PNO- Để nấu món ăn có vị chua từ đậm đà đến dịu nhẹ,
người Việt dùng nhiều loại quả tự nhiên. Mỗi loại có một kiểu chua khác
nhau, từ đậm đà đến thanh tao.
Me
Me thường được dùng để nấu canh chua theo kiểu Nam Bộ, chủ yếu là
canh chua cá. Người ta dùng cả me sống và me chín để nấu. Me sống là me
còn xanh, có vị chua thanh, thoảng chút chan chát. Me chín cho mùi thơm
và hơi ngọt. Người miền Tây với món cá linh nấu canh chua, thường dùng
me sống, để nguyên trái rồi giầm trong nước canh. Vị béo của cá hài hòa
với vị chua vừa phải của me, cộng thêm cái nhân nhẩn của rau (thường là
so đũa, điên điển) tạo nên vị ngon vô cùng dân dã. Ngoài ra, người ta
còn dùng me chín để rang tôm, cua, sò hoặc làm một số nước chấm đặc biệt
để chấm cá, khô. Mùa me chín rộ, để trữ me dùng dần, nên bỏ vỏ, bỏ cả
hạt (để tránh mối mọt đục khoét), rồi cho me vào keo, sẽ dùng được cả
năm.
Tai chua
Tai chua (chủ yếu được dùng dưới dạng phơi khô), phổ biến trong những
món ăn miền Bắc. Thường thì người ta dùng tai chua để tạo vị chua cho
món ăn một cách nhẹ nhàng, thoang thoảng, thanh thanh chứ không đậm. Nếu
nấu canh chua, lượng tai chua sử dụng phải nhiều. Nếu me khi nấu chua
chỉ tán lấy nước thì tai chua có thể vừa tạo vị chua, vừa ăn được như
một loại rau, xen kẽ giữa nhiều loại rau khác. Ngoài ra, tai chua còn
dùng để kho cá. Nồi cá kho có thêm ít tai chua sẽ có mùi thơm đặc trưng
đặc biệt là cá bống kho tiêu. Khi nấu bún riêu, nhiều người cũng cho tai
chua vào để nước dùng ngon hơn.
Bần
Bần là loại cây hay mọc sát mé sông để giữ đất, bần cho trái rất
chua. Trẻ con vùng quê đi bơi sông hay hái bần ăn sống, chua nhăn mặt
nhưng vẫn thích. Nhưng nếu ăn kỹ, chấm với muối thì sau vị chua chực là
cái hậu ngọt thanh thanh. Người ta dùng bần để giầm nấu canh chua, canh
ngót. Canh chua bần ngon nhất khi nấu với cá ngác. Ngoài ra, khi nấu lẩu
chua cũng có thể cho bần, kiểu gì cũng ngon. Bần cũng được xắt mỏng
trộn với khô mặn, mắm ba khía giống kiểu xoài sống nhưng đặc biệt hơn.
Sấu
Có lẽ trong những loại quả trên, sấu thuộc hàng “sang” hơn hẳn và là
đặc sản của Hà Nội. Trong món ăn, sấu xanh thường được dùng để nấu canh
với sườn, thịt nạc hoặc cho vào nước rau luộc giầm để làm canh. Vị chua
của sấu rất riêng, đậm, mát và có mùi thơm dịu. Ngoài ra, vịt nấu sấu
cũng là một món ngon khác khá nổi tiếng của người Hà Nội. Khi nấu với
sấu, vịt ngấu cái vị chua thanh của nó, không còn mùi tanh mà thịt cũng
ngon và đậm đà hơn. Ngoài ra, người ta còn dùng sấu để ngâm muối, ngâm
đường để ăn chơi hoặc pha nước uống rất mát.
“Biên độ” chua và mùi vị của từng loại quả trên khác nhau. Đặc biệt, tùy vùng miền mà người ta biết đến quả nào nhiều hơn. Ngoài ra, còn có nhiều loại “quả chua” phổ biến khác hay dùng trong món ăn như chanh, tắc, khế, thơm… nhằm giúp món ăn ngon và độc đáo theo những cách khác nhau.
Tai chua
Bần
Sấu
“Biên độ” chua và mùi vị của từng loại quả trên khác nhau. Đặc biệt, tùy vùng miền mà người ta biết đến quả nào nhiều hơn. Ngoài ra, còn có nhiều loại “quả chua” phổ biến khác hay dùng trong món ăn như chanh, tắc, khế, thơm… nhằm giúp món ăn ngon và độc đáo theo những cách khác nhau.
Nguyễn Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét