Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

Giồng Ông Tố: Đất giồng hóa đất vàng

Rạch Bà Nghè, tức rạch Thị Nghè bây giờ, là một dòng kênh xanh biếc, cá lội tung tăng, hai bên bờ là hai con đường tuyệt đẹp với một bên là những mảng cây cỏ xanh tươi mát mắt, một bên là phố xá sầm uất. Giồng Ông Tố cũng không còn cảnh rừng tràm “cây xanh nghịt nghịt” mà hai bên bờ sông Giồng hiện nay là các khu nhà cao tầng mới xây nối tiếp những khu biệt thự sang trọng của một đô thị hiện đại.
Ngược dòng về thời ông Tố đi khẩn hoang
Trước tiên, từ “giồng” là phương ngữ Nam Bộ, biến âm của từ “vồng”, tức một dải đất phù sa nổi lên ven sông, rạch tự nhiên hoặc do bàn tay người vun xới, đắp nên những luống, những vồng để trồng trọt. Đất vồng phù sa ven sông, rạch thường được trồng dưa gang, khoai lang, bầu, bí… Như lời một bài hát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ: “Trên đất giồng mình trồng khoai lang/ Trên đất giồng mình trồng dưa gang…”. Ở Nam Bộ có nhiều địa danh bắt đầu từ “giồng” như Giồng Trôm - một huyện của tỉnh Bến Tre; Giồng Riềng - một huyện của tỉnh Kiên Giang…
Vùng đất giồng hai bên rạch Ông Tố ngày xưa một phần tự nhiên do phù sa đắp bồi mà thành nhưng một phần cũng do bàn tay người nạo vét rạch, đào đắp nên để trồng trọt. Họ là những lưu dân người Hoa, người Việt và người Khmer do ông Trương Vĩnh Tố chiêu mộ đến đây vét rạch, đào kênh, lên vồng canh tác, dựng chợ, lập ấp từ cuối thế kỷ 17. Trương Vĩnh Tố là tướng của phong trào “phản Thanh phục Minh” thất bại, chạy từ Trung Quốc sang thần phục chúa Nguyễn, cùng đợt với hai bại tướng khác là Trần Thượng Xuyên (tức Trần Thắng Tài) và Dương Ngạn Địch.
Hai ông Trần và Dương được chúa Nguyễn cho vào khẩn hoang, lập ấp ở vùng đất mới chiêu nạp của Chân Lạp. Trần Thượng Xuyên dựng nên Nông Nại Đại Phố (tức Biên Hòa ngày nay). Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến có công thành lập Mỹ Tho (Tiền Giang). Cùng đợt này còn có Mạc Cửu đến khai khẩn vùng Hà Tiên. Nhưng họ Mạc đến thần phục vua Chân Lạp trước, sau khi thành lập Hà Tiên đã bị quân Xiêm đánh phá nên Mạc Cửu mới dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn, được chúa Nguyễn phong làm tổng trấn, trấn giữ Hà Tiên.
Riêng trường hợp Trương Vĩnh Tố, do đến sau hai ông Trần, Dương vài năm, khoảng năm 1679 được chúa Nguyễn cho đến khẩn hoang vùng đất mới toàn rừng tràm, dừa nước “cây xanh nghịt nghịt” - bây giờ là khu vực giồng Ông Tố. Rừng rậm lắm cọp, báo; nước ngập nhiều cá sấu, muỗi mòng; đất lại lắm phèn, canh tác thất bát, dân cư dần bỏ đi. Trương Vĩnh Tố buồn sinh bệnh chết, được chôn cất cạnh mộ vợ trên vùng đất vồng bên bờ rạch. Con rạch từ đó mang tên Ông Tố. Cả vùng đất vồng hai bên rạch được gọi là giồng Ông Tố, đọc theo giọng Nam Bộ.
Hiện nay hai ngôi mộ đã hoang phế, điêu tàn nằm trong sân sau của hai nhà số 33 và 35 đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2. Mộ ông Tố nằm trong sân sau nhà số 33, chỉ còn một mảng tường đá ong đổ nát, tấm bia trên mộ chữ đã mất. Tấm bia bình phong lại nằm áp vào tường một căn nhà phía sau, có lẽ chữ cũng đã xóa mờ theo thời gian. Còn mộ bà, theo lời người hàng xóm, lại lọt qua sân sau nhà số 35, người viết không thể tiếp cận được. Những người sống quanh khu mộ cũng ít người biết thân thế ông Tố. Một người bảo có cô giáo ở Trường Tiểu học Giồng Ông Tố khi dạy học trò về tên trường đã bảo ông Tố là người chèo đò đưa Nguyễn Ánh qua sông Sài Gòn chạy trốn quân Tây Sơn!
Hai ngôi mộ cổ nằm cạnh nhau, qua thời gian đất đai được chia nhỏ cho nhiều hộ dân cất nhà dựng phố, vô tình đã ngăn chia bởi một bức tường chia đôi hai nhà. Người viết xin phép chủ nhà số 33 vào thăm mộ và chụp tấm ảnh mộ ông Trương Vĩnh Tố.
Giồng Ông Tố: Đất giồng hóa đất vàng - ảnh 1
Khu dân cư sông Giồng nhìn từ cầu Giồng Ông Tố. Ảnh: PHẠM ĐÌNH
Đất giồng hóa đất vàng
Con rạch hay cũng có thể gọi là sông Ông Tố nhưng dân gian vẫn gọi là sông Giồng Ông Tố, gọi tắt là sông Giồng, bắt đầu từ rạch Ông Nhiêu đổ ra sông Sài Gòn, dài hơn 5.600 m. Rạch Ông Nhiêu cũng có cây cầu mang tên Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh, nối hai phường Phú Hữu và Long Trường (quận 9). Sông Giồng đoạn gần giáp sông Sài Gòn khá rộng, nước trong xanh, là một trong vài sông, rạch ở thành phố ít bị ô nhiễm nhất. Ngôi chợ ở đầu đường Nguyễn Duy Trinh, cạnh cầu Giồng Ông Tố 1, tên bảng hiệu là “chợ Bình Trưng” nhưng bà con vẫn gọi là chợ Giồng. Chợ Giồng Ông Tố được thành lập từ năm 1902, nằm bên sông Giồng, bấy giờ thuộc thôn Bình Trưng, tổng An Bình, tỉnh Gia Định. Trước năm 1997, cầu Giồng Ông Tố nối hai xã An Phú và Bình Trưng trên tỉnh lộ 25, nay là đường Nguyễn Thị Định. Và chợ Giồng, tức chợ Bình Trưng, thuộc xã Bình Trưng, huyện Thủ Đức.
Ngày 1.4.1997, huyện Thủ Đức chia thành ba quận làquận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Xã Bình Trưng được chia làm hai phường làBình Trưng Tây và Bình Trưng Đông. Giồng Ông Tố là tên của cả ba ngôi trường: Tiểu học, THCS và THPT đều nằm trên địa bàn phường Bình Trưng Tây (quận 2). Đặc biệt, trong khuôn viên Trường Tiểu học Giồng Ông Tố và Trường Mẫu giáo Vành Khuyên ở góc đường Nguyễn Tư Nghiêm và đường số 6 (phường Bình Trưng Tây), trước kia là nghĩa trang Nam Đào, có một cặp mộ cổ xây rất kiên cố. Khi giải tỏa nghĩa trang, thợ thủ công dùng cảcuốc, xẻng đào bới và xe xúc cẩu vẫn không di dời được. Vì có hiện tượng tâm linh bất thường nên hai ngôi mộ cổ được xây tường xung quanh giữ lại trong sân trường. Nhiều người ngộ nhận đó là mộ của vợ chồng ông Trương Vĩnh Tố. Thật ra đó là đôi mộ của vợ chồng đại quan họ Trần (trên bia chỉ còn lại họ, không rõ tên) triều Gia Long và mất vào thời Minh Mạng.
Giồng Ông Tố là khu vực hai bên sông Giồng, thuộc các phường An Phú, Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông (quận 2) và phường Phú Hữu (quận 9). Hai bên bờ sông Giồng bây giờ toàn những khu nhà cao tầng đẹp đẽ, tiện nghi, hiện đại nối kết với những khu biệt thự sang trọng. Đại lộ Mai Chí Thọ đoạn từ đường Đồng Văn Cống (gần cầu Giồng Ông Tố 2) gần như chạy song hành với sông Giồng đến hầm vượt sông Sài Gòn làm tăng giá trị đất đai ở đây.
Từ đầu sông Giồng đoạn giáp sông Sài Gòn phía bên Bình Trưng Tây là khu Đảo Kim Cương, rồi khu biệt thự Thế Kỷ 21, phía bên An Phú là các khu biệt thự Văn Minh, Sông Giồng. Hàng loạt dự án nhà cao tầng đang được xây dựng san sát nhau soi bóng xuống dòng sông Giồng. Cả một khu đô thị hiện đại Lakeview City nằm dọc bờ sông phía An Phú (quận 2) đang được gấp rút hoàn thành.
Gần bên, chỉ cách con đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) là khu biệt thự cực kỳ sang trọng The Venica của Công ty Khang Điền, giá chừng vài chục tỉđồng một căn trở lên. Khu vực Giồng Ông Tố hiện nay khá hấp dẫn giới đầu tư địa ốc. Giá đất ở đây bây giờ tăng chóng mặt, từ vài chục triệu đồng/m2 trong hẻm mấy con đường gần đó đến 40-50 triệu đồng/m2 ở khu quy hoạch hay mặt tiền sông.
Hai bên bờ sông Giồng Ông Tố bây giờ hầu hết được xây kè đá và trồng cây trông sạch đẹp và vững chãi, đâu còn cảnh cỏ lát, lau sậy, dừa nước mọc tràn lan như mươi năm trước. Cái địa danh nghe mộc mạc, dân dã Giồng Ông Tố hiện nay cùng với Đông Thủ Thiêm là thương hiệu địa ốc “hot” - hướng phát triển về phía đông của TP.HCM.

Buổi sáng ngồi ở quán cà phê bên bờ sông Giồng Ông Tố (phía Bình Trung Đông), nhìn ngắm công trình xây dựng khu đô thị Lakeview City hoành tráng bên kia bờ sông phía An Phú đang trong giai đoạn nước rút hoàn chỉnh, nghe mấy tay môi giới nói chuyện giá cả nhà đất mà giật mình. Một người nói với một ông khách: “Ông lạc hậu rồi, trước Tết nhà liền kề thô kêu 7 tỉ mấy, giờ đã 8 tỉ mà không còn. Biệt thự rao giá 15-16 tỉ nay đã 18-19 tỉ rồi”. Một anh chàng ngồi cạnh hát nghêu ngao: “Trên đất giồng xưa trồng khoai lang/ Trên đất giồng nay trồng cây vàng…”.
Phạm Đình 
Theo Plo.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét