Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

Hồ Quý Ly phế truất vua Trần, tự mình lên ngôi, mở ra triều đại mới

B.T sưu tầm, SGK Sử 7 
Hồ Quý Ly phế truất vua Trần, tự mình lên ngôi, mở ra triều đại mới
Hình minh họa

Cuối thế kỷ 14, các cuộc khởi nghĩa nông dân liên miên khiến nhà Trần suy yếu trầm trọng. Cuối cùng, Hồ Quý Ly đứng ra lập nên một triều đại mới.

Nhà Hồ thành lập (1400)
Vào cuối thế kỉ XIV, các cuộc đấu tranh của nông dân đã làm cho nhà Trần suy yếu, làng xã tiêu điều, dân đinh giảm sút, Nhà Trần không còn đủ sức giữ vai trò của mình, nên sự sụp đổ là khó tránh khỏi. Giữa lúc đó, xuất hiện một nhân vật mới là Hồ Quý Ly.
Hồ Quý Ly là cháu bốn đời của Hồ Liêm (Hồ Liêm từ quê Nghệ An ra Thanh Háa, được một viên quan đại thần họ Lê nhận làm con nuôi. Ông là người có tài năng, lại có hai người con là phi tần của vua Trần Minh Tông và sinh hạ được ba vị vua cho nhà Trần, nhờ đó mà ông rất được vua Trần trọng dụng.
Hồ Quý Ly đã nắm giữ được chức vụ cao nhất trong triều đình. Sau vụ một số quý tộc nhà Trần mưu giết Hồ Quý Ly không thành (1399), năm 1400, ông phế truất vua Trần và lên làm vua, đặt quốc hiệu là Đại Ngu - nhà Hồ được thành lập.
Hồ Quý Ly phế truất vua Trần, tự mình lên ngôi, mở ra triều đại mới - Ảnh 1.
Tranh vẽ minh họa Hồ Quý Ly khi lên ngôi vua ( Nguồn ảnh: khoahocdoisong.vn)
Những biện pháp cải cách của Hồ Quý Ly
Ngay từ khi còn là một đại thần, đặc biệt sau khi lên ngôi vua, Hồ Quý Ly đã thực hiện những cải cách trên nhiều lĩnh vực.
Về chính trị, ông cải tổ hàng ngũ võ quan, thay thế dần các võ quan cao cấp do quý tộc tôn thất nhà Trần nắm giữ bằng những người không phải họ Trần nhưng có tài năng và thân cận với mình.
Hồ Quý Ly cho đổi tên một số đơn vị hành chính cấp trấn và quy định cụ thể, rõ ràng cách làm việc của bộ máy chính quyền các cấp.
Năm 1397, Hồ Quý Ly đặt trấn Thanh Hóa làm trấn Thanh Đô, trấn Quốc Oai làm trấn Quảng Oai, Lạng Sơn phủ làm Lạng Sơn trấn v.v... và quy định "Lộ coi phủ, phủ coi châu, châu coi huyện. Phàm những vấn đề hộ tịch, tiền thóc, kiện tụng đều gộp làm một sổ của lộ, đến cuối năm báo lên sảnh để kiểm xét. Cho dời kinh đô vào An Tôn (thành Tây Đô - thành nhà Hồ, Thanh Hóa)".
(Khâm định Việt sử thông giám cương mục)
Hồ Quý Ly đặt lệ cử các các quan của triều đình về các lộ thăm hỏi đời sống nhân dân và tìm hiểu tình hình làm việc của quan lại để thăng hay giáng chức.
Về kinh tế tài chính, Hồ Quý Ly cho phát hành tiền giấy thay thế tiền đồng, ban hành chính sách hạn điền, quy định lại biểu thuế đinh, thuế ruộng.Năm 1396, Hồ Quý Ly cho ban hành tiền giấy, gọi là "thông bảo hội sao" gồm 7 loại : 10 đồng, 30 đồng, 1 tiền, 2 tiền, 3 tiền, 5 tiền, 1 quan; cấm dùng tiền bằng đồng (ai có tiền bằng đồng phải đem đổi cho nhà nước lấy tiền giấy).
Năm 1397, ban hành chính sách "hạn đền", quy định Đại vương và Trưởng công chúa không bị hạn chế số ruộng đất tư, số còn lại không được sở hữu quá 10 mẫu, số ruộng thừa phải sung công.
Năm 1402, nhà Hồ định lại biểu thuế đinh, chỉ đánh vào người có ruộng; người không có ruộng, trẻ con mồ côi, đàn bà góa không phải nộp. Thuế ruộng đánh theo phép lũy tiến, có nhiều ruộng đóng nhiều, không có ruộng không phải đóng.
Về xã hội, Hồ Quý Ly ban hành chính sách hạn chế số nô tì được nuôi của các vương hầu, quý tộc, quan lại.
Năm 1401, nhà Hồ quy định chiếu theo phàm cấp, các quan lại quý tộc chỉ được nuôi một số gia nô nhất định. Số thừa ra sung công. Mỗi gia nô thừa ra được nhà nước đền bù 5 quan tiền.
Những năm có nạn đói, nhà Hồ lệnh cho các quan địa phương đi khám xét, bắt nhà giàu thừa thóc phải bán cho dân đói và tổ chức nơi chữa bệnh cho dân.
Về văn hóa, giáo dục, Hồ Quý Ly bắt các nhà sư chưa đến 50 tuổi phải hoàn tục, cho dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để dạy cho vua Trần và phi tần, cung nữ. Ông cũng sửa đổi cả chế độ thi cử, học tập.
Năm 1397, Hồ Quý Ly đề nghị đặt chức học quan ở các lộ và cấp ruộng công cho các địa phương để sử dụng vào việc học.
Hồ Quý Ly phế truất vua Trần, tự mình lên ngôi, mở ra triều đại mới - Ảnh 3.
Di tích thành nhà Hồ (Thanh Hóa) (Nguồn ảnh: vyctralvel.com)
Về quân sự, để đề phòng giặc ngoại xâm, Hồ Quý Ly đã thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường củng cố quân sự và quốc phòng.
Hồ Quý Ly cho làm lại sổ đinh để tăng quân số, tích cực sản xuất vũ khí, chế tạo ra một loại súng mới là súng thần cơ và làm ra một loại thuyền chiến mới gọi là lâu thuyền. Những nơi hiểm yếu đều có bố trí phòng thủ. Cho xây dựng một số thành kiên cố như thành Tây Đô ở Vĩnh Lộc - Thanh Hóa (còn gọi là thành nhà Hồ), thành Đa Bang (Ba Vì - Hà Nội)...
Ý nghĩa, tác dụng của cải cách Hồ Quý Ly
Trước tình trạng suy sụp của nhà Trần và cuộc khủng hoảng xã hội cuối thế kỉ XIV, Hồ Quý Ly đã thực hiện cuộc cải cách khá toàn diện để đưa nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, điều đó chứng tỏ ông là một nhà cải cách có tài và là người yêu nước thiết tha.
Những cải cách của Hồ Quý Ly ít nhiều gặp phần hạn chế tập trung ruộng đất của giai cấp quý tộc, địa chủ, làm suy yếu thế lực của quý tộc tôn thất nhà Trần, tăng nguồn thu nhập của nhà nước và tăng cường quyền lực của nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Cải cách văn hóa, giáo dục có nhiều tiến bộ.
Tuy nhiên, một số chính sách chưa triệt để (gia nô, nô tì chưa được giải phóng thân phận), chưa phù hợp với tình hình thực tế. Chính sách cải cách cũng chưa giải quyết được những yêu cầu bứt thiết của cuộc sống đông đảo nhân dân.

20 vạn quân Minh tràn vào nước ta, nhà Hồ sụp đổ nhanh chóng, khởi nghĩa nổ ra khắp nơi

20 vạn quân Minh tràn vào nước ta, nhà Hồ sụp đổ nhanh chóng, khởi nghĩa nổ ra khắp nơi
Hình minh họa

Sau khi Hồ Quý Ly thất thủ và bị bắt, nhà Hồ sụp đổ trước 20 vạn quân Minh. Nhiều nghĩa sĩ yêu nước dấy binh khởi nghĩa nhưng thất bại.  

Cuộc xâm lược của quân Minh và sự thất bại của nhà Hồ
Tháng 11 - 1406, lấy cớ nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, nhà Minh đã huy động một lực lượng lớn gồm 20 vạn quân cùng với hàng chục vạn dân phu, do tướng Trương Phụ cầm đầu, chia làm hai cánh tràn vào biên giới nước ta.
Quân Minh lần lượt đánh bại quân nhà Hồ ở một số địa điểm thuộc Lạng Sơn. Hồ Quý Ly phải lui về đóng ở bờ nam sông Nhị (sông Hồng), lấy thành Đa Bang (Ba Vì, Hà Nội) làm trung tâm phòng ngự. 
Ngày 22 - 1 - 1407, sau khi đánh bại quân nhà Hồ ở Đa Bang, quân Minh đánh chiếm Đông Đô (Thăng Long). Quân nhà Hồ phải lui về cố thủ ở thành Tây Đô. Tháng 4 -1407, quân Minh tấn công vào Tây Đô, Hồ Quý Ly chạy vào Hà Tĩnh và bị bắt vào cuối tháng 6 - 1407.
Chính sách cai trị của nhà Minh
Sau thất bại của nhà Hồ, nhà Minh thiết lập chính quyền thống trị trên khắp nước ta. Chúng xóa bỏ quốc hiệu của ta, đặt thành quận Giao Chỉ ; sáp nhập nước ta vào Trung Quốc ; thi hành chính sách đồng hóa và bọc lột nhân dân ta tàn bạo. 
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế nặng nề, bắt phụ nữ, trẻ em đưa về Trung Quốc bán làm nô tì, cưỡng bức dân ta phải bỏ phong tục tập quán của mình, tiêu hủy phần lớn sách quý của nước ta và mang về Trung Quốc nhiều sách có giá trị.
"Trương Phụ đi đến đâu là giết hại, hoặc chất thây thành núi, hoặc moi ruột quấn vào cây, rán thịt người lấy mỡ, hoặc nướng đốt làm trò chơi thậm chí có kẻ mổ bụng moi thai cắt lấy hai đầu để ứng lệnh. Ở Kinh lộ và các nơi dân còn sót thì bị bắt hết làm nô tì và bị chuyển bán mà tan tác bốn phương cả".
(Đại Việt sử kí toàn thư)
"Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội, Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa hết mùi".
(Bình Ngô đại cáo)
20 vạn quân Minh tràn vào nước ta, nhà Hồ sụp đổ nhanh chóng, khởi nghĩa nổ ra khắp nơi - Ảnh 1.
Giặc Minh đã thi hành chính sách tàn bạo và hà khắc với nhân dân ta
Những cuộc khởi nghĩa của quý tộc nhà Trần
Ngay sau khi cuộc kháng chiến của nhà Hồ bị thất bại, nhân dân ta ở nhiều nơi đã nổi dậy khởi nghĩa.
Ở Đồ Sơn (Hải Phòng) có cuộc khởi nghĩa Phạm Ngọc; ở Quảng Ninh có khởi nghĩa Lê Ngã ; ở Đông Triều có khởi nghĩa Phạm Chấn, Trần Nguyệt Hồ; ở Bắc Giang có khởi nghĩa Phạm Tất Đại; ở Phú Thọ có khởi nghĩa của Trần Nguyên Thôi; ở Thái Nguyên có khởi nghĩa của Trần Nguyên Khang.
Trong các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh đô hộ lúc bấy giờ, có hai cuộc khởi nghĩa tiêu biểu:
Cuộc khởi nghĩa Trần Ngỗi (1407- 1409)

Đầu năm 1408, Trần Ngỗi kéo quân vào Nghệ An, được Đặng Tất ở Hóa Châu (Thừa Thiên Huế) và Nguyễn Cảnh Chân - trước làm quan ở Thăng Hoa (Quảng Nam) hưởng ứng. Tháng 12 -1408, nghĩa quân đánh tan 4 vạn quân Minh ở bến Bô Cô (Nam Định). Từ đó, thanh thế nghĩa quân vang dậy, nhiều người từ các nơi kéo về theo nghĩa quân.Tháng 10 - 1407, một ngườii yêu nước là Trần Triệu Cơ đưa con của vua Trần là Trần Ngỗi lên làm minh chủ. Ở Yên Mô (Ninh Binh), Trẫn Ngỗi tự xưng là Giản Định hoàng đế.
Sau chiến thắng Bô Cô, Trần Ngỗi nghe lời gièm pha đã giết hai tướng Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, cuộc khởi nghĩa tan ra dần.
Cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoáng (1409 - 1414)
Sau khi Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân bị Trần Ngỗi giết chết, con trai của hai ông là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị cùng nhiều nghĩa quân bỏ vào Nghệ An, đưa Trần Quý Khoáng lên ngôi vua, lấy hiệu là Trùng Quang đế và phát động khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa phát triển nhanh chóng ở các vùng từ Thanh Hóa vào đến Hóa Châu.
Giữa năm 1411, quân Minh được tăng viện binh, mở cuộc tấn công vào Thanh Hóa, nghĩa quân rút vào Thuận Hóa.
Tháng 8 - 1413, quân Minh đánh vào Thuận Hóa, nghĩa quân tan rã dần. Trần Quý Khoáng, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị lần lượt bị bắt. Cuộc khởi nghĩa thất bại.
theo Helino

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét