Anh, phải “cởi trói” cho các hình thức võ cổ truyền sao cho “thoáng” hơn, phục vụ cả đồng bào VN và tỏa rộng ra khắp thế giới.
Theo nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng, muốn làm được điều ấy phải có sự đầu tư không chỉ của võ giới mà còn từ phía Nhà nước.
“Chúng ta vẫn chưa có nghiên cứu bài bản, chắt lọc tất cả những quyền cước của võ cổ truyền, chắt lọc các tinh hoa võ thuật rồi hệ thống hóa, tạo ra những đòn thế, phương thuật riêng như cách người Nhật Bản hay Triều Tiên làm đối với karatedo và taekwondo. Tôi nghĩ đó là việc rất đáng làm!”.
Võ sư Nguyễn Văn Anh cho rằng đã đến lúc nghĩ đến việc chấn hưng nền võ học nước nhà. Đây chắc chắn không chỉ là công việc của riêng ngành võ mà là của toàn xã hội, và trước tiên cần phải có sự ra đời của một cơ quan nghiên cứu về võ thuật VN.
Cơ quan này có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu để chắt lọc những tinh túy của võ thuật cổ truyền, truy tầm và hệ thống hóa võ đạo, những gì lạc hậu, bất hợp lý thì lược bỏ, nâng tầm thành hệ thống lý luận...
Điều quan trọng hơn, theo võ sư Nguyễn Văn Dũng: “Võ Việt là vì nước, vì dân. Hồn cốt của tinh thần võ Việt là tinh thần nhân nghĩa. Võ VN hiện nay đã đạt đến như vậy chưa? Nếu chưa thì phải phục hồi!”...
“Tôi rất ngạc nhiên vì ở Huế vẫn còn có người lưu ý đến di sản thời kỳ tổ tiên mang gươm đi mở nước ở phương Nam. Hi vọng Võ miếu sẽ được phục dựng để phát huy tinh thần thượng võ của dân tộc Việt.
Chính tại nơi thiêng liêng đó sẽ giữ gìn tinh hoa võ thuật VN cho các thế hệ ngày sau. Cầu mong ước vọng của võ sư Nguyễn Văn Anh sớm thành tựu” - nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nói.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét