Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Tìm ăn bánh mì cụ Lý

(iHay) Trong quyển Sài Gòn 100 quán ngon của Nhà xuất bản Trẻ (1996) đã viết về bánh mì cụ Lý như sau: "Sau hơn ba mươi năm liên tục bán bánh mì dạo với một giỏ tre lớn và di chuyển bằng xe Mobylette, cụ Lý dừng chân ở đầu hẻm 191 Hai Bà Trưng (quận 03). Đó là giỏ bánh mì thịt của một người quê Bắc vào Nam sinh sống".



Vào năm xuất bản quyển sách (1996), cụ Lý mới 58 tuổi nhưng không hiểu do đâu mà được người mua gọi bằng “cụ”. Thời đó cụ Lý bán ổ bánh mì kẹp ba loại chả bò, chả lụa và chả bì. Ở trong không có pâté hay đồ chua như thường thấy, mà chỉ gồm những thanh chả ăn cùng với hành tây và dưa leo, rắc lên muối tiêu và xì dầu (nước tương) hay nước mắm tùy theo khách yêu cầu.
Vào hẻm tìm ăn bánh mì cụ Lý 1
Anh Thiện, thế hệ thứ ba kế nghiệp bánh mì cụ Lý vẫn giữ mâm chả phủ lá chuối như xưa trong con hẻm 191 Hai Bà Trưng, quận 03
Khách của cụ Lý đa số là công nhân viên, sinh viên, học sinh mua rồi dừng lại ngồi trên xe mà ăn vì "tiệm" của cụ chỉ là một cái mâm đặt trên chiếc ghế đẩu và phủ lá chuối thật sạch sẽ. Bánh mì cứ cách 1 giờ lại có người mang tới nên luôn nóng giòn. Cụ đứng bán một mình từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, với mức giá từ 1.500 đồng đến 2000 đồng/ổ (thời điểm 1996).
Anh Thiện, thế hệ thứ ba nối nghiệp bán bánh mì cụ Lý cho biết “cụ Lý bán bánh bánh mì từ những năm 1950, đến khoảng năm 2003 thì nghỉ. Sau đó người bà con cụ Lý là ông Hiếu và con bán, rồi bây giờ đến tôi”.
 
Món giò thủ (chả đầu) hấp dẫn do gia đình tự làm
Vào hẻm tìm ăn bánh mì cụ Lý 3
Riêng món chả bò thì là phải đặt người làm chả ở khu chợ ông Tạ vì họ có bí quyết làm chả ngon đến mức không ai bắt chước được
Anh Thiện vẫn lưu giữ cách bán bánh mì trên chiếc mâm nhỏ phủ lá chuối như xưa, bày các món chả bò thì là, chả lụa, nhưng thay món chả bì cụ Lý bằng món giò thủ (chả đầu). Còn các món ăn kèm vẫn là hành tây, dưa leo thái miếng to, ớt, muối tiêu, và nước tương như ngày nào
Chả bò thì là loại chả làm theo kiểu Bắc, khác hẳn với chả bò miền Trung (không có rau thì là), được đem nướng tương tự như chả quế chứ không phải gói trong lá chuối rồi luộc chín.
Món giò thủ và chả lụa thì gia đình tự làm lấy, tuy nhiên, món chả bò thì là phải đặt người làm chả ở khu chợ ông Tạ vì họ có bí quyết làm chả ngon đến mức không ai bắt chước được”, anh Thiện chia sẻ.
Vào hẻm tìm ăn bánh mì cụ Lý 4
Ổ bánh mì ngót nghét 50 năm tuổi với bao ký ức đẹp về Sài Gòn
Theo hồi ức của một người Sài Gòn xưa thì khu ngã ba Ông Tạ có nhiều gia đình làm giò chả di cư từ Bắc vào Nam năm 1954. Thậm chí, những người làm giò chả tiên phong trên đất Mỹ sau năm 1975 phần lớn có xuất xứ từ ngã ba Ông Tạ hoặc trên đường Trương Minh Giảng (Cách Mạng Tháng 8 ngày nay).
Một khách hàng đã 40 năm bền bỉ ăn bánh mì cụ Lý cho biết, món chả bò thì là độc đáo này nhất thiết phải ăn với hành tây mới hợp, đó cũng là lý do vì sao món bánh mì kẹp ở đây chỉ có hành tây và dưa leo mà không có đồ chua (hỗn hợp củ cải hay cà rốt ngâm chua). Có ăn như vậy thì mới "bật" lên hương vị quyến rũ của ổ bánh mì này.
Mỗi ngày, anh Thiện chỉ bán chừng hơn 100 ổ bánh mì với vài ký chả, giò. Phần lớn khách tới ăn là các khách quen từ những ngày xưa cũ. Khoảng 9 giờ sáng bánh mì đã bán hết, lúc ấy, khách quen tới ngồi quây quần quanh mẹt bánh mì, vừa ăn vừa trò chuyện với chủ quán.
Chỉ cách con đường sầm uất bậc nhất Sài thành mươi mét, vậy mà cảm giác như thời gian đã ngừng trôi tại quầy bánh mì này. Đôi khi tôi tự hỏi, người ta đến đây vì ổ bánh mì ngon, hay vì những ký ức đẹp của Sài Gòn?
Giang Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét