Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Núi Lú Mu - "thánh địa của các vị thần"

Cùng với những ngọn núi thiêng như: Yên Tử, Nghĩa Lĩnh, Côn Sơn… ở miền Bắc hay Thiên Cấm sơn (An Giang), núi Bà Đen (Tây Ninh) Tà Cú (Phan Thiết), Lang Biang (Đà Lạt)… ở miền Nam, ngọn núi hoa cương Lú Mu là nơi hội đủ những yếu tố “địa linh” mà thiên nhiên đã tích tụ và thiên tạo từ hàng vạn năm qua. Từ lâu, người dân ở xã Đạmri đã xem ngọn núi Lú Mu là thánh địa của các vị thần, là nơi thực hành tâm linh.
 
Núi Lú Mu còn có nhiều tên gọi khác nhau như Lu Bu, Lugu…Nằm ở độ cao 1.079m, ngọn núi này được mệnh danh là “nóc nhà” của huyện Đạ Huaoi. Trên đỉnh có một đỉnh đá lớn có thể nhìn thấy rõ từ QL20.
 
Dù chưa được nhiều du khách biết đến nhưng ngọn núi hoa cương ở xã Đạmri này có ý nghĩa quan trọng về văn hóa tinh thần của người dân trong vùng, hơn thế nó còn được xem là đỉnh thiêng của vùng cận Đông Nam bộ.
 
Để lên được đỉnh núi Lú Mu, du khách phải băng qua ba ngọn đồi, vượt qua nhiều con suối và men theo con đường mòn quanh co, hiểm trở và phải mất 5 giờ đồng hồ mới lên đến ngọn núi hoa cương trên đỉnh núi. Theo người dân ở đây, tảng đá hoa cương sừng sững ngự trên đỉnh núi có chiều cao hơn 200m , để đi hết một vòng quanh tảng đá phải mất nhiều giờ đồng hồ . Đứng từ đỉnh núi bạn có thể chiêm ngưỡng những ngọn đồi với những tán rừng nguyên sinh vẫn còn đậm nét nên thu hút được sự tò mò khám phá của khá nhiều đoàn du khảo nước ngoài. Thiên nhiên ở đây thật hùng vĩ, cảnh núi non, rừng cây phủ kín, tiếng kêu hoang dại của muông thú... Đâu đó tiếng rì rào của thác, những làn hơi nước bốc lên tựa như những đám mây mờ ảo... Tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành một cảnh tượng tuyệt mỹ, một bản hùng ca hùng vĩ của núi rừng.

 
Từ trên đỉnh núi, bạn  có thể nhìn bao quát quốc lộ 20 nối TP. Hồ Chí Minh với Đà Lạt. Yếu tố phong thủy cùng những huyền thoại đẹp xung quanh ngọn Lú Mu từng được bác sĩ Paul Néis kể lại trong nhật ký thám hiểm của mình sau hành trình tìm về thượng lưu sông Đồng Nai năm 1880: “... Đỉnh núi hoa cương Lú Mu gần Đạmri ngày xưa là một hòn núi rất lớn. Đỉnh núi mọc đầy chuối quả ngon. Dân cư trong vùng đến hái quả, nhưng một con quỷ khổng lồ vồ họ và ăn thịt hàng trăm người. Không biết cách nào để chống trả, người Thượng vội đi kêu cứu người Khơ-me. Người Khơ-me đến và đào trong núi một lỗ sâu đến tận trung tâm, rồi chất bông và thuốc nổ, châm lửa đốt. Núi vỡ ra thành 7 mảnh nghiền nát con quỷ khổng lồ. Núi Chứa Chan, Da-bakna và những mô đất ở phía sau làng Dong-ly là những mảnh của núi này. Sau khi nghe kể chuyện, chúng tôi có dịp đến nơi nhưng nhận thấy các địa điểm này được coi như chốn linh thiêng, người Thượng không bao giờ dám đến gần…”
 
Lú Mu là ngọn núi thiêng liêng có từ ngàn xưa. Dưới lăng kính phong thủy, địa thế của ngọn núi là nơi “thủy tụ” và là nơi có thế “long bàn hổ cứ” (rồng cuộn hổ ngồi). Có nghĩa là: rồng cuộn khúc quay đầu nhìn lại và cọp (ngồi trên đồi cao) rống vang để hình dung địa thế hùng tráng, linh thiêng.

 
Đặc biệt, từ trên ngọn núi Lú Mu có mạch nước ngầm chảy xuống đồng bằng, tạo thành dòng suối uốn lượn theo triền núi mà người dân quanh vùng gọi là suối Hạ Sanh. Theo dòng chảy từ thượng nguồn, suối tạo nên nhiều dòng thác lớn nhỏ khác nhau. Đến gần chân núi, dòng suối chảy qua một khe đá lớn tạo nên một dòng thác tuôn chảy rất mạnh, tạo thành một bãi tắm rất tuyệt vời, với nhiều khoáng chất tinh khiết. Người dân nơi đây cho rằng, những ai có bệnh tật hay mệt mỏi trong người, thường xuyên tắm suối này sẽ được khỏe mạnh và sảng khoái.
 
Tương truyền cứ mội độ xuân về, cư dân nơi đây cùng các cộng đồng dân tộc anh em từ các nơi xa xôi cũng lục đục kéo về vùng đất ở đỉnh núi Lú Mu này để cùng nhảy múa quanh đống lửa, trình diễn những vũ điệu thần linh, bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến các thần linh đã giúp họ có được một năm mùa màng bội thu và chuẩn bị cho một năm mới nhiều tốt lành. Để đến và tham dự lễ hội dưới chân núi Lú Mu, các bộ tộc phải băng rừng lội suối, vượt qua những gian khổ trong suốt hành trình với một tinh thần quả cảm như minh chứng cho sự tôn kính của họ đối với thần linh của núi Lú Mu. Với họ, đó là một trải nghiệm, vượt qua mọi thách thức của cuộc sống, cũng như nhận được chìa khóa để đến nguồn suối thiêng hầu tắm gội hết bụi trần trước khi vào lễ hội…

 
Nếu ai đó có chút phiêu linh hay nhìn ngọn núi bằng một chiêu cảm tâm linh thì người đó không chỉ thấy đủ cả ba chiều lập thể với áng mây vờn mà còn có thêm một chiều thứ tư sâu thẳm, đó là sự thần bí ngự trị trên đỉnh núi. Những điều mà ta cho là mơ hồ như sự tồn tại của thần thánh hoặc những cuộc hành hương vô hình của các đấng siêu phàm lướt qua các đỉnh núi… là điều hiển nhiên đối với chốn này.
 
Bảo Anh (TTVN)
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét