Tọa
lạc dưới chân núi Ngũ Nhạc (thôn An Mô, xã Lê Lợi, Thị xã Chí Linh, Hải
Dương), khu di tích đền Sinh, đền Hóa được biết đến là vùng thắng tích
núi non hùng vĩ gắn với những câu chuyện nhuốm màu sắc huyền bí.
Đặc biệt, tại đây có khối đá hình phụ nữ
đang sinh con - tương truyền là dấu tích của Đức Thánh Phi Bồng càng
khiến cho ngôi đền trở nên linh thiêng. Đây là một khối đá tự nhiên, cao
khoảng 3m, rộng bằng 2 chiếc chiếu.
Theo giải thích của dân làng, đây là
thạch mẫu đã hạ sinh Đức thánh Phi Bồng. Khối đá tròn nằm ở vị trí trên
cùng là đầu, khối đá phía dưới là bầu ngực, hai khối đá lớn, dài hai bên
là đầu gối, ở giữa hai đầu gối có hai khối đá tượng trưng nơi sinh nở
và bào thai đang chào đời. Hai khối đá mé ngoài cùng là bàn chân.
Theo truyền thuyết, bấy giờ là giờ thân
ngày 8 tháng 5. Khi mặt trời đã gác núi, trẻ mục đồng trang Yên Mô lúc
này đang tụ tập tại nơi đây chợt nghe có tiếng trẻ nhỏ khóc dưới núi bèn
gọi nhau đến đó, thấy một hài nhi dáng vẻ khôi ngô, thiên tư đĩnh ngộ
nằm trên chỗ lõm của hòn đá mà khóc vang như tiếng chuông lớn. Bọn trẻ
bèn lấy nón che phía trên, bế bồng mà đón về. Đến vị trí đền Hoá bây
giờ, bỗng nhiên gió mưa sấm chớp đùng đùng, cát bay đá cuộn khắp nơi.
Đứa trẻ đó hét lên một tiếng rồi vọt thẳng lên trời; Bọn trẻ đều nghe
trên không trung có tiếng nói vọng rằng: Ta là Phi Bồng Hạo Thiên Đại
tướng quân giáng hạ, nhưng đã lộ trong cõi trần thế nên lại phụng chiếu
về chầu thượng đế. Bọn trẻ đều kinh sợ, khi về nói lại cho mọi người,
mọi người tụ họp ở nơi đó thấy hòn đá bị mài mòn khoảng hơn một thước,
rất lấy làm kinh ngạc, liền lập miếu phụng thờ. Từ đó anh linh hiển ứng,
bảo hộ cho dân được khoẻ mạnh, giàu có vậy. Đến triều Trần Nhân Tông,
quân Nguyên kéo sang xâm lược. Bấy giờ Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn
phụng mệnh cầu đảo bách thần, dấy binh xuất chiến. Một hôm truy đánh
giặc Nguyên đến đất huyện Phượng Nhãn thì gặp quân Nguyên theo đường
thuỷ tiến đến. Tiết chế liền hội quân đồn trú tại Côn Sơn. Trong khi sĩ
tốt nấu ăn, tiết chế bèn vào hành lễ cầu đảo tại đền thờ Yên Mô, ước
nguyện được âm phù. Đêm đó nằm ngủ trước án thờ trong đền, đến nửa đêm
thì gặp một ông lão râu tóc trắng xoá, đi từ phương Bắc vào trong đền,
tự xưng là quan thiên thần tên là Phi Bồng Hạo Thiên giáng xuống hòn đá
thời Tiền Lê, nay nghe quốc lão phụng mệnh đánh giặc Nguyên đi qua đất
này nên muốn phù giúp, đợi khi bình định giặc xong mong vua ban sắc
phong, ngôi vị linh hiển. Khoảng khắc sau, tiết chế tỉnh dậy, mới biết
là mộng gặp thần, liền làm lễ cảm tạ. Bỗng trời đất thay đổi, mây đen
bốn bề kéo về, mưa gió ập đến, tiếng ầm ù như sét, thuyền bay lên bờ.
Tiết chế vỗ tay nói: Lòng trời thương đến cho được âm phù bèn hô sĩ tốt
mấy trăm ngàn cùng đuổi quân giặc đến sông Bạch Đằng quyết chiến một
trận, quân Nguyên đại bại, kinh sư khải hoàn, nhà vua mở tiệc khao
thưởng, phong Trần Hưng Đạo làm Quốc Lão Đại Vương. Đại vương tấu rằng:
Quân Nguyên sớm bình định là nhờ sức phù trợ ngầm của thần linh. Vua
nghe được truyện đó liền sai sứ giả sắc phong bách thần, sắc phong
nguyên tự thần hiệu: Phi Bồng Hạo Thiên Tối Linh thượng đẳng thần, sắc
chỉ ban cho thần tử ở xã Chi Ngại, Yên Mô, huyện Phượng Nhãn cùng các
trang ấp nghênh đón mĩ tự của thần về lập đền, điện thờ tự.
Cũng theo người dân ở thôn An Mô, chính
khối đá này cùng những câu chuyện lưu truyền trong dân gian về Đức Thánh
Phi Bồng đã khởi nguồn một nghi thức tồn tại hàng trăm năm nay, đó là
tục cầu tự (xin con) tại đền Sinh. Nghi thức này xuất hiện từ thế kỷ
thứ 6. Thuở ấy, có hai vợ chồng ông Chu Thức và bàHoàng Thị Ba ở trang
Phấn Lôi (xã Thắng Cương, Yên Dũng, Bắc Giang ngày nay) đã ngoài 50 tuổi
mà chưa sinh được một mụn con. Một đêm, ông bà được báo mộng đến miếu
gianh bên trang An Mô (sau này là đền Sinh) mà cầu. Hai vợ chồng liền
sắm lễ vật sang miếu. Sau khi làm lễ, bước ra đến cửa, hai vợ chồng thấy
một dấu chân. Bà Ba ướm thử thấy vừa như in, vết chân cũng biến mất.
Quả đúng như giấc mộng, sau khi làm lễ, về nhà bà có mang rồi hạ sinh
một cậu con trai đặt tên là Phúc Uy mặt mũi khôi ngô.
Năm 15, 16 tuổi Phúc Uy đã văn võ song toàn. Năm 19 tuổi, ông được vua Lý Nam Đế cử cầm quân đánh giặc Lương. Thắng giặc, ông được phong làm trấn thủ xứ Hải Dương. Sau, quân giặc lại kéo sang, ông tử trận bên Việt Yên, Bắc Giang và được lập đền thờ ở đó. Từ đó, những người hiếm muộn lại tìm về đền Sinh với mong muốn sinh được con.
Năm 15, 16 tuổi Phúc Uy đã văn võ song toàn. Năm 19 tuổi, ông được vua Lý Nam Đế cử cầm quân đánh giặc Lương. Thắng giặc, ông được phong làm trấn thủ xứ Hải Dương. Sau, quân giặc lại kéo sang, ông tử trận bên Việt Yên, Bắc Giang và được lập đền thờ ở đó. Từ đó, những người hiếm muộn lại tìm về đền Sinh với mong muốn sinh được con.
Khánh Chi (TTVN)
Tổng hợp
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét