(PLO) - Trước khi được biết đến với cái tên Trường Cao đẳng Sư Phạm Đà Lạt (29 Yersin, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) như ngày hôm nay, ngôi trường cổ kính này đã được người dân thành phố ngàn hoa xếp vào hàng ngũ những công trình kiến trúc biểu tượng của Đà Lạt. 
Ngôi trường cũng là niềm kiêu hãnh, sự  tự hào của biết bao những thế hệ học sinh, sinh viên đã từng một lần theo học tại nơi này.
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được người Pháp thành lập vào năm 1927 do kiến trúc sư Moncet trực tiếp đứng ra thiết kế cũng như chỉ đạo xây dựng đạo xây dựng. Ban đầu, trường có tên là Petit Lycée Dalat, sau năm 1930 được đổi thành Grand Lycée de DalatLycée Yersin nhằm tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin, nhà vi khuẩn học, và nhà thám hiểm người Pháp gốc Thụy Sĩ. Về sau, trường đổi tên thành Trung tâm Giáo dục Hùng Vương và hiện nay là trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Trường Cao đẳng Sư Phạm Đà Lạt  là một trong những địa chỉ vàng mà du khách mỗi lần đặt chân đến Đà Lạt đều muốn ghé thăm. Ảnh: ĐỨC NAM-HỮU NHẬT.

Khi vừa ra đời,  Lycée de DalatLycée Yersin chỉ dành riêng cho con em quan chức, binh lính Pháp và một số gia đình địa chủ người bản xứ có tiềm lực kinh tế lớn học. Trước đây, người Pháp đã xây cất  khuôn viên trường trên một khoảng đất có tổng diện tích 22,3ha, nằm ngay cạnh Hồ Xuân Hương thơ mộng. Toàn bộ khu vực chính gồm  8 ha, nằm trên đỉnh đổi tương đối bằng phẳng. Sườn phía Tây và Tây Nam nghiêng về phía Hồ Xuân Hương. Trong khi đó, Sườn phía Nam có độ dốc tương đối cao, nhìn xuống thung lũng giáp Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt, sườn Bắc bằng phẳng được dựng lên một sân bóng đa dụng.
Đến với Đà Lạt vào những ngày mưa, chúng tôi cố gắng vượt qua những sự khó khăn, cản trở của thời tiết để tìm đến công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố ngàn hoa.
Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 2 cây số, ngôi trường được xây dựng ảnh hưởng bởi phong cách kiến trúc tân cổ, được tạo thành với các vật liệu xây dựng như gạch ép ốp tường và ngói thạch bản xanh đen được kỳ công vận chuyển từ Pháp về Đà Lạt.  

Với dãy lớp học được xây hình vòng cung, gạch xây trường là gạch trần đỏ được chở từ châu Âu sang.

Trường được sắp xếp bố cục mặt bằng chặt chẽ, tổ hợp kiểu hành lang bên.  Tầng trệt để trống làm sân chơi trong nhà (préau) với những cột tròn. Tầng lầu gồm các lớp học, bên ngoài mỗi lớp đều có tủ âm tường là nơi để áo khoác, áo mưa của học sinh. Trên mặt đứng khối lớp học, cứ mỗi bước cột lại có hai vòm cung tròn xây bằng gạch đất nung với tỷ lệ hài hòa tạo nên vẻ đẹp thanh thoát cho khối nhà. Nét cách tân trong khối lớp học thể hiện ở phần mái dốc, bẻ góc ở phần đuôi mái, có hệ thống cửa sổ mái, tạo nên những nét chấm pha vô cùng tinh tế được người kiến trúc sư đại tài tạo nên.
Cùng một trục với dãy lớp học chính, qua một dãy hành lang nối có mái che bằng bê tông lượn sóng và hai hàng cột tròn là khối hành chính. Song song với hai dãy hành chính là hai dãy nhà có kết cấu và trang trí đơn giản hơn, vừa dùng làm phòng học, vừa dùng làm ký túc xá cho học sinh. Vuông góc với các dãy nhà trên là một tòa nhà có quy mô nhỏ hơn dùng làm hội trường, phòng thí nghiệm…

Trường mở cửa cho khách du lịch thăm quan từ 11h trưa đến 1h chiều và từ 4h chiều trở đi.

Cuối dãy nhà vòng cung này là một tháp chuông cao 54m nổi bật giữa không gian bao la. Nhìn bao quát bên ngoài, tường nhà được xây cách điệu các mái vòm với tỷ lệ hài hòa tạo nên vẻ đẹp thanh thoát cho khối nhà. Đứng từ phía hồ Xuân Hương, du khách có thể thấy được đỉnh cao nhất của tháp chuông tại trường. Đây được ví như hình ảnh của một cây bút chì khổng lồ với ngòi bút nhọn, cao vút giữa khoảng trời mênh mông. Dãy phòng học đỏ thắm phía sau uốn cong mềm mại, hàm ý miêu tả hình dáng của cuốn sách.
Với những hình mang tính biểu tượng cao như vậy, người Pháp đã kỳ công xây dựng nên một công trình kiến trúc đặc sắc nhằm phục vụ cho sự dạy và học, là biểu tượng cho tính hiếu học, là con đường tri thức trải rộng. 


Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là một công trình kiến trúc cổ điển độc đáo, có một không hai tại Việt Nam cũng như thế giới. Nét đẹp của công trình được hiển qua nhiều chi tiết kiến trúc bản địa để cấu thành nên một toàn hòa kiến trúc hòa hợp giữa hai nền văn hóa Đông Tây. 
Trường được đánh giá là tòa nhà sư phạm đẹp và hiện đại nhất lúc bấy giờ. Đây quả là một thành công của các tác giả khi gắn bó tổng thể công trình với điạ hình khu vực, xứng đáng được các nhà phê bình, các kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu kiến trúc nổi tiếng trên thế giới trong Hiệp hội Kiến trúc Quốc tế (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX.
Mặc dù mang trên mình những nét đẹp riêng biệt mà khó có bất kỳ công trình kiến trúc nào có thể so sánh được nhưng mãi đến tháng 12 năm 2001, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt mới được Bộ Văn hoá – Thông tin đã công nhận trở thành di tích cấp Quốc gia. Và trong suốt khoảng thời gian dài bị lãng quên, ngôi trường đã bị sử dụng sai mục đích, công năng và dần dần bị tàn phá bởi thời gian cũng như bàn tay của con người.

Trường Cao đẳng Sư Phạm Đà Lạt là một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố ngàn hoa

Nét cổ kính, đậm chất Tây Âu khiến nhiều người vẫn ví von đây là ngôi trường 'Harvard Việt Nam'.

Công trình này được thiết kế và xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ XX theo hình thức kiến trúc tân cổ điển độc đáo mang đậm phong cách châu Âu

Với dãy lớp học được xây hình vòng cung, gạch xây trường là gạch trần đỏ được chở từ châu Âu sang.

Song song với hai dãy hành chính là hai dãy nhà có kết cấu và trang trí đơn giản hơn.

Hai dãy nhà này được dùng làm phòng học, vừa dùng làm ký túc xá cho học sinh. Vuông góc với các dãy nhà trên là một tòa nhà có quy mô nhỏ hơn dùng làm hội trường, phòng thí nghiệm

Con đường hành lang sâu hun hút, đẹp miên man trong lòng du khách ghé chân

Tầng trệt để trống làm sân chơi trong nhà (préau)

Tòa nhà được trụ chống bằng các cột tròn có khẩu độ 8x8m.

Tìm đến với ngôi trường Lycée Yersin năm nào, bạn sẽ ngỡ như mình đang đắm chìm trong một vẻ đẹp tinh tế kết hợp hoàn hảo hai phong cách kiến trúc Á và Âu


Chiếc cầu thang cổ vẫn ngày gồng gánh biết bao những thế hệ học sinh- sinh viên nối bước nhau đi trên con đường tri thức sâu rộng.
Trường mở cửa cho khách du lịch tham quan từ 11h trưa đến 1h chiều và từ 4h chiều trở đi.\

Sân trường rộng rãi, dành để chào cờ và các môn thể thao. Ngoài ra còn có một sân bóng đá rất rộng ở khuôn viên đằng sau trường.

Công trình này đã được các nhà nghiên cứu kiến trúc nổi tiếng trên thế giới trong Hiệp hội Kiến trúc Quốc tế (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX. Được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận trở thành di tích cấp Quốc gia vào tháng 12 năm 2001.

Tìm đến ngôi trường già cổ kinh một chiều mưa..

Chúng tôi, những vị tự khách phương xa như càng say đắm, ngỡ mình đang lạc giữa một rừng kiến trúc trời Âu.


Bí mật ít biết về trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt

Bí mật ít biết về trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (Lycée Yersin).
(PLO) -  Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt trước kia có tên là Trường Lycée Yersin. Ngôi trường có nét kiến trúc Pháp độc đáo và diễm lệ nhất Đông Dương. Thế nhưng mấy ai biết rằng ngôi trường là chứng nhân của một sự kiện lịch sử có liên quan đến vận mệnh đất nước Việt Nam trong những giờ phút “nghìn cân treo sợi tóc”. Nơi đây vẫn còn in dấu ấn khó quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người con ưu tú của Phái đoàn Việt Nam  Dân chủ Cộng hòa…

Đầu năm 1946, thực dân Pháp quay lại Đông Dương gây chiến với tham vọng cướp nước ta một lần nữa. Trước tình hình đó, sau khi ký Hiệp ước sơ bộ ngày 6/3, hai bên thống nhất tổ chức Hội nghị Đà Lạt để trù bị cho Hội nghị Fontainebleau (Pháp). Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm có 13 thành viên do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lãnh đạo. Phái đoàn Pháp cũng có 13 thành viên do Max André và René Pignon dẫn đầu.
Đàm phán
9h sáng ngày 19/4/1946, Hội nghị trù bị Đà Lạt đàm phán về vận mệnh đất nước Việt Nam đã khai mạc tại Trường Lycée Yersin, nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.
Sau hai bài diễn văn ngắn của 2 vị Trưởng đoàn, đại biểu Dương Bạch Mai đề nghị: Cần ra một tuyên bố chung về ý nguyện đình chiến để hội nghị được tiến hành trong không khí hoà bình. Max André ngỏ lời dè dặt, nhưng phía Việt Nam (VN) cũng chưa vội đấu tranh. Phó trưởng đoàn  VN – Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ yêu cầu Phái đoàn Pháp chuyển ý nguyện ấy lên Cao ủy D’Argenlieu. Phái đoàn Pháp tìm cách chối khéo, cho rằng họ cũng muốn có đình chiến trong toàn cõi VN, nhưng Phái đoàn Pháp bất lực về việc ấy, song sẽ cố gắng chuyển những ý nguyện của Phái đoàn VN lên Cao ủy D’Argenlieu. 
Sau đó, cuộc họp bàn đến việc thành lập các Ủy ban gồm: Chính trị, Quân sự, Kinh tế, Văn hoá, mỗi Ủy ban có một số đại biểu hoặc cố vấn do hai bên cử ra và một Chủ tịch để lần lượt chủ toạ các buổi họp.
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ngày nay. 

Chiều 19/4, Uỷ ban Kinh tế - Tài chính nhóm họp. Tối hôm ấy Ủy ban Văn hoá cũng đã ngồi lại với nhau. Còn Ủy ban quan trọng nhất  là Ủy ban Chính trị thì họp phiên đầu tiên vào ngày 20/4,  do Messmer - đại biểu Phái đoàn Pháp làm chủ toạ ngồi cạnh Max André. Bên VN thì có GS Hoàng Xuân Hãn ngồi cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Riêng Trưởng đoàn Nguyễn Tường Tam không tham dự, vì Phái đoàn VN đã bàn định: Trưởng đoàn chỉ tham dự các phiên họp toàn thể mà thôi.  
Gay cấn
Trong “Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt”, GS Hoàng Xuân Hãn kể lại như sau: “Mở đầu buổi họp, phía VN đã đề nghị 3 vấn đề lớn: 1/ Hợp nhất 3 “Kỳ”, kể cả khi đang có vấn đề xảy ra ở Nam bộ nhằm tạo một hoàn khí (climat) thuận lợi cho việc đàm phán. 2/ Liên lạc ngoại giao giữa VN và các nước ngoài. 3/ Quan hệ ngoại giao giữa VN và Liên hiệp Pháp. Chúng tôi đã cố ý gác vấn đề liên bang ra ngoài để tỏ rõ ý VN chỉ nhận một liên bang kinh tế mà thôi, do vậy nó không đáng để đem ra bàn  ở Uỷ ban Chính trị. 
Phái đoàn Pháp không chịu và đề nghị những vấn đề sau: 1/ Sự đại biểu ngoại giao của VN tại các nước ngoài (ý muốn nói VN có đại diện ở nước ngoài nhưng không có ngoại giao tự do). 2/ Điều lệ tương lai của Đông Dương. 3/  Tổ chức trưng cầu dân ý và vấn đề Liên hiệp Pháp.
Hai bên thảo luận rất găng để giữ đề nghị của mình: Vấn đề và thứ tự nêu ra. Phái đoàn VN  tranh thủ để được bàn về việc Nam bộ đầu tiên. Pháp nhất định không nghe và không nhận đem bàn vấn đề đình chiến mà cố nài để hai vấn đề Trưng cầu dân ý và Liên hiệp Pháp về cuối. Lý do là ở Pháp chưa có Hiến pháp để định đoạt thể thức Liên hiệp, vả lại Cao uỷ và thực dân pháp ở Nam bộ đang vận động mạnh để thành lập nước Nam Kỳ tự trị”.
Sau này cụ Phạm Khắc Hoè  - Tổng Thư ký Phái đoàn VN kể thêm: “Mở đầu buổi họp ta đòi hỏi ngay phải ghi vào chương trình nghị sự vấn đề đình chiến Nam bộ và vấn đề thực hiện một không khí chính trị thuận tiện cho việc đàm phán. Phía Pháp trả lời rằng những vấn đề ấy vượt quá thẩm quyền của hai Phái đoàn vì Hội nghị trù bị không phải là một Uỷ ban đình chiến. Sau một giờ tranh cãi, phía Pháp thấy đuối lý, xin nghỉ giải lao để họ bàn bạc nội bộ thêm với nhau. Trở lại  phòng họp, Pignon nói  phía Pháp đồng ý ghi vào chương trình nghị sự  với nội dung: “Thực hiện một không khí chính trị thuận tiện cho cuộc đàm phán, nhưng không đủ quyền xét vấn đề đình chiến ở Nam bộ”. 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp liền đứng dậy đọc thật to điểm 3 của Hiệp định ngày 6 tháng 3 và nhấn mạnh từng chữ: “Hai bên phải có những biện pháp cần thiết để đình chỉ ngay lập tức những hành động thù địch”. Đồng thời, ông dõng dạc nói tiếp: “Như vậy là chúng ta không những có quyền  mà còn có nhiệm vụ tìm ra những biện pháp cụ thể đề nghị lên Chính phủ của hai bên để thực hiện đình chiến ngay lập tức”.
Lý lẽ sắc bén ấy đẩy phía Pháp vào thế lúng túng, nhưng họ vẫn có những luận điệu quanh co và cuối buổi họp họ đề nghị gác vấn đề lại”.
Phái đoàn VNDCCH và Phái đoàn Pháp tại Hội nghị Đà Lạt năm 1946 ở Trường LycéeYersin.  
9 giờ  sáng ngày 22/4,  Uỷ  ban  Chính  trị  họp phiên thứ hai. Messmer đại diện cho phía Pháp làm chủ toạ. Không khí có vẻ căng thẳng. Ngay từ đầu buổi họp, Phái đoàn VN lại một lần nữa đưa vấn đề đình chiến ra tiếp tục thảo luận, nhưng phía Pháp lại gạt phăng: “Chúng tôi không có quyền bàn vấn đề ấy” và nói thêm: “Vả lại, ở Nam kỳ  hiện không có chiến sự mà chỉ có những hoạt động cảnh sát mà thôi!”.
Đại biểu Phái đoàn Pháp vừa dứt lời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp liền đứng lên phát biểu: “ Nói không có chiến sự ở Nam kỳ là phủ nhận sự thật một cách trắng trợn! Các ông gọi đó là những hoạt động cảnh sát (opérations de police) tức là những hoạt động trừng trị bọn lưu manh, côn đồ để bảo vệ trật tự, thế là bộ đội chúng tôi bị coi như là lưu manh, côn đồ chỉ vì họ là những người chiến sĩ du kích, tinh thần bất khuất và có khi đôi chân không giày. Nói theo cách đó thì hoá ra hàng vạn du kích Pháp chống bọn xâm lược phát xít Đức cũng là lưu manh, côn đồ hay sao? Chúng tôi muốn hoà bình, nhưng là hoà bình trong tự do, công bằng và danh dự, chứ không phải hoà bình trong sỉ nhục và nô lệ. Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 nói rõ ràng là hai bên phải đình chiến. Cho nên “chúng tôi vẫn giữ yêu cầu hội nghị bàn ngay những biện pháp đình chiến, để đề nghị lên hai Chính phủ xét”.
Trước những lời phân tích có  lý, có tình  đó, một số đại biểu của Phái đoàn Pháp đã tỏ ra đồng tình và cảm kích với đề nghị của phía VN. Tuy nhiên, nhận thấy tình hình khá căng, phía VN xin được dừng cuộc họp 1 tiếng đồng hồ. 
Trở lại phòng họp, Nguyễn Mạnh Tường đứng lên phân tích rõ rằng: Những lời đề nghị của Phái đoàn VN  là theo lời Hiệp định sơ bộ, rằng phía VN không yêu cầu hai Phái đoàn thi hành đình chiến, mà chỉ yêu cầu xét những phương sách đình chiến để đề nghị lên hai Chính phủ. Những ngày tiếp theo, không khí các cuộc họp diễn ra như thế nào, mời các bạn theo dõi kỳ tiếp theo…

 Những căng thẳng xung quanh Hội nghị Đà Lạt

Điều ít biết về trường Lycée Yersin: Những căng thẳng xung quanh Hội nghị Đà Lạt

Khách sạn Lang Bian (Place ngày nay) - nơi ở của phái đoàn VNDCCH.
(PLO) - Với ý đồ  không chịu thực hiện Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 và cố tình gây căng thẳng nhằm phá vỡ Hội nghị Đà Lạt, phía Pháp liên tiếp gây ra nhiều khó khăn cho Phái đoàn Việt Nam. Từ khi Phái đoàn lên Đà Lạt, phía Pháp đã tăng cường bao vây rất nghiêm ngặt  vì sợ những người trong Phái đoàn tiếp  xúc  với  nhân  dân. Pháp  đã ra lệnh cấm dân  ở miền dưới lên đây trong 20 ngày…
Bắt bớ
Pháp đã cử  mật thám thăm dò, theo dõi để bắt bớ những người dân yêu nước cố tìm cách tiếp xúc, trao đổi tin tức với Phái đoàn Việt Nam (VN). Sau khi thấy một số đại biểu của Phái đoàn VN tiếp xúc với nhân dân Đà Lạt, Pháp đã đặt ra hai cái lệ để cản trở: Phát tín bài cho nhân viên Phái bộ VN khi tiếp xúc với đồng bào của mình với một lý do hết sức phi lý: Tránh tình trạng những người không có chân trong Phái đoàn đến quấy rối hội nghị! Tiếp theo là hạn chế việc sử dụng ô tô vốn đã cho Phái đoàn VN mượn. 
Nhà đương cục Pháp đối xử với nhân dân Đà Lạt lúc đó ra sao? Hãy nghe cụ Phạm Khắc Hoè kể: “Tất cả những người bị thực dân Pháp cho là có cảm tình với Việt Minh đều có thể bị bắt giam, bị khủng bố hoặc bị trục xuất khỏi Đà Lạt bất cứ lúc nào, cho nên bề ngoài đồng bào nói chung có vẻ dè dặt đối với Phái đoàn ta. Mỗi khi gặp người trong Phái đoàn đi dạo phố hoặc vào cửa hàng, bà con chỉ tỏ cảm tình bằng những cặp mắt trìu mến và những nụ cười thân mật chứ không dám vồn vã, hỏi han. Nhưng nhiều người vẫn tìm gặp cho được những người ở Đà Lạt hoặc lên Đà Lạt như các anh Trần Đăng Khoa, Dương Bạch Mai và tôi để bày tỏ cảm tình và cho biết tin tức”. 
Trưa  23/4, Pháp cho mật thám bắt bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - một đại biểu chính thức có tên trong danh sách của Phái đoàn VN đã đăng ký từ trước, nhưng do bận chiến đấu ở Nam bộ nên về dự hội nghị trễ. Trước đó, ít ai tin rằng Bác sĩ Thạch có thể tham dự hội nghị. Ấy thế mà chỉ ba ngày sau khi khai mạc, ông đã cùng với hai người bạn là Bác sĩ Bùi Quang Tung và Nguyễn Văn Sâm mạo hiểm vượt hàng trăm cây số tìm đường lên Đà Lạt để kịp tham gia bàn việc nước. 
Khi họ vừa đặt chân tới khách sạn Lang Bian gặp Dương Bạch Mai và đi ra khỏi phòng báo chí của Khách sạn Du Parc thì  bất ngờ hai tên mật thám và một viên Đại uý người Pháp ập đến bắt bác sĩ Thạch đưa về Sở Liêm phóng! Bác sĩ Thạch dùng kế “hoãn binh” song bọn chúng vẫn không nghe. Cuối cùng, Bác sĩ Thạch nổi nóng và lớn tiếng: “Được, muốn dùng vũ lực thì dùng, nhưng các ông và Chính phủ Pháp sẽ phải trả giá cho hành vi côn đồ và thiếu văn hoá của mình!”. Thế là bọn chúng lôi Bác sĩ Thạch lên xe và chở  thẳng xuống Sài Gòn! Tiếp theo, nhà đương cục Pháp còn ra lệnh trục xuất cả Bác sĩ Tung và Nguyễn Văn Sâm khỏi Đà Lạt. 
Những ngày sau đó, Chính phủ VN đã  kịch liệt phản đối việc làm trái phép nói trên của thực dân Pháp. Đồng bào nhiều nơi mít tinh đòi Pháp phải trả tự do ngay cho cho Bác sĩ  Thạch. Cuối cùng,  thực dân Pháp đã phải nhượng bộ, thả Bác sĩ Thạch ra và đưa về Hà Nội.
Chợ Đà Lạt năm 1946 
Chèn ép
Một sự kiện đáng chú ý khác là cũng trong ngày 23/4, Cao ủy Pháp lại cho người đến Khách sạn Lang Bian yêu cầu Phái đoàn VN  không được sử dụng máy vô tuyến điện thu phát tin tức về Hà Nội. 
Không thể chịu đựng mãi sự chèn ép quá quắt của đối phương, trong phiên họp toàn thể  lần thứ hai do phía Pháp chủ tọa vào sáng ngày 24/4, sau khi Max André đọc chương trình nghị sự và trao lời cho Pignon thì Trưởng Phái đoàn VN Nguyễn Tường Tam đã đứng lên trịnh trọng nói về chuyện Bác sĩ Thạch bị bắt, kể lại khá chi tiết sự kiện đã xảy ra và nhấn mạnh: “Việc làm đó là trái với tục lệ quốc tế. Là người phụ trách an toàn cho đại biểu Việt, tôi phản kháng!”. 
Max André giải thích: “Nghe nói không phải ông Thạch đã  bị bắt. Vì Thạch đã lên Đà Lạt một cách ngấm ngầm, cho nên đã bị đưa về” (?!). Sau đó, Max André  xoa dịu bằng cách đề nghị Phái đoàn VN trở lại bàn về việc đình chiến  mà trước đây Uỷ ban Chính trị đã tạm gác lại để chờ phiên họp toàn thể. Thấy vậy, Phó trưởng đoàn VN Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Chúng tôi sẽ nêu vấn đề ấy sau này. Nay xin bàn qua vấn đề khác” rồi  đem bài diễn văn  ra đọc.
Tại phiên họp nói trên, một lần nữa Phó trưởng đoàn VN  kịch liệt lên án  thái độ của Phái đoàn Pháp trong việc lảng tránh vấn đề đình chiến. Ông  đề  cập  đến  lòng yêu  nước  nồng  nàn  và  tinh  thần bất khuất, ngoan cường  của các chiến sĩ VN trong  cuộc kháng chiến cứu nước hiện nay,  cũng như các chiến sĩ  Pháp  trong cuộc kháng chiến chống phát xít  nhằm giải phóng cho nước Pháp trước kia khiến người nghe ai nấy đều  xúc cảm. Riêng các phái viên Pháp thì tỏ vẻ khó chịu vì cuộc họp này có sự xuất hiện của khá đông các nhà báo. 
Đáp lại, Pignon đã đọc một bản phúc trình của Phái đoàn Pháp  kiến nghị với 2 Chính phủ Pháp và VN nội dung tóm tắt như sau: Hai Phái đoàn đề nghị lên hai Chính phủ thành lập một Uỷ ban hỗn hợp gồm những người không dính gì đến Hội nghị Đà Lạt, nhưng cũng làm việc ở Đà Lạt, để giải quyết gấp vấn đề đình chiến và tạo không khí  hoà hảo ở cả năm xứ Đông Dương”. Phía VN liền đề nghị tạm ngưng họp một giờ để bàn bạc nội bộ.
Sau khi thảo luận, Phái đoàn VN  nhận thấy đề nghị của Pháp chẳng qua là một sự “xuống thang” về hình thức chứ không có tác dụng thiết thực. Điều khiến nhiều đại biểu lưu ý hơn là cụm từ  “năm xứ Đông Dương” được dùng trong bản phúc trình cho thấy ý đồ của thực dân Pháp vẫn muốn tiếp tục chia cắt Việt Nam, nuôi tham vọng cướp nước  ta một lần nữa và không muốn thực hiện Hiệp định ngày 6 tháng 3,  bằng cách  chia VN ra làm 3 nước: Nam kỳ là nước tự trị, Bắc kỳ từ  Vĩ  tuyến 16 trở ra là VNDCCH, còn Trung kỳ là nước… chưa có tên !
Trở lại phòng họp, các đại biểu Pháp tưởng Phái đoàn VN  đã trúng kế “điệu hổ ly sơn”, nhưng  không ngờ Trưởng đoàn VN lại đứng lên tuyên bố: “Vì phía Pháp thiếu thiện  ý nên phía Việt Nam  đề nghị đình chỉ cuộc họp vô thời hạn!” khiến Phái đoàn Pháp ai nấy đều chưng hửng!  Một số đại biểu Pháp đề nghị phía VN cho biết  hôm nào thì nhóm họp lại  nhưng không nhận được câu trả lời, đành lặng lẽ ra về.
Tuy vậy, chiều 24/4 và những ngày sau đó, các đại biểu trong Uỷ ban Văn hoá và các Uỷ ban khác  của Phái đoàn VN  vẫn đi dự họp bình thường để bày tỏ rằng: Mặc dù không  đồng tình về chính trị với Pháp song vẫn muốn hợp tác về văn hoá và các lĩnh vực khác. Bên ngoài các cuộc đàm phán còn có các cuộc tiếp xúc cá nhân, trao đổi ý kiến không chính thức giữa các đại biểu 2 Phái đoàn Pháp-Việt. D’Argenlieu cũng có nhiều lần tham dự  các cuộc trao đổi này. Song, đáng tiếc là kết quả chẳng đi tới đâu và hai bên quyết định tạm dừng hội nghị./.
Phúc Ân